Thụy My
Donald Trump ký nghị định rút khỏi TPP, ngày 23/01/2017. |
(Libération
25/01/2017) Bắc Kinh là kẻ thắng lớn sau quyết định hôm thứ Hai
23/01/2017 của tân tổng thống Mỹ : Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Chiến
lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong ngày đầu tiên tại Nhà Trắng, Donald Trump không hề
thất nghiệp. Bao quanh là một ê-kíp toàn nam giới, ông Trump đã ký một loạt
nghị định, trong đó có việc Hoa Kỳ ra khỏi TPP. Hiệp định tự do mậu dịch giữa
Hoa Kỳ và 11 quốc gia Thái Bình Dương (Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản,
Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Pêru, Singapore và Việt Nam) đã được Barack
Obama ký nhưng chưa được phê chuẩn. Như vậy chỉ cần một chữ ký tắt của tân tổng
thống để ra khỏi thỏa thuận được thương lượng từ tám năm qua. Một liên minh
chiếm 40% GDB toàn cầu và một phần ba trao đổi thương mại trên toàn thế giới.
Hành động của ông Trump không thực sự gây ngạc nhiên. Ông
chủ mới của Nhà Trắng đã nhiều lần công kích TPP trong chiến dịch tranh cử.
Trong một cuộc tranh luận truyền hình cuối năm 2015, ông nói : « Đó là một hiệp định khủng khiếp, được
thiết kế để hội nhập Trung Quốc ».
Cho đến nay, việc Trung Quốc tham gia vẫn chỉ là giả thiết,
nhưng Bắc Kinh đã có thể xoa tay thỏa mãn với quyết định của ông Trump.
Tập Cận Bình "bất chiến tự nhiên thành" |
Trung Quốc hưởng lợi gì khi Mỹ ra khỏi TPP?
Nhà kinh tế Mary-Francoise Renard, trường đại học
Clermont-Auvergne khẳng định : « Đó
là tin vui cho Trung Quốc. Hiệp định TPP được Obama thiết kế với ý định gạt Bắc
Kinh ra ngoài, làm đối trọng với Bắc Kinh trong khu vực ». TPP dự kiến
giảm thuế quan cho nhiều sản phẩm như hàng dệt may, gạo hay xe hơi, và tăng
cường các quy định về lao động, môi trường…
Hôm thứ Ba 24/1, Bắc Kinh cho biết « sẵn sàng tăng tốc » cho một khu vực tự do mậu dịch
khác. Chính quyền Trung Quốc đã thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện
Khu vực (RCEP) gồm 10 thành viên ASEAN và các đối tác khu vực (Nhật, Úc, Ấn Độ,
Hàn Quốc, New Zealand).
Các đối tác tương lai của Hoa Kỳ, nay trở thành cựu, quay
sang Trung Quốc để các nỗ lực đầu tư vào TPP không bị mất đi. Hôm thứ Ba 24/1,
thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nêu ra « khả
năng TPP vẫn tiến hành mà không có Hoa Kỳ », và « Trung Quốc tham gia hiệp định này ».
Vì sao Donald Trump cứ khăng khăng tố cáo TPP ?
TPP « không phải
là lợi ích tốt nhất » cho Hoa Kỳ - phát ngôn viên Nhà Trắng biện hộ
hôm thứ Hai. Sau khi ký vào nghị định, Donald Trump đã nhắc lại ý định « sản xuất các sản phẩm tại Mỹ từ
nay ». Ông nói : « Chúng
ta sẽ ngưng các hiệp định thương mại phi lý, đã đẩy mọi người ra khỏi đất nước
chúng ta và chiếm lấy các doanh nghiệp của ta, điều này phải quay ngược
lại ».
Trump còn cắt đứt với chính sách kinh tế của chính phủ Mỹ,
cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa lâu nay từ sau chiến tranh lạnh : tự do mậu dịch.
Thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain có lý khi tố cáo « một sai lầm nghiêm trọng », có thể làm hại đất
nước : « Rút khỏi TPP là gởi
một dấu hiệu đáng ngại về việc Mỹ bỏ rơi các cam kết trong khu vực châu Á-Thái
Bình Dương, vào lúc khó thể chấp nhận nhất ».
Trump khai tử TPP, hiệp định đã thương lượng ròng rã 8 năm qua. |
Động thái này báo hiệu những gì về chính sách kinh tế Mỹ sắp
tới ?
Đối với nhà kinh tế Stéphanie Villers của Humanis, việc rút
khỏi hiệp định TPP là biểu tượng cho chính sách của Trump. Động thái này là chỉ
dấu cho một « cấm vận kinh tế tiềm
năng do chính Hoa Kỳ gây ra và khiến người dân phải trả giá đắt ».
Donald Trump muốn chấm dứt các hiệp định đa phương, thay vào đó là hiệp định
song phương. « Nhưng không thể
được » - Villers khẳng định. « Với
trọng lượng kinh tế của Hoa Kỳ, tương quan lực lượng quá mất cân bằng ».
Trump nhắc lại ý định đặt ra « các loại thuế quan phù hợp » lên đến 35%, nhằm làm nản
lòng các công ty Mỹ muốn chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài và tạo điều kiện
cho kinh tế Mỹ. Tương tự, tân tổng thống Mỹ muốn tái thương lượng, thậm chí ra
khỏi hiệp định tự do mậu dịch với Mêhicô và Canada (Alena), có hiệu lực từ năm
1994.
Đã hẳn việc quay lại sản xuất trên đất Mỹ sẽ tạo ra việc
làm, nhưng cũng làm các sản phẩm « made
in USA » tăng giá. Mary-François Renard giải thích : « Cần có thời gian để tái lập hệ thống
sản xuất Mỹ, vốn đã phi công nghiệp hóa rộng rãi ». Ngoài ra Hoa Kỳ
còn có nguy cơ bị các đối tác cũ - bị tổn thương - trả đũa. Chấm dứt việc bán
máy bay Boeing cho Trung Quốc, mua xi-măng từ Mêhicô hay dầu lửa của Canada.
Nhiều chủ doanh nghiệp và chủ tịch nghiệp đoàn đã lần lượt diễu
qua văn phòng ông Trump từ hai ngày qua để hoan nghênh chính sách của ông. Tuy
nhiên đây là một chính sách có thể khiến họ phải trả giá đắt. Stéphanie Villers
nói : « Họ có lợi khi nịnh bợ
ông Trump, vì họ chờ đợi được giảm từ 38% đến 15% thuế doanh nghiệp ».
Đối với nhiều quyết định về chính sách thương mại, tổng
thống phải đưa ra thảo luận tại Quốc hội, nơi mà nhiều đại biểu Cộng Hòa luôn hăng
hái bảo vệ tự do mậu dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét