Tổng Thống Donald Trump tại nghĩa trang và đài kỷ niệm quân đội Mỹ Suresnes, cách thủ đô Paris chừng năm dặm về phía Tây, trước khi trở về Washington, hôm 11 Tháng Mười Một, 2018. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)
Trong mưa tầm tã, hơn sáu chục lãnh tụ thế giới – tổng thống và thủ tướng, vua và hoàng tử, từ một phần ba số quốc gia toàn cầu – đã cùng nhau đi dưới những cái dù đen trong mưa trên Đại Lộ Champs-Élysées ở Paris hôm Chủ Nhật, 11 Tháng Mười Một vừa qua. Họ đã tụ tập để kỷ niệm 100 năm ngày ký kết Hiệp Định Đình Chiến vốn chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến và để bày tỏ đoàn kết toàn cầu.
Nhưng cuộc tuần hành có tính biểu tượng đó thiếu sự có mặt của một người, tổng thống Hoa Kỳ, người mà đáng lẽ là lãnh tụ của thế giới. Ông đã đến dự nghi thức ở ngôi mộ người lính vô danh chôn ở ngay dưới Khải Hoàn Môn trong sự ấm áp và khô ráo của cái xe limousine. Tòa Bạch Ốc nói sợ an ninh. Đe dọa duy nhất mà người ta thấy là một nhà tranh đấu không vũ trang topless phản kháng chạy qua gần đoàn limousine của tổng thống, và trên ngực của cô là hàng chữ “Fake News” và bị cảnh sát chặn.
Ngày hôm trước tổng thống cũng làm đúng như vậy, hủy bỏ chuyến đi để vinh danh hơn 2,000 quân nhân Hoa Kỳ được chôn cất ở Nghĩa Trang Hoa Kỳ Aisne-Marne, khoảng 50 mile cách trung tâm Paris. Cũng xin nhắc lại là tổng cộng có 50,000 quân nhân Hoa Kỳ tử trận trong Đệ Nhất Thế Chiến.
Phản ứng rất nhanh và trên ngay chính phương tiện mà tổng thống thích. Sir Nicholas Soames, cháu gọi bằng ông của cố Thủ Tướng Winston Churchill và một dân biểu bảo thủ của Quốc Hội Anh, tweet: “Họ chết mặt hướng về kẻ thù và cái @realDonaldTrump thảm hại hoàn toàn không đủ khả năng không thể bỏ qua thời tiết để đến nghiêng mình trước những người đã hy sinh.” Rồi ông thêm #ôngta khôngđángđạidiệnchođấtnướcvĩđạinày.”
Sử gia Michael Beschloss, chuyên nghiên cứu về các tổng thống, tweet tấm hình Tổng Thống John F. Kennedy và Tổng Thống Charles de Gaulle đội mưa (không có ai che dù) ở Paris khi họ vinh danh những tử sĩ hồi năm 1961. Có vô số những lời chế nhạo trên Twitter, kể cả của một người từ @votevets, hỏi không hiểu quyết định đó có dính gì đến mái tóc của tổng thống hay không.
Cũng ngày hôm đó, mặc dầu trời mưa, hai lãnh tụ Pháp và Đức đã đến thăm Compiègne – cũng 50 mile cách thủ đô Paris – nơi mà thỏa thuận đình chiến được ký trong một toa xe lửa cách đây một thế kỷ.
Tổng thống đã cùng tùy tùng bay hơn 4,000 mile cho một cuộc tưởng niệm nhưng có vẻ không chú ý gì đến việc này cả. Ông ăn trưa với các vị nguyên thủ và đưa ra một lời tuyên bố ngắn ngủi ở một nghĩa trang Hoa Kỳ khác. Ngoài ra, đây là một chuyến đi vô bổ.
Tổng thống cũng không đến dự khóa khai mạc của Diễn Đàn Hòa Bình Paris – tạo ra để nuôi dưỡng những hành động tập thể toàn cầu – vốn được sự tham dự của tất cả những lãnh tụ còn lại, sau nghi thức kỷ niệm hôm Chủ Nhật. Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp, chủ nhà và cũng là chủ trì hội nghị, nói: “Liệu hôm nay có phải là một biểu tượng cho hòa bình bền vững hay là giây phút cuối của đoàn kết trước khi thế giới rơi vào vòng xáo trộn hơn nữa?” Và ông trả lời với thách thức đối với các vị quốc trưởng khác: “Nó hoàn toàn trông cậy vào chúng ta.”
Đề tài chính của diễn đàn là nhu cầu có một cộng đồng để ngăn ngừa Thế Chiến Thứ Ba. Thủ Tướng Angela Merkel của Đức hỏi: “Nếu cô lập không phải là giải pháp cách đây một trăm năm, làm sao nó có thể là giải pháp hôm nay, trong một thế giới kết nối?” Khi bà lên tiếng tổng thống đã đáp phi cơ Air Force One, trên đường trở về Washington.
Ông Ivo Daalder, đồng tác giả của một cuốn sách mang cái tên “Ngai Vàng Bỏ Trống: Sự Từ Ngôi Lãnh Đạo Toàn Cầu Của Hoa Kỳ,” tổng thống “không thấy Hoa Kỳ như là một quốc gia lãnh đạo những quốc gia khác hướng về một mục tiêu chung.”
Một cựu đại sứ Hoa Kỳ ở NATO than thở với tạp chí The New Yorker: “Việc quá lộ liễu vào cuối tuần ở Paris, nơi mà một tổng thống Mỹ nào khác (từ cố Tổng Thống Wilson đến Tổng Thống Obama) sẽ đọc bài diễn văn chính, định nghĩa vấn đề, đưa ra giải pháp, thay vì một ông Macron cố gắng tìm cách lấp đầy cái hố trống khổng lồ đó.”
Liên hệ của tổng thống với các đối tác hải ngoại ngày càng sụp đổ. Cái hố giữa Hoa Kỳ và Âu Châu – nơi nhiều trăm ngàn người Mỹ đã chết để bảo vệ – có lẽ chưa bao giờ sâu đến thế. Cái hố rất rộng về những vấn đề sinh tử (biến đổi khi hậu) đến đe dọa toàn cầu (Nga) và chiến tranh và hòa bình. Kể từ khi tổng thống nhậm chức, Âu Châu đã có những cuộc thảo luận về việc tạo nên một quân đội và những định chế tài chánh ở ngoài vòng kiểm soát của Hoa Kỳ.
Ngay cả “tình bạn thắm thiết” (bromance) với ông Macron cũng đã kết thúc. Tuần rồi, tổng thống Pháp nói Âu Châu cần một quân đội vùng, bởi vì không còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ như là một partner nữa. Trên Twitter, tổng thống bảo “vô cùng sỉ nhục.” Hai bên đã cố làm hòa ở Paris. Nhưng trong bài diễn văn nhân ngày Đình Chiến, lãnh tụ Pháp công khai lên án nghị trình America First của tổng thống.
Ông Macron nói với các lãnh tụ thế giới: “Chủ nghĩa dân tộc hay quốc gia là một sự phản bội lòng ái quốc. Bằng cách nói ‘quyền lợi của tôi đi trước – ai cần những người khác dâu?’ chúng ta đã xóa bỏ điều mà một quốc gia coi trọng nhất, cho nó sự sống, cho nó sự vinh dự, và điều quan trọng nhất: giá trị đạo đức của nó.” Ông Macron khuyến cáo đến một con quái vật cổ xưa trở lại và đang tung ra xáo trộn. Khi ông lên tiếng đến đó, Tổng Thống Trump nhăn mặt.
Lãnh tụ duy nhất của thế giới mà tổng thống có vẻ có liên hệ ở nghi thức kỷ niệm là với Tổng Thống Vladimir Putin của Nga, vốn cũng xuất hiện trễ. Khi tổng thống đến tham gia nghi lễ hai ông cười với nhau và ông Putin đưa tay chào thành công.
Mặc dầu ông không thích nhưng tổng thống cần có khai phá về chính sách ngoại giao vì những sáng kiến ngoại giao lớn nhất của ông hoặc là bị mắc kẹt hoặc là đang sụp đổ. Hội Nghị Thượng Đỉnh Helsinki với ông Putin, hồi Tháng Bảy, đã không cho thấy kết quả gì về kiểm soát vũ khí, Ukraine, hay Syria.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông do ông Jared Kushner soạn thảo vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Kể từ cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore hồi Tháng Sáu, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đã không cung cấp thống kê về số vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học hay số hỏa tiễn đạn đạo – chứ đừng nói đến chuyên bàn về cách và nơi chúng bị phá hủy.
Cuộc họp dự trù hôm tuần rồi giữa Ngoại Trưởng Mike Pompeo và Ngoại Trưởng Bắc Hàn Kim Yong Chol, đã bị hủy đột ngột – và nay sẽ chờ đến sang năm. Đầu tháng này, Bắc Hàn đe dọa sẽ tái tục “xây dựng lực lượng hạt nhân” nếu cấm vận Hoa Kỳ không được sớm hủy bỏ.
Tổng thống cũng bỏ lỡ những cơ hội ngoại giao. Ông từ chối tham dự hai hội nghị thượng đỉnh ở Á Châu, nơi tối cần thiết trước sự gia tăng hung hăng của Trung Cộng và sáng kiến về Bắc Hàn. Diễn Đàn Hợp Tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương – 21 thành viên dọc theo vùng lòng chảo Thái Bình Dương – chiếm đến 40% GDP của thế giới.
Diễn đàn APEC năm nay họp ở Papua Tân Guinea. Một hội nghị thượng đỉnh nhỏ hơn của Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á, đã họp ở Singapore. Những lãnh tụ thế giới khác, kể cả ông Putin lẫn ông Tập Cận Bình đều đến dự một hay cả hai hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống đã giao cho Phó Tổng Thống Mike Pence đại diện.
Thử thách tới của tổng thống để xem ông có lấy được một thành công ngoại giao nào hay không là cuộc họp thượng đỉnh G20 của các nền kinh tế lớn nhất thế giới – dự trù ở Buenos Aires vào 30 Tháng Mười Một. Ông dự trù sẽ gặp cả ông Putin lẫn ông Tập.
Sử gia Daalder giải thích: “Chính qua những hội nghị song phương, nơi mục đích của ông là chiến thắng, sẽ là chú tâm của ông. Có nhiều việc cho ông làm lắm, ngay cả nếu triển vọng thành công không có bao nhiêu.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét