Ngày này năm ngoái tôi đã viết bài “Lời ước nhân Ngày đầu
năm”. Nay theo truyền thống đó, xin viết tiếp một bài nữa.
Ngày đầu năm, theo phong tục lâu đời ở nước ta là khai bút,
xin lại viết ít dòng mong xin Trời Đất ban phước lành cho nhân dân và đất nước
chúng ta. Nhất là năm nay, Đinh Dậu, là năm con gà gáy sáng mang lại ánh sáng
cho đất nước cứ mãi tăm tối với cái chủ nghĩa xã hội hết sức ngớ ngẩn của một
lão già càng ngày càng chứng tỏ sự bảo thủ, trì trệ và có thể kết luận là đại
diện cho nhóm lợi ích (cái tên mỹ miều là Đảng Cộng sản Việt Nam) đặt quyền lợi
của họ trên hết, tức là trên cả nhân dân và đất nước.
Hãy cho phép tôi đề đạt những ước nguyện của mình cho sự
phát triển của đất nước mà trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, dẫu đã có nhiều tiến
bộ nhưng còn lâu mới đạt được kỳ vọng của nhân dân, vốn đã chịu quá nhiều đau
khổ, nhất là sau những tổn thất vô cùng to lớn của 3 cuộc chiến tranh hết sức
khốc liệt trong 43 năm chống ngoại xâm.
Ước nguyện lớn nhất và duy nhất của tôi là nước ta sớm thực
hiện được thể chế nhà nước pháp quyền thực sự, chứ không chỉ là lời nói sáo rỗng,
mị dân. Bởi lẽ nhà nước pháp quyền thì thể chế phải là tam quyền phân lập, chứ
không thể theo thể chế độc tài toàn trị với điều 4 của Hiến pháp để Đảng Cộng sản
là cơ quan quyền lực duy nhất ngồi xổm lên luật pháp. Khi điều đó được thực thi
thì nhiều điều như trong mơ sẽ được thực hiện ngay tức thì.
Trong bài viết năm ngoái tôi có đặt nhiều kỳ vọng vào Hiệp định
TPP, nay với việc Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì giấc mơ đó đã tan như mây
khói. Dĩ nhiên Hoa Kỳ là nước lớn, hùng mạnh nhất nhì, thành viên Hội đồng Bảo
An LHQ, đang lãnh đạo thế giới thì chúng ta phải hết sức lưu ý, thế nhưng giới
lãnh đạo nước ta, tư duy kém cỏi, quen thói tiểu nông khôn lỏi, không đủ trí tuệ
phân tích tình hình, đánh đu giữa Mỹ và Tàu, đặt cược quá nhiều vào Đảng Dân chủ
nên bây giờ mới ngã bổ chửng ra là điều tất nhiên.
Dĩ nhiên việc phân tích địa chính trị là trách nhiệm của các
chuyên gia – các nhà kinh tế và những chính trị gia – tôi không dám có ý kiến
gì. Chỉ là một cán bộ nghiên cứu vật lý hết sức bình thường, nay về già lại còn
mắc bệnh mê tín nữa cơ, nhưng là ngày đầu năm được phép mơ mộng. Nhưng để mơ mộng,
với tác phong của nhà khoa học, hãy để lý trí làm việc ít nhiều.
Đi học Đức (dẫu chỉ là Đông Đức thì vẫn cứ là Đức) từ nhỏ,
dùng tiếng Đức khá thành thạo, tôi chăm đọc tờ Spiegel. Hai số 47 và 48 tháng
11 vừa qua, sau kỳ bầu Tổng thống Mỹ, có những bài phân tích hết sức hay về
thoái trào của phe Dân chủ, toàn cầu hóa trên thế giới nói chung chứ không chỉ
riêng Mỹ và sự lên ngôi của các phong trào dân túy, đặc biệt ở Tây Âu, và ở Mỹ,
nay với việc Obama về nghỉ và Trump lên ghế Tổng thống, cũng chỉ là hệ lụy tất
nhiên của xu hướng này.
Tôi đặc biệt ấn tượng về bài giới thiệu Trump, rồi bài phân
tích về chủ nghĩa phát-xít có nhắc tới Faschismustest-phép thử chủ nghĩa
phát-xít của các chuyên gia Ernst Nolte, Umberto Eco và Robert Paxton, thấy
trong mười bốn tiêu chuẩn của chủ nghĩa phát-xít Trump đã đạt tám điểm cộng,
năm trừ, một trung tính. Thế nhưng Paxton khuyên chúng ta không nên gọi Trump
là tên phát-xít, bởi lẽ lý thuyết và hành động khác nhau. Khi lên làm Tổng thống
thì Trump đã được đặt vào một vị trí khác, chưa nói chủ nghĩa phát-xít những
năm hai mươi, ba mươi thế kỷ trước không thể so với thời nay, thời của phong
trào dân chủ đã hết sức phát triển và thời của toàn cầu hóa.
Tranh biếm họa chống Donald Trump: “Làm cho nước Mỹ phát xít
trở lại”. Ảnh: internet
Tôi khá ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn trẻ, dẫu có bằng tiến
sĩ Âu Mỹ đường hoàng, thậm chí những trường nổi tiếng như École Polytéchnique,
vẫn có những ‘ný nuận’ rất ‘cùi nhầy’ rằng, ta là nước nhỏ phải ‘thuận theo nước
lớn’ thôi!
Thế thì Mêhicô phải nghe theo Hoa Kỳ, chấp nhận Trump xây bức
tường 3200 km, rồi trả tiền cho bức tường đó ư? Hay cứ để anh Putin thoải mái
xâm chiếm đất nước mình như Ukraine? Hay để ngoại bang lấy nước mình làm chiến
trường thử vũ khí như Afganistan, Iraq, Syria…
Rồi để lão Tập sau khi chiếm hoàn toàn Biển Đông, cũng thoải
mái xây bức tường ngăn Việt Nam với Trung Quốc chăng? Và bắt Việt Nam phải trả
tiền?
Nước Trung Hoa lớn hơn Việt Nam hàng chục lần, dân số gấp gần
hai chục lần, với nền văn hóa năm ngàn năm, nền văn hóa của chúng ta chỉ có ba
ngàn năm, nước ta lại luôn bị Tàu đô hộ, làm sao có thể vượt mặt Tàu được?
Đây thực sự là một câu hỏi hết sức lý thú!
Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, dẫu có rất nhiều mặt tiêu cực của
chủ nghĩa thực dân, vẫn phải công nhận là nước ta đã tiến bộ hơn Trung Hoa về
nhiều mặt, nhất là tiếp cận văn hóa phương Tây. Một trăm năm đi với người Pháp,
chúng ta có cả một Cochinchine là thuộc địa, trong khi Trung Hoa chỉ có lèo tèo
vài tô giới Mã Cao, Hồng Công, Thiên Tân, Thanh Đảo… Sau đó thời cộng sản chúng
ta tiếp thu nhanh những mặt tích cực của Liên Bang Xô Viết, trong lúc lão Mao
chỉ tìm cách ganh đua với lão Xít.
Nước ta hoàn toàn có khả năng đi trước Trung Quốc trong một
thế giới toàn cầu hóa như hiện nay. Thế nhưng Lão Lú với não bộ già nua, trí tuệ
kém cỏi, bảo thủ chẳng thể làm Thein Sein Việt Nam được đâu! Cái Đảng cộng sản,
dẫu có những đóng góp tích cực từ thời xa xưa, nhất định phải xóa đi để xây dựng
lại, lão giáo sư ‘xây dựng đảng’ chẳng cứu được nó đâu!
Mong sao Quốc hội trong năm nay sẽ xóa bỏ được điều 4 hết sức
vô lý của Hiến pháp CHXHCNVN. Liệu vị nữ Chủ tịch có làm được việc khó khăn đó
không? Người ta bảo những nước cộng sản với sự bóp nghẹt tự do, bộ máy công an
khắc nghiệt, không thể có cách mạng mà chỉ có thể xảy ra cuộc thay đổi trong nội
bộ như Nga trước đây 28 năm. Mong cho Chủ tịch Quốc hội cũng sánh vai được với
bà Aung San Suu Kyi bên Myanmar láng giềng làm cuộc cách mạng thật sự trên đất
nước này.
Có vậy thì chắc chắn là “con hơn cha” đấy, mà con hơn cha là
nhà có phúc như dân gian đã nói! Cha bà chắc chắn có tội nhiều hơn công cho đất
nước này! Bà có kế tục được truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu hay không?
Chỉ mong cho hạnh phúc sớm đến với nhân dân một đất nước
hàng chục năm nay vẫn bị chính sách “ngu dân’“ của một lũ cai trị hung bạo và dốt
nát tự xưng là cộng sản, kìm hãm mãi trong u tối, hủ lậu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét