Kỳ Lâm (VNTB)
Sau ông Xuân Anh, ông Đức Thơ sẽ nối gót về hưu non? |
Vào sáng ngày 12/12, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà của ông Trương Quang Nghĩa (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) cùng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng. Cử tri Lê Chí Bảy (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đề nghị không cho ông Huỳnh Đức Thơ làm Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nữa sau những sai phạm của ông này.
Tiếp xúc cử tri được hiểu công việc chính của đại biểu và cơ quan dân cử, đồng nghĩa với hoạt động phản ánh ý kiến của nhân dân với đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò tiếp xúc này thường mờ nhạt vì mang tính hình thức hơn là một sự phản ánh – ghi nhận thực chất, trừ một vài dấu ấn riêng biệt liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri của ông Nguyễn Bá Thanh thời còn làm Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng.
Tuy nhiên, cái gì tồn tại trong hệ thống Nhà nước Việt Nam đều phải đóng một vai trò nhất định, và cử tri hay màn tiếp xúc cử tri trở thành một hình thức phản ánh tiếng nói chính trị trong những năm gần đây.
Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, một vài lãnh đạo đảng/ nhà nước thường hay lựa chọn những vị cử tri để lên tiếng hỏi, bày tỏ, chia sẻ về một vụ việc liên quan đến chính trị - kinh tế - xã hội, đến mức mà một vài cử tri quen mặt trong các buổi tiếp xúc bởi tần suất “muốn phát biểu” dày đặc, trong đó có cả “cụ cử tri” hay bày tỏ với ông Nguyễn Phú Trọng mà cư dân Facebook từng phản ánh trước đó.
“Phản ánh tiếng nói chính trị”, tức là tạo dư luận, đánh tiếng dư luận trước khi tiến hành một quyết định nào đó. Và phương thức là sử dụng cử tri lên tiếng nói sau đó sử dụng báo chí để vào cuộc,…
Liên quan đến vụ việc ông Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, ngay khi Cử tri Lê Chí Bảy (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đề nghị không cho ông Huỳnh Đức Thơ làm Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nữa sau những sai phạm của ông này trong ngày 12/12, thì đến ngày 13/12, thì một vị cử tri khác là ông Nguyễn Kim Tuấn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã bày tỏ thẳng thắn: Nếu điều tra xã hội học thì có hơn 60% hoặc 70% người dân muốn cách chức ông Thơ. Tâm lý của cán bộ hưu trí hiện nay rất bức xúc.
Từ diện 1 cử tri lên tiếng trở thành 60-70% người dân, đặc biệt hơn là “tâm lý cán bộ hưu trí”, khiến cho số phận của ông Chủ tịch dường như đã được phán xét, mặc dù ông Bí thư thành ủy Trương Quang Nghĩa hết lời “nói tránh, nói giảm”.
Cử tri Đà Nẵng đề nghị kỷ luật thích đáng đối với ông Huỳnh Đức Thơ |
Trước đó, người đồng nghiệp của ông Thơ là ông Nguyễn Xuân Ánh, trước khi bị cách chức hết chức vụ thì những “nguyên lãnh đạo”, và “cử tri” đã được đưa ra để “phán tội”.
Hiện tượng “cán bộ hưu trí” hay “cử tri” bức xúc, đề nghị cách chức là không nhiều, nhưng khi nó phát ra, đồng nghĩa đó là một sự đồng thuận nằm sâu bên trong bộ máy chính trị trung ương, nhất là khi liên quan đến đội ngũ nhân sự cấp cao ở các tỉnh thành trực thuộc TW.
Trở lại với câu chuyện, ông Huỳnh Đức Thơ đi hay ở? Nếu theo đúng quy trình đánh tiếng dư luận nêu trên thì ông Thơ sẽ nghỉ hưu non, mà một người Quảng Nam sẽ lên thay, theo đúng quan điểm mà ông Trương Quang Nghĩa đã bày tỏ: “đồng chí Huỳnh Đức Thơ sẽ do Chính phủ quyết định”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét