Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Tại sao không thể mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất?


Người Việt

 Một chiếc máy bay của Vietnam Airlines cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất. (Hình minh họa: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)


Phi trường Tân Sơn Nhất sẽ không bị nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất nếu cách nay vài năm chính quyền Việt Nam không vứt bỏ những khuyến nghị của các chuyên gia. Báo chí Việt Nam vừa điểm lại hàng loạt sự kiện, khuyến cáo liên quan đến việc từ chối mở rộng phi trường lớn nhất Việt Nam mà giờ cả ra lẫn vào, bay lên hoặc đáp xuống đều nan giải.
Hàng loạt viên chức Việt Nam đã dựa trên yếu tố lượng khách đến và đi từ phi trường Tân Sơn Nhất càng ngày càng tăng để ủng hộ chủ trương, không làm gì thêm với phi trường Tân Sơn Nhất mà “tập trung các nguồn lực” để xây dựng một phi trường quốc tế tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với chi phí dự trù lúc đầu là $18.7 tỷ, sau đó, do bị chỉ trích kịch liệt, chi phí giảm xuống còn $15. 8 tỷ.

Những viên chức này lập luận rằng sở dĩ cần loại bỏ ý tưởng mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất, xây dựng mới một phi trường quốc tế ở Long Thành là vì Tân Sơn Nhất đã hết đất và nằm giữa trung tâm thành phố Sài Gòn nên hết sức bất tiện.

Các chuyên gia từng chỉ ra những lập luận này là ngụy biện vì chi phí xây dựng phi trường Long Thành quá lớn, mức độ tác động đến kinh tế – xã hội theo hướng tiêu cực rất khó lường. Chẳng hạn nợ nần của quốc gia sẽ tăng mà không có gì bảo đảm dự án phi trường Long Thành sẽ sinh lợi.

Theo nhiều chuyên gia, thay vì xây dựng phi trường Long Thành thì nên mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về hướng Bắc, bởi không phải Tân Sơn Nhất không còn chỗ để mở rộng. Ở hướng Bắc của phi trường này đang còn 157 héc ta đất do Bộ Quốc Phòng Việt Nam quản lý, và đang cho thuê làm sân golf.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, yếu tố phi trường Tân Sơn Nhất chỉ cách trung tâm thành phố Sài Gòn khoảng 13 cây số là một lợi thế chứ không phải điều bất tiện. Một thống kê năm 2011 cho thấy, có đến 29/100 phi trường đông đúc nhất thế giới chỉ cách trung tâm thành phố nơi chúng tọa lạc trong vòng 10 cây số. Tại Việt Nam, phi trường Đà Nẵng là một bằng chứng cho thấy việc phi trường gần trung tâm giúp phát triển một thành phố như thế nào.

Ông Nguyễn Phụng Tâm Phúc, một kỹ sư hàng không làm việc tại Hoa Kỳ, nói nhiều nơi sẵn sàng chi tiền để bồi đắp sông, biển để tạo lập hoặc duy trì phi trường gần trung tâm các thành phố. Tân Sơn Nhất vốn có sẵn lợi thế đó thì chính quyền Việt Nam lại “ngại.”

Ông Phúc nói thêm, Tân Sơn Nhất vốn không nhỏ nhưng do phát triển bát nháo nên không gian bị thu hẹp. Thiếu Tân Sơn Nhất, Sài Gòn và các tỉnh miền Nam sẽ bị động trong giao thương và mất đi một lối cứu sinh tức thời khi cần hỗ trợ khẩn cấp lúc có thiên tai. Cách nay hai năm, giống như một số chuyên gia khác, ông Phúc đề nghị khai thác tối đa diện tích của phi trường Tân Sơn Nhất và phối hợp khai thác các phi trường lân cận như Cần Thơ, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Nẵng… để giảm tải, điều tiết họat động cho phi trường Tân Sơn Nhất.

Mở rộng và phát triển phi trường Tân Sơn Nhất vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa tối đa hóa được các lợi ích, có thể thỏa mãn nhu cầu của hoạt động hàng không ít nhất trong ba hoặc bốn thập niên nữa. Nếu khai thác quỹ đất hiện có một cách thông minh, Tân Sơn Nhất sẽ có vị thế không kém gì phi trường Changi của Singapore.

Những phân tích, khuyến nghị đó giống như “nước đổ lá khoai.”

Giờ đây, thực trạng hoạt động của phi trường Tân Sơn Nhất là một thảm họa phải giải quyết gấp. Ông Đinh La Thăng, bí thư của thành phố Sài Gòn, cách nay hai năm là bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, chính thức thú nhận, những lý do để từ chối mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất trước đây “không thuyết phục.”

Tuy nhiên, thay vì hủy bỏ dự án xây dựng phi trường quốc tế ở Long Thành, thu hồi toàn bộ 157 héc ta mà Bộ Quốc Phòng đang làm sân golf thì hôm 20 Tháng Giêng, Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng, thay mặt chính phủ Việt Nam, chọn việc chỉ sử dụng 21 héc ta đất mà Bộ Quốc Phòng giao lại để xây thêm hai nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm ở phía Nam, một số đường lăn và cải tạo phi đạo phía Bắc để giải quyết vấn nạn quá tải của phi trường Tân Sơn Nhất.

Chính phủ Việt Nam giải thích họ quyết định như vậy bởi vì chi phí xây dựng chỉ khoảng… 19,700 tỷ đồng, thời gian xây dựng không quá ba năm mà vẫn đáp ứng được lượng khách qua lại Tân Sơn Nhất từ 43 đến 45 triệu lượt người/năm.

Các chuyên gia hàng không lại tiếp tục phản đối vì bản chất của giải pháp này là nửa vời, tiếp tục gây lãng phí tiền bạc và trong tương lai sẽ tiếp tục tạo ra những thảm họa giống như hiện nay cho cả ra lẫn vào, bay lên hoặc đáp xuống.

Theo các chuyên gia, chỉ có thể thể giải quyết tận gốc các vấn nạn liên quan đến phi trường Tân Sơn Nhất nếu thu hồi 157 héc ta ở phía Bắc phi trường Tân Sơn Nhất mà Bộ Quốc Phòng vẫn thủ giữ để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về hướng đó. Khi các nhà ga tọa lạc ở vị trí sân golf hiện nay sẽ rất dễ điều hòa giao thông ở cả khu vực cũ và mới, chưa kể có thể tạo thêm từ 40 đến 50 chỗ cho phi cơ đậu. Trong tương lai, nếu lượng hành khách qua lại tăng lên tới 60 triệu/năm cũng vẫn không bị động. Nếu vẫn tiếp tục “né” sân golf, mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất theo giải pháp chính phủ Việt Nam vừa chọn thì chỉ ba hoặc bốn năm nữa, phi trường Tân Sơn Nhất sẽ lại quá tải.

Gần như các phân tích, khuyến nghị vừa kể sẽ tiếp tục bị vứt vào sọt rác. Giống như nhiều dự án khác (bauxite, phát triển thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên,…), những quyết định vội vàng, thậm chí mờ ám liên quan đến hoạt động hàng không sẽ không bao giờ được xét lại để truy cứu trách nhiệm. Đó cũng là lý do cho vô số những chủ trương, quyết định tùy tiện khác ra đời, bất chấp hậu quả nặng nề cho quốc kế, dân sinh. (G.Đ.)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét