Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman
tại Nhà Trắng, Washington, 20/03/2018.REUTERS/Jonathan Ernst
Trung tuần tháng Ba vừa qua, hội
thảo về địa chính trị thế giới lần thứ 10 diễn ra ở Grenoble, Pháp, với chủ đề
nước Mỹ: « Chính quyền Donald Trump và quyết tâm của chủ nhân Nhà Trắng tái lập
uy tín siêu cường của nước Mỹ trong một thế giới mà cạnh tranh được ưu tiên sử
dụng nhiều hơn là tìm cơ hội hợp tác ». Có thật sự nước Mỹ đã mất thế siêu cường
vô địch và liệu Donald Trump có phải là một nhà lãnh đạo xuất hiện đúng lúc và
làm đúng việc ?
Theo nhận định chung của công luận,
uy thế độc tôn của Hoa Kỳ, sau 20 năm cực thịnh, tính từ lúc Liên Xô sụp đổ năm
1991 cho đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đã dần dần hao mòn nếu không muốn
nói là bị cạnh tranh và thách thức.
Tháng Giêng 2018, hai chuyên gia
ngoại giao Mỹ của Council on Foreign Relations, Robert Blackwill và Philip
Gordon, thẩm định trong một bản báo cáo là đã đến lúc phải tiến hành chính sách
« đê điều » ám chỉ Nga và Trung Quốc. Phân tích này cũng phù hợp với nguyện vọng
của những nước châu Á lo sợ sức mạnh đang lên của Trung Quốc và nỗi lo của các
nước Đông Âu, Baltic sát biên giới với Nga.
Từ nghi vấn đến thực tế
Hình ảnh tiêu cực của tổng thống
Donald Trump được diễn giải là minh chứng cụ thể cho tình trạng mất thế thượng
phong của Hoa Kỳ. Hư thực ra sao ?
Trả lời câu hỏi của RFI, trong
chương trình « Géopolitique », chuyên gia Bắc Mỹ thuộc Viện IFRI của Pháp,
Laurent Nardon giải thích :
« Trước khi xảy ra khủng hoảng
tài chính trong những năm 2007, 2008 và được xem là điểm mốc báo hiệu uy thế nước
Mỹ suy thoái, thì đã có vụ không tặc khủng bố 11 tháng 9 năm 2001. Tuy nhiên,
câu hỏi về uy thế nước Mỹ suy thoái đã được đặt ra ngay từ ngày đầu của siêu cường,
cũng tương tự như trường hợp một học sinh giỏi nhất lớp, lúc nào cũng lo lắng
không biết mình đứng hạng nhất cho đến bao giờ. Từ khi có được danh hiệu siêu
cường, nước Mỹ không ngừng củng cố vị thế và cùng lúc có tâm lý lo ngại mất quy
chế. Trong thập niên 1960, trong cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ, John
Kennedy đã nêu nguy cơ nước Mỹ sẽ bị sức mạnh quân sự của Liên Xô vượt qua. Cuộc
tranh luận phát sinh từ đó và luôn luôn trở đi trở lại. Câu hỏi ngày nay là có
thật sự nước Mỹ yếu dần và đâu là những dấu hiệu cụ thể ».
Ngoài dấu hiệu cũng phải nói đến cấp
độ : suy giảm tương đối hay xuống dốc nghiêm trọng ? Theo giáo sư Bertrand
Badie, chuyên gia quân sự, Học viện Chính trị Paris, không phải « sức mạnh của
Mỹ » suy thoái. Đúng hơn, phải nói là « không có sức mạnh nào độc tôn ». Từ khi
Liên Xô tan rã, nước Mỹ phải đối mặt với những thay đổi quan trọng trên thế giới,
bởi vì thế lưỡng cực Mỹ-Nga không còn tồn tại.
Trong thế kỷ 20, Mỹ là một siêu
cường đại diện cho phe « thiện » anh hùng, tiêu diệt chế độ Đức Quốc xã « hung
ác ». Quy chế cường quốc được xét theo thang điểm sức mạnh quân sự. Trong thế kỷ
trước, Liên Hiệp Quốc chỉ có 51 thành viên. Hai phần ba nhân loại đứng ngoài vì
còn bị các cường quốc thực dân đô hộ. Thông tin được loan truyền qua báo giấy.
Ngày nay, tình thế hoàn toàn thay đổi. Hai phần ba nhân loại bị xem là nhược tiểu
nay có ghế trong Liên Hiệp Quốc, chiến trường không còn ở châu Âu mà dời sang
các châu lục khác, ở Trung Đông, ở châu Phi hay Trung Á. Với hệ thống internet
và phương tiện thông tin hiện đại, bất cứ quốc gia nào cũng có thể bị tấn công
và nước nào khi bị tấn công đều cũng khó phòng thủ. Nước Mỹ không còn là « hậu
phương an toàn ».
Thế giới phức tạp làm siêu cường lúng túng
Cũng theo phân tích của giáo sư
Bertrand Badie, vấn đề của Hoa Kỳ là chưa tìm ra con đường nào toàn hảo để
thích nghi với sự biến đổi sâu rộng của thế giới.
Có thể nói là Mỹ trải qua ba giai
đoạn. Trước tiên là với xu hướng tân bảo thủ, xem chuyện đổi thay này không
quan trọng : đây là cơ may thuận lợi cho nước Mỹ độc tôn phát huy giá trị của Mỹ
ra khắp thế giới. Tiếp theo đó là nhãn quan của Barack Obama. Ông là vị tổng thống
Mỹ đầu tiên nghĩ rằng mô hình siêu cường chỉ dựa trên sức mạnh là không đủ,
không được. Do vậy, nước Mỹ của Obama tập trung vào kinh tế, vào tự do mậu dịch
toàn cầu.
Bây giờ thì chúng ta chứng kiến
con đường thứ ba với Donald Trump, con đường quốc gia chủ nghĩa : toàn cầu hóa
có lợi cho Mỹ thì Mỹ áp dụng, không có lợi thì để qua một bên. Nhưng vấn đề của
Trump là khi đề xướng chuyện gì thì không ai nghe theo. Ngày trước, khi George
W. Bush đánh Irak, hơn 40 nước gửi quân yểm trợ. Ngày nay, khi Donald Trump
tuyên bố dời sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem, chỉ có Guatemala làm theo. Khi Mỹ
bỏ Unesco chỉ có Israel ủng hộ. Điều này cho thấy ảnh hưởng Mỹ hiện nay như thế
nào ?
Trên thực tế, theo giáo sư
Bertrand Badie, thế giới lưỡng cực đã tan, nhưng đa cực không hề có.Tình hình
phức tạp của thế giới cũng làm cho thế lực, ảnh hưởng của Mỹ bị giảm đi.
« Không bao giờ có một thế giới
đa cực. Thế giới đa cực chỉ là niềm hy vọng thầm kín, dịu dàng của những cường
quốc cấp trung khi bức tường Berlin sụp đổ. Như một đội bóng hạng hai từ nay hy
vọng có thể đấu với các đội hạng nhất, có thể có tiếng nói trên trường quốc tế.
Nhưng vấn đề của thế giới đa cực là phải có sức thu hút. Thời chiến tranh lạnh,
sức thu hút có thật. Vì lý do này hay lý do khác, cần ô dù nguyên tử, cần được
bảo vệ, mà có phe thân Mỹ có phe thân Nga.
Ngày nay nam châm này không còn nữa.
Đây là biến chuyển mới trong quan hệ quốc tế. Cường độ hấp dẫn của một đại cường
giảm theo tỷ lệ nghịch với khả năng tự chủ tự cường của nước nhỏ. Tuy không có
sức mạnh quân sự, nhưng các nước nhỏ này có cách hiệu quả để bắt chẹt ông chủ của
mình. Để đơn giản vấn đề, chúng ta hãy đơn cử trường hợp Syria : Bachar al
Assad và Vladimir Putin, ai lệ thuộc ai ?
Nước Pháp cũng thế, với chủ
trương thế giới đa cực của cựu tổng thống Jacques Chirac, đã hấp dẫn được ai
ngoài Monaco và một số « ông hoàng » Phi châu, cần viện trợ của Paris để tồn tại
? Với những sức thu hút như thế không thể có một thế giới đa cực ».
Không cùng quan điểm nhưng cũng
không hoàn toàn phủ nhận lập luận của đồng nghiệp Bertrand Badie, chuyên gia
Laurent Nardon cho rằng thế giới hiện nay chia làm ba khu vực ảnh hưởng khác
nhau : Nga, Trung Quốc và Liên Âu. Điều bất trắc là nước Mỹ của Donald Trump, từ
nay đến 2024 sẽ đứng ở đâu ?
« Thế giới ngày nay, rất đáng lo,
có thể xem là chia thành những khu vực ảnh hưởng kề cận nhau. Thế giới Trung Quốc
muốn thống trị khu vực châu Á. Thế giới Nga muốn mở rộng ảnh hưởng đến Trung Âu
như chúng ta thấy qua diễn biến ở Ukraina. Một thế giới nữa là của các nước dân
chủ Tây phương, gắn bó với giá trị tự do và trật tự, thiết lập từ năm 1945.
Vấn đề ở đây là không biết Hoa Kỳ
sẽ đóng vai trò gì từ nay đến 2020 hay 2024 nếu Donald Trump tái đắc cử. Hành động
của Trump cho phép suy đoán là Mỹ muốn phá bỏ trật tự thế giới do chính Hoa Kỳ
đề xướng từ năm 1945 : « trật tự thế giới tự do », nơi đó các định chế quốc tế,
luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, phải dùng phương tiện ngoại giao giải
quyết xung khắc bằng đối thoại đúng nghĩa trước khi mượn đến những giải pháp vũ
lực. Donald Trump dường như bất chấp các nguyên tắc này, tôi hy vọng đây chỉ là
một giai đoạn tạm thời vì ông ấy không tiếp tục làm tổng thống sau năm 2024.
Như thế, Tây phương sẽ bảo đảm cho thế giới một hệ thống dân chủ và tự do trước
hai thế giới Trung Hoa và Nga hoạt động theo một mô hình khác, mô hình độc đoán
mà chúng ta thấy đang xuất hiện đó đây ».
Phải sang trang « nước Mỹ trước đã »
Quan điểm « ba vùng thế giới » của
chuyên gia Laurent Nardon, bị đồng nghiệp Bertrand Badie, tương đối hóa. Theo vị
giáo sư Học viện Chính trị Paris, thế giới ngày nay tan từng mảnh. Ở châu Á chẳng
hạn, Trung Quốc tự khoe hùng mạnh, nhưng có mê hoặc được ai. Ngay cả Bắc Triều
Tiên của Kim Jong Un cũng không theo. Trong cuộc chiến Syria cũng thế : đó là
cuộc tranh chấp vì tham vọng của hàng chục tác nhân. Ngay ở thành phố Đông
Ghouta, trong phe nổi dậy cũng có ba nhóm khác nhau.
Trong những ngày qua, nhiều biến
đổi bất ngờ đã xảy ra trong chính quyền Mỹ. Tổng thống Trump thay thế cố vấn an
ninh quốc gia Mc Master và ngoại trưởng Rex Tillerson bằng những nhân vật diều
hâu cùng quan điểm « nước Mỹ trước tiên » là John Bolton và Mike Pomeo. Liệu
đây là những chuẩn bị để Mỹ thay đổi chính sách ngoại giao ? Theo chuyên gia
Laurent Nardon,
« Sự kiện ngoại trưởng Rex
Tillerson ra đi không phải là một biến cố. Được bổ nhiệm hồi tháng Giêng 2017,
vị ngoại trưởng này không có một hành động nào gây dấu ấn. Quan hệ thăng trầm với
tổng thống đều thể hiện không che giấu. Giám đốc CIA Mike Pomeo lên thay cho thấy
chính sách đối ngoại của Donald Trump rất xuyên suốt : theo quốc gia chủ nghĩa,
chống quốc tế hóa.
Đa số dân Mỹ không muốn Hoa Kỳ mất
thế siêu cường. Một nước hùng mạnh phi thường có bổn phận sử dụng ưu thế này để
giúp đỡ những nước khác trên thế giới, làm trọng tài phân định đâu là điều thiện
đâu là điều ác.
Đối với Donald Trump, Hoa Kỳ
không cần lãnh đạo thế giới. Nước Mỹ phải trở lại một nước bình thường của thời
hậu bán thế kỷ 18, ở yên nơi của mình và chỉ can thiệp quân sự khi an ninh của
người dân bị đe dọa. Nói dễ nhưng làm khó, bởi vì tuy Donald Trump muốn Hoa Kỳ
lúc nào cũng là siêu cường, muốn mạnh nhất thiên hạ nhưng lại không muốn làm gì
để củng cố vị thế này. »
Cuộc tranh luận về con đường phải
chọn sẽ kéo dài đến bao giờ ? Với quân lực hùng hậu, ngân sách quốc phòng 600 tỷ
đôla, gấp 3 lần Trung Quốc, gấp 10 lần Nga, thế kỷ 21 chắc chắn vẫn là thế kỷ của
Mỹ. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là nước Mỹ sẽ làm gì với sức mạnh của mình ? Phục
vụ quyền lợi riêng hay cùng với thế giới, đóng góp phát huy những gì hữu ích
cho môi trường, bảo vệ các nước nhỏ, giúp nhân loại không bị đói nghèo và tránh
được nguy cơ diệt vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét