Vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’ theo một giả thiết mang tính cáo buộc của Chính phủ Đức đang phát triển những bước tiếp theo và khá giống với cuộc khủng hoảng Đức – Việt khi bắt đầu manh nha vào đầu tháng Tám năm 2017.
Ngày 3/5/2018, một thông báo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết: ‘Liên quan đến những thông tin được đăng tải về vụ bắt cóc một công dân Việt Nam từ Đức, hôm nay (ngày 3 tháng 5) Bộ Ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ CHXHCN Việt Nam, ông Dương Trọng Minh. Trong cuộc phỏng vấn với đại sứ, Vụ trưởng Vụ Chính trị Bộ Ngoại giao Slovakia, ông Marián Jakubócy, yêu cầu giải thích về những nghi ngờ nghiêm trọng trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đưa về nước (bằng chuyên cơ của Slovakia). “Nếu những cáo buộc này được xác nhận, chúng tôi sẽ xem đó là một vụ việc nghiêm trọng gây ra tác động tiêu cực đến quan hệ song phương của hai nước. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ chuyện Slovakia có dính líu đến một hành vi như vậy, đó là một vi phạm Công pháp quốc tế không thể chấp nhận được”, ông M. Jakubócy nói.
Theo lời ông Vụ trưởng này, “nếu chúng tôi thấy lời giải thích của Việt Nam là không thỏa đáng, thì CH Slovakia bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp tiếp theo phù hợp quy tắc ngoại giao” (thoibao.de).
Vào những ngày này, Bộ Nội vụ Slovakia đang cấp tập làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.
Tia lửa trên – có thể đầy nguy biến đối với Việt Nam – phát ra từ phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Mặc dù chỉ là một nghi can và có thể không đóng vai trò chủ chốt trong vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng Nguyễn Hải Long đã khai báo một tình tiết cực kỳ quan trọng: 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin, Bộ Nội vụ Slovakia đã cho phái đoàn Công an cao cấp Việt Nam mượn một chuyên cơ của chính phủ Slovakia để bay từ Bratislava, thủ đô nước này, tới Moscow, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Robert Kalinak và Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.
Đến lúc này, hai cơ quan tình báo Đức và Slovakia có thêm một thuật ngữ mới trong từ điển lịch sử ngành của họ: ‘Tô Lâm làm bình phong’.
Hai vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ và ‘Tô Lâm làm bình phong’ nối tiếp xảy ra đã trở nên chấn động đến mức ‘bộ phim bắt cóc thời chiến tranh lạnh’ này từ giữa năm 2017 không còn bị giới hạn bởi biên giới nước Đức mà đã trở thành một vụ việc mang tính chất quốc tế và lôi kéo sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông quốc tế. Còn đến lúc này, tính chất cuộc khủng hoảng ngoại giao với Việt Nam đã không chỉ bởi yếu tố Đức mà rất có thể sẽ lan đến Slovakia.
Thêm một chỉ dấu nữa: Cuộc gặp giữa Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini và Thủ tướng Đức Angela Merkenl tại Belin vào ngày 2/5/2018 đã đặc biệt nhấn mạnh về vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.
Ngay sau đó, vào ngày 03/05/2018, Bộ Ngoại giao Slovakia đã triệu Đại sứ Việt Nam tại Slovakia tới để truyền đạt sự quan ngại và chất vấn về nghi vấn Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam đưa về nước bằng chuyên cơ nói trên của Slovakia.
Ngày 3/5/2018, Bộ Ngoại giao Slovakia đã triệu Đại sứ Việt Nam tại Slovakia là Dương Trọng Minh (người mặc áo vét xám bên phải), để chất vấn về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Bộ Ngoại giao Slovakia
Giờ đây, dư luận xã hội đang quan tâm và chờ đợi việc Bộ trưởng công an Tô Lâm sẽ phản ứng ra sao trước cáo buộc của cơ quan an ninh Đức về ‘Tô Lâm là bình phong cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.
Liệu Tô Lâm sẽ có thể đưa ra những bằng chứng nào để chứng minh rằng trong chuyến đi Slovakia vào năm 2017, ông ta không liên quan đến những kẻ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét