Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

5600 - Dân chủ? Hãy như nước!

Phạm Phú Khải

Sinh viên Hong Kong biểu tình phản đối quyết định xiết chặt cải cách bầu cử do Bắc Kinh ấn định, tháng Chín, 2012.

Trong mọi tổ chức chính trị, lớn hay nhỏ, triết lý chính trị là nền tảng quan trọng hàng đầu [1]. Triết lý chính trị là những kiến thức nền tảng vững chắc, bao gồm cả nguồn gốc lịch sử hình thành tư tưởng chính trị của nhân loại. Nó giúp uốn nén hình thành nên những tư tưởng lớn. Nhưng có kiến thức sâu rộng cũng chưa đủ vì như thế chỉ dừng lại ở tầm học thuật. Người lãnh đạo tầm quốc gia hay quốc tế cần phải có những ước mơ cao xa và những quyết tâm phi thường. Có tư tưởng lớn sẽ giúp lãnh đạo quốc gia lèo lái con thuyền vững ổn khi gặp thử thách trong thời đại lắm rủi ro này.

Tư tưởng lớn là có tầm nhìn lớn. Đối với trường hợp Việt Nam, chúng ta thật sự cần những lãnh đạo và tổ chức có tầm nhìn xa. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tư tưởng chính trị thì làm sao đối phó với bao nhiêu thử thách vô cùng lớn lao trên bình diện quốc gia, một khi chế độ độc tài sụp đổ! Đâu là những chính sách phát triển thích hợp cho đất nước về kinh tế, thương mại, giáo dục, an ninh quốc phòng, môi trường, văn hóa v.v...? Làm sao giải quyết những vấn nạn lớn của xã hội do chế độ độc tài để lại trong bao thập niên qua, từ độc đoán, tham nhũng, tội ác, cho đến các cơ sở hạ tầng hay các định chế nhà nước yếu ớt, vô hiệu quả? Chính sách ngoại giao khôn khéo nào để đối phó với các thế lực ngoại bang, trong đó có Trung Quốc, luôn tìm cách thao túng và lũng đoạn nền chính trị dân chủ non trẻ? Làm sao để nâng cao tinh thần tự lập, tự cường, nhân bản và dân chủ cho các thế hệ hôm nay và mai sau? v.v...

Toàn là những vấn đề lớn và nhứt nhối, đòi hỏi trí tuệ, kinh nghiệm và tiềm năng của toàn dân tộc. Nhưng đầu tiên hết là những lãnh đạo chính trị có tầm nhìn để vạch ra hướng đi và tìm ra những giải pháp tối ưu cho đất nước. Nếu lãnh đạo quốc gia mà không suy nghĩ về các vấn đề này, thì làm sao họ có giải pháp thích hợp? Khi thử thách đến mới tìm cách giải quyết trong thời đại này thì quá trễ rồi. Thử nhìn xem, lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ nghĩ đến việc lật đổ Việt Nam Cộng Hòa bằng mọi giá, nhưng họ hoàn toàn không có ý niệm hay dự án nào để xây dựng lại Việt Nam sau khi thống nhất! Chỉ toàn là những ước mơ viễn vông, ảo tưởng về thiên đường cộng sản, vậy thôi!!!

Còn phần lớn người Việt, trong lẫn ngoài nước, hình như vẫn chưa đọc tác phẩm nào hay phần trích đoạn nào của các triết gia chính trị của thời kỳ Phục Hưng cho đến nay [2]. Họ coi các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền như là khẩu hiệu hơn triết lý, như là phương tiện hơn mục tiêu sau cùng.

Nhưng tư tưởng chính trị sâu sắc vẫn chưa đủ, bởi muốn thay đổi thì cái lý thuyết hay học thuật chỉ là khởi đầu. Thực tế luôn khác với lý thuyết. Phải có đủ tiềm lực, và lãnh đạo tài tình, mới tạo ra những thay đổi tích cực và hiệu quả. Về mặt chính trị, mọi chế độ cầm quyền không tự nhiên nhường ghế cai trị cho người khác, trừ khi bị áp lực hay bắt buộc phải thay đổi. Các chế độ độc tài toàn trị còn hơn thế vì họ chủ trương nắm quyền bằng mọi giá và tiếp tục duy trì quyền lực bằng mọi giá. Cho nên muốn thay đổi hay thương lượng với họ mà không có đủ lực trong tay thì đừng mong đạt được điều gì vững ổn. Do đó những người muốn thay đổi thực trạng Việt Nam hôm nay không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc xây dựng các tổ chức của mình cho thật vững mạnh. Đến một lúc nào đó các tổ chức phải nỗ lực kết hợp nhau, hoặc liên kết chặt chẽ nhau, để hội tụ thành một vài chính đảng có tiềm năng tổ chức và tầm nhìn hầu có đủ sức mạnh tạo áp lực, thách thức hay cân bằng quyền lực của chế độ.

Tuy nhiên bước đầu tiên quan trọng nhất vẫn là xây dựng văn hóa đấu tranh có tổ chức [3]. Còn đấu tranh lẻ tẻ, vô tổ chức, vô định hướng, kiểu chơi nổi, trình diễn v.v..., thì chẳng khác gì lấy trứng chọi đá, chỉ mất mát nhưng không đi đến đâu cả, cho dù tinh thần quyết tâm và can đảm đó thật đáng khâm phục đi nữa!

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao nhiêu tổ chức đấu tranh như Phong trào Cần Vương (kể cả cuộc khởi nghĩa Yên Thế của ông Hoàng Hoa Thám), Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, cho đến các tổ chức cách mạng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, v.v... tất cả đều thất bại. Sau 30 tháng Tư năm 1975, nhiều tổ chức kháng chiến đã được hình thành nhưng rồi cũng đi đến thất bại. Hai thời điểm khác nhau nhưng có cùng lý do: thiếu nền tảng tư tưởng, thiếu tổ chức và thiếu lãnh đạo. Nên nhớ tổ chức nào đến với nhau cũng đều có một số quy ước chung để hoạt động, nhưng ở bình diện quốc gia, tổ chức và lãnh đạo đó phải có tư tưởng lớn, tầm nhìn chiến lược dài hạn và khả năng tổ chức ở bình diện quy mô để có thể huy động một phần đáng kể của bộ phận dân tộc cho mục tiêu thay đổi ngắn hạn và dài hạn.

Chỉ có Đảng Cộng Sản/Lao Động Việt Nam, trong bao nhiêu tổ chức khác, thành công trong cuộc cách mạng của thế kỷ qua, nhờ ba yếu tố chính. Một, mặc dầu là một hệ tư tưởng phản khoa học, ít ra họ có triết lý chính trị nhờ vay mượn từ chủ nghĩa cộng sản. Hai, dù rất sắt thép và bạo ngược, họ đấu tranh có tổ chức và kỷ luật. Ba, tuy hoàn toàn bất lương và mị dân, họ có khả năng tuyên truyền để người dân trong nước tin theo mục tiêu ảo tưởng của họ, và có khả năng vận động cộng sản quốc tế cũng như người dân ở các quốc gia tự do ủng hộ mục đích trá hình của họ.

Cho đến ngày hôm nay, tuy bộ mặt thật của chế độ đã được phơi bày, tuy chính nghĩa không còn đứng về phía họ bấy lâu nay, chế độ cầm quyền hiện tại vẫn còn đủ mạnh để tiếp tục cai trị một cách hà khắc, và tiếp tục đàn áp một cách thô bạo. Ai muốn chửi chế độ thì cứ chửi, nhưng không phải vì bị chửi mà họ sẽ sụp đổ. Không nên coi thường mọi khả năng và thủ đoạn của họ. Các lực lượng dân chủ nếu không nhìn ra được sức mạnh của chế độ ở đâu, làm thế nào họ duy trì được nó cho đến hôm nay, và nếu không nhìn thấy khả năng và sức mạnh thực sự của mình, tìm ra những phương cách mới để huy động được người dân, để vận dụng mặt trận quốc tế vận, thì cuộc vận động dân chủ sẽ không đi về đâu cả. Rồi cũng chỉ loay hoay, một bước tới hai bước lùi, như đã thấy hơn bốn thập niên qua.

Ở chỗ tôi làm, khi áp dụng một chính sách, một phương pháp hay một ý tưởng nào đó thành công, những người đồng nghiệp ở mọi cấp đều muốn tìm hiểu và học hỏi. Ngược lại, khi áp dụng thất bại, mà thất bại đó có những ảnh hưởng tiêu cực lên một số cá nhân hay một số thành phần trong xã hội, hay chỉ với một người thôi, thì cũng đủ lý do để rà soát lại toàn bộ hệ thống, toàn bộ khung sườn suy nghĩ (framework), để những sai lầm hay thất bại đó không tái diễn nữa.

Không phải chỉ chỗ làm của tôi thôi. Hầu như tinh thần chung ở mọi mặt xã hội tại Úc, và các quốc gia dân chủ cấp tiến và văn minh, đều như vậy cả. Đại đa số công dân ai cũng muốn thành công, không ai muốn thất bại, ngoại trừ những người lười biếng. Muốn thành công thì cần phải học cái hay cái đúng và tránh cái dở cái sai. Cái sai trong nền pháp trị thường phải trả giá rất đắc, về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Đó là tinh thần cầu tiến, khoa học, tự tin, liêm chính và trách nhiệm cần thiết để xây dựng đất nước và con người. Người Tây phương và quốc gia của họ, và một số quốc gia thuộc Á châu sau này, trở nên hùng mạnh chủ yếu nhờ tinh thần cầu tiến không ngừng này để canh tân và hoàn thiện mọi mặt xã hội. Nhờ lối suy nghĩ phê phán, phân tích hệ thống và lý luận cao siêu, họ luôn nhận diện ra được những cái bất công bất toàn và bất lương trong xã hội và do đó họ luôn chấp nhận những ý kiến và sáng kiến mới để tìm cách cải thiện.

Thời gian đã quá đủ, nếu không phải là quá trễ, để nhìn lại và bình tâm phân tích nguyên do nào cuộc vận động dân chủ chưa thành công. Đâu là những bài học và kinh nghiệm cần thiết nhất để giúp nhau nhìn ra vấn đề, một cách khoa học và hệ thống, hầu có thể cùng nhau đi những bước tiến và vững trong thời gian tới?

Trên tinh thần đó, tôi muốn trình bày ba đề nghị chính sau đây.

Một, nghiên cứu một cách hệ thống cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam trong quá khứ và cho tương lai.

Muốn đẩy mạnh công cuộc dân chủ về phía trước thì người vận động phải là những tín đồ dân chủ thật sự. Nghĩa là phải có tư tưởng và hành động dân chủ. Không thể hô hào dân chủ mà hành xử độc đoán. Trong môi trường/văn hóa dân chủ, mọi người đều có quyền chia sẻ và bầy tỏ quan điểm của chính mình. Điều này đồng nghĩa với việc mình phải biết lắng nghe ý kiến người khác. Sự đóng góp ý kiến là một việc lành mạnh và luôn được khuyến khích. Nhưng thái độ đóng góp ý kiến, thái độ lắng nghe, thái độ tiếp cận ý kiến, mổ sẻ phân tích, vân vân, là điều mà tất cả chúng ta cần phải học hỏi. Người thiếu kiến thức, đuối lý, thiếu khả năng tranh luận nên cố gắng trau dồi kiến thức để có thể đóng góp tích cực hơn. Đừng quay ra sử dụng những ngôn ngữ thiếu đứng đắn, thiếu giáo dục. Cách lý luận gàn bướng trở thành hàm hồ, hay tệ hơn là đạp đổ. Những người có thái độ thiếu văn hóa trong việc góp ý đã tự công khai cho người khác khả năng yếu kém, thiếu kiến thức của mình.

Trên đây chỉ là một trong vô số các điều kiện cần thiết và căn bản cho cuộc vận động dân chủ. Nhưng để giúp mọi người nhìn ra được hướng đi và phương pháp rõ ràng, cụ thể thì phải cần nghiên cứu khoa học, khách quan. Cho nên cuộc điều nghiên này sẽ đưa ra những phân tích và kết luận cho những đề nghị cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam trong một hoặc hai thập niên tới, dựa trên những thất bại đã qua và các thành công nhỏ, nếu có. Để có giá trị thì cuộc nghiên cứu này đòi hỏi tính chuyên môn cao và tính độc lập hoàn toàn.

Hai, phát huy khả năng suy nghĩ phê phán trong mọi tầng lớp người Việt trong và ngoài nước.

Cả một dân tộc từ ngàn năm qua bị đầu độc bởi những tư tưởng, chủ thuyết và các giá trị chính trị và văn hóa có mục tiêu phục vụ cho chế độ cầm quyền hơn cho người dân, trong đó có Khổng giáo và Cộng sản. Văn hóa chính trị là cản trở chính của người Việt trong nhiều thập niên qua. Tôn trọng bằng cấp, suy nghĩ cục bộ, chạy theo các sự kiện nhất thời, không có tính kỷ luật bảo mật, nặng hình thức nhẹ nội dung, thù dai v.v... là điều nên dứt đỏ càng sớm càng tốt. Mở mang trí tuệ để nghiên cứu học hỏi sự thành công lẫn thất bại của nền chính trị Tây phương là vô cùng cần thiết. Quan trọng nhất là lối suy nghĩ phê phán.

Tập trung đào tạo lối suy nghĩ phê phán cũng đồng nghĩa với việc giúp cho người ta có một cái nhìn mới, cái suy nghĩ mang tính đa chiều, chấp nhận khác biệt, bỏ bớt đi thói quen chụp mũ bừa bãi hay nghe răm rắp những lời ngon ngọt của các chính trị gia mị dân, chẳng hạn. Nó giúp cho người ta biết suy nghĩ chín chắn hơn, sử dụng lý luận để nhận định thay vì cảm xúc. Một khi thu nạp được khả năng này thì người ta sẽ khó bị tuyên truyền. Khả năng này man tính phổ quát, phi chính trị, hữu ích cho mọi người, nhất là cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đi kiếm việc làm, viết đơn xin việc, chuẩn bị phỏng vấn, tiến thân trên đường sự nghiệp v.v... Tính áp dụng cho kỹ năng này là vô hạn trong mọi xã hội, giảm thiểu các nạn mê tín dị đoan, các đồ giả và các tiên tri giả đang lan tràn trên khắp mọi miền đất nước. Sẽ rất là khó, nếu không phải là bất khả, cấm đoán hay hạn chế nếu người ta muốn học hỏi về kỹ năng này.

Kỹ năng này đã được các nhà giáo dục tại Hoa Kỳ quan tâm hơn, nhất là cho học sinh từ cấp bậc trung học trở lên, sau kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Một nền dân chủ đích thực cần có những công dân hiểu biết (informed citizen), có lối suy nghĩ phê phán, nếu không thì nền dân chủ đó sớm muộn cũng bị suy thoái hay khủng hoảng.

Kỹ năng phi chính trị này có thể thay đổi toàn diện văn hóa chính trị.

Ba, phát huy truyền thông nhân ái (compassionate communication) hay còn gọi là truyền thông bất bạo động (non-violent communication).

Để cuộc vận động dân chủ thành công thì nên bắt đầu luyện tập truyền thông nhân ái/bất bạo động. Truyền thông ở đây có nghĩa rộng, bao hàm mọi cách thức truyền đạt thông tin từ một hay nhiều người sang một hay nhiều người khác. Trao đổi, thảo luận, tranh luận, phát biểu, cãi lộn v.v... đều là truyền thông giữa con người với nhau.

Một trong những vấn đề lớn nhất giữa người Việt với nhau, kể cả giữa những người đấu tranh cho dân chủ, là truyền thông. Vì không chịu đọc bản gốc hay không đọc kỹ, vì dễ dàng tin những lời đồn nhảm ác ý, vì không trao đổi thẳng thắn với nhau sợ mất lòng, vì không sử dụng ngôn ngữ chính xác để diễn đạt ý tưởng, vì sử dụng ngôn ngữ cảm xúc quá nhiều thay vì lý luận (chưa kể bị bẫy bởi những kẻ ác ý hay bàn tay của dư luận viên) v.v... cho nên người Việt dễ hiểu lầm nhau, dễ gây và xa nhau. Không phải chỉ riêng người Việt, người Tây cũng gặp những vấn đề tương tự. Nhưng mức độ của vấn đề này thì chúng ta gấp nhiều lần người Tây phương. Chúng ta chưa kịp nghe là đã có đầy định kiến; chưa kịp hiểu là đã đánh giá rồi, mà đa phần lại đánh giá trật nữa, nên làm hư mọi sự. Trong truyền thông của người Việt, thay vì tìm hiểu một người nói một điều gì đó, trong thâm tâm họ có ý gì, và họ thật sự muốn gì, thì lại tập trung kết luận họ là gì trước. Chúng ta quá dễ dàng chụp mũ mạ lỵ nhau, tự biến thành những quan toà mù để kết tội người khác một cách vô tội vạ. Kết quả: không chỉ chúng ta làm rối và làm thối mọi sự. Trong quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng, xã hội v.v... cũng làm hư hỏng nốt. Có cộng đồng Việt Nam nào trên khắp thế giới mà không chia năm xẻ bảy, tuy có cùng chung mục đích? Khi bất đồng ý kiến hay có vấn đề, chúng ta đã dùng những ngôn từ nặng nề nhất để dành cho nhau, ngay cả cho những người bạn cùng chung lý tưởng với mình suốt cuộc đời, để rồi bây giờ không còn nhìn mặt nhau nữa?

Cái thói quen này xảy ra một cách vô ý thức tưởng chừng như không có lối thoát. Chúng ta biết mình bị tổn thương nhưng lại tiếp tục làm như thế với người khác. Chúng ta phát ngôn bừa bãi, vô ý thức và vô trách nhiệm. Hậu quả là sự bôi nhọ nhau, kéo nhau xuống vũng lầy, đưa đến sự leo thang của bạo lực và bạo động. Ai sung sướng hưởng kết quả này? Chế độ cầm quyền chỉ muốn người dân tuân phục và khiếp nhược, cảm tính và bạo động, chứ không phải công dân có tư duy và lý luận. Chế độ nào người dân đó, và người dân nào chế độ đó. Một vòng luẩn quẩn không lối thoát, rất nguy hiểm trừ phi chính mỗi chúng ta ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình cho cách hành xử, suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Rất may trong vấn đề này có nhiều sách vở, tài liệu có thể giúp cho mỗi chúng ta nhìn ra được nguyên do nào chúng ta thường sử dụng loại truyền thông mang đầy chia rẽ, và làm sao mỗi chúng ta có thể luyện tập, một cách ý thức và tự chủ, sử dụng truyền thông nhân ái. Tác phẩm “Truyền thông bất bạo động: Một ngôn ngữ của cuộc sống” của tiến sĩ Marshall B. Rosenberg, chẳng hạn, sẽ giúp chúng ta nhìn ra vấn đề [4]. Nó hoàn toàn hữu ích cho mỗi cá nhân, cho gia đình, và nhất là cho công cuộc vận động dân chủ hiện nay và mai sau. Ngôn ngữ, lồng trong tư tưởng và lý luận, sẽ mạnh hơn gươm, hơn thép. Cho nên biết sử dụng truyền thông nhân ái cho người thân thương và biết truyền đạt lý luận sắt bén với kẻ thù gian hiểm thì đó chính là sức mạnh vô biên vậy.

Yêu nước là quan niệm đã bị lợi dụng, lạm dụng và đánh tráo quá nhiều, cho nên thay vì kêu gọi yêu nước, tôi kêu gọi hãy yêu và hãy như nước.

Tình yêu giúp cho chúng ta hướng đến chân thiện mỹ. Yêu người, yêu thiên nhiên, yêu động vật, yêu công bằng lẽ phải và sự thật. Yêu minh bạch, yêu công lý, yêu bình đẳng, yêu hòa bình, yêu tinh thần trách nhiệm, yêu thử thách, yêu trí tuệ, yêu kiến thức, yêu nỗ lực, yêu dấn thân, yêu sự kính trọng nhau, yêu giá trị đạo đức. Yêu cái gì cũng tốt cả, ngoại trừ cái tham sân si, cái lười, cái ác, cái độc, nhất là độc tài và độc đoán. Nhưng trên hết xin hãy yêu người, yêu mạng sống của mình và những người chung quanh. Mạng sống con người là quan trọng nhất. Hy sinh là hành động cao cả, nhưng phải đúng lúc đúng chỗ. Đừng hy sinh một cách vô ích và vô lý khi chưa cần thiết. Đấu tranh là quyết tâm phải sống để thấy thành quả mình góp phần xây dựng nên, và để tiếp tục đóng góp cho tiến trình dân chủ đầy cam go trong thời gian tới.

Tại sao phải như nước? Vì nước là hơi thở, là sự sống. Trong các bí quyết truyền lại, Lý Tiểu Long nhấn mạnh một triết lý hay: hãy như nước, bạn ơi (be like water, my friend) [5]. Nước chảy đá mòn. Không có gì linh động, uyển chuyển, biến hóa, vô dạng, vô hình, đa nguyên, như nước cả. Không có gì mạnh mẽ và có sức tàn phá cao độ trên trái đất này như nước. Sức dân được ví như sức nước.

Để bắt đầu tiến trình này, trong bối cảnh đất nước ngày hôm nay, tôi cho rằng chúng ta cần bình tĩnh sáng suốt để nhìn rõ mọi hiểm nguy, thử thách, cơ hội, tiềm năng và điểm yếu của mình và của chế độ cầm quyền. Không nên lấy trứng chọi đá để mất đi tiềm lực cần thiết. Hãy hoạt động có tổ chức để nương tựa vào nhau, xây dựng sức mạnh. Hãy tìm cách phát huy suy nghĩ phê phán. Hãy cố gắng đối xử nhau một cách văn minh và nhân bản bằng truyền thông nhân ái để xây dựng lại một văn hóa đã bị độc hóa quá lâu mà rồi không ai còn có thể đối thoại một cách nghiêm túc với nhau.

Không đối thoại được thì xây dựng được cái gì chung chứ!

Những điều căn bản đó, tuy nói dễ nhưng làm vô cùng khó. Nó đòi hỏi thay đổi thói quen suy nghĩ. Nó bắt đầu bằng cái tư duy, tư tưởng. Phải có ý thức và quyết tâm thì mới thực hiện được. Nhưng muốn làm người tử tế văn minh, muốn dân tộc thoát khỏi gọng kìm của độc tài áp bức, muốn đất nước sánh vai với các con rồng con hổ, thì phải bắt đầu bằng cái đầu thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét