Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Tết ‘Hoàng Gia’ ở Gò Công



Nguyễn Ðạt 


Cánh cổng vào nhà từ đường Phạm Ðăng. (Hình: Nguyễn Ðạt)


Gò Công là một trong các tỉnh miền Tây, sau này nhập chung một tỉnh với thành phố Mỹ Tho, Gò Công trở thành thị xã của tỉnh Tiền Giang. Ghé thăm lần đầu thời gian xa trước ngày miền Nam tự do thất thủ, tôi không thể quên thị xã Gò Công, với một việc đáng tiếc đã xảy ra lúc đó.

Anh Trần Công Nhạc, người bạn rủ tôi đi Gò Công lần đầu ấy, có người chú là Bác Sĩ Trần Công Ðăng mở phòng mạch tại thị xã.

Phòng mạch của Bác Sĩ Ðăng là phòng mạch tư duy nhất ở Gò Công lúc ấy, sau khi ông tốt nghiệp Ðại Học Y Khoa tại Pháp trở về. Ở Gò Công tới ngày thứ hai, dù rất ưa thích không khí một tỉnh lỵ miền Nam, và ngôi nhà cổ xưa, phòng mạch của Bác Sĩ Ðăng, nhưng tôi có việc đột xuất phải về Sài Gòn.

Chuyến xe cuối từ bến xe Gò Công về Sài Gòn chỉ còn một chỗ, tôi đã ngồi yên vị chờ xe chạy, chợt một ông phục sức chỉnh tề, xách chiếc cặp da vội vã đi tới, bảo bác tài xế rằng ông phải về Sài Gòn có việc gấp. Nhận ra ông khách là nhà thơ Nguyễn Vỹ, với câu thơ tán thán nổi tiếng: “Nhà văn An-nam khổ như chó,” tôi vội vàng nhường ông chỗ ngồi trên xe, dù tôi có việc cũng khá khẩn thiết ở Sài Gòn.

Hôm sau về Sài Gòn, tôi bàng hoàng đọc tin trên các báo: nhà thơ Nguyễn Vỹ đã tử nạn, trong chuyến xe định mệnh. Chuyến xe từ Gò Công, với chỗ ngồi cuối cùng tôi đã nhường nhà thơ Nguyễn Vỹ, bị tai nạn đổ lật xuống ruộng, trên đường về Sài Gòn.

Chàng rể Gò Công là tôi, về quê vợ ăn Tết, trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Ðây là Tết Nguyên Ðán đầu tiên tôi ăn Tết ở Gò Công; cũng là Tết đầu tiên, một người miền Bắc di cư năm 1954 thưởng thức những ngày Tết của người miền Tây Nam Bộ.

Sinh quán của người vợ miền Nam ghi trong khai sinh: xã Ðồng Thạnh, huyện Hòa Ðồng, tỉnh Gò Công; địa danh hành chính thay đổi khi tỉnh Gò Công nhập chung một tỉnh Tiền Giang: tỉnh Gò Công trở thành hai huyện Gò Công Ðông và Gò Công Tây của tỉnh Tiền Giang, trong đó có thị xã Gò Công và huyện Hòa Ðồng cũ; riêng huyện Hòa Ðồng cũ trở thành thị trấn Vĩnh Bình. Tuy nhiên mọi người vẫn gọi tên cũ Hòa Ðồng, và nơi sinh quán của cả hai bên nội ngoại gia đình vợ tôi vẫn được gọi là xã Ðồng Thạnh, huyện Hòa Ðồng.

Buổi chiều cuối năm chúng tôi có mặt để đón giao thừa tại Ðồng Thạnh, nơi các gia đình cả hai bên nội ngoại của vợ tôi quây quần cùng một xã ấp. Các anh chị em con chú con bác con cô con cậu… giành ưu tiên sự hiện diện của chúng tôi trong mấy ngày tết ở Ðồng Thạnh, Hòa Ðồng. Tôi từng nhiều dịp về thăm quê vợ, biết anh em họ hàng vợ tôi ở đây toàn những đấng anh-hùng-hào-kiệt trong các cuộc nhậu nghiêng trời lệch đất, nói chi trong dịp Tết cổ truyền trọng đại này.

Một người em con cô cậu vợ tôi, ngỏ ý như một lối thoát hiểm cho tôi trước những cuộc nhậu hứa hẹn: “Anh hai phải dành mùng Một Tết đặng tới nhà ông Tư Thông Thái. Em có nói chuyện Tết này anh hai người-miền-Bắc-di-cư dìa, ổng mừng lắm. Ổng nói em nhớ mời giùm anh hai tới ổng ngay sớm mùng Một…”
                             Nhà từ đường. (Hình: Nguyễn Ðạt)

Ông Tư Thông Thái, tôi từng nghe người em con cô cậu vợ nói về một ông già 80 tuổi, sống ở Pháp nhiều năm, trở lại quê nhà khi đã trọng tuổi. Bà con khắp huyện Hòa Ðồng gọi ông là Ông Tư Thông Thái bởi ông hiểu biết nhiều lắm, ông là người đầu tiên ở huyện Hòa Ðồng đậu bằng Tú tài Pháp, du học và làm giáo sư văn chương tại một trường trung học ở Pháp. Ông Tư Thông Thái kết hôn với một phụ nữ thuộc dòng họ ngoại của Ðức Quốc Công Phạm Ðăng Hưng, cũng du học bên Pháp cùng thời với ông. Ông Tư Thông Thái về đây một mình, người vợ đã mất, người con duy nhất của ông còn ở Pháp. Hiện ông Tư Thông Thái ở ngôi nhà xưa của gia đình ông, có đứa cháu vợ lui tới chăm sóc, lo chuyện bếp núc.

Ngôi nhà xưa của ông Tư Thông Thái nhỏ và xinh xắn, giữa khoảng sân trước nhà, cây mai già nở đầy hoa vàng rực rỡ. Trên bệ khuôn bao quanh hiên, nhiều chậu cây kiểng phô dáng hình độc đáo. Ông Tư Thông Thái đã trọng tuổi, đôi mắt còn tinh anh, thân thể gầy guộc thấy còn rắn chắc, dáng đi mạnh và lưng thẳng thớm.

“Chú em dìa đây thì tới đây ăn Tết với tui chớ. Ðể bà xã đại diện ăn Tết các nơi bà con được rồi. Ðây là cái Tết đầu tiên tui đón Xuân tại xã Ðồng Thạnh này, những Tết trước tui đều ở nhà bên xã Long Hưng, chỗ kêu là ấp Lăng Hoàng Gia đó.”

Trong lúc người cháu gái bày trà mứt trên cái bàn rộng đặt ngoài sân, ông Tư Thông Thái kể chuyện lai lịch ấp Lăng Hoàng Gia.

“Từ đời ông nội của Ðức Quốc Công Phạm Ðăng Hưng đã chọn vùng đất Gò Sơn Qui để sinh sống, các đời kế tiếp của dòng họ Phạm Ðăng cũng tiếp tục ở đây. Ðức Quốc Công Phạm Ðăng Hưng là cha vợ vua Thiệu Trị, và là ông ngoại của vua Tự Ðức. Bởi mẹ vua Tự Ðức là bà Từ Dũ, con Ðức Quốc Công Phạm Ðăng Hưng. Lăng Hoàng Gia ở vùng đất vồng này, cao như cái gò, hình dáng giống con rùa, bởi vậy mới có tên là Gò Sơn Qui… Lăng Hoàng Gia, từ đầu thế kỷ XIX tới đầu thế kỷ XX, đã có 13 người thuộc dòng đích tôn của họ Phạm Ðăng qua đời, được an táng, xây mộ tại khu vực Lăng Hoàng Gia này. Từ đó, khu vực này và vùng phụ cận được mang tên ấp Lăng Hoàng Gia, thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang…”

Một dịp về thăm quê vợ ở xã Ðồng Thạnh, đi tới xã Long Hưng tôi đã ghé thăm Lăng Hoàng Gia. Khu vực Lăng Hoàng Gia không khác một công viên xinh xắn với nhiều cây cối, đặc biệt là cổ thụ và những khuôn viên hoa cỏ rộng rinh, sắc màu tươi thắm.

Lăng Hoàng Gia, một quần thể kiến trúc cổ xưa độc đáo, nơi yên nghỉ của dòng họ quan thần Phạm Ðăng nhiều đời, cũng là dòng họ ngoại của các vua triều Nguyễn. Ngôi mộ Ðức Quốc Công Phạm Ðăng Hưng là tâm điểm của quần thể kiến trúc tại Lăng Hoàng Gia. Ngôi mộ hình bát giác, trông tựa dáng chiếc mũ của quan thần trong triều đình nhà Nguyễn.

Thêm kiến trúc độc đáo khác tại Lăng Hoàng Gia là ngôi nhà từ đường của dòng họ Phạm Ðăng, được kiến tạo năm 1826, trong đó bao gồm nhà thờ, nhà khách, nhà kho… Ðặc biệt bộ cánh cổng vào ngôi nhà từ đường trong khu vực Lăng Hoàng Gia là một công trình chạm khắc công phu, hoa văn tinh xảo, trên vật liệu gỗ là thứ danh mộc mà thời gian càng dài lâu càng lên nước bóng ngời. Dòng chữ khắc ghi ở mặt tiền ngôi nhà từ đường “Năm Kỷ Sửu-1889, đời vua Thành Thái,” ngôi nhà từ đường được vua Thành Thái cho sửa sang hoàn hảo.


Sinh quán Nam Phương Hoàng Hậu

Trò chuyện với ông Tư Thông Thái trong dịp Tết Ất Mùi 2015, tôi mới biết sinh quán của Nam Phương Hoàng Hậu, người phụ nữ xinh đẹp hiền hậu nhân từ này, chính tại xã Ðồng Thạnh, nơi chúng tôi đang uống trà trong buổi sáng mùng Một Tết.

Ông Tư Thông Thái nói: “Nói thiệt với chú em, tui thương yêu lưu luyến quê nhà Ðồng Thạnh này lắm, trong đó có chuyện Nam Phương Hoàng Hậu chôn-nhau-cắt-rún ở đất này. Sống bên Pháp bao nhiêu năm, tui cũng hổng quên được, cứ canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê. Cuối năm 1963, biết đích xác nơi chốn cư ngụ của Nam Phương Hoàng Hậu ở vùng làng quê Chabrignac, tui lặn lội biết bao cây số tìm đến. Tràn đầy cảm xúc sẽ gặp gỡ người phụ nữ đáng tôn kính, hiền thê của cựu hoàng Bảo Ðại, người đồng hương… hóa ra tui chỉ gặp một nấm mồ! Nam Phương Hoàng Hậu đã mất trước đó hơn hai tháng, tức ngày 14 tháng 9 năm 1963, hưởng dương 49 tuổi…”

 Phần mộ Ðức Quốc Công Phạm Ðăng Hưng. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Nói xong, ông Tư Thông Thái vào nhà, mang ra tập album ảnh, giở cho tôi xem tấm ảnh ông chụp ngôi mộ Nam Phương hoàng hậu. Tuy tấm ảnh quá cũ, nhưng những dòng ghi trên bia mộ vẫn thấy rõ: Ici, repose l’impéreatrice d’Annam née Jeanne Mariette NgHữu ThịLan…, tôi đọc dòng ghi này như đọc một dòng thơ buồn.

Trong album ảnh của ông Tư Thông Thái, tôi thấy tấm ảnh một cậu bé đứng trước tòa nhà gọi là Bạch Dinh ở Vũng Tàu. Ông Tư cho biết, vì rất ái mộ vua Thành Thái, nên cậu bé là ông thuở ấy đã theo cha ra thăm Bạch Dinh ở Vũng Tàu, chụp tấm hình tại đây.

“Cha tui từng tới Bạch Dinh lúc vua Thành Thái bị thực dân Pháp đưa đi an trí ở Vũng Tàu, trú tại đây. Lúc đó cha tui cũng chỉ bằng tuổi tui hồi chụp tấm hình này. Ngộ lắm, vua Thành Thái lên ngôi hoàng đế đúng ngày Mùng Một Tết Kỷ Sửu 1889; cũng trong năm này, vua Thành Thái cho sửa sang hoàn hảo nhà từ đường của dòng họ Phạm Ðăng tại ấp Lăng Hoàng Gia-Gò Công, khắc ba chữ Quốc Công Từ, nay vẫn còn nguyên vẹn từng nét. Vua Thành Thái có tư tưởng cải cách duy tân, chống thực dân Pháp, bị người Pháp gán cho là ‘ông vua điên’, đưa đi an trí ở Vũng Tàu, trong tòa nhà Bạch Dinh này. Cha tui kể, ở đây nhiều người từng thấy vua Thành Thái đi dạo ngoài bãi trước Vũng Tàu, ngồi đánh cờ, hỏi chuyện đi biển của các ngư dân… Tới năm 1916, thực dân Pháp lại đày vua Thành Thái sang đảo Réunion thuộc Châu Phi gần 30 năm trời; ở đó thiếu thốn khổ sở lắm, vua phải may yên ngựa bán lấy tiền sanh sống. Người ta nói vua Thành Thái may yên ngựa khéo lắm, vừa đẹp vừa chắc bền, Tây họ thích xài lắm.”

Ông Tư Thông Thái say sưa kể chuyện, tôi lắng nghe từng lời, tới lúc cạn ba tuần trà, ông Tư gọi đứa cháu dọn bàn trà để thay “mơ-nuy” món Tết: bầu rượu trắng, bánh tét, thịt kho hột vịt, tôm khô củ kiệu, cả hột vịt bắc thảo nữa. Ðây là một bữa Tết đơn giản mà thịnh soạn đối với chúng tôi.

Nhâm nhi ly rượu trắng của xứ Gò Công, thứ rượu nhẹ độ dễ uống, ông Tư Thông Thái hướng tay chỉ về phía cây mai già: “Chú em người miền Bắc, chắc hổng ưa bông cây mai bằng bông cây đào?”

Tôi chỉ biết trả lời: có lẽ miền Bắc không có hoa mai, nên hoa chưng Tết cứ là hoa đào. Nhưng tôi vẫn thấy sắc vàng hoa mai vừa rực rỡ vừa rưng rưng chan chứa thế này, sao không ưa thích cho được.

Ông Tư Thông Thái liền nói: “Miền Bắc cũng có cây mai chớ, nhưng rất ít, chỉ ở thượng du gần biên giới Việt-Trung mới có, hổng nhiều, phong phú như Miền Nam. Vua Lê Thánh Tông từng có mấy bài thơ Nôm ca ngợi cây mai. Tui thuộc một bài, nhan đề là Lão Mai, tức Cây Mai Già, đọc chú em nghe để cùng chúc mừng cây mai già ngay bên chúng ta đây, trong ngày mùng Một Tết này.

Dòng dõi Giang Lăng tiếng đã đồn
Già còn hơn cả thuở còn non
Xuân thêm cốt cách hương càng bội
Tuyết giúp tinh thần ngọc hãy còn
Kể mặt hay không đều bạn tác
Theo chân chiếm bảng những em con
Tiết là đá sắt thêm khoe muộn
Sực nức danh thơm kiếp chẳng mòn.

Chú em nghe lại câu này: Theo chân chiếm bảng những em con, câu này ý nói Mai đã chiếm bậc hoa khôi trong hoa bảng rồi, các thứ hoa khác đều theo chân tiếp sau Mai mà thôi.”

Thấy tôi ngắm nhìn chậu hoa kiểng mai chiếu thủy trên bệ khuôn bao quanh hiên, ông Tư Thông Thái cho biết: “Mai chiếu thủy trong bộ Tứ Quân Tử: Kim quýt-Cần thăng-Mai vàng-Mai chiếu thủy; nên hiểu thủy ở đây can hệ với ngạn ngữ Ẩm thủy tư nguyên, nhắc nhở người ta nhớ về cội nguồn, chớ Mai chiếu thủy có là cây dại mọc bên ao hồ đâu để mà chiếu thủy? Thiệt ra, ông cha chúng ta kêu thứ cây này là Bạch tiểu mai, bông nhỏ trắng toát, thoảng hương thơm.”

Buổi sáng đầu Xuân với ông Tư Thông Thái ở Ðồng Thạnh-Hòa Ðồng, những câu chuyện ý vị về các vua quan hoàng tộc triều Nguyễn cận đại… Tôi lưu giữ mãi những nỗi niềm cảm xúc, để gọi tên Tết Nguyên Ðán ấy là Tết “Hoàng Gia” ở Gò Công.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét