Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

15037 - Hộ nghèo và vấn đề bảo hiểm y tế




Trên trang Việt Nam Thời Báo hôm chủ nhật 21-7 có bài viết phản ánh về một trường hợp hộ nghèo sau khi có thay đổi nhân khẩu trong sổ hộ khẩu, đã mất quyền lợi về bảo hiểm y tế [http://www.vietnamthoibao.org/2019/07/vntb-tach-ho-gia-inh-nguoi-ngheo-cao.html].


Bài viết này sẽ chi tiết về các tình huống pháp lý, qua đó hy vọng giúp bạn đọc rõ hơn trong thủ tục bảo hiểm y tế hiện hành.
Từ tháng 6 đến tháng 12-2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chương trình “Hỗ trợ mua, tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo”. Dự kiến, chương trình sẽ tặng thẻ BHYT cho hơn 2.400 hoàn cảnh. Nguồn kinh phí của chương trình có từ đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam, và sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Khi nào thì BHYT được thanh toán 100% phí khám, chữa bệnh?
Theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thì những hoàn cảnh sau đây được quỹ BHYT thanh toán 100% khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến: Người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội. 
Trường hợp người lao động có thời gian tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên và có chi phí đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở, thì sẽ được cấp giấy miễn cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT và không phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho những lần tiếp theo trong năm. 
Thế nào là hộ gia đình nghèo ở TP.HCM?
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký quyết định sửa đổi bổ dung quyết định về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP.HCM áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2020, chuẩn nghèo được xác định từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống, chuẩn cận nghèo từ trên 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm.
Trước đó, theo Quyết định 58/2015/QĐ-UBND ngày 31-12-2015 của UBND TP.HCM, chuẩn hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và chuẩn cận nghèo có thu nhập bình quân 21-28 triệu đồng/người/năm.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 22-5-2019, cho biết có các quận 1, 3, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình và Bình Tân hiện đã không còn hộ nghèo, theo chuẩn nghèo TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Có 28 phường thuộc 6 quận (quận 4, 7, 8, 9, Bình Thạnh và Thủ Đức) cũng không còn hộ nghèo, theo chuẩn nghèo TP.HCM giai đoạn 2016-2020 (thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống).
Thay đổi nhân khẩu có làm thay đổi hộ nghèo?
Trong trường hợp ông bà Trần Văn Lượm - Lương Thị Thu Liễu ở phường 5, quận 4 mà bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo đề cập [nguồn đã dẫn ở trên], việc xem xét về chuẩn hộ nghèo, cận nghèo là hoàn toàn không liên quan đến biến động nhân khẩu trong sổ hộ khẩu. Có nghĩa, nếu thu nhập của ông bà Lượm – Liễu đáp ứng các quy định về thủ tục xét hộ nghèo, thì việc tách sổ hộ khẩu không làm thay đổi chuyện hộ ấy bỗng dưng… thoát nghèo.
Lưu ý, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia trong năm 2017, 2018 như ông Lượm – bà Liễu vẫn tiếp tục được sử dụng, mà không in, đổi thẻ đồng loạt cho các chủ thẻ, nếu không có thay đổi mới về mã quyền lợi hoặc đơn vị sử dụng lao động. Từ năm 2019, hệ thống BHYT sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu người tham gia, không cần đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây. 
Thực tế, từ ngày 1-8-2017, thẻ BHYT mới không ghi thời hạn sử dụng (từ ngày... đến ngày...) như trước đây, mà chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày... đúng như tấm hình chụp lại thẻ BHYT của ông Lượm đăng trên trang Việt Nam Thời Báo. Điều đó có nghĩa ông Lượm hoàn toàn an tâm sẽ không xảy ra chuyện “nếu thẻ mới không về kịp thì mất đến cả triệu đồng tiền thuốc cho một tháng” mà bài viết đó đề cập.
Một lưu ý, theo điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng hàng tháng của người tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình được tính như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; Người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất; Người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất; Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, nếu như phía UBND phường 5, quận 4 đã tính toán nhầm dẫn đến “từ khi không còn chế độ hộ nghèo, vợ chồng chú Lượm - cô Liễu mỗi năm mua 2 thẻ bảo hiểm, mỗi thẻ 750.000 đồng một người” như bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, thì ông Lượm và bà Liễu hãy đến UBND phường 5, quận 4 để đòi lại tiền. 
Số tiền liên quan trong trường hợp mua BHYT tự nguyện của ông Lượm, tính từ ngày 1-7-2019 là 67.050 đồng/tháng, tức 804.600 đồng/ năm. Bà Liễu là người mua thứ hai, có mức đóng là 46.935 đồng/tháng, tức 563.220 đồng/ năm. Mức đóng này chưa tính mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cụ thể ở địa phương (nếu có).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét