Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

2308 - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam để siết chặt bang giao


Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trong cuộc hội kiến tại Jakarta, ngày 22/1/2018.


Nửa thế kỷ sau cuộc tấn công Tết Mậu thân đánh tan hy vọng chiến thắng của Mỹ tại Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đến thăm cựu thù mưu tìm một thắng lợi khác: mối quan hệ đối tác tiến triển từng bước tại một phần đất của thế giới mà Ngũ Giác Đài xem là cốt yếu trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga.

Ông Mattis, một vị tướng hồi hưu từng gia nhập thủy quân lục chiến trong thời chiến tranh Việt Nam nhưng không tham chiến tại Việt Nam, hôm 21/1 lên đường sang Châu Á với chặng dừng chân đầu tiên kéo dài hai ngày tại Indonesia trước khi thăm Hà Nội trong hai ngày 24 và 25/1 để họp với các giới chức cao cấp trong chính phủ và quân đội Việt Nam.

Một sự trùng hợp là ông Mattis có mặt tại Việt Nam chỉ vài hôm trước kỷ niệm 50 năm ngày cộng sản mở cuộc tấn công Tết Mậu Thân, 30 và 31/1 năm 1968 khi Bắc Việt tấn công vào một loạt các mục tiêu chính yếu tại miền Nam trong số đó có thành phố Huế, cố đô và là một biểu tượng văn hóa nằm trên bờ Sông Hương. Lúc bấy giờ, ông Mattis là một học sinh trung học năm cuối của Trường Columbia ở Richland, Washington. Năm sau đó, ông gia nhập Lực lượng Trừ bị Thủy quân Lục chiến.

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân là một đòn bẩy quan trọng cho quân Bắc Việt dù chung cuộc đó là một thất bại quân sự. Trận này đã làm sụp đổ lòng tin của các nhà lãnh đạo Mỹ là họ sẽ sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Hoa Kỳ. Trong một bài diễn văn đọc tại Washington vào tháng 11 năm 1967, tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam lúc bấy giờ, Đại tướng William Westmoreland có lời tuyên bố nổi tiếng rằng cuộc chiến sắp bước vào giai đoạn kết thúc.

Chiến tranh kéo dài thêm 7 năm sau khơi dậy những cuộc biểu tình phản chiến trên đường phố Mỹ và làm rung chuyển chính trị Hoa Kỳ, trước khi quân cộng sản Bắc Việt chiến thắng và những người Mỹ cuối cùng phải di tản vào năm 1975.

Hai nước cựu thù dần dần bỏ qua những khác biệt thời chiến, một phần vì cùng chia sẻ những quan ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và lập trường hung hăng của nước này tại Biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Trump xem Việt Nam như một đối tác để chống lại việc đòi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa mà Đài Loan, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei cùng đòi chủ quyền.

Mãi tới năm 1995 hai nước Việt-Mỹ mới bình thường hóa quan hệ. Hai mươi năm sau, Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam.

Việt Nam sẵn lòng với mối quan hệ đối tác mới với Mỹ trong lúc họ tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ an ninh, ngoại giao trong khu vực trước sự bành trướng của Trung Quốc. Việt Nam từng có cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979 và những ‘cay đắng’ trong mối quan hệ với người láng giềng phương Bắc ngày càng sâu sắc hơn.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đối với Ngũ Giác Đài chưa hẳn là một tàn tích lịch sử khi mà cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng chuyên trách tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh vẫn còn chỉ đạo những nỗ lực tìm kiếm, nhận dạng hài cốt lính Mỹ tử trận tại Việt Nam. Nhiều chục năm tìm kiếm vẫn chưa tìm ra đủ số hơn 1200 người mất tích tại Việt Nam cùng với 350 người mất tích ở Lào, Campuchia, và Trung Quốc.

Đối với những người Mỹ thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam, Huế và cuộc tấn công Tết Mậu Thân vẫn còn là một biểu tượng khó phai mờ về cuộc chiến.

Ông Mattis là người gần đây nhất trong một loạt các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam nhằm mở rộng quan hệ an ninh và đề cập tới sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Trước ông Mattis, cựu Bộ trưởng Ash Carter công du Việt Nam vào tháng 6 năm 2015, đánh dấu hai thập niên quan hệ Việt-Mỹ. Dịp đó, ông Carter cũng loan báo rằng Ngũ Giác Đài sẽ phái một chuyên gia gìn giữ hòa bình tới đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội để giúp Việt Nam chuẩn bị cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

Trước đó 3 năm, cựu Bộ trưởng Leon Panetta cùng đối tác phía Việt Nam đã trao đổi các kỷ vật cá nhân của những người lính ngã xuống trong cuộc chiến.

Đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mattis trước đây chưa từng đến Việt Nam.

Phát biểu với phóng viên tháp tùng trong chuyến công du lần này, ông Mattis nhấn mạnh một trong những vấn đề lớn được nêu lên tại chặng dừng Việt Nam sẽ là quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, sự tôn trọng luật lệ quốc tế và chủ quyền của các nước.

“Chúng ta cùng chia sẻ Thái Bình Dương. Đó là một đại dương có tên gọi hòa bình. Chúng tôi muốn khu vực này vẫn yên bình để tất cả các nước sinh sống ở đó, sử dụng đại dương này, được thịnh vượng,” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét