Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

6479 - Quốc Hội tự phá bỏ nguyên tắc dân chủ cơ sở?

Ánh Liên


Quốc Hội là cơ quan duy nhất mà người dân cảm thấy có chút xíu quyền lực trong đó, và quyền lực lớn nhất mà người dân kỳ vọng là quyền lực... giám sát quyền lực nhà nước tối cao!

Điều dĩ nhiên, sự giám sát đó phải bắt nguồn từ chính khả năng làm chủ của ĐBQH. Khi ĐBQH làm chủ, và thực sự độc lập thì lúc đó quyền lực giám sát của người dân mới thực sự được kiểm nghiệm.
Quốc hội đã chọn hình thức biểu quyết công khai kết quả nhưng không công bố danh tính. Ảnh: Hoàng Phong.
Luật an ninh mạng được thông qua. Và người dân đang mong muốn nhận diện 15 vị bỏ phiếu chống, số lượng người dân này dù lớn hay nhỏ thì họ vẫn là cử tri, và vẫn có đủ cái quyền để lên tiếng yêu cầu công khai.

Facebooker Thành Lê - chủ trang vlog chính trị - xã hội gần đây đã thực hiện cuộc gọi truy vấn các ĐBQH ở Bắc Giang. Tuy nhiên, đáng tiếc là anh nghẽn ngay tại văn phòng ĐBQH tỉnh này, khi yêu cầu cung cấp số điện thoại gặp phải sự từ chối.


Một người dân khác và là cử tri quận Hà Đông - bà Nguyễn Thị Tâm cũng livetreams về cuộc truy vấn đoàn ĐBQH Hà Nội. Với tư cách cử tri, bà đã tiến hành gọi điện cho hơn chục vị ĐBQH, nhưng chỉ duy nhất một ĐBQH trả lời là 'không bấm nút thông qua'; còn lại là máy bận, cáu gắt, thuê bao không liên lạc được, dập máy... 

Có vẻ như các vị ĐBQH đang gặp sự khó khăn trong minh bạch nút bấm vủa mình, mặc dù các vị ĐBQH mới đại diện cho 'đa số nhân dân' đồng thuận dự luật gây tranh cãi này.

Tuy nhiên, mới đây nhất, một vị cứu tính cho những ĐBQH không muốn 'dân biết, dân bàn, dân kiểm tra' đã xuất hiện. Và ông chính là Tổng thư ký Quốc Hội - ông Nguyễn Hạnh Phúc.

Vị thư ký này tuyên bố: Quốc hội đã chọn không 'công khai nút bấm'.



Không công khai đồng nghĩa với quyết định của các vị ĐBQH là tối mật; đồng nghĩa quyền giám sát của nhân dân bị hạn chế; đồng nghĩa với minh bạch trở thành một câu chuyện phiếm bàn cho qua chuyện.

Không công khai cũng đồng thời khiến tính trách nhiệm của mỗi cá nhân ĐBQH trở về số 0; và người dân hoàn toàn có thể nghi ngờ về con số biểu quyết, được thông qua nêu trên.

Vấn đề là Quốc Hội là nơi ban hành Luật, mà bản thân các vị cử tri lại là đại biểu của nhân dân nên thành ra khi dân bị tước quyền được nghe-nhìn-kiểm tra thì đồng nghĩa đó lại là quyết định của nhân dân. Và trớ trêu thay, không công khai nút bấm lúc này lại chính là sự đồng thuận từ nhân dân. Biến Quốc Hội từ một cơ quan quyền lực, chịu trách nhiệm giám sát tối cao; vốn phải gắn liền với minh bạch thì nay đã trở thành một Hội kín!

Đây không phải là lần đầu tiên Quốc Hội phá bỏ nguyên tắc dân chủ cơ sở, trước đó không lâu, quyền giám sát của nhân dân qua báo chí cũng bị hạn chế. Theo đó, Các phiên làm việc về nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm sẽ 'họp kín' và báo chí sẽ bị cấm.

Liệu đây có phải là biểu hiện cao độ của tính dân chủ đặc trưng hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét