Trần Thảo
Nguyễn Hữu Đang, một kiện tướng của Nhân Văn Giai
Phẩm, từng là thiết kế sư buổi Lễ Độc Lập ngày 2 tháng 9 năm 1945
tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, đã kể lại sự thật về câu hỏi “Đồng
bào có nghe tôi rõ không?” của ông Hồ Chí Minh, rằng làm gì mà có
câu hỏi đó! Chỉ là trước khi đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, Hồ Chí Minh gỏ
gỏ vào microphone và quay qua hỏi anh nhân viên kỹ thuật “Nghe có rõ
không?”. Việc chỉ bằng cái móng tay, thế mà mấy cha tuyên giáo bưng
cái móng tay quăng lên trời, hô BIẾN một phát, y như mấy ông tiên đấu
phép trong Phong Thần, cái móng tay rùng mình, tỏa hào quang, hóa
thành vầng sáng GIẢN DỊ, YÊU DÂN của lãnh tụ tối cao!
Nhưng ít ra, vụ này còn có cái móng tay để hô biến,
chứ “chế độ ta” còn thần thông hơn nhiều, không có lấy một sợi lông
mà cũng biến hóa ra những nhân vật thần thánh như Lê Văn Tám, Phan
Đình Giót, Võ Thị Sáu v.v… và chiến tích của hằng ngàn B52 của Mỹ
rơi lộp độp trên đất bắc, và hằng hà sa số những thửa ruộng trăm
tấn trong hợp tác xã XHCN, và đủ thứ sản phẩm hầm bà lằng của
đỉnh cao trí tuệ không thể nào kể hết.
Từ những sự kiện trên, khi đọc những truyện dài xã
nghĩa, cứ trừ hao đi 99.99 %, may ra chỉ còn 0.01% có thể tin được, tỉ
lệ này đối với những người từng năm chìm bảy nổi trong chế độ CS
thì vẫn còn cao ngất ngưỡng!
Thế mà, với người từng sống với chế độ, từng làm
cán bộ cao cấp, Phó Tổng Biên Tập Báo Quân Đội Nhân Dân, rồi bỏ của
chạy lấy người, trốn ra nước ngoài lưu vong như ông Bùi Tín, lại có
thể “vẫn” tin tưởng khi viết: “Khi ông Hồ đọc được luận văn ngắn của
Lê Nin về vấn đề giải phóng thuộc địa, giữa khuya ông Hồ ôm bài báo
vào lòng và la to: Ánh sáng đây rồi! Con đường giải thoát đây rồi!”
Ông Bùi Tín làm như mình có mặt ở đó mà chứng
kiến giây phút cực đỉnh sung sướng của Hồ Chí Minh, ai mà biết lúc
đó ông Hồ đang ôm bài báo vào lòng hay đang ôm cục gạch (chân dài)
nóng bỏng của kinh thành ánh sáng Paris? Thôi thì ôm cái gì cũng
sướng, sướng cho riêng ông Hồ, chỉ phát mệt cho dân tộc Việt trong gần
một thế kỷ!
Chính vì niềm tin không lay chuyển này, nên dù đã thoát
ly ra hải ngoại, không kịp trả lại thẻ đảng trước khi bị đảng khai
trừ như ông nhà báo Tống Văn Công, ông Bùi Tín vẫn luôn, bằng cách
này hay cách khác, biện hộ cho Hồ Chí Minh. Ông mồm năm miệng mười
kêu gọi hãy nhận xét một cách công tâm, khách quan, không thành kiến
về Hồ Chí Minh, nhưng đọc những bài viết của ông Bùi Tín, người đọc
nhận thấy chả có chút gì công tâm trong đó.
Với ông Bùi Tín, ông hay dùng lối viết giả thật lẫn
lộn để đánh lừa độc giả. Ông viết rằng, Hồ Chí Minh trốn lên tàu
của Pháp để xuất dương năm 1911 chả phải tìm đường cứu nước gì cả,
mà chỉ là tìm đường sống khi cha của ông là Nguyễn Sinh Sắc, còn có
tên khác là Nguyễn Sinh Huy, làm tri huyện Bình Khê, trong cơn say rượu,
đánh chết một nông dân, bị luận tội bãi chức, khiến cảnh nhà túng
quẩn. Theo tôi, đây là chuyện thật.
Sau đó ông Bùi Tín ” khách quan ” cho rằng khi Hồ Chí
Minh gặp gỡ những nhà ái quốc như ông Phan Văn Trường, Nguyễn Thế
Truyền, Phan Châu Trinh v.v. ông Hồ Chí Minh là một người yêu nước theo
chủ nghĩa dân tộc, tới khi ông ta tiếp xúc với chủ nghĩa cộng sản
mà cụ thể là luận văn của Lê Nin về vấn đề giải phóng các dân tộc
thuộc địa, Hồ Chí Minh thấy chủ nghĩa CS của Lê Nin hơn hẳn đường
lối của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền v.v.
nên theo hẳn phía cộng sản, lúc đó, theo sự tin tưởng của ông Bùi
Tín, Hồ Chí Minh vẫn là người yêu nước, nhưng không yêu nước theo chủ
nghĩa dân tộc, mà là yêu nước theo chủ nghĩa cộng sản. Theo tôi, đây
lại là chuyện giả.
Hồ Chí Minh, ở giai đoạn đầu lêu bêu trên đất Pháp,
đã từng viết đơn xin vào học ở trường dành đào tạo những viên chức
thuộc địa, lời lẽ trong đơn xin thề sẽ phục vụ mẫu quốc thế này,
thế kia v.v. nhưng vẫn không được chấp nhận. Tới khi gặp các cụ PVT,
NTT, PCT, anh chàng vô công rỗi nghề này bèn gia nhập. Tưởng đâu có xơ
múi gì, nào ngờ mấy cụ đó ngoài tấm lòng yêu đất nước, yêu dân
tộc, mong tìm đường xoay sở để dân tộc thoát cảnh tối tăm, nào có
vật chất, tài chánh, cũng không có lực lượng chính trị nền tảng
nào để cho anh trẻ Nguyễn Tất Thành lợi dụng, thế là a lê hấp anh
Thành ôm cầm qua thuyền khác. Hoạt cảnh anh Nguyễn Tất Thành ôm bài
báo của Lê Nin la toáng giữa đêm khuya chỉ là phép hô BIẾN của tuyên
giáo, trét vàng lên mặt lãnh tụ, chứ thật ra cũng giống như giới ăn
sương của bến Tần Hoài, Nguyễn Tất Thành không tìm được cơ hội ở
các cụ NTT, PVT, PCT nên quay mặt hướng khác, tìm cơ hội, thế thôi!
Hãy suy nghĩ về cụ Phan Châu Trinh, một nhà cách
mạng thực sự vì dân vì nước của dân tộc Việt Nam. Cụ Phan Châu Trinh
mang trong lòng hoài bão KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, VỊ NHÂN SINH của
Chủ Nghĩa Duy Tân, nhưng thời thế không thuận lợi cho lý tưởng của
Cụ, khiến cho đất nước lọt vào tay kẻ cơ hội như Hồ Chí Minh, đem dân
tộc đọa đày triền miên trong đêm dài cộng sản. Những tấm lòng sáng
soi cùng nhật nguyệt như Ức Trai Nguyễn Trãi, Tây Hồ Phan Châu Trinh,
Sào Nam Phan Bội Châu mới đáng được ghi vào sử sách như những nhà
cách mạng cho hậu thế Việt Nam noi theo. Còn Hồ Chí Minh? Nhà cách
mạng ư? Người yêu nước như cái tên Nguyễn Ái Quốc được vay mượn đâu
đó rồi chối bay chối biến ư?
Trong những cơn lốc của lịch sử thế giới, người ta
dễ tính định nghĩa những cuộc lật đổ một chế độ này, xây lên một
chế độ khác là những cuộc cách mạng, như cuộc cách mạng Pháp 1789,
cuộc cách mạng Nga 1917, cuộc cách mạng Cuba 1959, cuộc cách mạng
tháng 8 năm 1945 của Việt Nam v.v. và những người tạo ra những đổi
thay lệch đất nghiêng trời này là những nhà cách mạng.
Nhưng theo tôi, khi nói tới chữ CÁCH MẠNG, người ta
nghĩ ngay tới việc thay đổi một nền tảng thối nát, hủ lậu để xây
lên một nền tảng tốt đẹp hơn, khai phóng hơn. Nhưng bạn hãy nhìn qua
lịch sử hơn hai trăm năm qua tại những nước kể trên, chỉ có cuộc cách
mạng Pháp 1789 là đem lại cho nước Pháp nói riêng và toàn nhân loại
nói chung những tư tưởng khai phóng về dân quyền, nhân quyền, còn
những cái gọi là ” Cuộc Cách Mạng ” của Nga, Cuba, Việt Nam, Triều
Tiên v.v., toàn bộ đều được nhân danh cách mạng vô sản, đấu tranh cho
nhân dân lao động, xóa bỏ giai cấp bóc lột, no cơm ấm áo cho giới công
nông v.v. nhưng thực chất của chúng đều là những tuyên truyền xảo
trá. Từ Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Fidel Castro, Kim Nhật Thành, Hồ
Chí Minh, tất cả đều là những kẻ cơ hội, suốt đời phấn đấu để nắm
quyền lực trong tay, họ lợi dụng sự ngây thơ, cả tin của quần chúng
để vận động tạo dựng lực lượng, khi lật đổ đối thủ rồi thì họ lộ
ngay bản chất muốn làm vua.
Những Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành,
Fidel Castro, Hồ Chí Minh sau khi nắm quyền lực trong tay, họ sống đời
sống cá nhân như những ông vua. Tha hồ hưởng lạc, rượu chè gái gú,
tiện nghi vật chất xa hoa hàng đầu. Theo suy nghĩ cá nhân của tôi, khi
ta dùng thành ngữ ” Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối “, có lẽ
chỉ đúng với những tầng lớp cán bộ thừa hành, những người một
thời sống lý tưởng, ngây thơ tin vào lãnh tụ tối cao, giờ nhìn quanh
thấy ai cũng đang ăn tươi nuốt sống, nên cũng nhào vô kiếm chác, lý
tưởng ngày nào được quăng vô xọt rác. Như vậy THA HÓA là một quá
trình thay đổi từ TỐT sang XẤU. Nhưng các cụ Lê Nin, Stalin, Mao, Kim,
Fidel, Hồ, bản chất của họ là như thế, THÂU TÓM QUYỀN LỰC VÀ HƯỞNG
THÀNH QUẢ. Họ có biến đổi từ tốt thành xấu gì đâu mà nói tha (với
chả) hóa?
Cụ Phan Châu Trinh, với Chủ Nghĩa Duy Tân, mục tiêu
cốt lõi là KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, VỊ NHÂN SINH. Lý tưởng đó quá
đẹp, quá lý tưởng, nêu bật tấm lòng sắt son vì nước vì dân của cụ
Tây Hồ. Tiếc thay, vào thời điểm đó, có bao nhiêu người trong tầng
lớp sĩ phu Việt Nam nhìn xa trông rộng như cụ Phan, chứ đừng nói tới
quãng đại quần chúng nhân dân. Dân trí của quần chúng lúc đó so ra
không khác mấy với dân trí lúc cụ Nguyễn Trường Tộ đề nghị những
cải cách khởi đầu cho xã hội lên triều đình Nhà Nguyễn. Họ không tin
một bóng đèn chúc ngược đầu mà có thể phát sáng, thì dĩ nhiên họ
ngơ ngác trước những tư tưởng dân quyền, nhân quyền mà tầng lớp sĩ
phu có cơ may đọc được từ những ” TÂN THƯ ” được dịch qua Hán văn của
Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Jean Jacques Rousseau, Montesquieu v.v. Ngay
như trong lớp sĩ phu có học, có kiến thức lúc đó cũng không có bao
nhiêu người tâm đắc với cái nhìn của cụ Tây Hồ. Cụ Sào Nam Phan Bội
Châu, người tri kỷ, người bạn cật ruột của cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh,
cũng nghiêng về đấu tranh thiết huyết để giành độc lập cho nước nhà,
tiếp nối những phong trào đấu tranh trước đó của phong trào Văn Thân
Cần Vương của Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám,
Nguyễn Thái Học v.v.
Quần chúng nhân dân lúc đó, nỗi khổ nhân đôi khi phải
sống dưới hai tầng cai trị, Phong Kiến cấu kết với Thực Dân, họ chỉ
muốn loại bỏ ngay tức khắc hai cái ách trên cổ đó, cải thiện cuộc
sống, có cơm ăn áo mặc.Thế nên, con đường DUY TÂN của cụ Phan Châu
Trinh quá dài, không thích hợp với tầm ước vọng của người dân. Ngày
nay nhìn lại lịch sử, ta mới thấy được nỗi cô đơn vô cùng tận của
cụ Phan Tây Hồ khi nhìn quanh mình, không có những người cùng tâm chí,
và nhân dân nói chung thì ngơ ngác với tư tưởng Duy Tân.
Những chính nhân quân tử như cụ Phan Châu Trinh, cụ
Phan Bội Châu làm sao có thể núp dưới những chiêu bài mị dân như cào
bằng xã hội, chia ruộng đất, chia của cải từ giới bóc lột cho dân
nghèo, công bằng công lý cho tất cả mọi người. Nhưng những điều ấy,
đối với kẻ cơ hội như Hồ Chí Minh, thì quá dễ dàng! Hiện thực xã
hội Việt Nam lúc đó là mảnh đất màu mở, cực kỳ thuận lợi để Hồ
Chí Minh gieo hạt giống của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Tháng 11 năm 1945 ông
tuyên bố giải tán đảng CS, chối phăng cái gốc cộng sản của mình
bằng cách lập ra cái gọi là Hội Nghiên Cứu Mác Lê do Trường Chinh
đứng đầu, tung cán bộ đi tuyên truyền rỉ tai về chân trời rực rỡ của
đất nước khi giành được độc lập trong cuộc đấu tranh bài phong đả
thực.
Phải công nhận HCM và cán bộ của ông ta đã chuẩn bị
quá tốt, nắm bắt thời cơ rất chuẩn khi lợi dụng cuộc biểu tình ủng
hộ chính phủ Trần Trọng Kim của giáo chức Hà Nội để cướp chính
quyền. Và sau đó là cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp trong
chín năm trời, kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ, với hiệp
định Geneve chia đôi đất nước.
Ông Bùi Tín trong bài viết của mình, đã quy hai sự
kiện Cách Mạng Tháng Tám và Kháng Chiến Chín Năm thành công là hai
thành tích, là công lao của HCM và bộ sậu của ông ta. Nhưng thử hỏi
nếu không có sự tiếp nối tinh thần đấu tranh của quần chúng Việt Nam
từ những phong trào Cần Vương, Văn Thân của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa
Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Trương Công Định, Nguyễn Thái Học v.v. thì
không chắc gì HCM và những cán bộ CS hạt nhân của ông đã thành công
dễ dàng như thế. Qua đó cho thấy bản chất cơ hội, láu cá của HCM,
không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt mục đích. Chỉ riêng việc HCM
chụp tấm hình với Thiếu Tá Patti của OSS tình báo Mỹ, rồi tuyên
truyền úp mở cho người dân rằng Mỹ đã hậu thuẩn cho kháng chiến VN
để tranh thủ nhân tâm, là đủ thấy tay nghề cơ hội của HCM đã quá
nhuyễn nhừ! Ông ta biến hóa màu sắc còn nhanh hơn con tắc kè.
Một kẻ cơ hội siêu sao như thế, làm tay sai đắc lực
cho đệ tam quốc tế như thế thì thử hỏi có tấm lòng yêu dân, yêu nước
không?
Nếu HCM là người yêu nước thì ông đã không lạnh lùng
tuân theo lịnh của Trung Quốc tiến hành Cải Cách Ruộng Đất, gây cho
xã hội VN tan nát với hằng trăm ngàn cái chết oan ức, lòng người ly
tán. HCM nếu yêu nước thì đã không chỉ thị Phạm Văn Đồng ký công hàm
cho Chu Ân Lai, công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quản hạt của Trung
Quốc. HCM nếu yêu nước đã không nướng cả triệu thanh niên nam nữ miền
b́ắc, khiến họ sinh bắc tử nam, trong dã tâm xâm lược thôn tính miền
nam Việt Nam.
Công tích gì cho tập đoàn CSVN nói chung và HCM nói
riêng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập nước
nhà?
Khi mà:
Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại
Ngỡ cờ sao rực rỡ, tô thắm màu xứ sở yêu thương
Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường
Hung bạo phá bờ kim cổ
Tiếng mối rường rung đổ chuyển non sông
Mặt trời sự sống thổ ra từng ngụm máu hồng..
Khi mà:
Nhờ nanh vuốt của lũ thú rừng
Mà bàn tay cai trị của tên thực dân hóa ra êm ả.
Chỉ với mấy câu thơ, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã
vạch ra bộ mặt bất nhân, tàn bạo của chế độ CSVN. Hất bàn tay cai
trị của thực dân ra khỏi cái cổ gầy guộc, đói nghèo của dân Nam,
lại rước ngay nanh vuốt của lũ thú rừng, sắt máu, nham hiểm gấp
ngàn lần thằng thực dân. Công tích của Hồ Chí Minh là thế đó ư?
Thế mà cái cơ chế lừa bịp vĩ đại đó, bằng bộ máy
tuyên truyền, bằng văn hóa loa phường, đã đầu độc không biết bao nhiêu
tâm hồn dân Việt, đến nỗi trong vụ biển bị nhiễm độc ở Vũng Áng,
Hà Tĩnh, có người dân còn thành tâm khấn vái ” Bác Hồ và Đồng Chí
Võ Nguyên Giáp ” có linh thiêng thì về mà chấn chỉnh đất nước.
Điều kỳ quái là, một người bình dân bá tánh thiếu
thông tin, hạn hẹp kiến thức, van vái ông Hồ như thế còn có thể hiểu
được, nhưng nghe ông Bùi Tín van vái ” Bác linh thiêng, xin phù hộ để
cho những người lãnh đạo hiện nay mau tỉnh ngộ, sớm nhận rõ sai lầm,
đi vào con đường dân chủ chân chính.” thì quả thật là hết ý kiến!
Ông Bùi Tín từ ngày chạy ra nước ngoài, đã nhiều
lần viết kiến nghị gửi về trong nước, đề nghị cái cơ chế ma quỷ đó
sửa đổi này nọ, tất cả đều vô nằm sọt rác, rồi ông gửi thư cho
tướng Võ Nguyên Giáp (lúc đó còn sống), đề nghị ” đồng chí Văn ”
hãy đứng lên, nhưng đồng chí Văn (cứ) thích ngồi, không thích đứng
theo lời đề nghị khẩn thiết của cựu đàn em. Rồi ông Bùi Tín tâm sự
tràng giang đại hải với giới trẻ, muốn trao gửi cho họ ước vọng của
ông về một đất nước đang trong hiểm họa Bắc Thuộc. Mới đọc những
bài viết của ông, thật là cảm động, nhưng đọc kỹ từng câu rồi mới
thấy, nhiều trường hợp câu sau chửi câu trước. Mời bạn đọc câu ông
Bùi Tín bàn về lòng yêu nước của HCM:
“Không thể nói ông Hồ không yêu nước, ông từng bị
thực dân truy lùng, xử tử vắng mặt, bị thực dân Anh bắt giam và xử
án ở Hong Kong, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ hằng năm
trời chỉ vì ông có ý chí đấu tranh bất khuất cho nền độc lập nước
nhà.”
Ông Bùi Tín ơi, ông Hồ giấu cái đuôi cộng sản của
ổng, và cho tới nay ông BT cũng hụ hợ giấu dùm cho ông ta, nhưng tình
báo của Pháp, của Anh, của Tưởng Giới Thạch đâu có mù hở ông?
Một tên tay sai của cộng sản quốc tế, tàn độc, gian
xảo như HCM đã chết từ đời tám hoánh rồi (1969 hay 1932?) thế mà bộ
máy tuyên truyền ghê gớm của CS nói mãi nói mãi để nhập tâm người
dân, đến nỗi một trường hợp khác là nhà văn Phạm Đình Trọng.
Trong bài viết ĐI THĂM CÙ HUY HÀ VŨ, có đoạn ông
Phạm Đình Trọng viết như sau: “Vì lòng yêu nước mà Hồ Chí Minh dựng
lên sự nghiệp, dựng lên nước Việt Nam hôm nay. Cũng vì lòng yêu nước
mà Cù Huy Hà Vũ bị nhà nước do Hồ Chí Minh dựng lên bỏ tù! Sự trớ
trêu, tráo trở cay đắng đó đã nói lên một sự thật phũ phàng rằng
nhà nước Việt nam hôm nay không còn là nhà nước do Hồ Chí Minh dựng
lên nữa rồi!”
Tôi không muốn đánh đồng nhà văn Phạm Đình Trọng với
ông Bùi Tín, vì nói thẳng thắn, tôi rất có cảm tình với ông PĐT qua
những bài viết rất sắc nét của ông về thực trạng đất nước dưới sự
cai trị của CSVN, những bài viết đó cho thấy lòng lo lắng chân thành
của ông PĐT đối với hiểm họa mà đất nước đang gánh chịu. Trong khi
ông Bùi Tín thì chính ông ta còn không sòng phẳng, thành thật với
chính mình, lấy gì ông ta chân thành với ai?
Nhưng ông Phạm Đình Trọng cũng có giới hạn đáng
tiếc của mình, như đoạn văn tôi trích dẫn ở trên. Ông PĐT, dù đã trải
đời, kinh qua bao oan nghiệt của cuộc sống dưới chế độ CSVN, mà kiến
thức xem ra cũng không hơn người bá tánh bình dân trong vụ Vũng Áng,
Hà Tĩnh, van vái ông Hồ và ông Võ Nguyên Giáp có linh thiêng hãy về
mà cứu nước, cứu dân! Ông PĐT tin rằng sau khi ông Hồ (chuyển sang) từ
trần, đảng CSVN mới dẫn đất nước tới tình trạng bê bối như ngày nay.
Coi bộ mối tình đầu của ông Phạm Đình Trọng với “lãnh tụ tối cao”
là không dễ gì phai nhạt?
Tôi thật tiếc cho ông!
Tôi không là ngự sử văn học hay ngự sử chính trị để
dùng cây gậy định hướng cho ai cả, nhưng tôi (chủ quan) xin thưa với ông
Phạm Đình Trọng rằng nếu Hồ Chí Minh (giả hay thật?) không nhắm mắt
lìa đời năm 1969, thì tôi tin rằng con, cháu của chúng ta hôm nay có
thể không còn dùng tiếng Việt mẹ đẻ nữa rồi!
Nhưng tôi lại thấy lòng mình được an ủi một chút khi
đọc một đoạn văn của nhà văn Vũ Thư Hiên trong tác phẩm ĐÊM GIỮA BAN
NGÀY của ông ấy, đoạn viết về cái gọi là VỤ ÁN XÉT LẠI CHỐNG
ĐẢNG bắt đầu vào tháng 7 năm 1967. Trong vụ án mà không ai ngờ trước
là nó sẽ xảy ra như thế, ông Vũ Thư Hiên và thân phụ của ông là cụ
Vũ Đình Huỳnh, bí thư trong khoảng 20 năm của Hồ Chí Minh, đều bị
bắt giam vào ngục tối. Đoạn văn như sau:
“Từ Nam Định trở về, nhìn cảnh nhà tan hoang, tôi
hỏi mẹ chuyện xảy ra thì bà cười cay đắng, mắt ướt nhòe:
– Chúng nó đến, con có tưởng tượng được không, còn
tệ hơn cả mật thám Pháp nữa kìa. Tay bố to, còng không vừa, chúng
nó cố ních khóa vào đến bật máu ra mà chúng nó vẫn cố khóa bằng
được. Đến khi biết khóa không nổi, chúng nó lấy thừng trói giật
cánh khủyu rồi điệu bố ra xe bịt bùng chở đi. Lúc chúng nó khám
nhà, mẹ quẳng cái khung kính có giấy chứng nhận Huân chương Kháng
chiến hạng nhất của bố vào mặt chúng nó: ” Các người khám kỹ cái
này đi, xem ở mặt trái của nó có gì?”. Chúng nó xử sự, hừm, đúng
như cụ Nguyễn Du tả: “Người nách thước, kẻ tay đao. Đầu trâu mặt ngựa
ào ào như sôi…”
Trong lòng bà ông Hồ Chí Minh chết vào đêm cha tôi bị
bắt.
– Lòng người khôn lường, con ạ! Mới biết không thiếu
gì kẻ quên đạo làm người khi ngồi vào ghế vương giả”. (Hết trích)
Một vị nữ lưu như thân mẫu của nhà văn Vũ Thư Hiên
lại có sự kiên cường và nhạy bén với nhân tình thế thái như thế
thật khiến tôi bái phục và cảm thấy rất an ủi trong lòng. Mong sao
trên đất nước trong tình trạng cực kỳ bi thảm hiện nay có thêm nhiều
người sáng mắt sáng lòng như bà cụ.
Ôi Hồ Chí Minh, một kẻ cơ hội “vĩ đại”, đã chết từ
thời tám hoánh rồi, nhưng tượng của ông vẫn tràn ngập miếu đền,
trường học, cơ quan, hình ảnh của ông vẫn là tấm bình phong cho lũ
tay chân bám vào để thống trị dân tộc, gây ra những oan nghiệt, những
sầu thảm, đau thương cho dân tộc Việt Nam này. Biết đến bao giờ?
https://anhbasam.wordpress.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét