Đầu năm 2018, Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức vì “không giữ
lời hứa lấy lại được vỉa hè”. Trước đó, từ đầu năm 2017, một cuộc chiến lấy lại
vỉa hè theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của nó đã được châm ngòi tại quận 1,
thành phố Sài Gòn, sau đó lan rộng trên toàn quốc. Và sau một năm dài, đâu lại
vào đó, sự việc có khuynh hướng đi vào bế tắc, Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức
như là một sự giữ thể diện, kéo theo nhiều lời tung hô hoặc dè bĩu cũng như nhiều
bài phân tích xã hội học về cuộc chiến này. Nhưng, dường như chưa có ai chạm
vào được bản chất của nó: Một cuộc chiến giữa nhà giàu và nhà nghèo, giữa quan
chức và dân đen. Một cuộc chiến bị đánh tráo khái niệm.
Vì sao nói đây là một cuộc chiến giữa nhà giàu và nhà nghèo,
giữa quan chức và dân đen trong khi làm sạch vỉa hè là một câu chuyện bắt buộc
phải có của các quốc gia tiến bộ và vỉa hè là một gương mặt khác của nền văn
hóa quốc gia đó?
Vì lẽ, bản chất của cuộc chiến giành vỉa hè tại Việt Nam
không có mọi yếu tố và không đặt ra được những tiêu chí của một hệ thống hành
chính ổn định, tiến bộ dành cho an sinh xã hội. Thậm chí nó mang những dấu hiệu
của hồng vệ binh, độc đoán (thậm chí độc ác), chuyên quyền và lợi ích nhóm.
Ở khía cạnh chính sách an sinh xã hội, câu chuyện lấy lại vỉa
hè tại Việt Nam không những không có một chính sách hợp lý cho người nghèo buôn
thúng bán mẹt, không có điều tra xã hội học, không có đề án, chiến lược được
nghiên cứu kĩ lưỡng dành cho những người bám vỉa hè tồn tại mà chỉ đập và đập,
dẹp và dẹp. Điều này không những gây ra sự bất mãn trong nhân dân mà còn lấy đi
toàn bộ sinh kế của người nghèo. Và không riêng gì Đoàn Ngọc Hải mắc phải sai lầm
này mà cả nước, hầu như nơi nào cũng đụng chạm đến đời sống của nhân dân khi đụng
đến vỉa hè.
Không cần nói đâu xa, nhìn lại những “cuộc chiến” ổn định vỉa
hè của các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… Họ đã rất
thành công và kinh nghiệm ổn định xã hội, ổn định vỉa hè, hỗ trợ cho kinh tế vỉa
hè của họ hoàn toàn không bí mật, nó là một kho tàng mở, chỉ cần nghiên cứu, học
hỏi không thôi cũng đã có thể áp dụng. Nhưng ở đây, dường như nhà cầm quyền
quên mất phần ổn định dân sinh, họ chỉ nghĩ đến việc phải lấy lại cho được vỉa
hè vì một động cơ khác, khi đời sống Việt Nam đã chính thức phân cực: Giàu –
Nghèo; Quan chức – Thường Dân.
Thử quan sát hầu hết các vỉa hè từ Hà Nội vào Quảng Bình, Huế,
Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ… Dường như nơi đâu cũng đang diễn ra một
cuộc chiến giành vỉa hè giữa giới nhà giàu, quan chức và những người dân đầu tắt
mặt tối, lây lất kiếm sống vỉa hè. Có một qui luật, thêm một chiếc xe hơi, thêm
một hội chơi chim, thêm một hội cây cảnh, thêm một quán hạng sang, thêm một cái
cổng nhà giàu, nhà quan mở ra trong thành phố… Thì chắc chắn thêm nhiều quang
gánh, xe bán hàng rong, nhiều chiếc xe ba gác, nhiều quán cà phê, quán xôi,
quán bún, quán phở… vỉa hè phải bị dẹp.
Đây là một cuộc chiến chứ không phải là một sách lược ổn định
xã hội. Bởi một sách lược ổn định xã hội, ngay từ đầu, nhà quản lý bắt buộc phải
có một chính sách dành cho đời sống những người bám vỉa hè để tồn tại. Khi có đầu
ra cho họ, nghĩa là có mặt bằng để họ tiếp tục buôn bán mà không bị mất đi khoản
lợi tức thường nhật, khoản lợi tức này không bị bóp nhỏ lại vì thiếu người mua
như trước, vì khu vực mua bán mới không hợp lý… Thì sau đó nhà quản lý mới nghĩ
đến chuyện lấy lại vỉa hè và ổn định mỹ quan đường phố.
Ở đây, nhìn lại 365 ngày dẹp vỉa hè tại Việt Nam, cái mà người
ta cảm nhận được là những đống ngổn ngang bị đập vỡ, người bán hàng rong chạy
tan tác, vỉa hè càng trở thêm nham nhở vì những đống gạch vụn, việc di chuyển
trên vỉa hè lại càng khó khăn, nguy hiểm hơn, đời sống người nghèo bám vỉa hè
càng trở nên khốn đốn… Dường như xã hội ngày càng trở nên thê thảm hơn khi cái
vỉa hè trở thành mối đe dọa với bất kì ai sống dựa vào vỉa hè!
Những người buôn thúng bán mẹt ở Sài Gòn, Hà Nội, tuy khác
giọng nói, khác phong tục, tập quán, nhưng họ đều có chung nhận định mà tôi cho
rằng họ đã suy nghĩ, đau đớn cho thân phận thấp cổ bé miệng của mình lắm khi
nói ra điều này “Chúng tôi sống dựa vào vỉa hè đã nhiều năm, nhiều đời nữa kia.
Con cái học hành, người già mua viên thuốc đều dựa vào chúng tôi. Giờ nhà nước
dẹp chúng tôi không thương tiếc, chúng tôi phải bán lén lút, nếu nhỡ công an gặp
thì thu hàng hóa, phạt trên trăm ngàn, coi như chúng tôi mất trắng một tuần chợ,
có người bị tịch thu xe bán hàng thì mất trắng… Sao không phạt những ông quan,
ông nhà giàu để lồng chim, chậu cảnh ra vỉa hè tắm nắng mà phạt chúng tôi?”.
Mọi chuyện có thể nói dối, có thể nhân danh, nhưng sự thật
phơi bày thì khó mà qua mắt nhân dân, khu nhà hàng được ưu ái ở quận 1, Sài
Gòn, vi phạm vỉa hè nhưng không ai dám đụng tới là của bố vợ Đoàn Ngọc Hải, điều
này cũng do nhân dân phát hiện; Những cái lồng chim, chậu cảnh của nhà giàu,
nhà quan chức mang ra để đầy vỉa hè Hà Nội sau khi nhà quản lý dẹp tất cả những
gánh hàng rong, điều này cũng do nhân dân phát hiện.
Và một khi mọi sách lược hay quyết sách, quyết định không
mang tính nhân dân, không vì nhân dân, thậm chí vì thỏa mãn những nhu cầu của
nhóm lợi ích thì sẽ không bao giờ đạt được sự đồng thuận của nhân dân. Đoàn Ngọc
Hải nộp đơn từ chức, nhìn từ bề mặt, có thể ai đó nghĩ rằng đó là hành động có
khẩu khí, còn giữ chút liêm sĩ trong bối cảnh quan chức hư hỏng từ trên xuống
dưới, không còn tính liêm sĩ và từ tế… Nhưng thực chất, nó thể hiện sự “được ăn
cả ngã về không” của Đoàn Ngọc Hải cũng như nhiều quan chức khác tại Việt Nam
hiện nay. Nếu ông ta không nộp đơn từ chức thì trước sau gì cũng bị nhân dân
coi không ra gì, đồng giới, đồng liêu hất cẳng vì thế lực không còn.
Nên nhớ, Hải chỉ quậy mạnh khi Thăng còn làm bí thư thành ủy
Sài Gòn, Và Hải nộp đơn sau khi Thăng bị bắt. Xâu chuỗi những cái mốc này lại
cũng dễ dàng nhận ra thứ gì nằm đằng sau gương mặt lúc nào cũng sưng sỉa và giọng
điệu đầy hách dịch khi Đoàn Ngọc Hải “vi hành”. Và điều này cũng cho thấy rằng
cuộc chiến vỉa hè của nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ mãi mãi thất bại cho dù họ
có dọn sạch vỉa hè không còn một cọng cỏ. Bởi từ sâu thẳm của cuộc chiến này
không mang động cơ ổn định xã hội, đảm bảo dân sinh mà nó chỉ phục vụ lợi ích
nhóm.
Sau một năm, nhìn lại cuộc chiến vỉa hè, một cuộc chiến rầm
rộ từ Bắc chí Nam, điều mà người ta dễ nhận thấy nhất là những người buôn thúng
bán mẹt bị xô dạt, đời sống vốn nghèo khổ càng thêm khốn khó, sinh kế bị chiếm
mất. Thay vào đó là những cái lồng chim, những chậu cảnh, những con chó kiểng
nhà quan có thêm chỗ để đi dạo, để rong chơi… Bên cạnh đó là những đống xà bần
tức tưởi của nhiều gia đình, nhiều công trình vẫn còn vương vất.
Tôi muốn nhấn mạnh, dẹp vỉa hè là cần thiết. Nhưng nó phải
có mục đích chính đáng là phục vụ dân sinh và đảm bảo an sinh xã hội. Nếu chỉ dẹp
cho thoáng vỉa hè mà người nghèo bị xô dạt, nhà quan thì không dám dẹp và vỉa
hè rộng thoáng chỉ để nhà quan, nhà giàu đi dạo, để xe, để cây cảnh, chim cảnh…
Thì tốt nhất là nên dẹp ngay cái ý tưởng “dẹp vỉa hè” bệnh hoạn ấy đi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét