Không hiểu những người Việt khác có đồng tâm sự với tôi không nhưng mấy ngày nay, cứ mỗi lần thấy những hình ảnh về hai miền Nam Bắc Hàn thì tôi lại chạnh lòng, bởi nghĩ lại, miền Nam và miền Bắc Việt Nam cũng có thể chứng kiến một cảnh tương tự nếu lịch sử khác đi.
Tuần rồi thế giới đã kinh ngạc chứng kiến lãnh tụ của hai nước, Đại Hàn Dân Quốc ở miền Nam và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên ở miền Bắc, bắt tay nhau rồi dắt nhau đi qua đi lại một cái biên giới tượng trưng. Ngay cả đến những người nghi ngờ nhất cũng không thể nào không thấy xúc động trước cái cảnh hai lãnh tụ của hai quốc gia đã từng lâm chiến đẫm máu có thể có một cuộc gặp gỡ thân thiện như vậy.
Tuần này, ở giải vô địch bóng bàn quốc tế, hai đội tuyển nữ của hai miền Nam Bắc Hàn lại một lần gây kinh ngạc khi họ buông vợt, bắt tay nhau, từ chối thi đấu và tuyên bố sát nhập để thành lập một đội tuyển thống nhất. Cử chỉ biểu tượng đó của họ đã khiến hội đồng quản trị của Tổng Cục Bóng Bàn Quốc Tế xúc động đến nỗi đứng lên vỗ tay hoan hô. Và lần đầu tiên trong lịch sử của bất cứ một bộ môn thể thao nào, đồng ý cho phép hai đội từ chối thi đấu được tiếp tục tham gia.
Viết trên tạp chí The New Yorker, ông Chang-rae Lee nhớ lại cha mình. Ông bảo dầu cho hội nghị thượng đỉnh có thực sự dẫn đến việc thay đổi ở bán đảo Triều Tiên hay không, ông ước gì cha mình còn sống để chứng kiến.
Ông Lee kể lại là cha ông sinh ra ở Bình Nhưỡng năm 1939. Một vài tháng trước cuộc chiến, vào mùa Thu năm 1950, cha ông và đại gia đình, cùng với nhiều triệu người miền Bắc khác, đã bỏ chạy xuống miền Nam làm người tị nạn, nơi họ gây dựng lại sự nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Nhưng câu chuyện gia đình ông còn bi thảm hơn bởi khi đại gia đình bỏ chạy xuống miền Nam thì có một ông chú, vì bà vợ mới sanh, không chạy kịp, nên mắc kẹt lại miền Bắc. Trong suốt cuộc đời còn lại, cha ông vẫn nhớ đến chú thím của mình, không biết bây giờ ra sao, nhất là khi có tin một số gia đình phân cách được gặp nhau.
Người Việt chúng ta cũng có bao nhiêu câu chuyện tương tự. Nhưng sự gặp gỡ của chúng ta cay đắng hơn nhiều.
Sau năm 1954, thế giới có ba quốc gia phân cách: Nam Bắc Việt Nam, Nam Bắc Hàn và Đông Tây Đức. Cả ba quốc gia đều là nạn nhân của cuộc Chiến Tranh Lạnh, khi hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô phân chia ảnh hưởng. Nhưng trong ba quốc gia đó, số phận hẩm hiu nhất là của Việt Nam.
Chiến tranh đến với Nam Bắc Hàn đầu tiên. Ngày 25 Tháng Sáu, 1950, sau khi đạt được sự đồng ý của Mao Trạch Đông và sự đồng ý một cách ngần ngại của Stalin, quân đội Bắc Hàn đổ qua vĩ tuyến thứ 38, lằn ranh giữa hai miền Nam Bắc được Liên Xô và Hoa Kỳ đồng ý sau Thế Chiến Thứ 2.
Cuộc chiến lúc đó hoàn toàn có lợi cho miền Bắc. Tổng Thống Harry Truman quyết định là không thể để cho miền Bắc chiếm miền Nam. May là nhờ Liên Xô tẩy chay không tham gia nên Hoa Kỳ thuyết phục được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng ý cho phép thành lập một lực lượng Liên Hiệp Quốc để bảo vệ Nam Hàn chống lại điều được công nhận là một sự xâm lăng của Bắc Hàn. Dần dà có 21 quốc gia gửi quân sang tham dự, nhưng thực sự Hoa Kỳ là lực lượng chủ lực, chiếm đến 90% quân số.
Cuộc chiến gay go với có những giai đoạn lực lượng Liên Hiệp Quốc và Nam Hàn thua nặng bị đẩy lùi về phía Nam và khi họ thắng trở lại đẩy lùi lực lượng miền Bắc qua lại biên giới đến bờ sông Hắc Lục, tức là biên giới với Trung Cộng. Sự tham gia đột ngột của quân đội Trung Cộng đã khiến một lần nữa lực lượng Liên Hiệp Quốc bị đẩy lùi. Trong giai đoạn này thủ đô Hán Thành đổi chủ bốn lần.
Nhưng dầu sao chăng nữa, cuộc chiến kết thúc và lằn ranh biên giới được tái lập, một thỏa thuận ngưng bắn được ký kết và từ đó, tuy có những đụng chạm, hai miền Nam Bắc được duy trì, nhất là với miền Nam ngày càng vững mạnh.
Cái may của Hàn Quốc là ở chỗ đó. Khi miền Bắc xâm lăng miền Nam, tình hình còn ở một giai đoạn mà Hoa Kỳ đang ở lúc cường thịnh nhất trong khi cả Liên Xô lẫn Trung Cộng vẫn còn yếu. Miền Bắc vì vậy không thể chiếm được miền Nam.
Câu chuyện Đông Tây Đức thì chúng ta cũng đã biết. Sau nhiều năm được Liên Xô chống đỡ, chế độ Đông Đức sụp đổ khi Liên Xô không còn muốn chống đỡ nữa, và nước Đức đã thống nhất không phải vì chiến tranh. Một Tây Đức phồn thịnh, dân chủ và vững mạnh đã đủ sức để cưu mang Đông Đức và tuy ngày nay miền Đông vẫn còn nghèo hơn miền Tây, nước Đức đã thống nhất tốt đẹp.
Việt Nam chúng ta có nhiều cái không may. Có lẽ Hà Nội đã học được bài học của Bắc Hàn nên đã áp dụng một hình thức chiến tranh mà họ đã có thể đánh lừa một số những phần tử cánh tả bảo nó không phải là một cuộc xâm lăng.
Mặc dầu cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã là một cuộc tấn công công khai xuyên qua biên giới và mặc dầu Hà Nội đã thất bại trên chiến trường, một chiến dịch tuyên truyền khôn khéo, được sự giúp đỡ vô tình của một số trí thức phản chiến, cộng với truyền thông, và sự mệt mỏi của nhân dân Hoa Kỳ, dẫn đến chiến thắng ở Hoa Kỳ và chúng ta đã bị bỏ rơi. Rốt cuộc miền Bắc chiếm miền Nam và cả triệu người Việt đã phải lưu vong.
Nhưng cái không may đó chỉ là một phần thôi bởi tấm thảm kịch Việt Nam chính là sự cương quyết chinh phục miền Nam của miền Bắc. Sau khi chiếm được nửa miền Bắc nhờ Hiệp Định Genève năm 1954, giới lãnh đạo Hà Nội đã không bao giờ từ bỏ tham vọng xâm chiếm miền Nam. Và họ đã lợi dụng tham vọng của đế quốc Cộng Sản để được cung cấp các phương tiện cho một cuộc chiến tương tàn sát hại nhiều triệu người dân của cả hai miền Nam Bắc.
Điều còn đau lòng hơn nữa cho dân tộc Việt là sau khi chiến thắng, đám cầm quyền miền Bắc đã không có nổi một sự tử tế của kẻ thắng. Họ hành xử và suy nghĩ như một bạo chúa sau chiến thắng.
Ở thế kỷ thứ 20 nhưng họ suy nghĩ như một Thành Cát Tư Hãn, chỉ muốn trả thù và cướp bóc của kẻ bại. Cả triệu quân nhân công chức bị bắt đi tù dưới cái chiêu bài “học tập cải tạo,” tài sản của miền Nam bị tước đoạt. Chả thế mà vào thập niên 1980 thị trường vàng quốc tế tràn ngập vàng mang dấu ấn của ngân hàng Đông Dương. Số vàng đó Việt Nam Cộng Hòa thừa hưởng khi Pháp trả độc lập cho ba quốc gia Đông Dương và nó là tài sản mà Pháp đã vơ vét từ nhân dân Việt Nam.
Hồi trước năm 1975 có lần tôi thấy các quân nhân Đại Hàn trên đường lên tàu về nước người nào cũng mua một hai cái mền Sakymen do miền Nam sản xuất. Lúc đó tôi thấy tội nghiệp cho người Nam Hàn, đã phải trải qua một cuộc chiến tàn khốc và cuộc sống còn khó khăn.
Bây giờ nghĩ lại mới thấy người Việt chúng ta mới là những kẻ bất hạnh nhất. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ được chứng kiến cảnh hai lãnh tụ của hai miền Nam Bắc bắt tay nhau đi tìm một tương lai xán lạn hơn cho dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét