Sự kiện một bài thơ được soạn thành ca khúc, không phải chỉ có riêng ở Việt Nam. Nhưng tính phổ quát trong lãnh vực này, có dễ Việt Nam là quốc gia đứng đầu. Dường như không một nhạc sĩ nào, dù có tên tuổi hay không, mà chưa từng ít nhất, một lần, tìm đến thi ca, để thi thố tài năng của mình. Sự kiện này cũng tương tự như những người làm thơ, sớm, muộn gì, trở về với lục bát, thể thơ truyền thống của thi ca Việt. Mặc dù, có những tác giả nổi tiếng, cuối đời quay về với lục bát, đã cho thấy sự thất bại đáng tiếc cho tác giả đó,…
Nói cách khác, rõ hơn: “Thi” hay thơ là để (hoặc có thể) “Ca” tức ngân nga hay hát lên. Vì thế, ngay tự những ngày đầu, thuở bình minh của nền tân nhạc Việt Nam, cách đây hơn nửa thế kỷ, thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam, cũng đã tìm đến với thơ. Như tìm đến người tình lý tưởng nhất của văn học và nghệ thuật.Về phương diện cấu trúc của ngôn ngữ, nếu chiết tự, tức tách từ ngữ “thi-ca” thành hai phần riêng biệt, người ta cũng sẽ thấy sự tương hợp rất máu huyết, rất thịt, xương giữa hai chữ này.
Tuy nhiên, có thể ít người để ý rằng, âm nhạc không chỉ chắp thêm đôi cánh cho những bài thơ của những tác giả đã thành danh, mà âm nhạc còn làm được công việc kỳ diệu là biến một người làm thơ chưa, hoặc không tên tuổi, một sớm một chiều, trở thành nổi tiếng, như một bất ngờ đầy thích thú của giới thưởng ngoạn.
Một trong những trường hợp, được coi là tiêu biểu, theo đánh giá của nhiều người là trường hợp của nhà thơ Linh Phương, tác giả bài thơ tựa đề “Để Trả Lời Một Câu Hỏi;” khi được cố nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) soạn thành ca khúc với tựa đề mới là “Kỷ Vật Cho Em,” năm 1970.
Trước khi tên tuổi của nhà thơ Linh Phương gắn liền với ca khúc “Kỷ Vật Cho Em,” những người yêu thơ không biết nhiều về ông. Lý do, thơ của ông không được đăng tải rộng rãi trên một vài tạp chí văn chương, phổ cập thời đó, như tạp chí Văn, Văn Học hay Bách Khoa,…
Theo tiết lộ của thi sĩ Trần Dạ Từ, hiện cư ngụ tại miền Nam California, thì ông là người đã chuyển bài thơ “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Linh Phương cho cố nhạc sĩ Phạm Duy, khi ông nhận được bài thơ của tác giả Linh Phương, gửi đăng trên một tờ nhật báo, do họ Trần chủ biên.
Có thể nhiều người không biết, nếu không được tác giả “Tỏ Tình Trong Đêm” cho biết rằng, chính ông chứ không phải một nhân vật nào khác của 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, đã thực hiện một trăm chương trình nhạc chủ đề liên tiếp dành cho Phạm Duy ở đài phát thanh Sài Gòn.
Kể lại sự việc này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh giao tình giữa thi sĩ Trần Dạ Từ và nhạc sĩ Phạm Duy vượt xa mối liên hệ bình thường (1).
Vẫn theo thi sĩ Trần Dạ Từ thì trước khi ca khúc “Kỷ Vật Cho Em” được nữ danh ca Thái Thanh trình diễn đầu tiên ở phòng trà “Đêm Màu Hồng” Sài Gòn, của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, thì ông đã thông báo cho Linh Phương biết và đón nghe “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Linh Phương, dưới tên mới “Kỷ Vật Cho Em” do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lại, sau khi đã soạn thành ca khúc.
Theo giải thích được nhiều người công nhận thì âm nhạc là bộ môn nghệ thuật, đi thẳng vào trái tim người thưởng ngoạn chứ không đi qua bộ óc như bộ môn thi ca. Vì thế, sức tỏa rộng của những bài thơ soạn thành ca khúc, nếu được quần chúng đón nhận thì sức phổ biến của nó, gần như vô giới hạn.
Điều đáng nói, trường hợp của nhà thơ Linh Phương, không phải là người duy nhất, nổi tiếng khắp nơi, với chỉ một bài thơ được soạn thành ca khúc. Ngoài ông, còn có nhiều tác giả, cũng chỉ có một hoặc hai bài thơ ở được với âm nhạc, cũng đã nổi tiếng lập tức, dù trước đó, những tác giả này không được quần chúng biết tới nhiều lắm! Huống hồ trường hợp của nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Phạm Thiên Thư không chỉ có một bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc, thành công vang dội (như ca khúc “Ngày Xưa Hoàng Thị”), mà ông còn có cả chục bài thơ, sau khi được chắp thêm đôi cánh tân nhạc, chúng cũng đã rất sớm, trở thành những trận “cuồng phong” hâm mộ nơi quần chúng…
Như bài “Ngày Xưa Hoàng Thị” với linh hồn là nhân vật Hoàng Thị Ngọ, theo xác nhận của tác giả thì cũng chỉ là một nhân vật xuất hiện thoáng qua trong những ngày còn cắp sách đến trường, được nhà thơ nhớ lại…
Về nhân vật Hoàng Thị này, nhà báo Trọng Thị của tờ Tiền Phong, trong một cuộc phỏng vấn nhà thơ Phạm Thiên Thư, cũng đã ghi lại rằng: Với nhiều người thì “Ngày Xưa Hoàng Thị” từng là một tuyệt tác. Nhưng với chính nhà thơ Phạm Thiên Thư thì: “Đó chỉ là những kỷ niệm dĩ vãng, mối tình thoảng nhẹ vu vơ của thời trai trẻ.”
Vẫn theo ký giả Trọng Thị, qua cuộc phỏng vấn vừa kể, thời gian đó, họ Phạm ở trong một căn nhà nhỏ nằm phía sau chợ Tân Định. Thân phụ ông, xin cho ông đi học tại trường Trung Học Văn Lang, cách nơi ở chừng non một cây số. Ông học hết chương trình tú tài tại trường này. Và, đó là nơi ông để ý tới một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, quê gốc Hải Dương, ở gần nhà ông. Nhưng chỉ để ý thôi, không dám ngỏ lời. Hằng ngày, khi xếp hàng vào lớp, Hoàng Thị Ngọ đứng đầu hàng nữ, nổi bật với, mái tóc dài xõa vai mảnh dẻ, Phạm Thiên Thư chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, ông lẽo đẽo theo sau…
Rõ hơn, họ Phạm tâm sự: “Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết” (2).
Phải chăng chính vì tính mơ hồ của linh hồn bài thơ, đã khiến nhiều người đề quyết đó là người này. Hoặc là người kia, như một thứ huyền thoại.(Du Tử Lê)
————
Chú thích:
1-Thi sĩ Trần Dạ Từ cũng kể rằng năm 1988, do sự can thiệp và bảo trợ của chính phủ Thụy Điển, ông cùng gia đình đã định cư tại quốc gia này, trước khi di chuyển tới miền Nam California vào năm 1992. Một trong những văn nghệ sĩ đầu tiên liên lạc với họ Trần là nhạc sĩ Phạm Duy. Họ Phạm đã rất chân tình (tới cảm động) khi cho tác giả bài thơ “Nụ Hôn Đầu” biết rằng, tất cả tiền để dành được của ông, sau nhiều năm lao động là $50,000, ông muốn đưa hết cho Trần Dạ Từ, để thi sĩ của chúng ta, muốn dùng vào việc gì thì dùng… Dù không hề dùng tới, nhưng họ Trần vẫn ghi nhớ sự việc xảy ra, như một bằng chứng cụ thể, đẹp đẽ trong mối tương quan giữa hai người.
2-Nguồn: Ký giả Trọng Thị, báo Tiền Phong (Wikipedia-mở).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét