Khi Liên bang Xô viết gần sụp đổ, Francis Fukuyama tuyên bố chế độ dân chủ tự do đã chiến thắng chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa trong bài nhận định năm 1989 của ông, “Điểm tận cùng của Lịch sử?”. Hơn một phần tư thế kỷ sau đó, Liên Xô quả thực đã tan rã. Phần lãnh thổ Đông Âu của nó bây giờ thuộc về Liên minh Âu châu. Trung Quốc có một nền kinh tế thị trường cho dù đất nước vẫn bị cai trị bởi một đảng duy nhất. Còn các nhà nước “xã hội chủ nghĩa” Bắc Hàn, Cuba và Venezuela đang trong đống đổ nát về kinh tế. Giờ đây, ít ai ủng hộ việc “quay lại Liên Xô”. Nhưng đồng thời, nhiều người vẫn coi chủ nghĩa xã hội là một hệ thống kinh tế hấp dẫn. Hãy xem trường hợp ông Bernie Sanders[1] – một người công khai thừa nhận ủng hộ một nước Mỹ xã hội chủ nghĩa – và rất nhiều người trẻ trưởng thành vào điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ ưa thích chủ nghĩa xã hội hơn chủ nghĩa tư bản.
Sự tương đồng về kỵ sĩ và con ngựa giải thích cho sự hấp dẫn kéo dài của chủ nghĩa xã hội. Những người xã hội chủ nghĩa tin rằng các chế độ xã hội chủ nghĩa đã chọn sai kỵ sĩ để cưỡi con ngựa xã hội chủ nghĩa đi tới chiến thắng xứng đáng với nó. Những kỵ sĩ tệ hại như Stalin, Mao, Fidel, Pol Pot và Hugo Chavez đã chọn những chiến thuật và chính sách dẫn con ngựa xã hội chủ nghĩa của họ đi trật đường. Nhưng trên thực tế, một cái nhìn vào cách thức Liên Xô hoạt động lại bộc lộ rằng, chính bản thân con ngựa mới là vấn đề.
Sau khi giành được quyền lực một thế kỷ trước và nắm giữ quyền lực thông qua một cuộc nội chiến, những người cộng sản Liên Xô có ý định xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ chôn vùi chủ nghĩa tư bản. Sở hữu nhà nước và kế hoạch hóa khoa học sẽ thay thế cho tình trạng vô chính phủ của thị trường. Lợi ích vật chất sẽ dồn về phía giai cấp lao động. Một nền kinh tế công bằng sẽ thay cho sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản và con người mới xã hội chủ nghĩa sẽ nổi lên, những người đặt ưu tiên cho lợi ích của xã hội lên trên lợi ích cá nhân. Chuyên chính vô sản sẽ bảo đảm quyền lợi của giai cấp lao động. Thay vì bóc lột giá trị thặng dư từ người lao động, nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ lấy đồ cống nạp của các nhà tư bản để tài trợ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Những nền tảng căn bản của “con ngựa” Xô-viết đã được thiết lập vào đầu thập niên 1930. Theo hệ thống này, Stalin và bộ chính trị của ông ta đặt ra những ưu tiên chung cho các bộ công nghiệp và ủy ban kế hoạch nhà nước. Các bộ và các nhà kế hoạch làm việc cùng nhau để soạn ra các kế hoạch kinh tế. Cán bộ quản lý của hàng trăm ngàn nhà máy, công xưởng, cửa hàng thực phẩm và ngay đến các nông trại đều bị pháp luật bắt buộc phải hoàn thành kế hoạch mà cấp trên giao cho.
Nhà nước Xô-viết khởi động nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa của họ khi thế giới tư bản chủ nghĩa chìm sâu vào suy thoái, chiến tranh thương mại và lạm phát phi mã. Chính quyền Xô-viết khoe khoang về mức tăng trưởng chưa từng có trước đây. Các tổ hợp công nghiệp mới mọc lên từ số không. Các tạp chí đăng hình ảnh những công nhân vui sướng nghỉ ngơi trong những khu nghỉ mát đầy đủ tiện nghi. Thông điệp là: Phương Tây đang thất bại và hệ thống kinh tế Xô-viết là con đường đi tới tương lai.
Khi cuộc cạnh tranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội Liên Xô trở nên rõ rệt trong thời Chiến tranh Lạnh, hoạt động nghiên cứu học thuật nghiêm túc về nền kinh tế Xô-viết cũng bắt đầu. Chương trình nghiên cứu bao quát của các học giả phương Tây nhắm vào “kế hoạch hóa khoa học” – những người xã hội chủ nghĩa tin rằng các chuyên gia kỹ trị có thể quản lý nền kinh tế tốt hơn là những lực lượng thị trường tự phát. Suy cho cùng, chẳng phải các chuyên gia thì hiểu biết hơn người mua người bán về chuyện cần sản xuất cái gì, như thế nào và cho ai sử dụng hay sao?
Chính các nhà kinh tế học người Áo F.A. Hayek và Ludwig von Mises là những người chống lại niềm tin này quyết liệt nhất. Trong sự phê phán có tính biểu tượng của họ, được trình bày trong hàng loạt công trình nghiên cứu từ thập niên 1920 đến 1940, họ đi đến kết luận rằng chủ nghĩa xã hội sẽ thất bại. Trong các nền kinh tế hiện đại, hàng trăm ngàn doanh nghiệp sản xuất ra hàng triệu sản phẩm. Quản lý một số lượng lớn như vậy là việc quá phức tạp mà không một cơ quan hành chính nào có thể phân bổ nguồn lực nổi, cho dù có sự trợ giúp của công nghệ máy tính tinh vi nhất. Kinh tế hiện đại do đó quá phức tạp và không kế hoạch hóa được. Không có thị trường và giá cả, các nhà hoạch định chính sách không biết được mặt hàng nào bị khan hiếm, sản phẩm nào dư thừa. Nếu tài sản thuộc về mọi người, thì những người quản lý tài sản cho xã hội sẽ phải theo những luật lệ nào?
Giải pháp của người Xô-viết cho những vấn đề về tính phức tạp và thông tin là một kế hoạch quốc gia đặt mục tiêu sản xuất cho những khu vực kinh tế lớn chứ không phải cho những giao dịch cụ thể. Nói cách khác, thay vì bắt buộc nhà máy A phải giao cho nhà máy B 10 tấn dây cáp thép, các nhà kế hoạch đặt mục tiêu tổng số tấn dây cáp được sản xuất trong cả nước. Chỉ có một số mặt hàng đặc biệt – chẳng hạn như dầu thô, quặng nhôm, than nâu, điện năng và toa vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt – mới được lập kế hoạch như những giao dịch thật sự. Còn tất cả những mặt hàng khác chỉ được kế hoạch hóa theo số lượng thô, chẳng hạn như đặt mục tiêu dệt ra vài triệu mét vuông vải. Các đặc điểm của sản phẩm, kế hoạch giao hàng và thanh toán tiền chỉ được vạch ra ở những cấp thấp, và thường dẫn tới những kết quả thảm hại.
Kế hoạch hóa khoa học kiểu Xô viết trong thực tế chỉ tác động tới một phần rất nhỏ sản phẩm. Vào đầu thập niên 1950, các cơ quan trung ương lập ra hơn 10.000 chỉ mục kế hoạch trong khi sản phẩm công nghiệp có đến hơn 20 triệu chỉ mục khác nhau. Các cơ quan trung ương lập ra những kế hoạch tổng quát cho các bộ công nghiệp, các bộ này lại đề ra những kế hoạch chi tiết hơn cho các “khu hành chính quan trọng”, nơi sẽ chuẩn bị kế hoạch cho các doanh nghiệp. Không bao giờ có yêu cầu các quan chức hàng đầu phải đưa ra kế hoạch sản xuất các sản phẩm đặc biệt nào đó.
Để làm cho vấn đề thêm phức tạp, gần như tất cả mọi kế hoạch đều chỉ là “dự thảo”, có thể được thay đổi bất cứ lúc nào bởi các quan chức của đảng và chính quyền cấp cao hơn. Sự can thiệp thường xuyên này, gọi là “giám sát”, là một điều phiền toái xảy ra từ ngày đầu tiên tới ngày cuối cùng của hệ thống Xô-viết, nhưng đó cũng là cột trụ cho công cuộc phân bổ nguồn lực.
Các nhà kế hoạch trung ương chuẩn bị những kế hoạch sơ bộ cho một bộ phận nhỏ của nền kinh tế. Những “kế hoạch dự thảo” này lại kích hoạt “những trận chiến giành kế hoạch” to lớn khi các bộ và các doanh nghiệp tìm cách hoàn thành mục tiêu sản xuất của họ và đáp ứng các định mức giao hàng; tất cả những chuyện này đều có thể thay đổi bởi các cán bộ đảng và cán bộ địa phương vào bất cứ lúc nào.
Như bộ trưởng công nghiệp nặng Sergo Ordzhonokidze than phiền vào năm 1930: “Tôi đoán họ nghĩ rằng chúng tôi là một lũ ngốc. Mỗi ngày họ cho chúng tôi từ nghị quyết này đến nghị quyết khác mà không có cơ sở nào cả”. Một nửa thế kỷ sau một nhà thầu quốc phòng ẩn danh cũng đưa ra lời than phiền tương tự: “Họ nhúng mũi vào mọi vấn đề. Chúng tôi bảo họ rằng họ đã sai, nhưng họ vẫn đòi phải làm theo cách của họ”.
Nhiệm vụ của người quản lý được cho là rất đơn giản: Kế hoạch là pháp lệnh, công việc của người quản lý là hoàn thành kế hoạch. Nhưng kế hoạch cứ tiếp tục thay đổi. Hơn thế nữa, nó bao gồm nhiều nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn như giao hàng, sản lượng và phân loại. Xuyên qua toàn bộ lịch sử của Liên Xô, tổng sản lượng gộp (đo bằng tấn, mét hoặc toa hàng/dặm) là các chỉ tiêu kế hoạch quan trọng nhất và cũng dễ thao túng nhất. Các nhà sản xuất đinh chẳng hạn, mà sản lượng được tính theo trọng lượng, chỉ sản xuất các loại đinh to và nặng. Các nhà sản xuất máy kéo, cố gắng hoàn thành định mức máy kéo, bị phát hiện chỉ giao cho khách hàng những chiếc máy kéo không có động cơ; buộc khách hàng phải mua động cơ như mua phụ tùng. Các nhà sản xuất giày mà kế hoạch dựa trên số lượng giày làm ra chỉ sản xuất giày cùng một cỡ, cùng một màu, bất chấp nỗi khổ tâm của khách hàng. Những mục tiêu kế hoạch khác, chẳng hạn như áp dụng công nghệ mới hoặc làm giảm chi phí sản xuất, bị lãng quên vì bị coi là không có tác dụng giúp hoàn thành kế hoạch.
Dưới chế độ kế hoạch hóa khoa học, cung cầu phải gần ngang nhau – và do ác cảm của họ đối với tính lộn xộn của thị trường, các nhà kế hoạch Xô-viết không thể cân đối cung cầu bằng cách nâng giá hoặc hạ giá. Thay vì vậy, họ soạn ra cái gọi là “cân đối vật chất”, sử dụng phép kế toán cổ xưa để so sánh những vật liệu nào đang có sẵn với những vật liệu cần có theo một nghĩa nào đó.
Kế hoạch hóa cân đối-vật chất kiểu Xô-viết có rất nhiều khiếm khuyết. Ví dụ, chỉ có thể soạn ra một số sự cân đối – năm 1938 chỉ có 379 sự cân đối ở trung ương được chuẩn bị cho một thị trường có hàng triệu mặt hàng. Và rồi, những sự cân đối này lại dựa trên những thông tin méo mó. Các nhà sản xuất hàng hóa trong phép cân đối này vận động để được phân bổ những mục tiêu thấp, che giấu năng lực sản xuất thật của họ. Những người sử dụng sản phẩm công nghiệp trong phép cân đối, ngược lại, lại khai vống lên những gì họ cần để bảo đảm việc hoàn thành kế hoạch của riêng họ.
Hình dung ra một sự cân đối thích hợp là một công việc mệt mỏi – và các nhà kế hoạch Xô-viết không phải năm nào cũng sáng tác ra cái mới; thay vì vậy, họ áp dụng cách gọi là “kế hoạch hóa từ mức độ đã hoàn tất”, nghĩa là kế hoạch của mỗi năm là kế hoạch của năm trước đó cộng thêm một số điều chỉnh nhỏ.
Vào đầu thập niên 1930, các cơ quan cung cấp phân phối nguyên vật liệu dựa trên những gì họ đã làm trong năm trước đó. Lướt nhanh đến thập niên 1980, cũng vẫn thấy cung cách làm việc như vậy. Khi một nhà sản xuất vật liệu nghề hàn muốn sử dụng tấm kim loại mỏng hơn thì câu trả lời chính thức là: “Tôi không quan tâm tới công nghệ mới. Cứ làm như cũ để mọi sự vẫn như cũ”. Kế hoạch hóa cân đối vật chất là kẻ thù của sản phẩm mới và công nghệ mới bởi vì chúng đòi hỏi phải làm lại một hệ thống các cân đối vốn đã rất mong manh. Các nhà kinh tế học Mỹ nghiên cứu sản xuất công nghiệp của Liên Xô trong thập niên 1950 hết sức ngạc nhiên khi thấy những cỗ máy đã sản xuất vài thập niên mà không hề được cải tiến gì cả, một chuyện chưa từng nghe thấy ở phương Tây.
Kế hoạch hóa cân đối vật chất là điểm yếu cơ bản nhất của hệ thống Xô-viết. Nó làm cho nền kinh tế Liên Xô bị đông cứng lại. Sản xuất của mỗi năm là bản sao chép năm trước đó. Một cán bộ quản lý Liên Xô năm 1985 sẽ cảm thấy hết sức thoải mái trong cùng doanh nghiệp đó vào năm 1935.
Ngoài kế hoạch hóa cân đối vật chất, ngân sách mềm (soft budgets) cũng tạo thành một khuyết điểm nghiêm trọng khác. Nhà kinh tế học Janos Kornai của trường Đại học Harvard lớn lên ở Hungary dưới thời xã hội chủ nghĩa kế hoạch hóa. Nghiên cứu của ông, dựa trên những trải nghiệm trực tiếp, tập trung vào những thất thoát kinh tế diễn ra cùng với những giới hạn của ngân sách mềm. Theo Kornai, nếu doanh nghiệp không phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chúng sẽ không tìm cách cắt giảm chi phí và tìm những chiến lược sinh tồn khác. Từ ngày đầu tiên của hệ thống Xô-viết, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đã hiểu rằng họ sẽ được tự động cứu nguy, nếu không nói là cứu ngay.
Nguyên nhân ban đầu của chính sách ngân sách mềm là do hệ thống Xô-viết dựa trên kế hoạch sản lượng. Đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác. Nếu kế hoạch sản lượng bị đổ vỡ thì toàn bộ kế hoạch sẽ thất bại. Đưa một doanh nghiệp ra khỏi nền sản xuất do làm ăn kém cỏi không đơn giản là một sự lựa chọn.
Trong thực tế, các doanh nghiệp thua lỗ thường trả các khoản tiền hàng bằng trái phiếu ghi nợ (IOU). Các phiếu ghi nợ không được thanh toán đúng hạn sẽ nhiều lên dần rồi đạt tới quy mô khủng hoảng. Gosbank, tức ngân hàng nhà nước Liên Xô – sẽ vào cuộc và giải quyết các hóa đơn chưa thanh toán bằng cách phát hành thêm tiền và tạo ra cái mà các quan chức ngân hàng Xô-viết gọi là “treo tiền” – đồng tiền chạy theo hàng hóa hơn là có hàng hóa để mua. Trong thực tế, việc kinh doanh chính của Gosbank trong những năm đầu tiên của hệ thống Liên Xô là tổ chức những vụ cứu nguy tài chính. Khi một vụ cứu nguy này hoàn tất cũng là lúc bắt đầu tiến hành vụ cứu nguy kế tiếp.
Vấn đề của chủ nghĩa xã hội không phải là kỵ sĩ tồi mà là chính con ngựa. Hệ thống kinh tế Xô-viết mắc nhiều chứng bệnh cuối cùng sẽ làm nó ngã quỵ. Bắt đầu từ cuối thập niên 1960, kinh tế Liên Xô rơi vào cuộc suy thoái kéo dài, về sau được gọi là “giai đoạn trì trệ”. Mikhail Gorbachev được chọn làm tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985 với cam kết rằng ông, một nhà cải cách cấp tiến, sẽ đảo ngược đà suy thoái này.
Gorbachev đã thất bại vì cốt lõi của hệ thống kế hoạch hóa Xô-viết đã mục ruỗng. Bất chấp thiên hướng cải cách của ông, Gorbachev vẫn là một tín đồ của chủ nghĩa xã hội. Ông quyết tâm cứu vãn chủ nghĩa xã hội Xô-viết bằng cách làm cho nó giống với chủ nghĩa tư bản. Khi làm như vậy, ông đã tạo ra một nền kinh tế không phải là kế hoạch hóa, cũng không phải kinh tế thị trường – một cuộc tranh chấp đầy hỗn loạn, mà nhân dân Nga tới hôm nay vẫn buồn rầu gọi đó là “chủ nghĩa tư bản hoang dã”.
Paul Roderick Gregory lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard, làm nghiên cứu viên của Viện Hoover, giáo sư khoa kinh tế của Đại học Houston, Texas; giáo sư nghiên cứu tại Học viện Đức về nghiên cứu kinh tế ở Berlin; chủ tịch danh dự Ban Tư vấn quốc tế trường Kinh tế Kiev (Ukraine). Ông cũng đồng thời là giáo sư thỉnh giảng các trường Đại học quốc gia Moscow (Nga), Đại học Viadrina (Nga) và Đại học Tự do Berlin (Đức).
——————
[1] Bernie Sanders: Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Vermont, Hoa Kỳ, thất bại trong cuộc tranh giành với bà Hillary Clinton tư cách đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11-2016.
Nguồn: Viet-studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét