Những ngày cuối 2017, đầu 2018, Iran vừa qua một biến động lớn.
Nhiều người so sánh với mùa hè năm 2009, khi dân chúng rầm rộ tuần hành phản đối
tổng thống bảo thủ Ahmadinejad tái đắc cử. Cuộc phản kháng lần này ngay lập tức
chấm dứt sau can thiệp của Vệ Binh Cộng Hòa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia,
nguồn gốc khủng hoảng Iran rất sâu xa, bởi bế tắc nằm trong chính phương thức vận
hành của chế độ Cộng Hòa Hồi Giáo. Giáo sư Yann Richard (1), một chuyên gia về
Iran, một mặt chỉ ra các khiếm khuyết của các lực lượng mong muốn thay đổi, mặt
khác khẳng định người Iran cần chuẩn bị một giải pháp thực tế cho « thời kỳ hậu
giáo chủ Khamenei ».
Bài viết dành cho Le Monde, hôm nay, 16/01/2018, với tựa đề
« Thời kỳ hậu giáo chủ Khamenei : vấn đề chủ yếu tại Iran » mở đầu với câu hỏi
: « Liệu chúng ta có chứng kiến sự cáo chung của một chế độ từng gây đảo lộn thế
giới Hồi Giáo và cả hành tinh, từ gần 40 năm nay ? ». Câu hỏi đi kèm với nhận
xét : « Khủng hoảng (Iran) trước hết là một cuộc khủng hoảng nội bộ, nhưng cũng
cần được đặt trên cái nền của tình trạng hỗn loạn đang gia tăng khắp vùng Trung
Đông ».
Kể từ 2013 « không gì thay đổi thực sự »
Để có được một giải pháp cho tương lai Iran, trước hết phải
có cái nhìn đúng đắn về khủng hoảng hiện tại. Theo Yann Richard, đã « không có
gì thay đổi thực sự » kể từ năm 2013, tức kể từ khi tổng thống Rohani – được xếp
vào thành phần « cải cách » - lên nắm quyền.
Dân chúng bất mãn về đời sống kinh tế ít được cải thiện, đặc
biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục duy trì cấm vận về tài chính, cho dù các trừng
phạt quốc tế dần dần được dỡ bỏ, theo thỏa thuận hạt nhân 2015 với Teheran.
Tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn trong lĩnh vực nhân quyền : bắt bớ tràn
lan, tự do ngôn luận, tự do báo chí bị ngăn cản, ngay cả trong lĩnh vực nghệ
thuật, các nghệ sĩ cũng thường xuyên bị đe dọa.
Chuyên gia về Iran nhấn mạnh là các cuộc phản kháng vừa qua
không hề đe dọa lật đổ chế độ, bởi chế độ hiện hành vẫn « hùng mạnh », cho dù
có nhiều kẻ thù bên trong, cũng như bên ngoài. « Phản ứng có vẻ không quyết
đoán » của tổng thống Rohani cho thấy nhà lãnh đạo này phải đối mặt với hàng loạt
đối thủ trong nội bộ chế độ. Cuộc chiến « chống tham nhũng » và minh bạch tài
chính, cũng như xích dần lại với các nước châu Âu khiến ông Rohani có thêm nhiều
kẻ thù thuộc phe cứng rắn, trung thành với di sản của cố giáo chủ Khomeini
(1902-1989), người lãnh đạo cuộc Cách mạng Hồi Giáo Iran 1979.
Hoàn toàn thiếu « cơ chế đối trọng »
Điểm yếu lớn nhất của đối lập Iran là không có được các « đảng
phái, cơ quan ngôn luận, chương trình hành động ». Sự bất mãn của dân chúng «
không có lãnh đạo dẫn dắt, không có tư tưởng chính trị, không có ý thức hệ », bởi
vậy sẽ không đi đến đâu. Theo chuyên gia Yann Richard, tại Iran hiện tại hoàn
toàn thiếu vắng một cơ chế « đối trọng » cho phép ngăn chặn việc lạm dụng quyền
lực của giới chính trị. « Không có một nền báo chí tự do, các đảng phái xứng với
tên gọi này, và một nền tư pháp độc lập. Tham nhũng và đàn áp đã làm mọi thứ tê
liệt ».
Đối lập Iran đồng thời lại liên tục « bị nhử mồi » bởi « cuộc
chơi bầu cử » do chế độ mở ra, cứ bốn năm một lần, mang lại hy vọng có được sự
thay đổi về chính trị. Trên thực tế cho dù có các thế lực khác nhau lên nắm quyền,
như lãnh đạo « cải cách » Khatami lên làm tổng thống năm 1997, rồi đến lượt «
phe bảo thủ » với Ahmadinejad năm 2005, rồi sau đó là nhà « cải cách » Rohani
năm 1993, nhưng đã không có gì thay đổi thực sự. Trong khi đó, « quyền lực trên
thực tế » nằm trong tay lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa và « sự thao túng ngày càng
xảo quyệt » của giáo chủ Ali Khamenei, người kế nhiệm cố giáo chủ Khomeini.
Mâu thuẫn sâu xa : Những cội nguồn lịch sử
Chuyên gia về Iran Yann Richard chỉ ra mâu thuẫn sâu xa
trong xã hội Iran giữa một bộ phận « công luận Iran », quan tâm trước hết đến đời
sống trong nước, với thế lực cứng rắn trong chính quyền, muốn bằng mọi giá mở rộng
ảnh hưởng của Iran tại khu vực. Một trong những khẩu hiệu chính của những người
biểu tình năm 2009 là « lên án chủ nghĩa bành trướng của nước Cộng Hòa Hồi
Giáo, thay vì tìm kiếm một chính sách chấn hưng thực sự đối với kinh tế trong
nước ».
Giáo chủ Khameini cùng với lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa có
cùng chung một mục tiêu, tìm mọi cách ngăn cản việc Iran sáp gần lại Hoa Kỳ. Nỗ
lực mở rộng ảnh hưởng khu vực của thế lực cứng rắn được một bộ phận công luận
Iran ủng hộ bởi tư tưởng phục hận, cho phép quốc gia này tìm lại được niềm « tự
hào », là lãnh đạo khu vực một thời vang bóng.
Vị thế lãnh đạo của quốc gia Ba Tư thời cận đại tan vỡ sau
hai cuộc chiến tranh với nước Nga. Iran phải chấp nhận hòa ước năm 1828, với đủ
điều bất lợi, dưới áp lực phương Tây. Cuộc Cách mạng Hiến pháp 1906 và việc
phát hiện ra dầu mỏ tại Iran năm 1908 cũng không thay đổi đáng kể số phận của đất
nước. Ngành dầu mỏ nước này do người Anh « kiểm soát ». « Phong trào dân tộc
Mossadegh quốc hữu hóa các mỏ dầu, nhưng một cú đảo chính, do Hoa Kỳ đạo diễn
năm 1953, đã chấm dứt các tham vọng độc lập ».
Thế lực trung tâm khu vực - Cưỡi trên lưng hổ
Chỉ đến khi cuộc Cách mạng Hồi Giáo nổi lên vào năm 1979, với
biến cố các nhân viên đại sứ quán Mỹ bị bắt làm con tin, « nỗi nhục » nói trên
mới được xóa bỏ. Tiếp theo đó, với cuộc chiến 8 năm chống Irak, chính quyền Hồi
Giáo Iran đã « chứng minh » với thế giới có khả năng « tự vệ bằng cách huy động
sức mạnh của cả một dân tộc ». Theo tác giả, giờ đây, « ngay cả những người ít
chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khomeini nhất cũng phải công nhận là Iran, kể từ giờ,
nằm ở trung tâm của mọi xung đột khu vực, không phải với tư cách là một quốc
gia chư hầu của phương Tây, mà như một chủ thể có một chiến lược riêng ».
Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về địa chính trị nói trên,
là sự mở cửa dần dần của xã hội Iran, với sự hình thành một tầng lớp có học vấn,
trẻ tuổi. Đông đảo giới trẻ Iran - được tiếp xúc với nền giáo dục phương Tây -
khát khao thăng tiến, nhưng vì không có cơ hội tại Iran, đã trở thành những người
bất đồng chính kiến ngay trên quê hương mình.
Cùng với những người thất nghiệp, những người bị bỏ rơi, giới
trẻ có học vấn phản kháng lại chính sách hy sinh lợi ích của dân chúng trong nước,
vì các lợi ích đầy tham vọng trong khu vực, đứng về phía Palestine chống lại
Israel, hay mở rộng ảnh hưởng của hệ phái Hồi Giáo Shia, mà Teheran tự coi là
người cầm lá cờ đầu.
Nguy cơ « Saddam Hussein » mới và sự non yếu của lực lượng cải
cách
Nhà nghiên cứu Yann Richard so sánh tình hình hiện nay ở
Trung Đông giống với thời kỳ năm 1980, khi Saddam Hussein tấn công Iran. Cũng
tương tự, Iran hiện đang đối mặt với « đe dọa mới từ bên ngoài », cụ thể là từ Ả
Rập Xê Út. Lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Khamenei dường như đang khai thác cơ
hội này để tập hợp thế hệ trẻ dưới lá cờ của giới giáo sĩ, dưới danh nghĩa chiến
đấu chống kẻ thù chung. Việc Ả Rập Xê Út gia tăng mua sắm vũ khí tối tân khiến
viễn cảnh này ngày càng trở nên hiện hữu.
Giáo chủ Iran Khamenei hiện đã gần 80 tuổi. Khả năng ông
Khameini qua đời trong thời gian tới, với viễn cảnh Iran rơi vào tình trạng trống
không quyền lực là điều mà rất nhiều người Iran đặt ra lâu nay.
Trong bối cảnh này, đối với những ai đang tìm kiếm hướng đi
cho một thời kỳ hậu Khameini, chuyên gia về Iran cảnh báo : Sẽ không thể có «
các giải pháp đơn giản » cho xã hội Iran. Việc tìm ra một giáo chủ mới, có khả
năng đem lại sự đoàn kết cho toàn dân tộc, là điều không tưởng. Trừng phạt của
Hoa Kỳ chỉ càng khiến căng thẳng gia tăng, càng làm cho lực lượng « dân quân Hồi
Giáo » độc quyền hơn về kinh tế, cũng như trong các hoạt động ở nước ngoài.
Yann Richard lo ngại, trong một xã hội thiếu vắng dân chủ
như ở Iran, các thế lực được coi là « cải cách », hay « cộng hòa », hiện tại
khó đạt được « độ trưởng thành về ý thức công dân » (maturité républicaine) để
có thể bảo đảm quá trình « chuyển đổi chính trị diễn ra một cách ôn hòa », trên
cơ sở tôn trọng nhân quyền, quyền của các nhóm thiểu số, đồng thời tìm ra được
giải pháp thực tiễn, giúp cải thiện tình hình an ninh của khu vực và phục hồi nền
kinh tế trong nước. Viễn cảnh ngược lại sẽ là sự lên ngôi của các thế lực độc
đoán.
----
(1) Giáo sư Yann Richard, Đại học Université Paris 1
Panthéon-Sorbonne, chuyên gia về lịch sử Iran, văn học Ba Tư và hệ phái Hồi
Giáo Shia. Cuốn « L'Iran, de 1800 à nos jours » của ông (nxb Flammarion, 2016)
là một cẩm nang về xã hội Iran hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét