Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

6887 - Tượng bán thân ông Nguyễn Tấn Dũng lăn lóc và di sản để lại

Ánh Liên

Ngay góc Nguyễn Đình Chiểu - CMT8, gần chỗ thờ Hòa Thượng Thích Quãng Đức có một bức tượng nằm khép mình bên tiểu cảnh.

Bức tượng tạc một người đang ông điển trai, miệng cười, mắt hơi nheo, vẻ độ trung niên,... nhìn rất có thần thái. Bức tượng làm gợi nhớ ngay đến nhân vật hay cười trên chính trường Việt nam, đó là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và quả thật, bức tượng đặc tả đúng khuôn mặt và nét co khuôn mặt của vị Thủ tướng quyền lực một thời này.

Những người từng làm việc với ông Nguyễn Tấn Dũng luôn nhắc nhau về một ‘nụ cười thường trực’, nó thể hiện sự tự tin có phần kiêu ngạo, nhưng tầng sâu của nụ cười có lẽ là,… nắm chắc được quyền lực trong hệ thống chính trị nước nhà. Phải chăng vì lý do đó nên ông mới lần lượt vượt qua các đợt kỷ luật từ T.Ư ĐCSVN, hoàn thành nốt nhiệm kỳ thứ 2 dù tình hình kinh tế - xã hội bê bết, và trở về làm người tử tế.

Trang Vnexpress ngày 6.4.2016 có hẳn một bài kỹ niệm ngày ông Nguyễn Tấn Dũng rời chính trường với tiêu đề: Nụ cười thường trực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong hầu hết các bức ảnh, vị nguyên thủ tướng cười mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc ông thừa nhận với báo giới về những ‘hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong thực hiện quyền hành pháp là những trăn trở, day dứt nhất’ của ông.
Tượng bán thân ông Nguyễn Tấn Dũng
‘Di sản’ ông Nguyễn Tấn Dũng để lại cho người kế nhiệm (ông Nguyễn Xuân Phúc) trở thành một trong những thách thức lớn lao cần giải quyết về cả mặt Đảng lẫn mặt chính quyền, nổi bật là hai yếu tố: tăng trưởng & nợ.

Nhà báo Hoàng Tư Giang trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân đã cho biết, chính phủ Việt nam vừa trình bày những 'chỉ số kinh tế ngon', trong đó GDP tăng 7,08% và GSO cho biết thành tựu này đến từ 'tính kịp thời và hiệu quả' trong điều hành của Chính phủ. Nhưng nhiều quan điểm phản ánh một cách ngắn gọn hơn: từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng rời ‘ngai vàng’ là nền kinh tế khởi sắc.

Rõ ràng, một chính phủ không cần điều hành quá siêu, mà chỉ cần điều hành đủ tốt, cộng thêm sự chăm chỉ - cần cù làm ăn của người dân, với ‘tiềm lực’ có sẵn thì Việt nam sẽ ‘khá hơn bây giờ’. Nhưng đáng tiếc, 2 nhiệm kỳ của ông Dũng để lại một ‘tiềm lực’ quốc gia yếu ớt và bệnh tật.

Nhưng ngay cả khi Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải quyết tốt khâu tăng trưởng, thì nhiều nhà nhận định khác cho hay, Chính phủ kiến tạo vẫn phải loay hoay trong vòng xoáy của ‘nợ’.

Diễn biến ‘nợ - nợ xấu – khủng hoảng’ là vòng lặp mà bất kỳ ai cũng phải rùng mình khi nghĩ tới, nhất là khi chỉ số nợ hiện tại đang khiến cho nguồn ngân sách tái đầu tư vào phát triển là nhỏ nhất trong vay nợ đáo hạn. Nghĩa là vay thêm là nhằm mục đích trả nợ là chính, đầu tư cho phát triển – hạ tầng là thứ yếu. Trong khi đó, nguồn vốn FDI đang cho thấy những mặt trái tiêu cực của nó, khi nó chỉ cố gắng đưa Việt nam trở thành một điểm để gia công (như Trung Quốc thời trở thành công xưởng thế giới hai thập niên trước), với những công việc mang tính giản đơn, chứ không hề tham gia vào chuỗi giá trị.

Vốn FDI cũng liên quan trực tiếp đến giá trị GNP (tổng sản phẩm quốc gia) mà Chính phủ kiến tạo của ông Nguyễn Xuân Phúc không hề muốn nhắc đến. Bởi nó luôn trong trạng thái thấp hơn con số GDP được công bố. Lý do, GNP được quy theo lãnh thổ mà sản phẩm được sản xuất ở đó hơn là thu nhập nhận được ở đó. Ví dụ, một nhà đầu tư Đức xây dựng một nhà máy sản xuất giày tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa thì khi đó, tất cả các thu nhập của nhà máy sau khi đã bán giày đi được tính vào chỉ số GDP của Việt Nam. Nhưng lợi nhuận mà nhà máy này thu được sau khi đã trừ đi thuế, quỹ phúc lợi và lương người lao động Đức làm việc cho nhà máy được tính vào GNP của Đức.

Có nghĩa, con đường chấn hưng lại nền kinh tế của chính phủ kiến tạo còn rất nhiều khó khăn, và gần như sẽ phụ thuộc rất nhiều về chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tái cơ cấu nợ và thực hiện chính sách kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đảm bảo người giàu thì giàu lên, nhưng người nghèo không được nghèo đi.

Trở lại với bức tượng bán thân của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những di sản ông để lại tiếp tục bị dân tình chửi bới và mạt sát trên mạng xã hội lẫn ngoài đời. Và giá trị của ông hay của bất kỳ quan chức cộng sản nào khác, nếu không tạo ra giá trị và tận dụng tiềm lực quốc gia để đưa con tàu kinh tế - xã hội Việt nam đi lên thì cái giá cuối cùng vẫn là bị vứt bỏ, lăn lóc, trơ trọi và chịu sự nguyền rủa của người đời; kể cả bởi chính các đồng chí của ông.

Đó cũng là tấm gương cho chính phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc, người đã gặp rất nhiều khó khăn và bị phản ứng xã hội nhiều từ những chính sách tăng thu thuế và BOT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét