Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

2365 - Gs Đoàn Viết Hoạt: trong tù vẫn không ngừng giảng dạy tự do và tình yêu



Nêu gương là cái dễ lây nhiễm nhất, không có điều thiện hay điều ác lớn nào do chúng ta làm mà không tạo ra bản sao của nó - Francois de la Rochefoucauld (1613-1680).

Những người anh hùng chiến đấu vì tự do không phải là hiện tượng đặc thù của bất cứ khu vực hay bất cứ giai đoạn cụ thể nào hoặc giới nào. Họ là người của tất cả các dân tộc, chủng tộc, niềm tin và tín ngưỡng. Họ truyền cảm hứng về sự nghiệp cao cả và phổ quát cho những người khác – đấy là mọi người đều phải được tự do sống cuộc đời của mình trong hòa bình, miễn là họ không xâm phạm quyền tự do tương tự như thế của những người khác. Họ thiết tha không chỉ với quyền tự do của mình mà còn thiết tha với quyền tự do của cả những người khác.

Ông Đoàn Viết Hoạt là một nhà hoạt động để dân chủ hóa Việt Nam, ông còn là một nhà báo quan tâm theo dõi tình hình trong nước.
Trong cuốn sách mới đây của tôi, Những người anh hùng thực sự: Những câu chuyện về lòng can đảm, nhân cách và niềm tin (Real Heroes: Inspiring True Stories of Courage, Character and Conviction), tôi viết về 40 người, với những quan điểm, quyết định và hành động vì sự nghiệp này bằng nhiều cách khác nhau. Cuốn sách này gieo mầm cho loạt bài viết vào thứ 5 hàng tuần trên FEE.org. Nhưng lần này, những người khác từ khắp thế giới sẽ viết, còn tôi vui lòng biên tập, trong khi can thiệp ở mức tối thiểu nhằm giữ được giọng điệu riêng của tác giả. Tôi hy vọng rằng sau vài tháng nữa, khi mọi thứ đã xong, tài liệu về tự do sẽ được bổ sung bằng bộ sưu tập tiểu sử ngắn này. Các tác giả sẽ viết về những người anh hùng, chiến đấu vì tự do của chính nước mình.

Chủ đề của bài viết thứ bảy trong loạt bài này là nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, Tiến sĩ Đòan Việt Hoat, tròn 75 tuổi vào đêm Giáng sinh vừa qua. Tác giả, Phan Anh Hồng, là một trong số rất nhiều “thuyền nhân”, trốn khỏi Việt Nam khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975. Ông sống ở Dallas, Texas và là chuyên gia về thuế thu nhập doanh nghiệp và blogger tại nganlau.com. Đây là cuộc phỏng vấn kéo dài 10 phút do tôi thực hiện về Tiến sĩ Đoàn Viết Hoat trên chương trình phát thanh Bob Harden ở Naples, Florida ..

Lawrence W. Reed, chủ tịch quĩ vì Economic Education
________________

Người mà tôi may mắn được nói với ông trong loạt bài “Những người anh hùng” này hiện đã 75 tuổi và vẫn mạnh khỏe, chính tôi biết ông ấy. Xin cho tôi nói vài lời về ông và những việc ông đã làm. Sau đó, tôi sẽ nói với ông lý do vì sao tôi vô cùng ngưỡng mộ và tôn trọng ông ấy.

Làm việc vì một nước Việt Nam tự do hơn

Tiến sĩ Đoàn Việt Hoạt sinh vào đêm Noel năm 1942, gần Hà Nội, ở khu vực Đông Dương thuộc Pháp, hiện nay là Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại Mỹ (Florida State University, năm 1971), ông trở về miền Nam Việt Nam, làm giáo sư và sau đó là phó chủ tịch của trường đại học Phật giáo tư thục đầu tiên ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh).

Đúng bốn năm sau, những người cộng sản từ miền Bắc đã chinh phục được đất nước này, họ sung công trường đại học và bắt Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt cùng với nhiều trí thức có quan hệ với Mỹ. Mặc dù không vì lý do nào khác ngoài những mối quan hệ như thế, ông bị đưa vào “trại lao động cải tạo” mà không qua xét xử trong mười hai năm liền. Ông phải ở chung buồng giam với 40 người khác.

Cuối cùng, khi được thả, ông có thể bỏ trốn để đoàn tụ với người thân và bạn bè ở Mỹ, nhưng ông đã quyết định ở lại và làm việc để thay đổi. Ông bắt đầu ra bản tin bất hợp pháp, với tên gọi “Diễn đàn Tự do” và tuyên bố như sau trong số báo đầu tiên:

“Cuộc chiến mới đã bắt đầu ... Đó là cuộc chiến chống lại đói nghèo, lạc hậu và độc đoán. Đó là khát vọng hướng tới một đất nước Việt Nam giàu có, mạnh mẽ, tiến bộ, tự do và dân chủ. Và trong cuộc chiến mới này, chỉ có một người chiến thắng, đấy là dân tộc và nhân dân Việt Nam; và chỉ có một người thất bại, đó là lực lượng giáo điều, độc đoán và lạc hậu”.

Ông Đoàn Viết Hoạt và cuốn sách của mình là ”Hành Trình Dân Tộc”.
Một năm sau, cảnh sát đột nhập vào nhà và bắt ông. Ông bị buộc tội âm mưu lật đổ chế độ cộng sản và bị kết án 15 năm tù. Trong khi bị giam, ông viết những bài tiểu luận ủng hộ tự do và tìm cách đưa ra ngoài, vì vậy mà ông bị trừng phạt ngày càng khắc nghiệt hơn, phải làm công việc nặng nhọc và sức khoẻ suy yếu vì điều kiện khó khăn và không được chữa bệnh.

Do áp lực của các chính phủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế, năm 1998, Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt được tha và bị trục xuất khỏi Việt Nam. Ông được chính phủ Mỹ trao quyền công dân và trong 20 năm qua, ông tiếp tục đấu tranh vì nhân quyền và đã được rất nhiều giải thưởng vì lòng dung cảm, ông được Viện Báo chí Quốc tế vinh danh là một trong số “50 anh hùng của Tự do Báo chí Thế giới” trong thế kỷ XX. Sau hai năm làm ở Catholic University of America, ông nghỉ hưu và hiện sống ở Washington, D.C.

Bản chất của những người anh hùng

Khi Lawrence Reed của FEE.org, biên tập viên của loạt bài này, đề nghị tôi viết về Tiến sĩ Đoàn Việt Hoà, tôi nghĩ ngay rằng ông là tấm gương, là người truyền cảm hứng chứ không phải là người anh hùng. Tôi khẳng định đã học được rất nhiều từ Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt mỗi khi ngồi nói chuyện với ông về cuộc đời, về con người, về chính trị và xã hội Mỹ cũng như xã hội Việt Nam. Nhưng có lẽ vì nền văn hoá và lịch sử của quê hương tôi, tôi thú nhận là có một chút dị ứng với từ “anh hung”.

Người dân Việt Nam đã nghe quá nhiều chuyện về anh hùng rồi. Một số người đúng là anh hùng, nhưng nhiều người đơn giản chỉ là do chính quyền hoặc một nhóm người ủng hộ dựng lên mà thôi. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng để trở thành anh hùng thì phải có nhiều nỗ lực và trách nhiệm trong việc cứu nước khỏi thế lực ngoại bang muốn xóa sổ nền văn hoá, nền kinh tế, lịch sử hoặc chủng tộc của đất nước mình. Tiêu chuẩn này anh hùng như vậy là quá cao, đấy là lý do vì sao nhiều người trong xã hội của chúng tôi đã cứu người bằng nhiều cách khác nhau, nhưng không coi những hành động đó phải được phong là “anh hung”. Nhưng, chắc chắn, đây là quan điểm mà những người tốt có thể không đồng ý, họ có lý của mình.

Tôi biết một cách chắc chắn: Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt là người ủng hộ tự do và dân chủ cho Việt Nam, được nhiều người biết và được đánh giá cao. Tôi lấy làm vinh dự khi coi ông là tấm gương cho mình.

Người nêu gương trong xã hội của chúng tôi xuất thân từ nhiều lĩnh vực, như kinh doanh, giải trí, thể thao, tôn giáo, và chính trị. Theo tôi, hành động của những người tốt nhất trong số họ làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, nhân đạo hơn, yêu thương nhau hơn, quan tâm đến nhau và từ bi hơn – do họ tự lựa chọn, hành động và làm theo thói quen; chứ không bị ép buộc.

Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt là tấm gương xuất thân từ môi trường mà không ai muốn vào. Ông bị cầm tù hai lần, kéo dài suốt một phần tư cuộc đời, không phải vì ông vi phạm luật pháp hay làm hại ai, mà chỉ vì ông nói lên sự thật. Ông bày tỏ quan điểm của mình. Ông ủng hộ tự do và nhân quyền. Không một ai, ngay đấy là kẻ cai trị độc tài, có thể tước đoạt một cách hợp pháp quyền tự do tư tưởng hoặc quyền tự do ngôn luận của một người nào đó.

Tấm gương về lòng trắc ẩn

Đối với Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt, nhà tù đã không ngăn cản được ông đấu tranh cho niềm tin của mình. Trên thực tế, nhà tù chỉ làm cho ông trở thành mạnh mẽ hơn. Nó làm cho quyết tâm tâm dành trọn đời mình cho nhân quyền và tự do - không chỉ cho mình mà cho người khác, cho nhân dân Việt Nam và cho những người bị áp bức ở trên khắp thế giới.

Ngay cả trong trại giam, trong suốt hai thập niên, Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt đã dạy các bạn tù khác để họ hiểu thế nào là tự do, tình yêu, lòng trắc ẩn và trách nhiệm. Mặc cho những việc ông đã trải qua, ông đã không và không tỏ ra thù hận dưới bất kỳ hình thức nào. Quan điểm của ông về xã hội là mọi người tôn trọng lẫn nhau. Ngay cả với những cai tù, những người buộc phải làm phiền ông, ông cũng “đưa má bên kia” cho họ (câu trong Kinh thánh: Nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn – ND).

Vào tháng 11 năm 2006, ông Đoàn Viết Hoạt tới thăm Warszawa, nơi ông gặp gỡ những nhà hoạt động dân chủ người Việt tại đây, thăm viếng PEN Club và đàm thoại với những nhân vật đối lập cộng sản của Ba Lan trước kia. Đoàn Viết Hoạt đã nói lời khuyến khích những nỗ lực của các nhà bảo vệ nhân quyền Ba Lan cho việc công nhận quyền tị nạn của sáu nhà hoạt động của Việt Nam mà Ba Lan lúc đó đang từ chối cư trú.
Thái độ hòa nhã và ước muốn giúp đỡ người khác là bản tính tự nhiên của ông. Nhiều người từng biết khi ông tham gia các hoạt động cứu trợ của sinh viên nhằm giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt ở Việt Nam vào năm 1965. Tù đầy chỉ làm ông chú ý hơn tới giá trị quan trọng của tự do, coi đấy là cách tốt nhất để giúp đỡ người dân. Theo quan điểm Phật giáo, đây chính là nghiệp của ông.

Chính quyền cộng sản Việt Nam cho rằng trục xuất Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt sẽ chặn đứng được ảnh hưởng của ông. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng nghĩ rằng khi Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt bị trục xuất thì ông sẽ không còn là người chiến sĩ đấu tranh cho tự do hiệu quả nữa; một số người cho rằng ông có thể sẽ nghỉ hưu một cách lặng lẽ. Tất cả đều sai. Với sự giúp đỡ của vợ và con, ông tiếp tục chiến đấu cho niềm tin của mình. Ông làm việc tích cực nhằm giúp những người khác tiếp tục chiến đấu vì tự do và nhân quyền ở Việt Nam.

Những biện pháp mà chính quyền Việt Nam áp dụng với Tiến sĩ Đoàn Việt Hoạt đã không cản trở được ông trong việc thừa nhận những cải thiện trong những năm gần đây, cũng như không làm ông từ bỏ hy vọng là có thể đạt được nhiều hơn nữa. Trong bài phát biểu năm 2005 tại Đại học Johns Hopkins, ông đã trình bày quan điểm rõ ràng:

“Đúng là Việt Nam đã có một số tiến bộ ... Cần phải nhấn mạnh sự kiện đơn giản nữa: Việt Nam hiện nay tốt hơn vì được tự do hơn. Tự do là cực kì cần thiết cho tiến bộ và phát triển. Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn, một cách cân bằng và bền vững hơn, nếu người dân có quyền tự do trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chứ không chỉ trong hoạt động kinh tế và nếu chính phủ có trách nhiệm giải trình hơn nữa trước nhân dân”.

Nhiều người Việt Nam chẳng còn mấy hy vọng về tương lai của mình, nhưng Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt đang làm việc không mệt mỏi để thay đổi điều đó, cùng với cuộc đấu tranh vì tự do của ông. Ông đã làm việc để cho quê hương mình trở thành vùng đất dễ sống hơn và tự do hơn trong suốt nửa thế kỉ qua. Đây là lý do vì sao đối với tôi, ông là tấm gương và là một tấm gương rất đặc biệt.
Tác giả:

Phan Anh Hồng sống ở Dallas, Texas, và là chuyên gia về thuế thu nhập của nhà nước và blogger tiếng Việt tại nganlau.com.

Lawrence W. Reed là chủ tịch của Tổ chức Giáo dục Kinh tế và là tác giả của Những người anh hùng thực sự: Những câu chuyện về lòng can đảm, nhân cách và niềm tin (Real Heroes: Inspiring True Stories of Courage, Character and Conviction), và tác phẩm Thưa Giáo sư: xin tha lỗi cho tôi: Thách thức những huyền thoại của thuyết tiến bộ (Excuse Me, Professor: Challenging the Myths of Progressivism).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét