Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

6530 - Thoát ly khỏi 'xướng ca vô loài'?


Xướng ca vô loài là một quan niệm thành kiến, sai lầm thời phong kiến, ý nói những kẻ làm nghề ca hát là hoàn toàn mất hết nhân phẩm, bị khinh rẻ, không thuộc tầng lớp nào trong xã hội.

Thời đại phong kiến cuối cùng cũng đã qua, những định kiến nêu trên cũng dần bị xóa bỏ. Nhưng có một điều duy nhất khiến nó được nhắc lại, là khi lòng tự tôn, yêu nước bị bóp méo.

Những nghệ sĩ có tên tuổi miền Bắc trong một chương trình của VTV lên án cuộc biểu tình ngày 10.06 – 11.06 đã gặp sự phản ứng dữ dội. Dù theo theo nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết, rất cảm thông với sự ‘kiếm cơm’ đằng sau phát biểu đó, chỉ là đừng muối mặt lên giọng dạy đời ai về lòng yêu nước. Ngoài ra, người viết cũng cần nhấn mạnh sự 'cắt/gọt' video mà VTV tiến hành nhằm mục đích tuyên truyền, bởi Ca sĩ Võ Hạ Trâm, người được phỏng vấn cũng đã thừa nhấn, đó là '1 đoạn video clip được cắt gọt hết sức ngắn', khiến sự bày tỏ thẳng thắn của cô về tính chất của cuộc biểu tình nếu ôn hòa là không sai đã bị... biến mất khi lên sóng.

Lên tiếng về sự 'cắt gọt' có chủ ý tuyên truyền của VTV từ nữ ca sĩ Võ Hạ Trâm
Còn đối với những nghệ sĩ còn lại, những người không có sự đính chính thì họ vẫn giữ lấy những quan điểm về ‘lòng yêu nước’ đó diễn ra trong bối cảnh hàng vạn người xuống đường và chịu sự bắt bớ, đánh đập. Và những người không xuống đường, vẫn miệt mài ‘chăn ấm, gối êm’, chưa một lần chứng thực cuộc xuống đường đã lên tiếng phê phán người biểu tình, thậm chí có một ‘nghệ sĩ’ của đài báo VTV còn coi người biểu tình là 'đám hùa'.

Nhà văn, nhà viết kịch người Nga Aleksandr Solzhenitsyn từng chia sẻ về lòng yêu nước, đó là 'tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng.' Do đó, bài viết muốn đề cập đến tinh thần dễ phê phán cái yêu sách không chính đáng đó của phía Chính phủ, từ những 'nghệ sĩ' rất khác nhóm trên.

Tôi muốn nhắc đến Nguyễn Tín – chàng ca sĩ hát nhạc lính, người xuống đường biểu tình và bị bắt thẩm vấn 48h với những cú đấm đầy bạo lực từ phía lực lượng công an.

Tôi muốn nhắc đến nhà thơ Đỗ Trung Quân – người bằng giọng thơ rất gàn của mình đã bắn phá những kẻ bán nước và đốt nước.

Tôi cũng muốn nhắc đến bạn Tung Tran (Microwave Band) và Sa Quyen (Psychotramps13) người mới đây đã cất cao lời hát ‘Một ngàn năm nô lệ giặc tàu’ đầy chất hùng ca trong bối cảnh hàng vạn người đã xuống đường.

Tôi cũng muốn đề cập đến nhà thơ Thái Bá Tân - với những tác phẩm thơ ngắn gọn, súc tích, khái quát hóa được cảm xúc nhân dân trước một chủ trương, chính sách bất lợi của phía chính quyền.

Tôi cũng nhắc đến bạn ca sĩ trẻ Văn Mai Hương, người gần đây nhất đã lên tiếng về dự luật an ninh mạng thông qua việc đăng tải lời phát biểu phản đối của một vị ĐBQH.

Còn rất nhiều những người như vậy, những người cho thấy tinh thần của chính kiến, lòng tự tôn và sự yêu mến dân tộc. Những người này thậm chí tính chính kiến và tư cách của lòng yêu nước còn cao hơn cả một số ĐBQH đang ngồi trong Hội trường Diên Hồng. Đó có phải xuất phát từ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc; là định hình cho mình lòng yêu nước không bị phụ thuộc, không bị giam lỏng, và càng không phải đã hót lên những ca từ trái với lương tâm.

Nhà văn Mark Twain không phải ngẫu nhiên mà khẳng khái nói rằng: 'Luôn trung thành với Tổ quốc. Chỉ trung thành với chính quyền khi nó xứng đáng với điều đó'.

Trong khi chờ sự hồi tâm chuyển ý của những nghệ sĩ còn lại, thì tiếng nói của những nghệ sĩ yêu nước - thương nòi, tôn trọng quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp chính là tạo cơ sở cho một sự thoát ly ra khỏi định kiến 'xướng ca vô loài', định hình nên mẫu nghệ sĩ đẹp trong ánh mắt người dân, phản ánh đúng sự nhạy cảm và ưu tư cần có ở những người yêu nước, những nghệ sĩ thuộc về nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét