Cali Today
Sau cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 phản đối dự luật Đặc khu và dự luật An ninh mạng tại Sài Gòn, động thái Công an TP.HCM – mà chắc chắn phía sau đó phải có sự chỉ đạo của Bộ Công an và do đó vụ việc này mang danh nghĩa ‘trung ương’ chứ không phải địa phương – quyết định phát lệnh khởi tố Will Nguyễn đã khiến dư luận ngạc nhiên vì tính chất căng thẳng bất ngờ của vụ này.
Cách đây hai năm, vào tháng Năm năm 2016, một người Việt gốc Mỹ là cô Nancy Nguyễn cũng bị Công an TP.HCM bắt câu lưu trong khoảng một tuần, có thể do Nancy Nguyễn liên quan đến cuộc biểu tình bảo vệ môi trường và phản đối Formosa diễn ra vào tháng Năm ấy. Sau thời gian bị câu lưu, Nancy Nguyễn đã bị công an Việt Nam trục xuất. Nhưng không có khởi tố và tạm giam.
Còn giờ đây, cái cách công an Việt Nam khởi tố và tống giam Will Nguyễn lại khiến cho nhiều người hình dung ra… Bắc Hàn.
Bắc Triều Tiên là chế độ nổi tiếng với nhiều vụ bắt giữ công dân Mỹ đi du lịch tại đất nước này, thẳng tay quy chụp cho họ là gián điệp, đưa ra tòa xét xử với mức án lên đến 10 – 15 năm tù giam, để sau đó lấy những tù nhân bất đắc dĩ đó… mặc cả viện trợ với quốc tế.
Việt Nam, tuy không đến mức sống sượng chụp cho Will Nguyễn cái mũ ‘gián điệp’, song cũng nổi tiếng không kém vì chiêu thức ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ hiện hình từ năm 2013 đến nay – bằng vào các hiệp định TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) trước đây và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) hiện nay.
Vậy khi khép Will Nguyễn vào tội ‘gây rối trật tự công cộng’ – một hành vi mà theo Luật Hình sự Việt Nam thì có thể phải đối mặt với án tù từ 6 tháng đến 3 năm, phía Việt Nam muốn nhắm đến mục đích gì?
Không thể cho rằng giới chóp bu Việt Nam không găm vào tiềm thức của họ nhu cầu quá thiết thân về quan hệ với Hoa Kỳ – không chỉ về thuơng mại mà còn cả về quân sự, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bị “đồng chí tốt’ Trung Quốc dùng nhiều thủ đoạn và gây sức ép ngoại giao, chính trị và quân sự trên Biển Đông. Trong tình cảnh khốn khó đó, chính thể Việt Nam không chỉ cần đến con số xuất siêu 25 – 30 tỷ USD được duy trì hàng năm vào thị trường Mỹ mà còn cần cả lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ can thiệp vào hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là khi Bắc Kinh đã đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa vào năm 2016 và đưa máy bay quân sự ra đảo Đá Subi thuộc Trường Sa vào năm 2018.
Chỉ có điều, sợ Trung Quốc là một lẽ, nhưng chế độ cầm quyền ở Việt Nam cũng sợ dân cũng không kém.
Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 lến đến con số chưa từng có – hàng trăm ngàn người và lan rộng trên 50% tỉnh thành ở Việt Nam, gấp một chục lần số người biểu tình kỷ lục trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, hẳn đã khiến Bộ Chính trị đảng hoảng hốt và lo sợ một cận cảnh ‘Mùa xuân Ả Rập’ có thể tái hiện ở Việt Nam, do đó phải tìm nhiều phương cách và thủ đoạn để dập tắt làn sóng biểu tình.
Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Lòng dân đã bức bối và căm phẫn đến tột độ một chế độ ăn tàn phá hại, bóc lột dân chúng thậm tệ và đẩy cả dân tộc vào cảnh tuyệt vọng. Chỉ cần có cơ hội là tung chân xuống đường.
Rất nhiều quan chức công an từ cao xuống thấp đang cảm nhận ngày càng rõ về hồi chuông báo tử đối với chế độ đang vang rền những tiếng quyết định, báo trước thời khắc quyết định trong không bao lâu nữa.
Mục đích lớn nhất của chính quyền và công an Việt Nam khi quyết định khởi tố công dân Mỹ gốc Việt Will Nguyễn – khó có thể hiểu khác hơn là nhằm răn đe người dân Việt Nam biểu tình, đồng thời răn đen giới người Việt hải ngoại.
Đó là nguyên do do vì sao vào lúc Will Nguyễn bị công an bắt giam, đã xuất hiện những tin tức cực kỳ mơ hồ trên một số trang dư luận viên của đảng và công an – cho rằng Will Nguyễn là thành viên của một tổ chức chính trị và nhiệm vụ của nhân vật này là mang về Việt Nam 1,7 triệu USD để cung cấp cho 12 nhóm biểu tình (?).
Còn người Việt hải ngoại – thường được cơ quan tuyên giáo và hệ thống báo đảng ở Việt Nam gọi là ‘khúc ruột ngàn dặm’ và ‘kiều bào ta’, không có trách nhiệm gì khác ngoài việc hàng năm đều đặn gửi đô la theo đường kiều hối về Việt Nam, duy trì sức sống cho hơi thở đang mau chóng suy tàn của nền kinh tế bị suy thoái kinh niên, và cũng ‘cống hiến’ cho ngân sách của đảng và chính phủ đang nằm trong tình trạng thu không đủ chi và thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng.
Nhưng ngoài trách nhiệm trên, người Việt hải ngoại không thể có được vai trò nào khác!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét