Ngô Đình Nhu (1910-1963)
Vấn đề tổ chức quần chúng quan trọng đến mức quyết định sự
thành công hay thất bại của chúng ta sau này.
Bất cứ trong xã hội nào, Tự Do hay cộng sản, các tổ chức quần
chúng đều có, và đương nhiên, đóng vai trò trung gian giữa chính quyền và các
cá nhân. Không có tổ chức quần chúng, chính quyền không đi tới với nhân dân được.
Không có tố chức quần chúng, nhân dân không làm sao bày tỏ ý
kiến cho chính quyền.
Các tổ chức quần chúng còn là những yếu tố quân bình giữa
nhu cầu dài hạn của tập thể và nhu cầu ngắn hạn của các phần tử trong tập thể.
Các tổ chức quần chúng ở xã hội Tự Do hay cộng sản đều có một vai trò như nhau,
chỉ khác một điều là ở xã hội Tự Do các tổ chức quần chúng do nhân dân tổ chức
và điều khiển, với sự kiểm soát của chính quyền, còn ở trong xã hội cộng sản
các tổ chức quần chúng đều do chính quyền tổ chức và điều khiển.
Trong trường hợp của chúng ta, trong khi quần chúng của
chúng ta còn quen lối sống rời rạc và chưa có ý thức tập thể, sáng kiến hợp
thành tổ chức chắc chắn không thể phát sinh từ trong nhân dân. Và kinh nghiệm tổ
chức và điều khiển cũng không làm sao dồi dào được. Do đó, sự hướng dẫn của
chính quyền rất cần thiết trong lúc đầu.
Chúng ta cần ý thức rõ rằng, sự hướng dẫn tổ chức quần
chúng, như chúng ta quan niệm, không thể là một sự xâm phạm tự do cá nhân.
Trong một tập thể, phải có sự thăng bằng động tiến giữa nhu cầu dài hạn của tập
thể và nhu cầu ngắn hạn của các phần tử của tập thể. Nếu xã hội cộng sản là một
trạng thái, trong đó nhu cầu của cá nhân hoàn toàn bị hy sinh cho nhu cầu của tập
thể, thì trong xã hội chúng ta hiện nay, nhu cầu của tập thể hoàn toàn bị hy
sinh cho nhu cầu của một số ít cá nhân. Trong hai trường hợp sự thăng bằng động
tiến đều bị đổ vỡ, cho nên xã hội chúng ta hiện nay không tiến được, mà xã hội
cộng sản tiến một cách miễn cưỡng.
Ngoài ra, sự hướng dẫn của chúng ta không thể xem là một sự
xâm phạm tự do cá nhân được. Bởi vì mục đích của chúng ta, khuyến khích và hướng
dẫn các tổ chức quần chúng, là đặt cho mỗi cá nhân thêm nhiều dây liên hệ xã hội,
nghề nghiệp, văn hóa, kinh tế, nhờ đó mà quyền lợi của cá nhân được bảo đảm hơn
từ trước tới nay, khi cá nhân chỉ có những sợi dây liên hệ gia đình và quen thuộc.
Trong khi mục đích của cộng sản là chặt hết các dây liên hệ và thay thế vào đó
bằng dây liên hệ duy nhất giữa cá nhân và đảng.
Tính cách thiết yếu của
các tổ chức quần chúng.
Chúng ta cần phải nhấn mạnh đến tính cách cần thiết của tổ
chức quần chúng. Trong một tình thế bình thường, các tổ chức quần chúng đã là
những bộ phận thiết yếu cho sự điều hòa đời sống của một quốc gia. Không có tổ
chức quần chúng huyết mạch của quốc gia không chạy được từ trung ương xuống hạ
tầng và không trở về được từ hạ tầng đến trung ương. Nguồn sống bị chặn nghẹt.
Trong những giai đoạn
quyết định của một Cộng Đồng, sự cần thiết của tổ chức quần chúng cho tập thể
quốc gia lại tăng thêm bội phần. Không có tổ chức quần chúng việc lãnh đạo quốc
gia không làm sao thực hiện được. Nhân dân không biết hướng mà đi và người lãnh
đạo không làm sao hướng dẫn quần chúng được.
Xưa kia, trong xã hội Việt Nam, các làng mạc tự trị là những
tổ chức quần chúng có tính cách xã hội. Bộ máy hành chánh của triều đình bao
trùm lên trên các tổ chức quần chúng đó. Trong các vùng của lãnh thổ Việt Nam,
nơi nào mà tổ chức làng mạc đã lỏng lẻo, như phía Nam miền Trung và miền Nam,
thì nơi đó, tập thể quốc gia mất giá trị và biện pháp hành chánh mất hiệu quả.
Như thế cũng đủ cho chúng ta nhận thấy tính cách cần thiết của các tổ chức quần
chúng và sự vô hiệu lực, đối với quốc gia, của bộ máy hành chánh nếu không có tổ
chức quần chúng.
Sở dĩ chúng ta mất ý
thức quần chúng và không quan niệm được tính cách cần thiết của sự tổ chức quần
chúng trong đời sống của quốc gia, vì trong gần một trăm năm, chúng ta đã sống
trong chế độ thống trị của đế quốc, trong đó tổ chức quần chúng bị tuyệt đối cấm
đoán. Đế quốc thống trị Dân Tộc chúng ta, chớ không lãnh đạo Dân Tộc chúng ta.
Thực dân khai thác Dân Tộc bị trị, và không cần biết phải dẫn dắt Dân Tộc bị trị
đi đường nào và đến mục đích gì. Vì thế cho nên, như chúng ta đã thấy, cuộc Tây
Phương Hóa của chúng ta trong thời kỳ Pháp thuộc hoàn toàn không mục đích và
không đường hướng dẫn. Chủ định đã như vậy, thì nhà cầm quyền Pháp cần gì đến tổ
chức quần chúng. Ngược lại họ cần phải cấm đoán mọi hình thức tổ chức quần
chúng để giữ cho nhân dân sống rời rạc và không đoàn tụ được. Trong điều kiện
đó, một bộ máy hành chánh, chuyên lo phục vụ quyền lợi cho kẻ thống trị, đủ để
cho nhà cầm quyền Pháp cai trị xứ này. Nhiệm vụ của bộ máy hành chánh của Pháp,
đối với dân chúng Việt Nam chỉ là bảo vệ cuộc trị an, để cho các quyền lợi kinh
tế của Pháp được bảo đảm. Vì vậy cho nên, các tổ chức quần chúng đối với người
Pháp, chẳng những không cần thiết lại còn là những tổ chức phá rối trị an.
Như thế chúng ta đã thấy rõ vì sao, dưới thời Pháp thuộc các
tổ chức quần chúng không thể sinh sống được. Những người quen thuộc với nề nếp
cai trị của Pháp, không quan niệm được rằng sự lãnh đạo của một quốc gia không
phải là giữ cho được một cuộc trị an. Vì nhiệm vụ của bộ máy lãnh đạo quốc gia
của chúng ta ngày nay nhất định không phải là nhiệm vụ của bộ máy cai trị của
Pháp xưa kia. Chúng ta cần giải quyết những vấn đề của Dân Tộc mà người Pháp
không cần biết đến. Chính vì không nhận định được sự kiện này mà tất cả các
chính phủ Việt Nam, do đế quốc Pháp thành lập, hoặc do đế quốc Pháp chi phối đều
thất bại.
Họ bị thất bại vì họ
tiếp tục công cuộc trị an của người Pháp, trong khi đó vấn đề chính là lãnh đạo
quốc gia, nghĩa là phải giải quyết các vấn đề của Dân Tộc trong giai đoạn này.
Trong khi những chính phủ ấy lo công cuộc trị an, thì nhân
dân sẽ theo những người nào giải quyết được các vấn đề của Dân Tộc.
Tóm lại, nếu ngày nay chúng ta sử dụng được một bộ máy hành
chánh hoàn bị như bộ máy hành chánh của người Pháp trước đây, chúng ta cũng
không giải quyết được vấn đề Việt Nam hiện nay, bởi vì vấn đề hiện nay không phải
là một vấn đề hành chánh và sự trị an, mà là một vấn đề to tát và quan hệ hơn
nhiều: Vấn đề lãnh đạo một Dân Tộc trong một giai đoạn quyết liệt. Nếu chúng ta
không giải quyết được, thì người khác sẽ thay chúng ta mà giải quyết.
Tổ chức chính trị và tổ chức quần chúng
Các tổ chức quần
chúng có phải là những tổ chức chính trị không ?
Tổ chức chính trị là tổ chức của một đảng chính trị tạo ra để
qui tụ những người cùng một xu hướng chính trị và sẵn sàng góp sức tranh đấu
cho xu hướng chính trị đó.
Tổ chức quần chúng là một tổ chức gồm những người làm cùng một
nghề, hoặc cùng làm việc chung tại một vị trí, hoặc những người cùng đeo đuổi một
mục đích xã hội, văn hóa hay thể thao, hoặc những người cùng một quyền lợi kinh
tế.
Như vậy, tổ chức quần chúng không phải là một tổ chức chính
trị. Tuy nhiên, một tổ chức quần chúng gồm những công dân của quốc gia, vì thế,
lúc có cơ hội, một tổ chức quần chúng vẫn có thể có thái độ chính trị và ảnh hưởng
chính trị. Một tổ chức quần chúng không phải là một tổ chức chính trị. Ảnh hưởng
chính trị của một tổ chức quần chúng quan trọng hay không quan trọng tùy thuộc
sự tổ chức quần chúng có hàng ngũ chặt chẽ hay là không có và rộng lớn hay
không. Vì ảnh hưởng chính trị đương nhiên phải có của các tổ chức quần chúng,
mà có sự lầm lẫn vô tình hay cố ý giữa các tổ chức quần chúng và tổ chức chính
trị. Sự lầm lẫn vô tình của người chỉ nhìn thấy ảnh hưởng chính trị của các tổ
chức quần chúng. Sự lầm lẫn cố ý của những người lợi dụng các tổ chức quần
chúng để làm hậu thuẫn chính trị.
Nhưng các tổ chức quần chúng, chỉ đóng được đúng vai trò
chính của nó trong guồng máy quốc gia, khi nào giữ được bản chất không chính trị
mặc dù vẫn có ảnh hưởng chính trị đương nhiên không thể tránh được.
Trong tình trạng chiến tranh ngày nay, các vấn đề tổ chức quần
chúng lại còn trở nên quan trọng hơn nữa. Bên nào tổ chức được quần chúng, bên
đó sẽ thực hiện được chương trình phát triển của mình và sẽ nắm thắng lợi.
Trích:
CHÍNH ĐỀ
Tác giả: Ngô Đình Nhu (1910-1963)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét