MỘT PHỤ NỮ ĐANG ĐỌC TỜ NHẬT BÁO MAGYAR NEMZET, THÁNG 4/2018. ẢNH: REUTERS/BERNADETT SZABO
Ngày nay, nhiều người sống ở các nước Đông Âu đã không còn tin tưởng vào giới truyền thông. Điều này phần lớn là do các hành vi và thái độ của các phóng viên trong những năm đầu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, ảnh hưởng đến cách làm việc của các nhà báo trong những năm sau này.
Ngay khi chuyển đổi thể chế, các nhà báo trong khu vực gặp nhiều khó khăn để định hình và xác định những giá trị sẽ tạo thành một nền báo chí tự do, cũng như cách thực thi những giá trị đó. Việc thiếu hiểu biết về vai trò của nhà báo dưới chế độ dân chủ là một trở ngại. Thêm vào đó, tính chuyên nghiệp của báo chí đã không tồn tại dưới chế độ cũ, nên ngay cả khi chế độ kiểm duyệt đã bị xoá bỏ hoặc ít nhất suy giảm vào đầu những năm 1990, các nhà báo vẫn không thể tạo ra một nét đặc biệt chuyên nghiệp tương tự như ở các nước dân chủ phương Tây. Kết quả là các phương tiện truyền thông không thể trở thành một nguồn tin đáng tin cậy cho công chúng.
Mặc dù số lượng các phương tiện truyền thông, cả báo in lẫn phát thanh – truyền hình, tăng lên đáng kể khi các nước cộng sản trở thành dân chủ, điều này không nhất thiết là một dấu hiệu khả quan. Sự bùng nổ về số lượng tạo ra rất nhiều phóng viên không được đào tạo chuyên nghiệp. Tuy một số trường đại học bắt đầu dạy và phát triển các ngành báo chí vào cuối những năm 1990 nhưng hiệu quả của chúng trong việc đào tạo các nhà báo dưới chế độ mới rất hạn chế. Những trường đại học này có nhiều chương trình học khác nhau và không có một phương pháp thống nhất cho hệ thống báo chí của cả nước.
Hơn nữa, những tổ chức báo chí chuyên nghiệp tồn tại nhưng thiếu tổ chức và không có bất kỳ một quy định nào về đạo đức và vai trò thực tiễn của nhà báo. Ngay cả khi các tổ chức này đã cố gắng đề ra các nguyên tắc báo chí nhưng vẫn không thể tiến hành mô phỏng được theo các nước dân chủ Tây phương. Ví dụ, hai hiệp hội báo chí của Ba Lan đã không thể thực thi được các quy tắc đạo đức của nền báo chí mới bởi vì các thành viên và nhà báo đã không tham gia một cách nghiêm túc.
Kết quả của việc thiếu đào tạo chuyên nghiệp là các nhà báo không có các kỹ năng cần thiết để đưa tin hiệu quả và giải quyết các câu hỏi khó khăn trong quá trình điều tra. Các nhà báo thường viết những tin chưa được nghiên cứu đầy đủ, thiếu khách quan và không phản ánh thực tế về những gì đang xảy ra.
Thực tế, ở các nước Đông Âu, cánh báo chí đưa tin về những vấn đề chính trị không có kinh nghiệm để trả lời và suy xét những nghi vấn về nhà nước. Có nghĩa là hầu hết các nhà báo đã không có những thông tin cần thiết để cung cấp cho công chúng để từ đó công chúng có thể tự đánh giá các chính sách của chính phủ. Hầu hết các bài báo hoặc là ủng hộ các chính sách của chính phủ hoặc mù quáng chỉ trích các quan chức một cách không suy xét, trong khi các tin tức được điều tra toàn diện và đầy đủ là rất hiếm có.
Sự chia rẽ ý thức hệ giữa các nhà báo cũ – nghĩa là những người đã vào nghề trước khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ – và các nhà báo mới tạo ra hai hình thức đưa tin. Các nhà báo lớn tuổi thường từ chối suy xét hay đặt ra nghi vấn với những chính sách hay sự thật về chính phủ. Ngược lại, các nhà báo mới và trẻ hơn không phải lúc nào cũng chấp nhận tất cả các thông tin được chính phủ cung cấp, nhưng họ có xu hướng xem bản thân là nhà bình luận, phê bình và phân tích hơn là phóng viên. Điều này đã dẫn đến sự lập lờ của các bài báo đưa tin và các bài phân tích và bình luận, từ đó đã làm giảm độ tin cậy của các nhà báo trong mắt công chúng. Ngoài ra, các bản tin của các nhà báo trẻ tuổi – đặc biệt là ở Hungary, Romania, Tiệp Khắc, và các nước cộng hòa non trẻ- thường sử dụng ngôn ngữ phẫn nộ và thô tục, và làm giảm độ tin cậy của các thông tin.
Việc chỉ trích các chính trị gia bằng những ngôn từ không phù hợp trong các bài báo đã trở thành một cái cớ cho chính phủ phản công. Tại Hungary, đầu những năm 1990, chính phủ lấy cớ đó mà tố cáo báo chí là không khách quan và đáng tin cậy. Tầng lớp tinh hoa thậm chí còn cáo buộc các phương tiện truyền thông về những thái độ quá khích và liên tiếp chống lại cải cách của nhà nước. Các bản tin thiếu chuyên nghiệp cũng khiến cho các nhà báo dễ bị tổn thương hơn trước nguy cơ bị buộc tội phỉ báng, đặc biệt là khi các quốc gia hậu cộng sản trong khu vực bắt đầu áp dụng lại luật chống phỉ báng với mức độ kiểm duyệt ngày càng tăng.
Các nhà báo đưa tin về các vấn đề chính trị thường bị lôi kéo vào chính trường, thậm chí còn nắm giữ chức vụ quan trọng – đơn cử như Vaclav Havel, Jiri Dienstbier, Václav Klaus và Rita Klimova tại Cộng hòa Czech; Adam Michnik ở Ba Lan và Nikolle Lesi ở Albania. Từ đó, có thể thấy rõ bản chất phụ thuộc lẫn nhau giữa các phương tin truyền thông và giới tinh hoa ở các nước Đông Âu.
Cuối cùng, sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản, các nhà báo không thể thiết lập một khuôn khổ chuyên nghiệp có thể giúp đưa tin một cách khách quan và toàn diện về các chính sách của chính phủ. Sự thiếu chuyên nghiệp đã làm giảm hiệu quả truyền thông, khiến nó không thể đóng được vai trò đúng mức trong các cuộc thảo luận dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét