Công nhân làm việc trong một nhà máy ở tỉnh Bắc Giang. (Ảnh
tư liệu)
Một ngày sau khi tân Tổng thống Donald Trump hôm 23/1 ký sắc
lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Trung Quốc
tuyên bố cam kết tiếp tục dấn chân vào tiến trình hội nhập kinh tế Châu Á-Thái
Bình Dương trong tinh thần cởi mở, nhiều thành phần và minh bạch.
Tại các diễn đàn kinh tế quốc tế gần đây từ thượng đỉnh G20
tới APEC hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc liên tục đưa ra những hứa hẹn,
bày tỏ sẵn lòng cùng hợp tác với các nước vì thịnh vượng-phát triển kinh tế
chung.
Và phản hồi ‘tức thời’ hôm 24/1 của Trung Quốc cho thấy dường
như Bắc Kinh đã chờ đợi thời cơ từ lâu và sẵn sàng soán ngôi của Mỹ trở thành
nước dẫn đầu luật lệ thương mại toàn cầu. Vậy vấn đề đang được nhiều người quan
tâm và nêu lên là liệu Trung Quốc có thể hoàn thành tham vọng đi đầu về toàn cầu
hóa hay không?
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhà kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài
khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên hiệp quốc, hiện là tư vấn cho một số định
chế quốc tế trong đó có Ngân hàng Phát triển Châu Phi, người có nhiều công
trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế của Việt Nam, cho rằng:
“Điều đó tùy thái độ của Trung Quốc, của Mỹ, và của các nước
khác. Tôi không nghĩ là các nước họ sẵn sàng trao gửi cho Trung Quốc để Trung
Quốc tàn phá nền kinh tế của họ.”
Ngoài niềm tin của các nước và uy tín của Trung Quốc trên
trường quốc tế, nội bộ đầy mâu thuẫn của Trung Quốc cũng là một yếu tố khiến Bắc
Kinh khó có thể điền khuyết cho Mỹ, như nhận định của kinh tế gia Nguyễn Xuân
Nghĩa từ California, một nhà bình luận phụ trách chuyên mục kinh tế cho nhiều
báo đài ở hải ngoại:
“Ông Tập Cận Bình nói chuyện tại Davos vừa qua muốn thay thế
nước Mỹ trở thành nước vô địch về tự do mậu dịch toàn cầu. Thật sự, ngay trong
nội bộ Trung Quốc cũng đang có nhiều vấn đề. Trung Quốc thấy Hoa Kỳ rút lui TPP
như vậy mà cho là có thể trám vào chỗ trống đó trong khi nội bộ của họ, giữa
các tỉnh, giữa tư doanh và quốc doanh của họ cũng đang có những mâu thuẫn về
quyền lợi kinh tế dẫn tới mâu thuẫn về quyền lợi chính trị.”
TPP do Mỹ dẫn đầu sụp đổ, các chính phủ và giới doanh nghiệp
Châu Á đang chuẩn bị hướng mắt tới các hiệp định thương mại đa phương thay thế
khác, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP).
Singapore đã lên tiếng sẽ tiếp tục tham gia vào các sáng kiến
hội nhập thương mại khác trong khu vực trong khi Malaysia cho biết đang tìm các
lựa chọn thay thế, kể cả RCEP, hiệp định dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm
2017.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/1 khẳng định Bắc Kinh “sẽ
xúc tiến quá trình thương lượng RCEP và việc xây dựng Hiệp định Tự do Thương mại
FTAAP của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhằm bổ sung xung lượng mới cho sự
phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu.”
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng RCEP của Trung Quốc khó
có thể lấp khoảng trống mà TPP để lại.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa:
“Tôi nghĩ điều đó không xảy ra vì RCEP do Trung Quốc đề xướng
cũng mang tính chất toàn diện. Các hiệp ước khác mất từ 5, 7, 10 năm để thương
thuyết. Cái RCEP Trung Quốc đề nghị mới từ 2014. Các nước trong hệ thống đó đều
muốn làm ăn với Trung Quốc nhưng cũng đều hiểu rằng làm ăn với Trung Quốc,
Trung Quốc sẽ lấn lướt ở những mặt khác về kinh tế lẫn an ninh. Cho nên, chưa
chắc giải pháp của Trung Quốc sẽ thành công với các nước khác kể cả Việt Nam,
nhất là Việt Nam, nước đang muốn thoát khỏi ảnh hưởng và sự lệ thuộc kinh tế
quá lớn từ Trung Quốc. Tôi cho rằng không nhất thiết TPP bị Mỹ bỏ mà Việt Nam sẽ
lật đật ôm chầm lấy hiệp ước RCEP của Trung Quốc. Hơn nữa, trong RCEP ngoài Việt
Nam còn các nước khác nữa, mà các nước không ngây thơ gì mà không nhìn thấy dụng
tâm của Trung Quốc.”
Chưa biết Trung Quốc sẽ được lợi tới mức nào sau khi Mỹ từ bỏ
TPP, nhưng trước mắt, quyết định của tân chính quyền Trump được xem là sẽ làm
suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Á, khi Mỹ đánh mất cơ hội tạo đồng minh tại
khu vực, nhất là vùng Đông Nam Á, nơi đang rất cần sự hiện diện của Mỹ để cân bằng
với một Trung Quốc ‘trỗi dậy.’
Ông Trump đã tỏ dấu cho thấy sẽ thay thế đàm phán đa phương
‘toàn diện’ kiểu TPP bằng các hiệp định tự do mậu dịch song phương với từng nước
một, điều mà Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng sẽ khó khăn hơn:
“Bây giờ Trump muốn có lợi cho Mỹ thì phải nói chuyện với từng
nước một, khó khăn hơn, mà họ cũng phải đòi hỏi những điều kiện như TPP thôi.”
Song, khi Mỹ chuyển từ đàm phán TPP sang đàm phán tự do mậu
dịch tay đôi thì các nước như Việt Nam ‘vẫn còn cơ hội’ và ‘dễ áp dụng hơn’ vì
đã có một số cam kết trước từ thỏa thuận tự do mậu dịch song phương BTA, theo
nhận xét của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa:
“Tôi cho rằng điều đó còn dễ cho Việt Nam áp dụng hơn TPP vì
TPP có những quy định mang tính chất ‘toàn diện, phức tạp’ làm thay đổi cả hệ
thống chính trị-xã hội của Việt Nam, hay của các nước tham dự.”
Vẫn theo chuyên gia này, ngay cả khi xảy ra một cuộc chiến
thương mại thật sự giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ thì vẫn có lợi cho các nước thứ
ba vốn lệ thuộc vào Trung Quốc và trông đợi sự can thiệp của Hoa Kỳ, như Việt
Nam:
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa:
“Trận chiến mậu dịch chưa xảy ra mà các nước đã thấy Trung
Quốc đang bành trướng và cần một người ngăn chặn điều đó. Người đó là chính quyền
của ông Trump bây giờ. Ông Trump đã nói rõ ràng Trung Quốc lấn về kinh tế và an
ninh và từ nay sẽ không được lấn nữa, sẽ phải nói chuyện lại. Tôi cho rằng hoàn
cảnh đó vẫn có lợi cho các nước đệ tam, trong đó có Việt Nam.”
Thế nhưng, giới phân tích cho rằng để hưởng được cái lợi đó
đòi hỏi các lãnh đạo Việt Nam phải quyết tâm ‘thoát Trung.’
Tác giả các bài viết về kinh tế, về chính sách xã hội của Việt
Nam, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chia sẻ quan điểm:
“Việt Nam phải giữ thế độc lập thôi. Hiện tại, bây giờ những
gì Việt Nam làm ăn với Trung Quốc đều trong thế rất bất lợi. Vì vậy, Việt Nam
phải cố gắng làm sao đừng lệ thuộc họ nữa mà Việt Nam có thể làm được. Không nhất
thiết phải làm việc với Trung Quốc. Làm với Trung Quốc hiện giờ cơ bản là nhập
nguyên liệu của họ. Họ cho mượn vốn để nhập những nhà máy từ Trung Quốc về,
không tốt gì cả, kỹ thuật xấu, ô nhiễm môi trường mà cơ bản là để phục vụ Trung
Quốc, xuất khẩu dưới tên Việt Nam ra nước khác.”
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng trong một thế giới mới
nhiều biến đổi và đầy ẩn số phía trước, đã đến lúc Việt Nam không thể trông chờ
hay cậy nhờ vào một sức mạnh nào khác ngoài ý chí cải cách của chính mình, cải
cách để đáp ứng với những yêu cầu mới trên sân chơi quốc tế và để tận dụng cơ hội
cho chính mình:
“Việt Nam phải cải cách những gì có lợi cho người dân, kinh
tế Việt Nam thay vì cải cách vì Hoa Kỳ đòi hỏi. Mỹ bây giờ bảo rằng chuyện của
quý vị, quý vị trong nhà ráng lo lấy nhưng khi làm ăn với tôi phải theo quy cũ
thế này. Việt Nam vẫn nên tự cải cách để có được một hệ thống kinh tế thông
thoáng, tạo được sức cạnh tranh cao hơn. Nhân cơ hội đó có thể thoát được ảnh
hưởng đã quá lớn về kinh tế, quân sự, an ninh từ Trung Quốc.”
Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, Việt Nam chưa cho biết có
kế hoạch cụ thể như thế nào.
TPP, hiệp định tự do thương mại với sự tham gia của 12 nước
Châu Á-Thái Bình Dương kể cả Mỹ và Việt Nam, nhưng không có Trung Quốc, do
chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đề xướng, được Bộ trưởng các nước
ký hồi tháng 2 năm ngoái sau hơn 5 năm thương thuyết.
Hiệp định RCEP do Trung Quốc dẫn đầu gồm 16 nước, trong đó
có 10 nước ASEAN và các bạn hàng khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New
Zealand và Ấn Độ.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét