Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Sau Cách mạng Bolshevik tháng 11/1917, nhà nước Liên Xô đã trở thành một ngọn hải đăng đầy hy vọng cho cánh tả, và Moskva biến thành thánh địa hành hương. Đó là bốn thập niên trước khi phép thuật biến mất, và thế giới vẫn đang chờ đợi điều sẽ thay thế nó.
Thật dễ dàng để xác định nguyên do hấp dẫn ban đầu. Năm 1917, hàng loạt người lính đã chết như ngả rạ trên những chiến trường đẫm máu ở Pháp và Bỉ. Nhiều người trong số họ là công nhân đang làm việc đã phải chấp nhận hy sinh cho những đất nước nơi họ không có quyền bỏ phiếu. Những người này ra đi để lại gia đình trong cảnh khốn cùng, trong khi những kẻ giàu vẫn tiếp tục giàu hơn.
Vì thế thông điệp của Vladimir Lenin đã tìm được những khán giả sẵn lòng nghe theo. Đảng Cộng sản hình thành nhanh chóng ở các quốc gia đã tham gia Thế chiến. Một người thợ rèn nồi hơi tên là Harry Pollitt, sau này trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Anh, đã tóm tắt lý do: “Những người lao động như tôi và tất cả những người xung quanh tôi đã giành được quyền lực, đã đánh bại tầng lớp ông chủ.”
Những người như Pollitt càng thích nhà nước Liên Xô nhiều hơn khi những người giàu có và quyền lực tấn công nó không tiếc lời: “Về phía Đông, nằm phủ phục, với một thất bại nặng nề, là nước Nga khổng lồ – không phải là một nước Nga bị thương, mà là một nước Nga đang viêm nhiễm, một nước Nga có khả năng lây lan bệnh tật”- đó là lời tuyên bố của Winston Churchill, người coi những ý tưởng cách mạng là “các học thuyết chính trị phá huỷ sức khoẻ và thậm chí cả linh hồn của các quốc gia.”
Liên Xô có rất nhiều những người bạn quốc tế và họ đủ tích cực để Lenin có thể gieo rắc hy vọng cho các quốc gia dựa trên mô hình Liên Xô trên khắp thế giới. Vì vậy, ông đã sáng lập nên Quốc tế Cộng sản, hay Comintern, đồng thời quan tâm đến việc hình thành và phát triển các đảng xã hội cách mạng ở khắp mọi nơi, bao gồm cả Đảng Cộng sản Mỹ, được thành lập vào khoảng năm 1919, cũng như các Đảng Cộng sản Anh và Pháp thành lập vào năm sau, và nhiều đảng khác.
Moskva trở thành một thánh địa cho những người Cộng sản ở nước ngoài: một nơi ẩn náu khi hiểm nguy xuất hiện, nơi để kiếm tìm nguồn cảm hứng, hỗ trợ và tài chính. Năm 1926, Trường Quốc tế Lenin được thành lập tại Moskva để đào tạo những người cộng sản nước ngoài. Theo một nghiên cứu, 370 người Đức và 320 người Czech đã học ở đó trong 12 năm ngôi trường tồn tại, cũng như hơn 200 người từ mỗi nước Pháp, Ba Lan, Ý, Mỹ và Trung Quốc, và hơn 100 người từ mỗi nước Áo, Anh, Tây Ban Nha và Phần Lan.
Các sinh viên của trường Lenin và các nhà lãnh đạo cộng sản nước ngoài đến thăm Liên Xô ở trong Khách sạn Lux, một toà nhà tuy đơn giản nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi ở trung tâm thành phố. Ở đó, họ đã ăn, ngủ và ngấu nghiến “men say” đam mê cách mạng – đúng theo nghĩa đen, dưới dạng vodka Nga và rượu mạnh từ Gruzia.
Các thành viên của Comintern đã được gửi đi khắp thế giới, nhưng họ đã không tồn tại được lâu. Một khi các hoạt động của họ bị cảnh sát phát hiện, họ sẽ bị trục xuất trở lại Nga hoặc tống vào tù. Tại Anh, đặc vụ đáng kể duy nhất đã qua mặt được cảnh sát trong một khoảng thời gian dài là Max Petrovsky, phái viên của Moskva tại đảng Cộng sản Anh và Pháp từ năm 1924 đến năm 1929.
Ông ra đời ở Ukraine hoặc Nga với tên gọi David Lipetz hoặc Max Goldfarb, khoảng năm 1883. Rất hiếm những chi tiết đáng tin cậy vì ông sống cuộc đời trưởng thành của mình dưới một loạt tên giả: thứ nhất, để trốn tránh cảnh sát Sa hoàng khi còn là một thành viên của Hiệp hội các nhà Xã hội Chủ nghĩa Do Thái (Jewish Socialist Bund), sau đó là để lẩn tránh giới chức Mỹ trong khoảng thời gian ngay trước cuộc cách mạng năm 1917, khi ông giúp điều hành tờ nhật báo của nhóm người Do Thái theo chủ nghĩa xã hội ở Mỹ – The Jewish Daily Forward.
Tại Anh, dưới cái tên giả Bennett (hay Bennet), ông đã phát ngôn với uy quyền từ Moskva. Theo Ivy Litvinov, bà vợ người Anh của một nhà ngoại giao Liên Xô tên là Maxim Litvinov, Petrovsky là “người đàn ông xấu xí nhất mà bạn từng nhìn thấy, nhưng lại rất thu hút.”
Trong khoảng thời gian ông đến London, năm 1920, một thành viên khác của Comintern tên là Rose Cohen đã trở lại Anh, sau khi đi khắp thế giới để phân phối quỹ của đảng. Bà và Petrovsky đã yêu nhau. Cohen, xuất thân từ một gia đình Do Thái nghèo ở khu East End của London, là một phụ nữ sôi nổi, thông minh, có học thức và rất xinh đẹp, với đôi mắt nâu và mái tóc đen dài.
Petrovsky và Cohen kết hôn và chuyển đến Moskva khoảng năm 1929, nơi con trai Alyosha của họ được sinh ra. Sau khi Lenin qua đời vào năm 1924, Joseph Stalin đã đảm nhận vai trò lãnh đạo. Suốt một thời gian, mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp: Max có được một công việc quan trọng trong chính phủ, và Rose trở thành biên tập viên nước ngoài của một tờ báo tiếng Anh mới – The Moskva Daily News.
Khó khăn ập đến với họ vào năm 1937. Bị cho là có cảm tình với Leon Trotsky đang lưu vong, Petrovsky và Cohen đã bị bắt. Alyosha đã được gửi đến một trại mồ côi và không bao giờ còn thấy bố mẹ anh nữa. Họ đã sớm bị xử bắn.
Bởi chiến dịch thanh trừng của Stalin, thật khó để xem Moskva như ngọn hải đăng của hy vọng thay vì một kẻ áp bức tàn bạo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ hi vọng vào Moskva vì thế giới đã trở nên ảm đạm vào năm 1937. Hitler điều hành nước Đức, Mussolini cai trị nước Ý, và phe phát xít đã chiến thắng trong Nội chiến Tây Ban Nha. Trong mắt những người cộng sản, Anh và Mỹ, nơi diễn ra Đại Suy thoái với tất cả những đau khổ mà nó gây ra, như đang trải qua cơn đau cuối cùng trước cái chết của chủ nghĩa tư bản.
Như Harry Pollitt từng nhận định, những người đã đánh bại chế độ chuyên chế ở Nga “không bao giờ có thể, và sẽ không bao giờ có thể, làm điều gì tai hại cho giai cấp công nhân.” Pollitt đã xem Petrovsky và Cohen là bạn bè của ông, nhưng ông hiểu những sai lầm vẫn diễn ra. Bạn không thể làm món trứng tráng nếu không chấp nhận đập vỡ vỏ trứng.
Vì vậy, các thành viên Comintern và các đồng chí trung thành như những sinh viên tốt nghiệp của Trường Quốc tế Lenin đã học cách săn lùng những người theo chủ nghĩa Trotsky và những người vô chính phủ, và chỉ nghĩ đến một “Thế Giới Mới Dũng Cảm”[1] sẽ ra đời sau tất cả những đau khổ này.
Nhà lãnh đạo Cộng sản Pháp, André Marty, đã sang Tây Ban Nha như một sĩ quan chính trị tại các Lữ đoàn Quốc tế. Ở đó, ông lạnh lùng ra lệnh bắn chết nhiều người vì họ bị cho là đồng cảm với Trotsky. Marty và những kẻ khác gọi những người bị hành quyết này là “kẻ thù của nhân dân,” một thuật ngữ mà ngày nay đã tìm thấy sự cộng hưởng mới thật đáng sợ.
Chân dung Marty đã được khắc họa không thể nào quên trong For Whom the Bell Tolls (Chuông Nguyện Hồn Ai) của Ernest Hemingway (trong một số ấn bản được ngụy trang thành Massart): “Rất nhiều người sau này đã nguyền rủa ông ta. Ông luôn luôn lấy làm tiếc cho họ trong thân phận con người. Ông luôn tự nhủ như vậy và đó là một trong những ý tưởng chân thực cuối cùng trong số những gì còn lại là của ông.”
Nhà cộng sản người Bulgaria Georgi Dimitrov đã biết một số bí mật đen tối nhất của Liên Xô. Bị kết án tử hình năm 1923 vì các hoạt động chính trị ở quê nhà, ông đã trốn sang Nam Tư, sau đó định cư tại Đức. Ở đó, vào năm 1933, ông bị Đức Quốc xã bắt vì bị cáo buộc đồng lõa trong vụ hỏa hoạn ở Tòa nhà Quốc hội Reichstag, điều mà Hitler đã dùng làm cớ để đình chỉ chính quyền dân chủ nghị viện. Với sự can đảm phi thường trong hoàn cảnh ấy, Dimitrov đã chọn tự biện hộ cho mình tại phiên tòa.
“Tôi đang bảo vệ bản thân mình, một người cộng sản bị cáo buộc,” ông nói trước vành móng ngựa. “Tôi đang bảo vệ danh dự chính trị của tôi, danh dự của một nhà cách mạng. Tôi đang bảo vệ ý thức hệ cộng sản của tôi, những lý tưởng của tôi.”
Ông cuối cùng đã được tha bổng vì thiếu bằng chứng, và chuyển tới sống ở Paris, rồi đến Moskva. Ở đó, ông được xem như một anh hùng và được bổ nhiệm làm thư ký của Comintern năm 1935. Năm 1944, ông trở lại Bulgaria sau hai thập niên lưu vong để lãnh đạo Đảng Cộng sản của nước này. Năm 1946, ông trở thành Thủ tướng.
Dimitrov, cũng giống như Marty, không phải là một kẻ lắm mưu nhiều kế, leo qua xác chết của những người vô tội để lên nắm quyền. Ông chỉ nghĩ rằng phần thưởng lớn lao đó xứng đáng với những khó khăn và bất công ông trải qua dọc đường.
Các đảng cộng sản đã phát triển mạnh mẽ trong Thế chiến II nhờ liên minh chống chủ nghĩa phát xít. Khi Stalin giải tán Comintern năm 1943, các đảng cộng sản nước ngoài dường như bước sang thời đại mới, khi họ hành động độc lập, tự quyết định và không còn là công cụ trong chính sách đối ngoại của Liên Xô nữa. Nhưng một khi chiến tranh kết thúc, Stalin đã tái áp đặt sự kiểm soát của mình.
Năm 1947, ông thành lập Cục Thông tin Cộng sản, hay Cominform, nhằm truyền tải các quyết định của Moskva cho các đảng cộng sản trên toàn thế giới. Trong trường hợp của Đảng Cộng sản Anh, Stalin đã can thiệp trực tiếp vào việc soạn thảo bản tuyên ngôn hậu chiến.
Sự khác biệt giữa Comintern và Cominform là Cominform chỉ đơn thuần truyền tải các quyết định. Không còn cơ sở nào để bất cứ ai bên ngoài Kremlin có thể tham gia vào việc hình thành các quyết định đó nữa. Bài kiểm tra đầu tiên cho cơ quan mới này diễn ra vào năm 1948, khi Moskva quyết định rằng nhà lãnh đạo có tư tưởng độc lập của Nam Tư là Nguyên soái Tito đã không còn là một lãnh tụ cộng sản anh hùng nữa, mà là một kẻ phản bội. Các đảng cộng sản nước ngoài nhanh chóng lựa chọn lập trường mới này.
Sau cái chết của Stalin vào năm 1953, Nikita Khrushchev thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền lực. Trong một phiên họp bí mật của Đại hội Đảng năm 1956 – bí mật vì các phóng viên và những người cộng sản nước ngoài không được tham dự – Khrushchev đã lột trần sự khủng bố mà Stalin gây ra cho Liên Xô trong hơn ba thập niên qua.
Cuối cùng, ánh sáng của ngọn hải đăng Moskva đã lụi tàn. Thế hệ mới không thể sản sinh ra những người như Pollitt, Dimitrov, Petrovsky và Cohen, những người trung thành mạo hiểm tất cả vì điều họ tin là một lý tưởng tuyệt vời và công bằng. Chắc chắn, các đảng cộng sản khắp thế giới vẫn giữ được lòng trung thành của những người “cộng sản gộc” và kết nạp được thêm một số thanh niên theo chủ nghĩa lý tưởng, nhưng năm 1956 là một bước ngoặt, và Liên Xô đã trở thành một lý tưởng bị hoen ố không thể phục hồi. Từ ngày ấy, những người cộng sản đã chia thành những người ủng hộ lẫn chống lại Moskva.
Francis Beckett là tác giả của cuốn “Enemy Within: The Rise and Fall of the British Communist Party” và “Stalin’s British Victims.”
—————–
[1] Brave New World (tạm dịch là Thế Giới Mới Dũng Cảm) là từ chỉ một giai đoạn mới tràn đầy hy vọng trong lịch sử, phát sinh từ những thay đổi lớn trong xã hội. Từ này được lấy từ tựa đề tiểu thuyết năm 1932 của Aldous Huxley.
Nguồn: Francis Beckett, “How Moskva Lost Its Luster as the School of Revolution”, The New York Times, 20/03/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét