Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

2183 - Việt Nam mất gì khi bị Mỹ ‘tố’ lên WTO?



Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Hà Nội. PVN là một trong số 8 công ty bị Mỹ tố cáo lên WTO.


Một cựu chuyên gia Liên Hiệp Quốc cảnh báo về những hệ lụy có thể xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam sau khi Mỹ “tố giác” lên WTO về việc 8 công ty Việt Nam không khai báo là doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cho đây là một động thái “bất thường”, có thể nằm trong chuỗi phản ứng qua lại liên quan đến việc Mỹ áp thuế nặng lên một số sản phẩm nhập từ Việt Nam gần đây.

Hôm 11/1, Mỹ cho biết đã “thay mặt Việt Nam” thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty mà lẽ ra Việt Nam phải đăng ký là “doanh nghiệp nhà nước” theo quy tắc thương mại toàn cầu.

8 công ty mà Mỹ khai báo với WTO gồm có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty con là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco/SKYPEC), Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Lập lờ

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hiệp Quốc, nói Liên Hiệp Quốc đã có định nghĩa rõ ràng về "doanh nghiệp nhà nước".

Theo đó, một công ty được xếp là doanh nghiệp nhà nước khi có trên 50% cổ phần thuộc về nhà nước. Hoặc Nhà nước sở hữu dưới 50% cổ phần nhưng lại có rất nhiều quyền kiểm soát, chỉ định việc điều hành, quản lý thì công ty đó cũng được xem là doanh nghiệp nhà nước.

TS. Vũ Quang Việt nói Việt Nam có những bất nhất trong việc khai báo số lượng doanh nghiệp nhà nước trong cả các báo cáo trong nước lẫn quốc tế.

“Họ chỉ khai báo có 100 doanh nghiệp nhà nước. 100 công ty này là công ty mà họ nắm 100% cổ phần. Còn nếu nắm 98% cổ phần thì họ cũng xếp là công ty tư nhân. Cái đó là không đúng đắn”.

Cựu chuyên gia Liên Hiệp Quốc nói việc khai báo số lượng doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam thay đổi tùy theo bối cảnh. TS. Việt nói:

“Họ lập lờ, chỗ này thì họ bảo 100, chỗ kia họ bảo 3.800. Khi ra Quốc hội Việt Nam, họ đưa ra số nợ của 100 công ty chứ không phải 3.800 công ty, nhưng trong bản báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì có 3.800 công ty xếp vào dạng doanh nghiệp nhà nước”.

Chứng minh ‘kinh tế thị trường’

Việc Việt Nam không khai báo thực số lượng doanh nghiệp nhà nướcđối với quốc tế, theo TS. Việt, là nhằm để chứng minh Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

TS. Việt nói mặc dù chưa có một định nghĩa rõ ràng về “nền kinh tế thị trường”, nhưng khi một quốc gia có đa số công ty là doanh nghiệp nhà nước thì quốc gia đó thường bị xem là “phi thị trường”.

Công nhân làm việc tại một nhà máy đông lạnh thủy sản ở Cần Thơ.
Công nhân làm việc tại một nhà máy đông lạnh thủy sản ở Cần Thơ.

Đối với trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù các quốc gia này đều khẳng định mình là nền kinh tế thị trường, nhưng châu Âu hay Hoa Kỳ thường không xem đây là các nền kinh tế thị trường thực thụ.

Theo bản tin Reuters ngày 11/1, vào tháng 4 năm ngoái, Việt Nam có thông báo với WTO về 2 doanh nghiệp thương mại nhà nước và đây là hành động khiến Mỹ đặt câu hỏi về các công ty khác.

Theo bản tin này, Việt Nam sau đó đã trả lời rằng hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trước đây đã được cổ phần hóa và hoạt động theo điều kiện kinh tế thị trường, không còn được hưởng các ưu đãi như trước đây nữa.

Bất thường

Nếu Mỹ và các nước phanh phui về số lượng thực sự các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, điều này có thể gây tác động tiêu cực lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang ra thị trường quốc tế, theo nhận định của TS. Vũ Quang Việt.

“Nếu là nền kinh tế không phải thị trường thì những hàng hóa mà Trung Quốc hay Việt Nam xuất đi các nước, họ có quyền đối xử khác dựa vào chuyện đó, chẳng hạn như tăng thuế nhập khẩu”.

Cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho rằng việc Mỹ tố giác 8 doanh nghiệp nhà nước Việt Nam là một động thái bất thường, có thể liên quan đến chuỗi phản ứng qua lại giữa hai nước về việc Mỹ áp thuế nặng lên một số mặt hàng nhập từ Việt Nam gần đây.

Ông giải thích thêm:

“WTO không tự động đem một vấn đề nào ra xử. Họ chỉ hành động khi có một nước than phiền về nước kia. Thí dụ, bây giờ Việt Nam đưa sắt thép, nhôm Trung Quốc vào Việt Nam rồi xuất sang Mỹ. Mỹ biết điều đó nên áp thuế đối với sắt thép, nhôm từ Việt Nam. Và như vậy, chính phủ Mỹ phải đưa ra lý do, phải cho WTO biết tại sao lại làm như vậy. Dĩ nhiên trong trường hợp này, Việt Nam có thể kiện Mỹ ở WTO và nói rằng đây là những công ty Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều này khó vì rõ ràng đây là hàng hóa của Trung Quốc dùng con đường Việt Nam để xuất sang Mỹ”.

Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ quyết định đánh thuế lên các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, thép cuộn lạnh của Việt Nam sẽ chịu mức thuế 531%, trong khi thép không gỉ sẽ bị đánh thuế 238%, mức thuế được cho là “hơn mức cần thiết” để chặn các sản phẩm trên đi vào thị trường Mỹ.

Ngoài sắt thép, Việt Nam còn bị Mỹ áp thuế nặng lên một số sản phẩm thủy sản.

Ngày 12/1, một ngày sau khi Mỹ tố Việt Nam ở WTO, Việt Nam cho biết đã đệ đơn khiếu nại lên WTO về việc Mỹ đánh thuế theo kiểu “trừng phạt” lên mặt hàng cá phi lê của Việt Nam.


Việt Nam cho rằng Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO trong cách áp thuế khi cho rằng mặt hàng này đang được "bán phá giá hoặc với giá rẻ một cách không công bằng trên thị trường Mỹ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét