Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

4478 * Quan hệ Trung-Ấn sang trang sau thượng đỉnh Tập-Modi?



              Hai vị lãnh đạo Ấn-Trung đã có cuộc gặp không chinh thức ở Đông Hồ, Vũ Hán

Cuộc họp thượng đỉnh hồi cuối tuần trước giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vũ Hán là dấu hiệu cho thấy hai nhà lãnh đạo hai cường quốc châu Á này nhận thấy cần phải vượt qua khác biệt để đưa quan hệ song phương vào quỹ đạo ổn định và phát triển vì lợi ích của hai nước cũng như của cả châu Á, theo các nhà phân tích.

Tại cuộc gặp, ông Tập và ông Modi hôm 28/4 đã đồng ý mở ra chương mới trong mối quan hệ giữa hai nước, hãng thông tấn Reuters đưa tin. Chỉ mấy tháng trước, biên giới hai nước ở khu vực Hy Mã Lạp Sơn còn là một điểm nóng khiến thế giới quan ngại về khả năng bùng phát xung đột.

Uống trà và đi dạo

Trung-Ấn đang cố gắng vượt qua bất đồng
Trung-Ấn đang cố gắng vượt qua bất đồng

Trong chuyến thăm phá băng này của ông Modi, vốn được xem cuộc gặp gỡ không chính thức, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm kéo dài hơn dự kiến vào ngày 27/4 và uống trà đàm đạo trên thuyền giữa khung cảnh hữu tình của Đông Hồ, thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, một ngày sau đó.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói với ông Modi rằng cả hai nước đều là động lực chính giúp kinh tế thế giới tăng trưởng và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là điều tốt cho sự ổn định toàn cầu.

Bên cạnh tranh chấp dọc khu vực biên giới kéo dài 3.500 km giữa hai nước, Bắc Kinh và New Delhi còn bất đồng xung quanh kế hoạch ‘Nhất Đới Nhất Lộ’, tức ‘Một Vành đai, Một Con đường’, mà ông Tập đề xuất.

Ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, Ấn Độ đã bày tỏ sự phản đối đối với kế hoạch giao thông và thương mại đầy tham vọng này vì dự án của nó đi ngang qua vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát mà Ấn Độ tuyên bố có chủ quyền.

Đã từ lâu, Ấn Độ đã lo sợ về mối quan hệ vốn chặt chẽ giữa Trung Quốc và Pakistan, trong khi Trung Quốc đang ngại về việc Washington lôi kéo Delhi vào ‘tứ giác kim cương’ bao gồm cả Nhật và Australia để kiềm chế Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bất bình việc Ấn Độ chứa chấp nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng các khác biệt giữa hai nước cần thời gian để có thể giải quyết, cũng theo Reuters.

Hãng tin này cũng dẫn lời ông Khổng Huyễn Hựu, người từng là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và hiện là Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, cho biết ông Tập đã nhấn mạnh rằng các vấn đề tồn tại giữa hai nước ‘chỉ mang tính giới hạn và tạm thời trong khi quan hệ song phương thì rộng lớn và tiến triển’.

Ông Khổng cho biết hai nhà lãnh đạo không đề cập đến vụ va chạm tại biên giới hồi năm ngoái mặc dù họ đồng ý tìm kiếm một giải pháp hợp lý, công bằng và chấp nhận được đối với nhau.

“Kết quả lớn nhất của cuộc gặp là chúng tôi phải tăng cường tin cậy lẫn nhau,” ông Khổng được dẫn lời nói. “Lý do chúng tôi có tranh chấp là vì chúng tôi đều không tin nhau.”

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng khác biệt giữa họ có thể được giải quyết một cách hòa bình và rằng họ ủng hộ nỗ lực của đại diện đặc biệt của hai nước để tìm giải pháp cho tranh chấp biên giới.

Quan hệ lâu đời

Ấn Độ và Trung Quốc đã có quan hệ văn hóa lịch sử lâu đời
Ấn Độ và Trung Quốc đã có quan hệ văn hóa lịch sử lâu đời

Trên tờ South China Morning Post, ông Patrick Mendis, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Fairbank tại Đại học Harvard, có có bài phân tích dưới tiêu đề “Khởi đầu mới trong quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc có thể làm thay đổi châu Á”.

Ông Mendis nhận định rằng cuộc gặp Tập-Modi có thể tái khởi động quan hệ Trung-Ấn vốn đã có lịch sử hàng ngàn năm.

Giáo sư Mendis nhắc lại rằng hai nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ đã giao thoa từ rất lâu trước thời triều Hán ở Trung Quốc và triều đại của vua A Dục (tức Ashoka Đại đế) ở Ấn Độ. Thông qua hệ thống thông thương bằng đường biển và con đường tơ lụa, nhiều sản phẩm, những người hành hương và hệ thống tri thức của hai nước đã giúp làm giàu nền văn hóa của nhau. Trong số đó có sự truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Quốc vốn có tác động chuyển hóa nền văn hóa vốn dĩ dựa trên Khổng giáo và Đạo giáo của Trung Quốc.

Kinh Phật đã được vị cao tăng đồng thời là học giả nổi tiếng Kumarajiva, vốn có cha là một người theo đạo Hindu ở Kashmir thuộc Ấn Độ và mẹ là công chúa của vương triều Kucha cổ mà ngày nay thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, dịch sang chữ Hán. “Nếu như Trung Quốc và Ấn Độ muốn khởi động lại quan hệ thì điểm khởi đầu có thể là Kumarajiva, người mà quan hệ huyết thống, học thức và tâm linh đã làm cầu nối cho hai quốc gia,” Giáo sư Mendis viết.

Ông Mendis nhắc lại rằng trong những năm gần đây ông Tập đã dùng ngoại giao Phật giáo như một hình thức sáng tạo trong chính sách đối ngoại, nhất là đối với Sri Lanka. Thủ tướng Modi cũng nhắc lại mối liên hệ Phật giáo trong quan hệ với Sri Lanka và bản thân ông cũng đã đến thăm những di tích Phật giáo khi đến thăm Trung Quốc như Đại Hưng Thiện Tự và Đại Nhạn Tháp ở Tây An.

Vị giáo sư này cũng nhận định rằng thời gian và địa điểm của cuộc gặp thượng đỉnh Modi-Tập có ý nghĩa quan trọng. Phía Trung Quốc không chỉ muốn làm lu mờ nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên do Mỹ lãnh đạo mà còn làm nổi bật tầm quan trọng của Vũ Hán, vốn được xem là thánh địa tri thức của các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản, nơi mà cố Chủ tịch Mao Trạch Đông có dinh thự nghỉ mát mùa hè.

Trung-Ấn cần có nhau

Khi đến Vũ Hán gặp ông Tập, ông Modi có hai lý do chủ yếu, theo phân tích của Giáo sư Mendes:

Thứ nhất, sức mạnh của Ấn Độ ở khu vực đã phần nào bị suy yếu trước sự gia tăng hợp tác kinh tế của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng của Ấn Độ như Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Quan trọng hơn, quân đội Trung Quốc đã đe dọa lực lượng Ấn Độ tại vùng cao nguyên Doklam có tranh chấp tại vùng biên giới giữa Trung Quốc-Ấn Độ và Bhutan hồi năm ngoái khi mà Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng một con đường cao tốc về phía Bhutan, nước có ‘quan hệ đặc biệt’ với New Delhi.

Thứ hai là, Modi đang tập trung vào cuộc bầu cử vào năm 2019 vào lúc mà các vấn đề trong nước và các cuộc phản đối chính trị dường như đã làm suy yếu Đảng BJP có đường lối dân tộc chủ nghĩa của ông. Tuy nhiên, ông Mendes cũng lưu ý rằng Thủ tướng Modi là một nhà lãnh đạo chiến lược, nhất là trong bối cảnh sự chuyển biến vai trò lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Á.

Đối với Ấn Độ, một liên minh thật sự với Mỹ trong khuôn khổ tứ giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn là khó khăn, nhất là với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Mendes nhận định. Trong khi đó, Bắc Kinh và New Delhi không chỉ cần có nhau vì lý do kinh tế mà hai nước còn là những nước khởi xướng ‘nguyên tắc không liên kết’ dưới thời Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Mao Trạch Đông, vốn đề cao chủ quyền quốc gia không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dân và Chiến tranh Lạnh.

Ông Manoi Joshi, một nhà nghiên cứu danh dự tại Viện ORF ở Delhi, cho rằng Ấn và Trung đang tìm kiếm một mô hình quan hệ mới giữa hai nước. Delhi đã kêu gọi hai nước nên ‘tôn trọng những quan ngại, hoài bão và sự nhạy cảm của nhau’.

Ông Joshi nhận định rằng Bắc Kinh thấy được việc cần thiết phải giảm căng thẳng ở ngay cửa ngõ của mình, nhất là với một nước lớn như Ấn Độ vốn giữ một vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, nơi có tuyến hàng hải mà tầm quan trọng đối với Trung Quốc không thể bị coi nhẹ.

“Trung Quốc cũng mong là Ấn Độ sẽ thận trọng trong việc ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và quan tâm tới mức độ mà chiến lược này nhằm chống lại Trung Quốc,” ông viết.

Giáo sư Mendes viết trên South China Morning Post: “Thượng đỉnh Vũ Hán được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia, mối lo ngại về các cường quốc bên ngoài, và niềm tự hào về nền văn minh của mỗi nước. Mặc dù Ấn Độ có thể xem Hoa Kỳ là một đồng minh tiềm năng để chống lại cách hành xử quả quyết của Trung Quốc, vào thời điểm này, theo đuổi chính sách chống Trung Quốc không có lợi lắm cho Ấn Độ.”



“Thay vào đó, hai nước có thể cùng hợp tác trên các chủ đề thương mại và đầu tư vì ngày có càng nhiều công nhân, du khách và sinh viên Ấn Độ sang Trung Quốc. Hai nước cũng có cùng quan ngại với những vấn đề chẳng hạn như biến đổi khí hậu trong bối cảnh Hoa Kỳ đã rút lại cam kết của họ.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét