Số vây cá mập được báo Chile chụp. (Ảnh: El Mostrador.)
Trong thông cáo phát đi ngày 23/1, Đại sứ quán Việt Nam tại
Chile cho biết vây cá mập phơi trên mái nhà Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại
Chile là “được thân nhân của một cán bộ thuộc văn phòng mua tại chợ dân sinh ở
trung tâm thủ đô Santiago de Chile để sử dụng trong gia đình”.
Thông cáo đưa ra một ngày sau khi báo chí tiếng Việt đăng lại
thông tin trên tờ báo Chile, El Mostrador, cùng loạt ảnh cho thấy có nhiều vây
cá mập được phơi trên mái nhà của văn phòng thương mại Đại sứ quán Việt Nam ở
Chile.
Tờ báo nước Chile cho biết phát hiện trên xuất phát từ tố
giác của cư dân về mùi tanh hôi bốc ra từ khu vực Đại sứ quán. Nguồn tin này dẫn
lời cư dân nói số vây cá trên đã được phơi từ ngày 13/1 với số lượng nhỏ, sau
đó tăng dần lên, ước tính ít nhất là 100 vây cá trong vòng 5 ngày.
Trước những chỉ trích của dư luận quốc tế và trong nước,
ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Thương vụ Việt Nam
tại Chile phải giải trình sự việc trước ngày 25/1. Tuy nhiên, thông cáo đưa ra
ngày 23/1 của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đã không thuyết phục được công luận
Việt Nam.
Một cư dân tại Hà Nội, bà Bích Phượng, nói:
“Họ trả lời như thế là họ thiếu tôn trọng bản thân họ. Một
là họ không hiểu biết về pháp luật. Hai là họ trí trá, nói cho qua chuyện. Người
làm công tác ngoại giao thì thứ nhất phải hiểu về phong tục, tập quán của nước
sở tại, thứ hai là luật quốc tế”.
Việc mua bán và tiêu thụ vây cá mập đã bị cấm ở nhiều quốc
gia trên thế giới vì mối đe dọa hủy diệt cân bằng hệ sinh thái biển. Nhưng các
quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam lại xem vi cá mập là một món ăn cao cấp, có
công dụng tốt cho sức khỏe.
Những người săn vây cá mập thường cắt vây, rồi thả cá xuống
biển lại. Cá bị cắt vây thường chết vì mất máu hoặc chết đuối. Chính vì vậy, bà
Bích Phượng cho rằng không có lời bào chữa nào có thể biện minh cho hành động của
người đã gây ra vụ bê bối ở Đại sứ quán Việt Nam tại Chile.
“Ngoài sự man rợ ra, đó là một sự sỉ nhục, nhất là khi anh đại
diện cho một quốc gia mà lại thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu cả lương tâm của
xã hội loài người”, bà Phượng nói.
Từ Sài Gòn, blogger Phạm Lê Vương Các nhận định đây chỉ là một
trong nhiều vụ cho thấy “bản năng thiếu tôn trọng pháp luật” của các giới chức
Việt Nam khi ở nước ngoài.
Ông Các nói: “Một số vụ việc gần đây phản ánh rõ ràng rằng
phía ngoại giao Việt Nam có vấn đề về thiếu tôn trọng pháp luật nước sở tại. Chẳng
hạn, vụ nổi tiếng mới đây là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Hay vụ một số người
Việt ở Nhật phàn nàn về Đại sứ quán có những hoạt động không rõ ràng, minh bạch
trong việc cấp visa”.
Cả blogger Phạm Lê Vương Các lẫn bà Bích Phượng đều cho rằng
vụ bê bối cho thấy phần nào tiêu cực trong “công tác cán bộ”, không chỉ tại Bộ
Ngoại giao mà ở tất cả các cơ quan công quyền của Việt Nam.
“Qua việc quan chức ngoại giao vi phạm pháp luật ở nước sở tại,
chúng ta có thể đánh giá được phẩm chất và năng lực của họ, trong đó tồn tại vấn
đề bổ nhiệm các viên chức ngoại giao”, blogger Phạm Lê Vương Các nói.
Vụ bê bối được dư luận cho là một bằng chứng khẳng định thêm
về lời đồn “đầu tư đi sứ” của các viên chức ngoại giao.
“Chuyện họ đi làm công tác ngoại giao là một thương vụ. Họ bỏ
vốn ra thì bây giờ họ phải tận dụng tất cả mọi thứ để kiếm lời bù lại”, bà Phượng
nói.
Theo tường thuật của báo chí Chile, vụ phơi vây cá mập tại Đại
sứ quán Việt Nam đã gây sốc cho cộng đồng khoa học tại Chile và quốc tế. Quốc
gia Nam Mỹ này đã cấm buôn bán và tiêu thụ vây cá mập từ năm 2011.
Thông tin trên báo chí, phía Việt Nam nói đang “phối hợp” với
Bộ Ngoại giao Chile để xác minh, làm rõ vụ việc và sẽ “xử lý nghiêm nếu có vi
phạm”.
Tuy nhiên, blogger Phạm Lê Vương Các dự báo quy chế “miễn trừ
ngoại giao” sẽ được áp dụng trong trường hợp tìm ra người vi phạm, mặc dù điều
này không thể cải thiện được hình ảnh đã bị bôi nhọ của Việt Nam. Còn bà Bích
Phượng thì nói “Rồi cũng sẽ trí trá cho qua như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà
thôi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét