Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

6441 - Donald Trump và những nỗ lực phá vỡ mô hình thương mại của thế giới


Tổng thống Mỹ và 6 nguyên thủ trong khối G7 : G7 hay G6+1 ? Ảnh ngày 09/06/2018. Charlevoix-La Malbaie- Québec Canada.Reuters

Mỹ đồng ý ký tên vào thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh ở Québec, Canada, rồi rút lời lại. Sau NAFTA, TPP, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, đến G7 là mục tiêu tấn công mới của Donald Trump đang chuẩn bị cho bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018 ?

Tại thị trấn nhỏ La Malbaie bảy cường quốc công nghiệp phát triển bị chia rẽ giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia là 6 thành viên còn lại gồm Canada, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức và Ý. Sau một đêm trắng thương thuyết với hy vọng 7 thành viên đưa ra được một tuyên bố chung kết thúc hội nghị. Tất cả các nỗ lực đó bị hai tin nhắn trên Twitter của Donald Trump làm tiêu tan.
Trên máy bay đến Singapore dự thượng đỉnh với nguyên thủ Bắc Triều Tiên, tổng thống Hoa Kỳ dọa áp thuế nặng thêm nữa vào xe hơi của châu Âu và hàng của Canada bán sang Mỹ.
Cách La Malbaie ngàn trùng, không khí khác hẳn tại cuộc họp của Tổ Chức Thượng Hải mở ra trong hai ngày 9 và 10/06/2018 tại Thanh Đảo. Các nguyên thủ ca ngợi tình "đoàn kết" giữa 8 thành viên trong khối- gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và 4 nước trung Á là Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan và Ouzbekistan.
Trong cương vị chủ nhà, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trương một mô hình kinh tế và thương mại "không ích kỷ".
Từ khi tổng thống Trump nhậm chức tháng Giêng 2017, chỉ riêng trong chính sách thương mại của ông, giới quan sát Tây phương nhận định : tổng thống Hoa Kỳ đang coi rẻ các nước đồng minh, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, từ Canada đến các đối tác châu Âu. Sự cố ở thượng đỉnh G7 vừa mới đây chỉ là một bằng chứng mới chứng minh cho điều ấy.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đưa ra một quan điểm hoàn toàn trái ngược với điều này.
Nguyễn Xuân Nghĩa : - Tôi sẽ nói ngược, mà cần thiết để ta thấy ra toàn cảnh của vụ tổng thống Hoa Kỳ gây gổ với thủ tướng Canada và ra lệnh không ký bản tuyên bố chung của Thượng đỉnh G7. Thứ nhất, trên một LiveStream thực hiện tại Mỹ ngày 07/06/2018, tôi có dự báo là thông cáo chung sẽ thiếu một chữ ký. Thứ hai, vì tập trung vào hồ sơ Bắc Triều Tiên, đáng lẽ Donald Trump không dự thượng đỉnh, để phó tổng thống Mike Pence đại diện, sau cùng ông đổi ý, do thiện chí. Sau hơn một ngày thảo luận, ông Trump rời Québec sớm hơn mọi người để bay qua Singapore cho thượng đỉnh với Kim Jong Un.
Trước khi lên máy bay, ông họp báo hơn nửa tiếng với những thông tin có vẻ lạc quan về kết quả G7. Nhưng không ngờ là sau đó vị nguyên thủ của quốc gia đăng cai tổ chức thượng đỉnh G7 là thủ tướng Justin Trudeau lại phát biểu với nội dung quy trách Hoa Kỳ, ông Trump liền nổi đóa và trả lời bằng hai Twitter trên máy bay. Nối tiếp, hai cố vấn kinh tế của ông là Peter Navarro và Larry Kudlow cũng lên truyền hình đả kích thủ tướng Canada.
Khi đôi bên còn lời qua tiếng lại, phủ thủ tướng Đức lại phổ biến cho báo chí một tấm hình về thượng đỉnh, với nội dung diễn giải rằng thủ tướng Angela Merkel ráo riết chất vấn ông Trump. Truyền thông Mỹ thì toàn thời chống Trump nên tiếp tục bàn luận về chuyện vớ vẩn đó.
Tôi cho là khối G7 nay là một nhóm hết thời, chẳng có mục tiêu rõ rệt và chẳng có khả năng lãnh đạo ngoài chuyện bàn cãi về cơm áo gạo tiền. Được ra đời năm 1973 để đối phó với vụ khối Ả Rập Hồi Giáo phong tỏa dầu khí, bảy nước có sản lượng kinh tế lớn nhất thời đó ngày nay đã tụt hậu. Nói về sản lượng thì thiếu Trung Quốc đứng hàng thứ hai, Ấn Độ đứng thứ bảy, Ý tụt xuống hạng tám còn Canada chỉ là hạng 10. Trong khi có bốn quốc gia đang gặp vấn đề nan giải là Nhật, Đức, Anh và Ý.
Liệu cuộc chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong nhóm G7 có tới hồi căng thẳng ?
Nguyễn Xuân Nghĩa :Tôi không bi quan như nhiều người vì nghĩ là phép thương thuyết của Trump thường là chống “toàn phương vị”, bốn phương tứ hướng đều chống, với đòi hỏi tối đa trong một kỳ hạn nhất định. Sau đó thương thảo, ai nóng ruột thì thua.
Đi vào nội dung cụ thể, chính quyền Trump vừa dàn trận như sau. Thứ nhất, viện dẫn Mục 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962, Mỹ sẽ tăng thuế và đặt hạn ngạch nhập cảng thép và nhôm. Các nước trong nhóm G7 bị tấn công là Đức, Anh, Ý, Canada, Nhật. Họ đòi trả đũa trên nông sản và hàng kỹ nghệ của Mỹ.
Thứ hai, cũng từ Mục 232, Hoa Kỳ dọa áp thuế và hạn ngạch nhập cảng xe hơi kể từ tháng 2/2019. Bị tấn công là Canada, Nhật, Đức, Anh, Ý và dĩ nhiên là Trung Quốc. Các nước đang đàm phán về chuyện này. Thứ ba, liên hệ đến Iran trong kế hoạch giải trừ võ khí hạch tâm mà ba nước G7 sẽ bị vạ lây là Nhật, Pháp và Ý.
Trên đại thể đó ta không quên rằng trong liên hệ Âu-Mỹ còn có Liên Minh Bắc Đại Tây Dương OTAN mà Mỹ giữ vai chủ chốt và chi tiền nhiều nhất. Với Donald Trump thì an ninh cũng là kinh tế.
Mà đối thủ số một của Mỹ là Trung Quốc chứ không là Liên Âu và khi Hoa Kỳ tới tấp tấn công Bắc Kinh từ nay tới cuối năm, qua năm sau thì điều ấy cũng có lợi cho các nước Âu Châu đi sau bóng Mỹ.
Sau cùng, về Canada thì trước thượng đỉnh G7, quan hệ với Mỹ đã căng thẳng khi đàm phán lại hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ NAFTA và lãnh tụ nào cũng cần cho thấy họ bảo vệ quyền lợi của quần chúng ở nhà, nhất là khi sắp bầu cử.
RFI : Còn Tổ Chức Thương Mại Thế giới OMC ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Chúng ta nên có hai thói quen cần thiết : thứ nhất, lãnh đạo chính trị các nước dân chủ thường đổi ý ; thứ hai là ngoài thuế quan hay hạn ngạch thì tự do mậu dịch còn có kích thước chính trị. Ngày xưa, Barack Obama chống NAFTA và không tin TPP, một năm sau mới ủng hộ và sau 20 vòng đàm phán mới ký kết TPP vào tháng 10/2015. Nhưng khi đó Quốc Hội khóa 115 lại chống TPP, với đại đa số đảng Dân Chủ, nên văn kiện không được phê chuẩn.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cả hai ứng viên Bernie Sanders và Hillary Clinton bên Dân Chủ đều chống, dù khi còn là ngoại trưởng, bà Clinton triệt để cổ võ hiệp ước này. Donald Trump cũng chống và nói rằng nếu đắc cử thì sẽ rút.
Sau khi nhậm chức, nhìn vào hồ sơ mậu dịch với Trung Quốc, chính quyền Donald Trump thấy Bắc Kinh trục lợi bất chính kể từ khi được Hoa Kỳ thời Bill Clinton cho gia nhập Tổ chức OMC. Ban tham mưu của ông mất cả năm nghiên cứu tại sao thì mới rõ và có báo cáo nhưng báo chí không thèm đọc.
Trong các hiệp ước tự do mậu dịch song phương hay đa phương, ai cũng chỉ nhìn vào thuế biểu hay hạn ngạch mà không thấy là vì lý do chính trị, xứ nào cũng tìm cách bảo vệ quyền lợi riêng bằng thủ thuật phi tài chánh, như luật lệ lắt nhắt về môi sinh, lao động nhằm gia tăng xuất cảng hay hạn chế nhập cảng. Trung Quốc có chế độ bảo hộ tinh vi nhất, trong khi cũng can thiệp mạnh nhất vào sinh hoạt kinh tế nên chưa được hưởng quy chế có nền kinh tế thị trường.
Cơ chế của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới có quy định về những trường hợp ấy, nhưng khi khiếu nại thì thủ tục nhiêu khê tốn kém, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại không thể theo đuổi những vụ kiện kéo dài nhiều năm nên đành bỏ cuộc. Ông Trump đòi bảo vệ quyền lợi của họ nên mới tung ra hàng loạt biện pháp hăm dọa.
RFI : G7 và phương Tây bị chia rẽ, cơ hội cho Trung Quốc và Nga ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Đấy là trường hợp có thể gọi là ảo giác “về tự do mậu dịch”. Nền kinh tế của tám nước thành viên và bốn nước quan sát viên Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải thuộc vào loại “đang lên”, chủ yếu sống nhờ tài nguyên và năng lượng, mà vẫn duy trì chế độ bảo hộ. Khi thấy khối Tây phương cãi cọ chuyện vu vơ, thì Tập Cận Bình hay Vladimir Putin có thể lên tiếng dạy dỗ về những điều họ không thể áp dụng được ở bên trong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét