"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" dịch sang tiếng Anh có đúng là "Let him who is without sin cast the first stone"? - Tranh: The Woman Taken into Adultery của họa sỹ Valentin de Boulogne/Wikimedia.
Anh Cả Lý cũng có theo dõi diễn biến của vụ việc trưởng phòng bị tố cưỡng hiếp cộng tác viên tại báo Tuổi Trẻ và để ý thấy một điều: Trong các bình phẩm và tranh luận về vụ việc này có khá nhiều người nhắc đến một câu tục ngữ Hán Việt: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Ý của câu tục ngữ khi được đưa ra trong các bình phẩm và tranh luận đó thường là để nhắc đến nạn nhân: trước khi trách vị trưởng phòng, hãy xem lại xem bản thân cô nàng cộng tác viên đã có hành vi gì góp phần dẫn đến việc bị hiếp dâm chưa.
Chuyện “đổ lỗi cho nạn nhân” đã có nhiều người khác phân tích, như nhà báo Khải Đơn chẳng hạn, cho nên Anh Cả Lý không bàn đến.
Bài này Anh Cả Lý muốn đặt một vấn đề:
Con người nói chung, và người Việt nói riêng, có nhận thức được rằng tư duy của họ (bao gồm tư duy pháp lý) bị “giam cầm” như thế nào trong các thể loại thành ngữ, tục ngữ, cách ngôn, danh ngôn, lời hay ý đẹp v.v. hay không?
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” = cast the first stone…?
Nhiều người dịch tục ngữ Anh – Việt lại thường chọn dịch “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là “cast the first stone”, hay ở dạng đầy đủ hơn “let him who is without sin cast the first stone” – “ai không có tội mới được ném viên đá đầu tiên”.
Muốn biết cách dịch này linh tinh thế nào thì phải tìm về gốc của câu tục ngữ (proverb) tiếng Anh “let him who is without sin cast the first stone”.
Gốc của câu tục ngữ này là câu chuyện Người đàn bà ngoại tình trong kinh Tân Ước của đạo Thiên chúa:
“Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.
Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?”
Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.
Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”
Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.
Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?”
Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !””
Wow, một câu chuyện thật là cuốn hút và ý nghĩa.
Nhưng chúng ta đã biết rằng không nên dễ dàng bị cuốn theo những câu chuyện ẩn chứa quan điểm chủ quan.
Hành vi “ném đá” (cast the first stone) ở đây là hình ảnh ẩn dụ của hành vi “phán xét” (judge).
Quan điểm (được cho là) của Chúa Giê-su ở đây là: trước khi phán xét hay kết tội người khác, bản thân mình phải sạch sẽ tội lỗi.
Con người mình phải trong sáng như đã tráng trăm lần qua một thác bột giặt Omo thì mới được đi rủa xả tội lỗi những con người khác.
Bản thân Anh Cả Lý là một người vô thần nhưng cũng quý trọng Chúa Giê-su lắm. Có điều vụ này thì xin Giê-su lượng thứ là không… tha cho ngài được về mặt tư duy phản biện.
Tội người đàn bà trong chuyện bị tố là tội ngoại tình. Đó cũng là tội mà đám đàn ông kia đang nhờ “luật sư” Giê-su tư vấn.
Chúa Giê-su đã trả lời “lạc đề” một cách rất khôn ngoan: ông không phân tích tình huống cụ thể của người đàn bà, cũng chả phân tích xem ý trong sách Luật ông Mô-sê kia muốn diễn giải và áp dụng điều luật phải trừng phạt tội ngoại tình thế nào. Ông lại đi chĩa mũi dìu công kích vào chính những kẻ tố cáo.
Giê-su thậm chí còn chĩa theo một cách rất thâm nho nữa kia. Ông không nói “Các ông ai không ngoại tình thì mới được ném đá cô ta!”, mà nói “Các ông ai không hề có tội lỗi gì sất thì mới được ném đá cô ta!”.
Đám đàn ông kia đang xét đoán người phụ nữ bằng một tiêu chuẩn: ngoại tình hay không.
Còn Đức Giê-su lại “chơi” rất hiểm, áp đặt cho đám đàn ông kia một tiêu chuẩn hoàn toàn khác: sạch tội hay không sạch tội.
Ze-rô tội thì mới được đi phán xét người đàn bà bị nghi có… một tội.
Ở đây phải truy về bản gốc tiếng Anh cho chắc ăn. Chúa Giê-su trong bản tiếng Anh nói: “let him who is without sin cast the first stone”.
“Without sin” ở đây có thể hiểu là “không hề có bất kỳ tội lỗi nào”. Nếu Giê-su muốn nói riêng về tội ngoại tình thì ngài đã nói rõ “let him who is without the sin of adultery cast the first stone”.
Dĩ nhiên, cái tiêu chuẩn đạo đức omomatic ngời sáng tương lai này thì chỉ có mặt dầy cỡ sư tổ ông Donald Trump mới dám lên tiếng nhận là mình có!
Đánh vào cái tâm lý mặc cảm bản thân không hề sạch sẽ tội lỗi đó của đám đàn ông, Gie-su (vốn đang bị đám đàn ông đó bao vây làm phiền) đã vừa giải vây thành công, vừa cứu cho người đàn bà bị cáo buộc ngoại tình kia thoát khỏi rủi ro một trận ném đá.
Ở đây nếu Chúa Giê-su xem “pháp quyền” là một đức tin của ông thì có lẽ ông đã có một bài dài tra hỏi đám đàn ông buộc tội kia cho đến khi đầu họ bốc khói luôn:
Bằng chứng ngoại tình của người đàn bà kia đâu? Bằng chứng này được lấy về độc lập hay do ai đó ghét người đàn bà kia đưa ra? Cô ta đã được cho điều kiện tự bào chữa trước một tòa án công bằng không vị lợi bao gồm cả đàn ông và đàn bà chưa? Cô ta có người rành luật nào bào chữa cho cô ta không? v.v.
Tiếc thay là “pháp quyền” có vẻ không phải là một giá trị mà Đức Giê-su đeo đuổi.
Mà thôi Anh Cả Lý lại lạc đề nữa rồi!
Ý Anh Cả Lý muốn nói ở đây: khái niệm “bản thân sạch tội lỗi mới được đi phán xét người khác” trong “cast the first stone” không hề ăn nhặp gì với “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” cả.
Thứ nhất, có thể viện dẫn một đức tin nền tảng của đạo Thiên chúa ẩn sau “cast the first stone”: con người không nên phán xét lẫn nhau, vì chỉ có Chúa mới có quyền “phán xét” cuối cùng (divine judgment).
Trong kinh sách đạo, các con chiên Thiên Chúa cũng nhiều lần được răn dạy rằng không được/nên phán xét người khác.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” lại vẫn bao hàm trong cái vế thứ hai việc phán xét người khác: “nhân” rồi sẽ bị trách, đợi “kỷ” “phê và tự phê” xong thì “kỷ” sẽ xử “nhân”, “nhân” đừng vội mừng nhá!
Thứ hai, “trách”, hiểu trong tiếng Anh là “blame”, liệu có tương tự với ý “phán xét” (judge) ẩn trong “cast the first stone”?
Có lẽ là không. “Trách” mang một màu sắc khá “cá nhân”, trong khi “phán xét” lại đặc trưng một màu sắc “chung thẩm”, “cuối cùng”. “Tôi trách anh vì anh tông vào xe tôi” rất khác “Tôi phán xét anh vì anh tông vào xe tôi”. Chúng ta dường như chỉ “phán xét” khi ở trong một tình huống không liên can đến mình.
Cuối cùng, có thể thấy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” có một độ bao quát và mông lung cao hơn hẳn “cast the first stone”.
Ít ra “cast the first stone” (cho dù theo một cách như đã nói ở trên, đó là có hơi… ngụy biện) cũng đã vạch ra một lằn ranh đỏ rõ ràng “without sin” – “sạch tội”. Xứng đáng bước qua lằn ranh đó thì mới được phán xét người khác.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” lại không hề có một hay nhiều lằn ranh như thế: trách “kỷ” đến mức nào rồi mới được chuyển qua trách “nhân”? Có quy định bắt buộc mức độ trách “kỷ” phải cân bằng mức độ trách “nhân” hay không?
Việc dùng “cast the first stone” để dịch “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” như thế là không thỏa đáng.
Quan trọng hơn, giống như cách chúng ta tra hỏi cái gốc phảng phất tông màu ngụy biện của “cast the first stone”, chúng ta cũng nên tra hỏi cái gốc của “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” thay vì chấp nhận nó đơn giản vì nó là… lời ông bà ta dạy.
Chúng ta có nhất thiết phải đem “kỷ” ra xử trước khi xử “nhân”, đơn giản vì nhiều đời ông bà ta đã nói vậy không?
Thành ngữ, tục ngữ, và tư duy
Các câu thành ngữ và tục ngữ đều là những sản phẩm trí tuệ của con người.
Trong khi tục ngữ (proverb) thường là những câu nói hoàn chỉnh có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ; thì thành ngữ (idiom) lại thường là một cụm từ mang hình ảnh sinh động, có tính biểu cảm cao.
Đặc điểm chung là cả thành ngữ và tục ngữ đều thường được cho là có khả năng đúc kết, khái quát hóa những gì được xem là trí khôn (wisdom) và kinh nghiệm (experience) của con người vào những câu văn gọn gàng dễ nhớ.
Tuy nhiên, trí khôn và kinh nghiệm của con người không bất biến mà thay đổi liên tục theo thời gian. Không phải thứ trí khôn và thứ kinh nghiệm nào cũng có tính trường tồn bất chấp thời gian và bối cảnh xã hội. Các câu thành ngữ và tục ngữ, trong khi đó, lại đông cứng trong những câu từ của chúng.
Ví dụ, “Con trâu là đầu cơ nghiệp” có lẽ không còn đúng ở Việt Nam nữa khi mà tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trong nông nghiệp đã ở mức 93%.
Mặt khác, nếu xem những câu thành ngữ, tục ngữ như một nguồn trí khôn và kinh nghiệm có giá trị cao nhất; thì chúng ta buộc phải đối mặt với một việc không thể tránh là lựa chọn giữa những câu thành ngữ, tục ngữ đối nghịch nhau:
Khi nào thì chúng ta nên “nói có sách, mách có chứng”? Khi nào thì chúng ta lại được quyền suy đoán “không có lửa, sao có khói” (dĩ nhiên ngoại trừ các trường hợp liên quan đến khói thuốc lá)?
Nếu “lời nói gió bay” thì sao “trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”?
Khi nào ta nên “chậm mà chắc”? Và khi nào ta nên làm gấp kẻo “trâu chậm uống nước đục”? v.v
Tính khái quát và tính tương đối của các câu thành ngữ, tục ngữ khiến chúng được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày để chúng ta dễ dàng truyền tải một khái niệm, hay dễ dàng trình bày một luận điểm nào đó.
Nhìn theo cách này, thành ngữ, tục ngữ là những công cụ chúng ta sử dụng tùy theo tư duy độc lập của mình; chứ không phải là những rập khuôn hay lối mòn cho chúng ta uốn nắn tư duy của mình theo đó.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn có chiều hướng “nghĩ theo thành ngữ, tục ngữ” thay vì “nghĩ rồi chọn dùng thành ngữ, tục ngữ”.
Điều này đặc biệt dễ xảy ra với những câu thành ngữ, tục ngữ không đơn thuần chỉ là những quan sát, đúc kết thực tế; mà chính là những phán-quyết-đóng-gói-sẵn.
Tại sao lại gọi là những phán-quyết-đóng-gói-sẵn?
Khá thú vị là trong giới học thuật có một ngành nghiên cứu tục ngữ riêng biệt có cái tên cũng rất riêng biệt: paroemiology – tục ngữ học (từ nguyên La-tinh: paroemia – có nghĩa “proverb”, tục ngữ).
Ngành học này không chấp nhận các câu tục ngữ chỉ dựa trên giá trị bề mặt của chúng (“ông bà ta nói nên chắc đúng”) mà đi sâu vào nghiên cứu tục ngữ qua nhiều lăng kính: ngữ nghĩa, lịch sử, nhân chủng học v.v. để xác định cả “gốc” và “ngọn” của các câu tục ngữ.
Một số nghiên cứu của các nhà tục ngữ học (paroemiologist) đã chỉ ra: nhiều câu tục ngữ của nhiều dân tộc trên thế giới không phải chỉ là những quan sát hay chiêm nghiệm mang tính trung lập về giá trị. Trái lại, chúng tích cực cổ xúy cho một quan điểm, một thế giới quan (worldview), hay một hệ giá trị xã hội nhất định tồn tại trong quá khứ khi mới hình thành chúng.
Ẩn sau nhiều câu tục ngữ là prejudice – định kiến, vốn cũng có thể hiểu là những phán quyết cho sẵn. Có thể là định kiến dân tộc (mang tính phân biệt chủng tộc), cũng có thể là định kiến văn hóa.
Trong một nghiên cứu năm 1982, nhà tục ngữ học Wolfgang Mieder đã giải thích cách mà đảng Phát-xít Đức đã tận dụng các câu tục ngữ bài Do Thái, cổ xúy chủ nghĩa người Đức “thuần chủng” để phục vụ cho bộ máy tuyên truyền Đức Quốc Xã như thế nào.
Như nhà tục ngữ học Lynne Ronesi nhận xét: một số câu tục ngữ mang định kiến có thể “sắc hơn gươm”.
***
Vậy ngụ ý của Anh Cả Lý là “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mang trong nó một định kiến văn hóa tiêu cực nào đó ư?
Chưa chắc. Điều này nên để cho các paroemiologist tương lai của Việt Nam xem xét và trả lời.
Tạm thời, chúng ta luôn có thể chịu khó khựng lại nhắc nhở bản thân mình mỗi khi nghe hay đọc thấy một câu tục ngữ trên báo đài: người dùng tục ngữ đang dùng tục ngữ để dễ diễn ý, hay đang đưa ra một phán-quyết-đóng-gói-sẵn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét