Ông Đinh La Thăng vừa bị bắt tạm giam làm tôi nhớ vụ Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải bởi đầu những năm 1990 đưa một BT vào tù là chuyện hiếm.
Ông Hải là tác giả đường dây 500KV khởi công năm 1992 để nối liền lưới điện Nam Bắc dài gần 1500km. Lỗi của ông là vụ mua bán lòng vòng 4000 tấn thép do một số đối tượng thuộc Công ty Vinapol (Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan) thông đồng với Ban Quản lý Dự án đường dây 500kV để hưởng chênh lệch 3,1 tỷ đồng Việt Nam.
Ông Hải bị kết án 3 năm tù giam vì người ta tìm được thư “giới thiệu” của ông là BT Bộ Năng lượng lúc đó. Nếu đấu thầu mua sắm công khai và minh bạch thì khó có chuyện thư riêng, đầu thế kỷ này có đấu thầu nhưng biến tướng là chỉ định…miệng.
Hiệu quả kinh tế của đường dây 500KV không thể đong đếm dù khi đưa ra dự án bị nhiều người phản đối, trong quá trình thực hiện có nhiều chuyện không hay.
So với thời nay sau hơn 20 năm thì nhiều người sẽ ngạc nhiên thấy dự án thi công với giá hơn nửa tỷ đô la, ít hơn 1% so với dự toán ban đầu trong khi các đại dự án hiện nay đội giá gấp đôi, gấp 3 nhưng vẫn không hoàn thành.
Mãi sau này mới thấy giá trị của tầm nhìn của TT Võ Văn Kiệt và ông Hải về lưới điện quốc gia. Riêng chuyện cắt điện luân phiên tại Sài Gòn đã hết hẳn, thành phố bằng Singapore này phất lên một phần vì điện, chưa kể các tỉnh phía Nam ăn theo.
Tôi có vài dịp đi suốt đường Bắc Nam, vào đến Quảng Trị, Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, từ đồng bằng lên miền núi, thấy cột điện 500KV là tôi cảm phục ngành điện. Lên Tây Bắc nhìn hai cột điện nối với nhau trên đỉnh núi cao cả 1000m hay các đảo ở Hạ Long, Cô Tô có lưới điện nối các đảo, tôi càng kính nể.
Nhìn lên trời thấy điện cao thế và trước mặt là những con đường cao tốc nối các tỉnh thành, từ Hà Nội lên Lào cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng, Nội Bài về trung tâm thủ đô, hay đường vành đai 3 nối Thăng Long – Pháp Vân rồi từ đó tỏa đi Ninh Bình và các tỉnh phía Nam, tôi không khỏi thầm cảm ơn ai đó đã làm những con đường này, trong đó công không nhỏ của “anh Thăng” như nhiều tài xế đường dài gọi ông.
Báo chí một thời có cả tiểu đoàn đi theo ông Đinh La Thăng, trích từng lời ông nói, chạy tít câu views. Nào là ông Thăng “trảm” tướng, ông Thăng nói là làm, ông Thăng dọa cắt nhà thầu Trung Quốc, hàng trăm lời vàng lời ngọc được giới báo viết, tốn không biết bao giấy mực.
Hang Cua từng khen ông Thăng trong một số bài báo vì cho rằng một lãnh đạo trẻ dám nghĩ dám làm, là đáng được ca ngợi. Còn phía sau mức màn nhung là gì, thì đó là chuyện của luật pháp, thể chế và cái cách mà ĐCS lãnh đạo bởi người dân đã quá quen với sự không minh bạch.
Nghe tin ông bị bắt tạm giam tôi thấy thật tiếc. Đi trên những cao tốc thời ông Thăng để lại không thể không cảm phục những người đồng hành thời đó. Không có ông hò hét tới số, dọa nạt, trảm, thì khó có những con đường như hôm nay.
Công tội của ông nếu được xử công bằng sẽ có nhiều chuyện đáng bàn. Thông điệp “không có vùng cấm” trong vụ ông Thăng chưa đủ răn đe. Đợi phạm lỗi rồi mới bắt, mới phạt, thì sự phá hoại đã xong, hậu quả không thể đong đếm.
Tôi thấy lạ cho nhiều cây viết từng đi theo ông suốt chặng đường dài, kể từ thời Sông Đà, Dầu khí, Giao thông và gần đây nhất là Bí thư Sài Gòn, được ông ưu ái cho dù chỉ là PR cho cá nhân ông, dù “lấy xôi làng đãi ăn mày”, thì cũng phải nhớ trong ông có một tố chất nào đó đáng học, không viết được trên báo chính thống thì cũng có vài dòng chia sẻ trên FB.
Nếu thể chế tam quyền phân lập, lấy pháp trị làm đầu, đức trị đến sau thông qua giáo dục, báo chí đóng vai làm quyền lực thứ tư giám sát tam quyền còn lại, nay thêm quyền lực thứ 5 là mạng xã hội, thì những người như ông Thăng, ông Hải và còn nhiều người khác sẽ đóng góp tốt hơn cho phát triển, quốc gia hưởng lợi, dân hưởng lợi và chính những tài năng ấy cũng hưởng lợi, thay vì làm được cao tốc phải phạm lỗi gì đó.
Chuyện ông Hải 20 năm trước và ông Thăng hôm nay sẽ còn tiếp diễn, điện và giao thông là xương sống của quốc gia, để phát triển trong sạch thì khẩu hiệu và lời kêu gọi về đạo đức, lối sống, trung thành là chưa đủ.
Mấy tuần trước, tôi đón người bạn Mỹ từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội qua cầu Nhật Tân đèn đường sáng choang, mỗi bên 3-4 làn xe như mắc cửi, anh thảng thốt tưởng đang ở Chicago hay New York.
Anh không biết rằng một người đốc thúc con đường ấy hoàn thành trước Tết đang ngồi sau song sắt, một niềm đau của phát triển ở đất nước này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét