Khi bàn về vấn đề BOT ở Việt Nam, trước tiên chúng ta phải hiểu BOT là gì. Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới: “Phương thức đầu tư BOT là hình thức Nhà đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng công trình, sau khi hoàn thành sẽ tiến hành kinh doanh khai thác trong một thời gian nhất định đảm bảo thu hồi được vốn và có lợi nhuận hợp lý sau đó chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước”. - BOT là viết tắt của “Build (xây dựng) - Operate- (vận hành) - Transfer (chuyển giao)”, khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1984 do Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Turgut Ozal đưa ra tại hội nghị về công cuộc tư nhân hóa các dự án của khu vực công.
Kể từ khi ra đời cho đến nay, mô hình BOT đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công như Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Nhật... nhưng bên cạnh đó cũng không ít nước thất bại như Mexico, Solovia. Vậy tại sao một mô hình có nhiều ưu điểm như BOT có nước áp dụng thành công, có nước thất bại. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có một nguyên nhân quan trọng nhất là sự quản lý yếu kém của nhà nước. Tại Việt Nam, BOT xuất hiện cách đây khoảng 10 năm nhưng đã sớm bộc lộ những bất cập, sai phạm. Chính sự thiếu minh bạch, chất lượng, mức phí là nguồn cơn gây nên những ồn ào, tranh cãi và xung đột trong thời gian vừa qua – Hầu hết các hợp đồng BOT giao thông hiện nay đều có điều khoản bí mật ràng buộc các bên không được tiết lộ thông tin về tài chính, pháp lý hay kỹ thuật của dự án.
Đầu tiên là vấn đề thầu, kết luận của Thanh tra Chính Phủ ngày 6/9 cho biết từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã được thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu. 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Và hơn nữa, hầu hết các dự án BOT điều thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, khoảng cách trạm gần nhau, đặt sai vị trí, giá thu phí cao. BOT Cai Lậy – Tiền Giang là một ví dụ điển hình.
Việc chỉ định thầu nói chung và chỉ định thầu BOT nói riêng là mảnh đất màu mở nảy sinh nhưng tiêu cực. Một doanh nghiệp có năng lực, trình độ, tiềm lực tài chính, làm ăn chân chính không dễ gì được chỉ định những gói thầu BOT mà thay vào đó là các doanh nghiệp sân sau của các thế lực chính trị hoặc một quan chức (lớn) nào đó chống lưng.
Báo thanh niên số ra ngày 18/8/2017, trong bài viết “ăn chặn tiền dân” có dẫn lời một chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn tư nhân đa ngành uy tín, từng làm khá nhiều dự án BOT giao thông như sau: “không còn hứng thú tham gia làm bất cứ dự án BOT nào nữa kể từ năm 2013, sau khi được “vỗ vai” phải nhường một dự án BOT đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng, cho một doanh nghiệp “sắp chết”, vốn đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”.
Lãnh đạo cấp cao ở đây là ai? Không khó để tìm ra, thường thì thông tin liên quan đến lãnh đạo cao cấp thuộc vào bí mật nên không dễ công bố. Nhưng một dẫn chứng khác cụ thể hơn, đó là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO - Đồng Nai (chủ đầu tư các dự án BOT tỉnh lộ 16, BOT Quốc lộ 91, 91B, BOT Quốc lộ 1 tuyến tránh TP. Biên Hoà, BOT Nút giao 319 và Cao tốc TP. HCM - Long Thành) có cổ phần của con gái thượng tá Võ Đình Thường (Phó phòng CSGT Đồng Nai) và đặc biệt Cường Thuận IDICO còn có một thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Thành - Trung tướng, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Và mới đây có thông tin rằng ông chủ thực sự của BOT Cai Lậy – Tiền Giang là con của một uỷ viên Bộ chính trị đã nghỉ hưu.
Những sai phạm trong việc đấu thầu, đầu tư, thu phí mà thanh tra Chính phủ chỉ ra dù chưa phản ánh đúng thức tế nhưng đủ để cho chúng ta thấy, BOT là siêu lợi nhuận. Có rất nhiều cách để kiếm tiền từ BOT như khai khống đầu tư so với thực tế, cải tạo đường cũ rồi đặt trạm thu phí, đặt trạm sai vị trí để tận thu, tăng phí, kéo dài thời gian hoàn vốn, không minh bạch doanh thu. Ví dụ như:
Năm 2016, Thanh tra bộ Kế hoạch – Đầu tư phát hiện dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang đã khai tăng cả ngàn tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, Bộ Giao thông vận tải thanh tra, kiến nghị giảm trừ trên 2.000 tỷ đồng so với hợp đồng BOT. Tại TP. HCM mới đây Thanh tra Chính phủ kết luận 6 dự án BOT sai phạm hơn 2.000 tỷ đồng.
Dựa án BOT Pháp Vân — Cầu Giẽ chủ yếu thực hiện các hạng mục trải thảm lại mặt đường, sơn kẻ vạch đường, làm lại hàng rào lan can và đặt biển báo nhưng lại áp dụng mức thu phí tương đương đường cao tốc. Báo báo của Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ doanh thu thu phí chỉ đạt 41 tỉ đồng/tháng (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày) nhưng thực tế, theo quan sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là hơn 50 tỉ đồng/tháng (bình quân đạt trên 1,8 tỉ đồng/ngày).
Dự án BOT Cai Lậy – Tiền Giang làm đường tránh qua thị xã Cai Lậy nhưng lại đặt trạm thu phí trên Quốc Lộ.
Dự án BOT xây dựng quốc lộ 1A đoạn tránh Tp.Thanh Hóa – Thanh Hoá (Trạm Tào Xuyên) thời gian thu phí hoàn vốn là 27 năm 8 tháng, nhưng chỉ 7 năm 2 tháng đã hoàn vốn và có lãi (sớm hơn dự kiến 20 năm).
Còn một vấn đề nữa của BOT là chất lượng. Câu hỏi đặt ra là, nếu sau khi nhà đầu tư hoàn phí và giao lại công trình cho nhà nước quản lý nhưng công trình xuống cấp, hư hỏng thì sẽ thế nào? Thực tế là có nhiều đường BOT đang trong giai đoạn thu phí nhưng đã xuống cấp như dự án mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cầu Giát (Nghệ An), dự án BOT đường tránh TP Đồng Hới (Quảng Bình), dự án BOT Quốc lộ 18 đoạn qua thành phố Hạ Long – Uông Bí…
Tóm lại, có thể khẳng định, với điều kiện cơ sở hạ tầng như Việt Nam hiện nay, việc áp phương thức BOT là một chủ trương đúng. Nhưng sự thật là các dự án BOT đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông (cụ thể là đường bộ) đã bị lạm dụng, nói thẳng ra là biến tướng để làm giàu cho một nhóm lợi ích. Thành ra sai cả về về chủ trương, sai về luật pháp. Lợi ích nhóm trong các dự án BOT đường bộ là rõ ràng, và BOT đang trấn lột người dân (lời ông Nguyễn Sĩ Dũng –nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội). Liệu trong thời gian tới, Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giải quyết thực trạng này như thế nào ? Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét