Trong thời gian gần
một năm trở lại đây, vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành đề tài được
cả nước quan tâm. Một loạt lãnh đạo các ngân hàng bị bắt và đưa ra xét xử. Các
quan chức cũng nhiều người bị bắt và bị kết án. Đỉnh điểm của cuộc chiến chống
tham nhũng ở Việt Nam là việc bắt giam và xét xử ông Đinh La Thăng, người từng
có chức vụ cao nhất là ủy viên bộ chính trị. Điều này mới nhìn qua thì có thể
nghĩ việc chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam là quyết liệt, mạnh mẽ và
không có vùng cấm nào. Tất nhiên, dàn đồng ca của báo chí chính thống không bỏ
lỡ cơ hội tung hô sự thành công của công cuộc chống tham nhũng, sự nghiêm minh
của pháp luật và chế độ. Đối với một luồng ý kiến khác, cuộc chiến chống tham
nhũng đang diễn ra đơn thuần chỉ là sự thanh trừng phe phái của những người có
quyền lực nhất trong chế độ. Trong phạm vi nào đó, luồng ý kiến này có thể hợp
lý, nhưng xét bối cảnh chung, vấn đề không hoàn toàn như vậy.
I/ Thực trạng và
nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam
Có thể khái quát,
ở Việt Nam, tham nhũng là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều
kiện tham nhũng do mức lương khốn khổ cộng với tình trạng mua quan, bán tước nở
rộ hiện nay. Như vậy, bất cứ ở đâu, bất cứ ngành nghề nào, cấp nào, lĩnh vực
nào và hoàn cảnh nào cũng đều có tham nhũng. Khi đã nói tham nhũng là phương thức
tự tồn tại có nghĩa là nếu ai ở vị trí có điều kiện mà không tham nhũng, thì
người đó tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, hay ra khỏi công việc, vị trí đang đảm
nhiệm. Vấn đề này, bất cứ ai có lương tâm, và một chút hiểu biết đều phải công
nhận như vậy.
Về mức độ của
tham nhũng, tức là tỷ lệ phần trăm số tiền bị tham nhũng, thất thoát trong các
dự án, tùy ngành nghề và lĩnh vực, nhưng tỷ lệ thông thường là từ 70-75% giá trị
dự án. Số tiền thực chi trong các dự án chỉ là 25-30%. Tính chất nghiêm trọng của
tham nhũng còn thể hiện ở những lĩnh vực nhân đạo của con người, đó là ngành y,
nghề thầy thuốc. Chúng ta hình dung người bệnh nhân cần đút lót cho y, bác sĩ để
họ tiêm không bị đau thì không còn một từ ngữ nào để diễn tả thảm trạng tham
nhũng của đất nước. Guồng quay tham nhũng diễn ra mọi nơi, mọi lúc trong toàn
xã hội.
Nguyên nhân của
tham nhũng ở Việt Nam. Tham nhũng ở Việt Nam hầu như ai cũng hiểu, đó chính là
do cơ chế, thể chế chính trị độc tài toàn trị cộng sản gây ra, và đó chính là bản
chất của chế độ. Tuy nhiên, chúng ta cần phân tích đầy đủ để hiểu được thể chế
chính trị đã gây ra tình trạng tham nhũng như thế nào, từ đó mới có thể nhận định
được kết quả của công cuộc chống tham nhũng hiện nay.
- Động cơ tham
nhũng: Khác với các quốc gia dân chủ, nơi động cơ của chủ thể tham nhũng thường
là lòng tham bất chợt nổi lên,hay một tình huống đột xuất về tài chính dẫn dắt
tới hành vi tham nhũng. Ở Việt Nam, động cơ tham nhũng tiềm ẩn ở tất cả các cán
bộ, công nhân viên chức, quan chức trong toàn hệ thống. Có hai lý do cho việc
này. Thứ nhất, mức lương, thu nhập của cán bộ, công nhân viên chức, quan chức
không đủ sống theo nhu cầu bình thường của họ. Do cấu trúc của chế độ độc tài
toàn trị cộng sản, có hai hệ thống đảng và nhà nước song hành cùng với các hội,
đoàn nhằm kiểm soát dân chúng mà số lượng người hưởng lương, phụ cấp của ngân
sách là con số khổng lồ, ít nhất 15-20 triệu người. Với số lượng lớn như vậy,
lương và thu nhập của các thành viên trong hệ thống không đủ sống là điều đương
nhiên. Thứ hai, việc mua suất biên chế, mua quan, bán tước là phổ biến và được
coi như một khoản đầu tư. Do đó, khi có vị trí, tất cả đều phải tìm cách tham
nhũng để thu hồi số tiền đã bỏ ra cho việc chạy biên chế, chạy chức, chạy quyền.
Đây vừa là động cơ tham nhũng vừa là hậu quả của một loại hình tham nhũng, đó
là tham nhũng quyền lực.
Như vậy, đối với
tất cả các thành viên trong hệ thống của bộ máy đảng và nhà nước, động cơ tham
nhũng là tiềm ẩn, sẵn sàng khi có bất cứ cơ hội nào để duy trì cuộc sống và
trang trải những khoản đầu tư cho vị thế, công việc của mình cũng như có một cuộc
sống sung sướng, hưởng thụ…
(còn nữa)
Hà Nội, ngày 24/01/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét