Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Học thạc sĩ ở Việt Nam, Phật Thích Ca cũng phải thi môn triết Mác



Định Thiên

Cổng các ngôi chùa ở Việt Nam thường có 3 cửa gọi là cổng tam quan, trên mỗi cửa có chạm khắc những chữ Hán lớn : 空門, 智恵門, 解脱門 (không môn, trí tuệ môn, giải thoát môn). Những chùa không có cổng tam quan thì cũng treo bức hoành phi: 智恵解脱 (trí tuệ giải thoát) ở chính điện hoặc ở những vị trí trang trọng.

Hàm ý là khi bước vào cổng chùa tức là bước vào những cánh cửa của trí tuệ giải thoát, không còn dính mắc mọi nhiễu sự của thế gian. Nhờ tu hạnh giải thoát mà bậc chân tu có trí tuệ sáng, tinh thông thế sự, thấy trước thời vận. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã từng xuất hiện những bậc chân tu như vậy, điển hình có Vạn Hạnh Thiền Sư, Mãn Giác Thiền Sư...

Việc Học viện Phật giáo Việt Nam ở TP. HCM tuyển sinh thạc sĩ Phật học lấy triết học Mác Lê làm môn thi bắt buộc đã gây cho người đời nhiều nụ cười chế nhạo, bởi lẽ nhà chùa tu đạo trí tuệ giải thoát mà còn bị lệ thuộc sâu. Vì lệ thuộc cho nên phải thỏa hiệp, đại thể là: muốn được cấp phép mở trường thì bắt buộc phải học phải thi môn triết học Mác Lê.

Trước chưa có phép cũng chả sao. Nhà chùa cũng mở trường mở lớp dạy kinh. Thời ấy trường lớp không hào nhoáng và nổi bật như bây giờ mà thường được lập ra trong những ngôi chùa rộng, không khí rêu phong tĩnh lặng. Người đi dạy thì uy nguy người đi học thì nền nếp... Đạo phật trong ký ức tuổi thơ của tôi tuy đơn sơ mà đoàn kết, một khối tinh thần cứng như kim cang, chứ không chia năm xẻ bảy như bây giờ.

Nay thì củ cà rốt được đưa ra kèm theo với một cây gậy! Vấn đề là bản lĩnh các hòa thượng. Thay vì chọn lý tưởng thì họ đã chấp nhận sự lệ thuộc để được cấp phép mở trường, được in sách, được phát biểu trên ti vi... Bị lệ thuộc thì làm sao mà có giải thoát, không có giải thoát cho nên trí tuệ của họ cũng "thường thường bậc trung".

Thông báo tuyển sinh ghi: "Mối liên hệ giữa triết học Phật giáo và Mác - Lênin" (1). Người có trình độ bình thường cũng nhận ra lỗi cẩu thả về văn bản. Liên từ "và" không thể dùng để nối "triết học Phật giáo" với (các ông) "Mác - Lênin" được. Viết lại cho cẩn thận là: "Mối liên hệ giữa triết học Phật giáo và triết học Mác - Lê Nin". Đây không phải là chuyện vạch lá tìm sâu mà là sự nghiêm túc của công việc giáo dục, môi trường giáo dục Phật giáo thì càng phải nghiêm túc.

Ngay cả khi viết đúng văn bản rồi thì về mặt nội dung cũng không thể chấp nhận được. Đạo Phật cấm tu sĩ học ngoại điển để chuyên tâm vào Phật học và tinh nghiêm giới luật, thiền định. Quy định là thế nhưng thời nay nếu bảo nhà chùa nói không hoàn toàn với việc học ngoại văn thì bị cho là không thức thời. Thế nhưng đứng trước sự chọn lựa thì người bản lĩnh sẽ không buông bỏ lý tưởng, rồi cân đo lý tưởng của Phật Thích Ca lên bàn cân với triết học Mác Lê, một phiên bản lỗi của lịch sử triết học loài người. Vài ba quốc gia còn theo học thuyết Mác Lê làm chính thể cai trị đều là những quốc gia kém phát triển, hoặc là những quốc gia "có vấn đề" khiến cả thế giới phải luôn luôn dè chừng.

Bình tâm mà suy nghĩ, phải chăng các hòa thượng đã phát minh ra một đạo lý cao siêu gì ở triết học Mác Lê tương đồng với đạo trí tuệ giải thoát của Phật Thích Ca? Nếu vậy thì hẳn là hòa thượng tiến sĩ Thích Quang Thạnh đã không từ chối trả lời câu hỏi của BBC: "theo ông giữa triết học Mác - Lê Nin và Phật học có mối liên hệ với nhau như thế nào"?

Tại sao các lãnh đạo Đảng Cộng Sản tỏ ra quá thân thiết hữu hảo với nhà chùa? Phải chăng niềm tin phật pháp của họ rất cao nên đã bén duyên với nhà chùa? Nếu vậy thì người dân đất nước do ĐCS lãnh đạo đã không than trời về nạn tham nhũng đang làm khánh kiệt đất nước! Nếu thế thì cơ sở tu Thiền tĩnh thức (mindfulness) của Thiền Sư Nhất Hạnh ở Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng đã không bị họ đánh cho tan tành chỉ sau vài tháng tồn tại (2)

Vậy đằng sau những cái bắt tay hữu hảo đó là gì? Nếu các hòa thượng không dùng trí tuệ giải thoát của đạo Phật để soi chiếu rồi sòng phẳng với lương tâm của mình một lần, thì dự là đạo Phật ở Việt Nam sẽ còn xuống cấp và chuyện đàm tiếu cho người thế gian sẽ còn dài dài. ĐCS cũng nên thôi kiểu công tác dân vận theo lối suy diễn tam đoạn luận: “Vì A theo B mà B theo C cho nên A cũng theo C”, để mà áp dụng những 'format' dân vận hợp với lòng dân hơn trong công cuộc lèo lái con thuyền đất nước, mới hết canh cánh mối lo: "chất lượng tín đồ suy yếu, số lượng tín đồ thì ngày càng sụt giảm" như một thống kê mới đây về đạo Phật của cơ quan quản lý tôn giáo thuộc nhà nước (3).

ĐỊNH THIÊN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét