Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: Bill Emmott, “Japanese Foreign Policy in the Trump
Era”, Project Syndicate, 13/12/2016.
Tháng 12/2016 sẽ là tháng hòa giải đối với Thủ tướng Nhật Bản
Shinzo Abe, đó là khi ông có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đã
đối đầu Nhật Bản trong Thế chiến II: Hoa Kỳ và Nga.
Có khả năng ông Abe sẽ đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir
Putin, sau đó không lâu sẽ là cuộc hội đàm giữa ông và Tổng thống Mỹ Barack
Obama. Nhưng các sự kiện này thực chất là dấu hiệu báo trước một tương lai bất ổn
và khó khăn đối với Nhật Bản cũng như toàn bộ khu vực Đông Á.
Vào ngày 26 tháng 12 tới, ông Abe sẽ bắt tay ông Obama tại
Trân Châu Cảng – vài tuần sau khi Mỹ tưởng niệm 75 năm quân đội Nhật tấn công
nơi này – để đáp lại chuyến thăm của Obama tới địa điểm bị đánh bom nguyên tử ở
Hiroshima hồi tháng 5. Ngày nay, Nhật-Mỹ đang cùng chia sẻ các giá trị chung
thông qua việc hai bên đã bày tỏ tha thứ cho nhau.
Song, cử chỉ này diễn chỉ mười ngày sau khi Abe tiếp đón
Putin tại quê nhà Yamaguchi; đồng thời, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo này mang
một tính chất hòa giải kiểu khác. Nga là
một trong số ít các quốc gia mà Nhật Bản chưa từng ký hiệp ước hòa bình sau năm
1945, bởi vì trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Liên Xô đã chiếm bốn
hòn đảo của Nhật Bản nằm ở phía bắc đảo Hokkaido, hòn đảo chính nằm ở cực bắc của
nước này.
Bốn hòn đảo này nằm về phía nam quần đảo Kuril vốn là ranh
giới giữa Biển Okhotsk với Thái Bình Dương. Tuy các hòn đảo này không có giá trị
kinh tế đặc biệt nào ngoài cung cấp một số vùng đánh bắt thủy sản, nhưng chúng
vẫn mang ý nghĩa tinh thần đối với Nhật Bản bởi đó là vùng lãnh thổ bị mất của
nước này. Còn đối với Nga, một nước vốn không bao giờ chịu nhượng lại lãnh thổ,
những hòn đảo này còn mang giá trị chiến lược. Mới đây, Điện Kremlin đã quyết định
lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa trên hai trong số bốn hòn đảo này.
Mặc dù việc tranh chấp các đảo khiến Nhật Bản và Nga chưa thể
chính thức hóa một hiệp định hòa bình, song hai quốc gia này đang bày tỏ mong
muốn qua lại thân tình với nhau hơn. Chuyến đi của Putin sẽ là chuyến viếng
thăm Nhật Bản chính thức đầu tiên của ông trong một thập niên; đồng thời Abe dự
kiến sẽ tiếp đón trọng thị Putin; hai bên sẽ thảo luận tại khu nghỉ dưỡng suối
nước nóng thay vì tại các phòng họp như trước.
Các cuộc đàm phán này sẽ đề cập tới những quan ngại của Nga
và Nhật Bản về Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Nga đã hâm nóng quan hệ với
Trung Quốc, đáng chú ý là việc hai bên đã đạt một thỏa thuận lớn về khí ga tự
nhiên cũng như tham gia tập trận chung, tuy nhiên, động thái này lại được xem
là hành động khiêu khích đối với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Trong dài hạn,
Nga không muốn bị coi là quốc gia phụ thuộc vào nước láng giềng phương nam đang
ngày một lớn mạnh hơn. Về phần mình, Nhật Bản sợ rằng Trung Quốc sẽ thống trị
Đông Á và bày tỏ niềm vui khi trở thành người bạn châu Á mới của Nga.
Trước đây, sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, để
Nhật Bản có thể đầu tư vào khu vực Viễn Đông của Nga, lý do bởi nước này đã
cùng phương Tây thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga để đáp trả việc Nga
xâm lược Ukraine. Nhưng hiện Donald Trump đã trở thành Tổng thống đắc cử của Mỹ,
và có khả năng các lệnh trừng phạt này sẽ được giảm nhẹ hoặc bị loại bỏ. Thật vậy,
điều này có thể lý giải việc ông Abe phá vỡ quy tắc lễ tân để trở thành nhà
lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp gỡ với Tổng thống đắc cử Trump tại New
York vào ngày 17 tháng 11 vừa qua.
Nếu bà Hillary Clinton thắng cử, Abe có lẽ sẽ buộc phải cân
nhắc ý định tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Putin. Giờ đây, Putin và Abe đã có
nhiều không gian hơn cho việc đàm phán về tình trạng các quần đảo tranh chấp, đồng
thời phát triển khung hợp tác kinh tế trong tương lai, vốn có khả năng bao gồm
các cuộc gặp thượng đỉnh song phương thường xuyên.
Song đây chỉ như một phần thưởng mang tính an ủi cho Abe.
Chiến thắng của Trump như hồi chuông báo tử cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái
Bình Dương (TPP) hiện có sự tham gia của 12 nước, hiệp định được Obama coi là
có vai trò trung tâm trong chiến lược châu Á của mình. Abe ủng hộ TPP, đồng thời
coi đó là phương tiện để ngăn Trung Quốc trở thành người định đoạt luật chơi
cho thương mại ở châu Á. Nếu không có TPP, có khả năng cao là Trung Quốc sẽ sắp
sửa đứng vào vị trí đó.
Đây sẽ là một tổn thất lớn đối với Nhật Bản, và quốc gia này
sẽ còn thảm hại hơn nhiều nếu Trump thực hiện lời hứa của mình trong đợt vận động
tranh cử để buộc các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc phải tự chi trả nhiều
hơn cho quốc phòng hai nước. Ngoài ra, nếu Trump tiếp tục khiêu khích Trung Quốc
thông qua đối thoại với Đài Loan và xét lại chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ,
căng thẳng trong khu vực sẽ leo thang. Đổi lại, việc này sẽ chỉ làm gia tăng
các nhu cầu quốc phòng của Nhật Bản, đặc biệt là liên quan tới Quần đảo Senkaku
ở biển Hoa Đông đang bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Do đó, Abe đang đối mặt với hiểm họa chính trị, nhưng ông vẫn
còn một cơ hội. Việc Trump thắng cử cùng những căng thẳng đang leo thang trong
khu vực đã tạo ra một cái cớ hoàn hảo để Abe đẩy mạnh mục tiêu chính trị tối hậu
của mình: bãi bỏ Điều 9, điều khoản hòa bình trong bản hiến pháp hậu chiến của
Nhật do Mỹ áp đặt. Điều khoản này nhằm hạn chế quân đội Nhật chỉ có vai trò “lực
lượng tự vệ”, đồng thời duy trì chi tiêu cho quốc phòng của Nhật ở mức 1% GDP.
Abe đã giành được đủ sự ủng hộ từ nghị viện để đạt mục tiêu
này, và ông có thể chiếm thêm ưu thế trong cuộc bầu cử sớm Hạ viện vào đầu năm
2017. Nhưng, ngoài việc phải đạt được hai phần ba số thành viên ở lưỡng viện, cải
cách hiến pháp vẫn đòi hỏi phải giành được đa số phiếu đơn giản (hơn 50%) trong
một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Đạt được điều này có thể khó hơn khi chủ
nghĩa hòa bình đã bám rễ sâu tại quốc gia duy nhất từng bị tấn công bởi bom
nguyên tử này.
Với việc bắt tay với Obama ở Hawaii, Abe sẽ chấp nhận chủ
nghĩa hòa bình hiện đại của đất nước, một dấu hiệu cho thấy dù ông được biết đến
là một người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng trong tâm trí ông vẫn nhận thức rõ về
các mối đe dọa chiến tranh. Những lời cam đoan ôn hòa này trong bối cảnh căng
thẳng đang gia tăng ở Đông Á có thể đủ hoặc chưa đủ để thuyết phục cử tri Nhật
rằng đã tới lúc cần mở rộng lực lượng vũ trang của đất nước 75 năm sau khi
giành thắng lợi vĩ đại nhưng cũng đầy định mệnh tại Trân Châu Cảng. Đây sẽ là một
trong những vấn đề trọng tâm của tình hình chính trị châu Á trong một vài năm hỗn
loạn sắp tới.
***
Bill Emmott nguyên là tổng biên tập tờ The Economist.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét