Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

14454 - Là chính trị đó...


Camera ghi lại cảnh tài xế taxi xuống xe nhìn đôi nam nữ xong rồi rời đi - Ảnh: Cắt từ video

Nhiều người lên án, chửi tài xế taxi VinaSun tông gần chết một đôi nam nữ (quận Tân Phú, TPHCM, đêm 24/6) rồi bỏ đi là “vô cảm”, “dã man”, “máu lạnh”... Xin thú thật là nếu tôi ở địa vị người tài xế lúc đó thì tôi sẽ cuống lên và chẳng biết phải làm gì. Gọi 115: Nhỡ họ không đến thì sao?

Làm cách nào để họ tới mà mình có thể rút lui an toàn? Đưa nạn nhân lên xe: Di chuyển họ kiểu gì? Nhỡ làm tình trạng của họ nặng hơn thì sao? Đưa đến bệnh viện nào? Đến rồi làm gì? Nhỡ bị người nhà nổi giận hành hung, bắt đền thì làm thế nào? Công an bắt thì ra sao? V.v.
Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là lúc các cơ quan làm chính sách có thể và cần phải ra tay. Sẽ rất tốt nếu họ có những chiến dịch truyền thông xã hội để vận động và hướng dẫn người dân phải làm gì khi gặp trường hợp tương tự, cả về mặt đạo đức, y tế lẫn luật pháp liên quan. Ví dụ: kêu gọi dân chúng thấy người bị nạn thì không bỏ đi mà tìm cách giúp đỡ, các bước như sau...; kêu gọi tuyệt đối không sử dụng bạo lực, phải dùng luật pháp và các cơ quan chức năng có liên quan, như là cảnh sát giao thông, bệnh viện, trạm xá, bảo hiểm... Quan trọng nhất là làm cho người dân tin rằng “giúp người bị nạn là một việc làm tốt và sẽ không gặp nguy hiểm, rắc rối vì nó”.
Thời gian ở Mỹ, vì lý do... tò mò, tôi hay vào đồn cảnh sát hoặc các cơ quan chính quyền địa phương để tìm hiểu về hoạt động của thiết chế cảnh sát sở tại. Luôn luôn tôi thấy trong các phòng làm việc của cảnh sát, có rất nhiều... sách (không phải là tủ hồ sơ đối tượng như ở đồn công an xứ ta). Và bên cạnh sách, luôn là hàng tập, hàng chồng tờ rơi thiết kế rất đẹp, hướng dẫn nhanh cách đối phó với động đất, mưa bão, lũ lụt, cách xử lý khi bị rắn hay côn trùng độc cắn, cách phòng chống ngộ độc thực phẩm... Cảnh sát Mỹ phát những tờ rơi ấy cho dân, tất nhiên là miễn phí. Tôi chưa kịp hỏi xin, họ đã cho cả tập.
Vậy nên tôi nghĩ việc truyền thông mạnh mẽ để giúp người dân làm điều tốt (thấy người bị nạn thì giúp) là có thể thực hiện được.
Tất nhiên, đó là trên lý thuyết. Còn thực tế ở Việt Nam rất phũ phàng: Sẽ chẳng có nhà nước nào động chân động tay làm gì, và chẳng có chiến dịch truyền thông xã hội nào để ngăn ngừa những câu chuyện thương tâm tương tự xảy ra cả. Nhà nước Việt Nam xã nghĩa chỉ quen tuyên truyền chống diễn biến hoà bình, bôi nhọ thế lực thù địch thôi chứ làm gì biết nghĩ đến các chính sách vì dân. Thậm chí, ta có lý do để tin rằng dân càng vô cảm, chính quyền càng thích. Đỡ phải lo đối phó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét