Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Tầm quan trọng của ‘Bộ Tứ’ trong an ninh châu Á


Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp



Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến công du tới các nước châu Á trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang diễn biến hết sức nóng bỏng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đã công nhận rằng “trọng  tâm của thế giới đang dịch chuyển dần về trung tâm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, đã kêu gọi các cường quốc dân chủ trong khu vực này cần tiếp tục theo đuổi một chính sách “can dự và hợp tác chặt chẽ hơn”. Những cường quốc này, bao gồm cả nước Mỹ của Donald Trump, cần lưu tâm đến lời kêu gọi này. Trên thực tế, chỉ có một liên minh các nền dân chủ  mới có thể bảo đảm sự hình thành một trật tự dựa trên luật lệ và một sự cân bằng quyền lực ổn định tại khu vực năng động nhất thế giới về kinh tế này.

Trong những năm trở lại đây, đúng như Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thừa nhận, Trung Quốc đã có nhiều “hành động khiêu khích” như tại Biển Đông vốn thách thức luật pháp và các chuẩn tắc quốc tế. Và cách hành xử này của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện nếu không nói là leo thang. Tháng 10 vừa qua, Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc trên thực tế đã trao vương miện hoàng đế cho Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu.

Giống như trường hợp sự trỗi dậy nhanh chóng của Đức trước Thế Chiến I đã thúc đẩy sự hình thành liên minh Hiệp ước ba bên giữa 3 nước Pháp, Nga và Vương quốc Anh, hành vi ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đang tạo ra động lực ngày càng lớn cho các nền dân chủ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương hình thành một liên minh ngày càng mạnh mẽ hơn. Rốt cuộc, như những gì diễn ra ở Biển Đông thời gian gần đây cho thấy, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể áp đặt đủ các phí tổn lên Trung Quốc để trừng phạt chủ nghĩa xét lại về lãnh hải và lãnh thổ của nước này, khoan nói đến việc buộc các nhà lãnh đạo nước này phải thay đổi chính sách.

Điều đó không có nghĩa là không có một quốc gia nào có khả năng thách thức Trung Quốc. Ngay trong mùa hè năm nay, Ấn Độ đã dũng cảm đối đầu với người hàng xóm đang dương oai diễu võ tại khu vực biên giới hai nước trong suốt 10 tuần. Trung Quốc đã sử dụng các dự án xây dựng, cải tạo nhằm thay đổi “nguyên trạng” ở khu vực cao nguyên Doklam xa xôi thuộc dãy Himalaya, giống như những gì Trung Quốc đã thường làm tại khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, Ấn Độ đã can thiệp và ngăn chặn những hành động này của Trung Quốc. Nếu như chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thể hiện quyết tâm tương tự như của Ấn Độ tại khu vực Biển Đông, có lẽ Trung Quốc đã không thể sở hữu 7 hòn đảo nhân tạo đã được quân sự hóa tại khu vực này.

Trong bất cứ trường hợp nào, việc bảo đảm một sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại Trung Quốc và duy trì sự ổn định trong quan hệ quyền lực giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đòi hỏi không chỉ một mà nhiều quốc gia cùng tham gia giải quyết bất cứ vấn đề nào. Một nước Mỹ mong muốn áp dụng những công cụ mới, một Nhật Bản và Ấn Độ tự tin hơn và một nước Úc đầy khó chịu vì bị Trung Quốc can thiệp nội bộ, cần phải bắt tay nhau để kiềm chế hành vi của Trung Quốc.

Một tín hiệu khả quan đó là một “liên minh thân thiện” đã bắt đầu hình thành giữa các nền dân chủ lớn trong khu vực. Đặc biệt, quan hệ Mỹ – Ấn Độ đã trải qua những “biến đổi sâu sắc” như lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu, khi hai nước trở thành “đối tác toàn cầu với sự song trùng lợi ích chiến lược ngày càng lớn”. Mỹ hiện đang có nhiều cuộc diễn tập quân sự chung với Ấn Độ hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Sự hợp tác như vậy là tiền đề hai nước hiện thực hóa tầm nhìn mà Ngoại trưởng Rex Tillerson đã chỉ ra, đó là “đóng vai trò là ngọn hải đăng phía Đông và phía Tây của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Quan hệ của Ấn Độ với Nhật Bản cũng đang được thắt chặt và làm sâu sắc hơn. Cuộc Diễn tập Hải quân thường niên Malabar tại khu vực Ấn Độ Dương năm nay giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản là cuộc diễn tập lớn nhất và quy mô nhất kể từ khi được hình thành cách đây 25 năm. Mục tiêu giả định của cuộc diễn tập là phối hợp tiêu diệt các tàu ngầm của địch, với hơn 7.000 quân nhân Mỹ tham gia, cùng sự góp mặt của các tàu sân bay đến từ Hải quân 3 nước, bao gồm: Tàu sân bay hạt nhân USS Nitmitz của Mỹ, tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật, và tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.

Như Ngoại trưởng Tillerson đã chỉ ra, quan hệ hợp tác ba bên Mỹ – Ấn Độ – Nhật Bản đã và đang mang lại những lợi ích quan trọng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh “vẫn còn chỗ cho các nước khác tham gia, kể cả Úc, nhằm phát huy các mục tiêu và sáng kiến chung”.

Cho tới nay, Australia vẫn tìm cách tránh phải lựa chọn giữa một bên là đồng minh an ninh của mình, tức Hoa Kỳ, và một bên là đối tác kinh tế chính, tức Trung Quốc. Bất chấp tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne rằng “Úc rất quan tâm đến quan hệ hợp tác 4 bên với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản”, Chính phủ Úc dường như lại đang đi nước đôi. Ví dụ, trong khi Úc nỗ lực để quay trở lại cuộc tập trận chung Malabar sau khi đã rút khỏi cơ chế này cách đây 10 năm nhằm trấn an Trung Quốc, Úc lại chỉ muốn tham gia với tư cách là một “quan sát viên”.

Cách tiếp cận này của Úc sẽ không thể bền vững. Nếu Úc muốn thoát khỏi sự can thiệp từ phía Trung Quốc, Úc không chỉ cần phải thực hiện các biện pháp tự vệ nội bộ mới mà còn cần đóng một vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ các luật lệ và chuẩn tắc trên phạm vi quốc tế, cả ở trên bộ và trên biển.

Trong những năm tới, các sự kiện tại khu vực Ấn Độ Dương và Đông Á sẽ có tác động tiên quyết, ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, kiềm chế Trung Quốc đầu tiên đòi hỏi những nỗ lực nhằm hạn chế các hoạt động hàng hải của quốc gia này – ví dụ như các giải pháp nhằm bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển trọng yếu và nâng cao năng lực tình báo hàng hải. Điều này cũng đòi hỏi các sáng kiến địa-kinh tế nhằm đối phó với sự bành trướng ảnh hưởng mang tính áp đặt của Trung Quốc lên các nước nhỏ hơn trong khu vực. Do vậy, tất cả các cường quốc dân chủ châu Á cần phải cùng tham gia vào nỗ lực này.

Những lời kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn của Mỹ là một tín hiệu tốt cho tiến trình này, tuy nhiên Mỹ cũng cần tập trung nhiều hơn vào sự trỗi dậy và tham vọng toàn cầu của Trung Quốc thay vì chỉ quan tâm đến một nước Nga đang trong giai đoạn suy thoái. Hơn nữa, chiến thắng vượt trội của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người theo đuổi ý tưởng về việc thiết lập một “tứ giác an ninh giữa các nền dân chủ” tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong cuộc tổng tuyển cử mới đây tại Nhật Bản có thể sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hợp tác này.

Chắc chắn là bất cứ một “liên minh thân thiện” nào giữa các nền dân chủ châu Á cũng sẽ không nằm dưới  hình thức một liên minh chính thức. Thay vào đó, mục tiêu đối với các nền dân chủ này là đạt được một tầm nhìn chiến lược chung, dựa trên các giá trị chung. Rốt cuộc, chính những lợi ích đó sẽ tạo nên sự khác biệt cho các quốc gia này: Như Ngoại trưởng Rex Tillerson đã thừa nhận, dù chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế, nhưng quan hệ của Mỹ với một nước không dân chủ như Trung Quốc sẽ không thể giống với quan hệ của Mỹ với một nền dân chủ lớn.

Bằng việc theo đuổi hợp tác, các nền dân chủ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ và mang tính bao trùm, qua đó củng cố hòa bình, ổn định, thịnh vượng và tự do hàng hải trong khu vực. Đây là giải pháp duy nhất để ngăn chặn những nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành một bá chủ của một trật tự khu vực phi tự do.

*

Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (đặt tại New Delhi) và Nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch tại Berlin, là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, and Water, Peace, và War: Confronting the Global Water Crisis.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét