Tổng thống Pháp, E.Macron (P) và thủ tướng Úc M.Turnbull trước Nhà Hát
Sydney. Ảnh 01/05/2018.
Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
công du Úc từ ngày 01 đến 03/05/2018. Khác với chuyến thăm Hoa Kỳ đầy hình thức,
ba ngày làm việc của chủ nhân điện Elysée tại Úc, được cho là « bận rộn », tập
trung vào quan hệ thương mại và chiến lược. Pháp đang muốn Úc trở thành cửa ngõ
dẫn vào thị trường châu Á. Hợp tác quốc phòng là trọng tâm đầu
tiên trong chuyến công du của tổng thống Macron. Quan hệ song phương trong lĩnh
vực này được thể hiện qua hợp đồng ký ngày 20/12/2016, theo đó Pháp bán 12 tầu
ngầm hiện đại lớp Barracuda cho Hải Quân Úc, với tổng trị giá khoảng 34 tỉ đô
la.
Sau hợp đồng, được đánh giá là một
trong những thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử quốc phòng, phải kể đến hai sự kiện
khác đánh dấu mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. Trước tiên, vào tháng 07/2017,
đích thân thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã khai trương một khu phức hợp nghiên
cứu phát triển tầu ngầm tại tập đoàn Naval Group ở thành phố cảng Cherbourg
(Pháp), trong đó có khoảng 50 nhà nghiên cứu Úc tham gia. Tiếp theo là thỏa thuận
đối tác giữa hai vùng nổi tiếng trong lĩnh vực tầu ngầm là Bretagne (Pháp) và
Adelaide (Úc) ký hồi tháng 09/2017.
Tuy nhiên, đằng sau lĩnh vực hợp
tác quốc phòng có vẻ thuận lợi, thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Úc và Liên Hiệp
Châu Âu vẫn là hồ sơ tồn đọng mà cả hai ông Macron và Turbull phải đề cập.
Canberra muốn Paris cam kết mạnh mẽ hơn trong hồ sơ này, như thủ tướng Úc từng
đề xuất với tổng thống Pháp trong chuyến thăm Paris vào tháng 07/2017. Trên thực
tế, nếu được ký kết, thỏa thuận thương mại trên sẽ mang lợi cho cả hai bên.
Với Pháp, thỏa thuận tự do mậu dịch
là khả năng đảm bảo cho các doanh nghiệp Pháp được ưu tiên gia nhập vào lĩnh vực
dịch vụ, cũng như nhiều hợp đồng tiềm tàng trên vùng lãnh thổ rộng lớn, tương
đương với châu Âu trải dài từ Lisboa đến Matxcơva. Các tập đoàn xây dựng và
năng lượng lớn của Pháp, như Vinci, Bouygues, đang tham gia vào nhiều dự án lớn
tại Úc, sẽ còn được hưởng lợi hơn nếu thỏa thuận thương mại được ký kết.
Không chỉ dừng trên thị trường Úc,
thỏa thuận tự do mậu dịch Úc-Liên Hiệp Châu Âu sẽ là cánh cửa đưa Pháp chinh phục
thị trường châu Á đang trỗi dậy. Theo nhận định của Huffingon Post
(01/05/2018), bỏ quên Úc chính là tính toán sai lầm của châu Âu, vì Úc không chỉ
là một đối tác kinh tế trong vùng Thái Bình Dương, mà còn là cỗ máy chủ đạo của
nền kinh tế châu Á. Theo báo cáo năm 2017 của bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc,
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Úc và hàng năm, 1/3 hàng xuất khẩu
của Úc (thịt bò, sữa, khoáng sản, than) được xuất sang quốc gia đông dân nhất
thế giới.
Với Úc, thỏa thuận tự do thương mại
cũng là bước chuẩn bị cho trường hợp Anh Quốc rời khỏi thị trường chung châu
Âu, dự kiến vào tháng 03/2019. Sau nhiều thỏa thuận với các quốc gia và vùng
kinh tế trên thế giới, trong đó có thỏa thuận với Mỹ năm 2004 và Đông Nam Á năm
2009, Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại lớn cuối cùng mà Canberra chưa đạt
được thỏa thuận tự do mậu dịch.
Trên lĩnh vực chống khủng bố, cả
Úc và Pháp đều tham gia liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại
Irak và Syria. Ngoài ra, Úc còn là một nhân tố chủ đạo trong cuộc chiến chống
khủng bố trong vùng châu Á-Thái Bình, đặc biệt trong việc phối hợp với các nước
Đông Nam Á ngăn chặn nguồn tài chính của các tổ chức khủng bố. Tháng 07/2018,
Melbourne sẽ đón các nhà lãnh đạo, chính trị gia trong khu vực tham gia diễn
đàn Strong Cities Network Global Summit, nhằm trao đổi các biện pháp phòng ngừa
bạo lực và chống khủng bố.
Quan hệ hữu nghị Pháp-Úc đã có từ
100 năm trước, khi 1.200 quân nhân Úc thuộc lực lượng Anzac (cùng với quân nhân
New Zealand) đã hy sinh ở chiến trường Somme trong Thế Chiến thứ nhất. Đúng một
thế kỷ sau, tổng thống Macron muốn tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là
vai trò quan hệ đối tác Pháp-Úc trong việc củng cố trục Ấn Độ-Thái Bình Dương,
như nội dung bài tham luận được tổng thống Macron đọc ngày 02/05 tại căn cứ
Garden Island ở Sydney.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét