Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Nội dung, tác động và triển vọng của Hiệp định CPTPP

Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp




Vào ngày 11 tháng 11, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam, 11 quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương quyết định tiếp tục duy trì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định này chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Thỏa thuận được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để phản ánh sự đồng thuận mới giữa các thành viên sau 4 vòng đàm phán từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định. Liệu CPTPP có còn là một “thỏa thuận chất lượng cao” hay không? Và liệu lần này hiệp định có được phê chuẩn hay không?

CPTPP và TPP
Dù chi tiết của Hiệp định vẫn đang được bàn thảo, tuyên bố chung của các bộ trưởng và các phụ lục cho thấy rằng CPTPP thực chất là một bản sao của các điều khoản gốc trong TPP. Biểu thuế hải quan được gỡ bỏ đến 95% cho tất cả hàng hóa giao dịch trong dài hạn như đã thương lượng.
Cam kết tự do hóa trong các lĩnh vực chủ chốt như dệt may; các rào cản kỹ thuật đối với thương mại; các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật; cạnh tranh; doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ; lao động và giải quyết tranh chấp lao động vẫn được giữ nguyên như lúc đầu.
Tuy nhiên, CPTPP có 2 điểm khác biệt so với TPP. Thứ nhất, có 20 điều khoản được “treo” lại, chưa áp dụng ngay, bao gồm các điều khoản về thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ (IPR), môi trường và sự minh bạch. Những quy tắc này vốn được đưa vào TPP do yêu cầu của Washington nay bị treo lại (nhưng có thể sẽ được khôi phục lại trong tương lai).
Điều đáng chú ý là chương về quyền sở hữu trí tuệ (IPR) đã trải qua sự thay đổi lớn nhất. Ví dụ, thời hạn bảo hộ bản quyền giảm từ 70 còn 50 năm sau khi tác giả qua đời. Một vài điểm đáng chú ý khác bao gồm việc tạm hoãn cam kết liên quan đến quyền lao động như là một điều kiện tiên quyết mà các doanh nghiệp thuộc CPTPP phải thực hiện khi tham gia đấu thầu các dự án của chính phủ, và loại bỏ đối xử đặc biệt cho dịch vụ chuyển phát nhanh xuyên biên giới.
Thứ hai, trái ngược với tư tưởng cũng như niềm tin tân tự do về tự do thương mại và các động lực của thị trường được ghi nhận trong TPP, Hiệp định CPTPP lưu ý rằng trong quá trình hoạch định chính sách, các nước thành viên phải xem xét trước tiên các hoàn cảnh đặc biệt và các ưu tiên luôn thay đổi của nước mình. Việc tăng cường không gian chính sách và sự linh hoạt của các quy định sẽ được đưa vào thông qua các điều khoản mới về “rút lui”, “gia nhập”, “rà soát loại” hiệp định vốn sẽ được dự thảo bổ sung.
Cho đến giờ, Malaysia muốn có một giai đoạn chuyển tiếp dài hơn trước khi các quy tắc cạnh tranh nghiêm ngặt được áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam cũng muốn có thêm thời gian trước khi các công đoàn non trẻ phải thực hiện các biện pháp giải quyết tranh chấp. Canada lại muốn bảo vệ nền văn hóa nhạy cảm với chính trị và công nghiệp truyền thông của mình.
Những ảnh hưởng về kinh tế của CPTPP
Một số người tin rằng nếu không có sự tham gia của Mỹ, TPP sẽ trở nên vô nghĩa. Lý do là vì Mỹ chiếm đến 60% tổng giá trị GDP của khối. Nhưng kết quả phân tích mô phỏng của chúng tôi sử dụng mô hình từ Dự án phân tích Thương mại toàn cầu đa quốc gia, đa lĩnh vực (GTAP) cho thấy những kết quả khác.
Nhìn chung, ước tính của chúng tôi về lợi ích ròng mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỉ đô la trong trung hạn. CPTPP sẽ làm tăng phúc lợi toàn cầu lên khoảng 21 tỉ đô la. Các lợi ích này sẽ tăng dần nếu số thành viên hiệp định gia tăng và những lợi ích khác có được từ tự do hóa thương mại như là cải tiến năng suất và tính hiệu quả theo quy mô được hiện thực hóa theo thời gian.
Tất cả 11 thành viên của CPTPP sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn so với khi không tham gia Hiệp định. Trong các thành viên của Châu Á, Malaysia sẽ có thể có được nhiều lợi ích nhất (bằng 2% GDP), theo sau là Việt Nam và Brunei với khoảng 1,5% GDP, tiếp nữa là New Zealand và Singapore với tỉ lệ 1%. Với các nước Mỹ Latinh, Mexico và Chile nhận được nhiều lợi ích nhất so với các nước khác trong vùng với tỉ lệ 0,4%.
Khả năng phê chuẩn
Mặc dù CPTPP đã được chấp thuận trên nguyên tắc ở cấp bộ trưởng, nhưng nó vẫn chưa được phê chuẩn. Việc phê chuẩn đòi hỏi các hành động pháp lý bởi cơ quan lập pháp các nước thành viên. Quá trình này nhiều khả năng sẽ suôn sẻ trừ Canada nơi đang đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Canada đang lo lắng rằng việc tiếp tục tham gia một Hiệp định mà Trump khinh miệt sẽ tác động tiêu cực tới các cuộc đàm phán đang diễn ra về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, việc tham gia vào CPTPP cũng là một khoản“bảo hiểm”cho Canada trong trường hợp đàm phán về NAFTA đổ vỡ. Có lẽ vì những suy tính này mà Canada đã vắng mặt trong một cuộc họp tổ chức ở Việt Nam.
Nguyên tắc phê chuẩn đã được sửa đổi cũng có khả năng giúp Hiệp định đi vào hiệu lực nhanh hơn. CPTPP đã loại bỏ ngưỡng phải được phê chuẩn bởi các nước chiếm 85% tổng GDP toàn khối. Thay vào đó Hiệp định quy định rằng nó sẽ có hiệu lực sau khi 6 trên tổng số 11 thành viên hoàn tất quá trình phê chuẩn trong nước của mình. Những sự linh hoạt mới được đưa ra trong các vòng đàm phán mới tiếp theo cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc phê chuẩn Hiệp định.
Nhìn về tương lai: Càng đông càng vui?
Cho đến nay, TPP là thỏa thuận thương mại dành được nhiều sự chú ý nhất. Đầu tiên vào năm 2005, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương bao gồm 4 nền kinh tế nhỏ và mở là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore được ký. Đến tháng 2/2016, Hiệp định đã được mở rộng với sự tham gia và lãnh đạo của Mỹ trong suốt thời gian đương nhiệm của tổng thống Obama. Được gọi là TPP12, hiệp ước đã được ký tắt với rất nhiều sự phô trương nhưng sau đó bị kết liễu bởi chính quyền Trump. Giờ CPTPP với 11 nước thành viên còn lại lại đang sẵn sàng cho việc kí Hiệp định trong quý I năm sau.
Trong tương lai, sự quan tâm muốn tham gia Hiệp định của một số nước như Colombia, Indonesia, Đài Loan và Thái Lan nên được thúc đẩy  tích cực để từng bước phá bỏ các rào cản kinh tế ở các nước này. Ai mà biết được, có thể Mỹ sẽ muốn quay trở lại sau khi ông Trump rời Nhà Trắng và chính sách thương mại của Washington tỉnh táo trở lại.
Trung Quốc và Ấn Độ cũng có thể muốn tham gia vào khối thương mại quan trọng trong khu vực Thái Bình Dương  này sau khi họ hoàn tất các cuộc đàm phán hiện tại về Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

***
Pradumna B. Rana là Phó Giáo sư tại Trường Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế (RSIS), Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore. Ji Xianbai là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại RSIS.

Nguồn: Pradumna B.Rana & Ji Xianbai, “TPP’s Resurrection: Will it Be Finally Ratified”, RSIS Commentary, 17/11/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét