Cuối cùng thì giáo sư Trương Nguyện Thành, một trí tuệ “chuẩn Mỹ” (*) đã không thể trụ lại, phải về Mỹ với một câu nói đầy cảm thán: Tạm gác lại giấc mơ đóng góp cho giáo dục đại học Việt.
GS Thành là người gây “sốc” giảng đường gần 1 năm trước với những bộ trang phục phá cách và thông điệp không giới hạn tư duy. Một hành động mà các nhà đạo đức rồ dại phản ứng. Nhưng ông mang lại nguồn năng lượng tích cực, phóng khoáng và tươi mới. Ông ra đi, dù nhận được 16/18 phiếu bầu làm hiệu trưởng ĐH Hoa Sen nhưng “vướng” phải quy định của Bộ GD-ĐT: Phải có kinh nghiệm 5 năm làm quản lý!
Đây là một quy định rất vô lý khi Bộ nhân danh quản lý để điều chỉnh những pháp nhân kinh doanh GD như ĐH Hoa Sen. Càng đáng tiếc cho trường, vì sau những xung đột nhằng nhịt, cảm hứng giáo sư Thành có thể mở ra kỷ nguyên mới.
Hoa Sen đáng lẽ có toàn quyền tự quyết nhưng vẫn vướng cái “vòng kim cô” của Bộ. Nhà trường và cá nhân GS Thành đã thất bại khi vấp phải một đồn lũy tư duy cũ nát. Nó được níu kéo và bảo vệ, chắc chắn để duy trì lợi ích cho quan chức giáo dục.
Bởi vì không có gì là không du di được. Cũng vẫn các quy định ngặt nghèo, nhưng vẫn có những giáo sư, tiến sĩ lởm “lọt lưới”, lấy hàm vị ngồi cho đẹp chỗ.
Họ đương nhiên, không thể so bì trí tuệ với những người như GS Thành. Ngay cả một đương kim bộ trưởng mang hàm giáo sư, cũng phản ánh rõ nhất cái tư duy cũ nát ấy. Im lặng, bàng quan, giả điếc giả câm giữ cái ghế mà tôi chỉ có thể nói là không còn tự trọng !
Lại nói về GS Thành, tôi khá thất vọng về cách ông “buông súng”. Tôi rất thích phương pháp truyền cảm hứng của ông. Vì thế tôi nghĩ , ông là một người đam mê học thuật và khai trí thuần chất. Nhưng ông đi vì không được làm hiệu trưởng Hoa Sen.
Rõ ràng, GS cũng chỉ nhắm tới chức hiệu trưởng, một dạng ham muốn leader chứ không hẳn là khát khao tận hiến. GS Thành chắc hiểu, ở bất kỳ môi trường nào trong xã hội này cũng “thừa thầy thiếu thợ”, bởi thế mới cần những người như ông.
Nếu khao khát cống hiến, tôi nghĩ ông sẽ ở lại, dù không thể đối đầu với thành lũy cổ hũ thì cũng có thể gieo cảm hứng khai phóng vào các thế hệ sinh viên. Gieo những vết dầu loang tri thức hiện đại nhỏ vào xã hội để hy vọng. Ít ra là kiến tạo được một sự khác biệt nhỏ. Đó mới là tâm thế thật sự của người khai minh.
Suy cho cùng, GS cũng đã không thắng được tham vọng của mình. Ông cũng chỉ là “vị khách” ngắn hạn của nền giáo dục này, cũng như xã hội này. Cuối cùng tất cả đều thất bại vì không dám trầm luân với nó.
Khi GS Thành tự mình nhất thời. Thì GS Nhạ đương nhiên mãi mãi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét