Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Ngoại giao Mỹ "đang chết dần"


Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại New York, ngày 02/12/2017. REUTERS/Yuri Gripas

« Ngoại giao Mỹ đang chết dần » là nhận định của ông Jeffrey Hawkins - cựu đại sứ Mỹ tại Trung Phi - trong bài viết trên chuyên mục « Tranh luận và phân tích » của báo Le Monde. Ông Jeffrey Hawkins từ chức hồi tháng 09/2017 : Ông không muốn tiếp tục đại diện cho tổng thống vì ông có lý tưởng chính trị khác xa ông Trump.

Theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ Jeffrey Hawkins, Washington đang mất đi các nhà ngoại giao cao cấp nhất, kỳ cựu nhất, dày dặn kinh nghiệm nhất, các chuyên gia về nhân quyền, khủng bố, Trung Quốc, cũng như các chuyên gia về nhiều lĩnh vực quan trọng mà một cường quốc như nước Mỹ phải đương đầu.

Mới đây, bà Barbara Stephenson, lãnh đạo American-Foreign Service Association, một nghiệp đoàn ngoại giao, đã cảnh báo « Đội ngũ lãnh đạo (trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ) đã biến mất với tốc độ nhanh chóng mặt ». 33 quan chức với cấp bậc tương đương tướng ba sao đã giảm xuống còn 19 người. 431 quan chức tương đương cấp bậc tướng hai sao nay chỉ còn có 369 người. Tuần nào cũng có những người ra đi. Lý do thì rất nhiều. Còn bản thân nhà ngoại giao Jeffrey Hawkins rời bộ Ngoại Giao Mỹ vì ba lý do chính.

Chính sách ngoại giao mới của tổng thống Donald Trump mang tính biệt lập, bảo hộ và dựa vào « sự ban phát » hơn là vào « lòng tin lẫn nhau ». Với chính sách đó, Washington dè chừng hơn với các đồng minh truyền thống của Mỹ, nhưng lại thoải mái hơn với các chế độ độc tài ; tập trung hơn vào các « chiến thắng » trước mắt hơn là các giá trị cơ bản, chú ý tới sức mạnh nhiều hơn là đối thoại.

Không chỉ vậy, từ khi Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ngành ngoại giao Mỹ mất dần uy tín. Tổng thống Donald Trump giao các nhiệm vụ ngoại giao quan trọng cho các vị tướng, là không đoái hoài gì đến ý kiến các nhà ngoại giao. Bộ Ngoại Giao dường như bị nhắm đến trực tiếp sau đó. Chỉ một thời gian ngắn sau khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã đề nghị cắt giảm 30% ngân sách cho bộ Ngoại Giao. Đề xuất của ngoại trưởng sau đó đã bị Quốc Hội bác bỏ. Bản thân Rex Tillerson, người dường như ít có ảnh hưởng tới tổng thống, cũng ít lắng nghe các nhà ngoại giao kỳ cựu dưới quyền. Và ngày càng có nhiều lời đồn đại về việc ông Rex Tillerson phải ra đi.

Và cuối cùng, vấn đề nằm ở tổng thống. Những người ủng hộ Donald Trump cho rằng tổng thống không tránh né tranh luận, thích « chiến đấu » và sẵn sàng đề cập tới các « đề tài cấm kỵ ». Nhưng theo nhà ngoại giao Jeffrey Hawkins, chửi rủa kẻ thù, thậm chí cả đồng minh ; can thiệp vào các mâu thuẫn phức tạp, chẳng hạn xung đột giữa Qatar và các nước vùng Vịnh, mà không suy nghĩ kỹ hay có sự chuẩn bị trước, đột ngột rút lui khỏi các thỏa thuận mà nước Mỹ đã mất nhiều năm mới đạt được hay đe dọa làm như vậy, và thường là chỉ bằng một tin nhắn trên mạng Twitter…, tất cả đều không phù hợp với ngoại giao.

Ông Jeffrey Hawkins nói với báo Le Monde rằng ông từng là đại diện cho tổng thống Mỹ tại Trung Phi, nhưng ông thấy khó theo được ông Donald Trump và giải thích với các nhà lãnh đạo Trung Phi về chính sách của tổng thống Donald Trump còn phức tạp hơn nhiều.

Trong bối cảnh như vây, nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu đã ra đi « tìm chân trời mới ». Điều đó có nghĩa là Wasington mất đi nhiều chuyên gia về các khu vực, mất đi các nhà tư vấn khôn ngoan, dày dặn kinh nghiệm về chiến lược ngoại giao cho các vấn đề phức tạp, các vấn đề mà rất hiếm khi chỉ cần giải pháp quân sự đơn thuần. Và quan trọng hơn, theo ông Jeffrey Hawkins, điều đó có nghĩa là trong nhiều trường hợp, nước Mỹ sẽ không còn chính sách ngoại giao. Tổng thống Donald Trump đã từng nói, người giữ vai trò quan trọng trong ngoại giao của Mỹ không phải là tổng thống, không phải là ngoại trưởng mà là các trợ lý, đại sứ, chuyên gia… Nhưng đáng tiếc là không còn nhiều người như vậy ở lại bộ Ngoại Giao Mỹ. Và nếu không có người thay thế đủ khả năng, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ rất khó được duy trì.

Jerusalem: Israel hài lòng, nhưng lo sợ bạo lực từ Palestine

Một chủ đề nóng bỏng trong các báo Pháp hôm nay liên quan tới việc tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 06/12/2017 chính thức công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời tuyên bố kế hoạch dời sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem.

Báo công giáo La Croix gọi thông báo của Donald Trump là « quyết định gây bùng nổ ». Les Echos dẫn nhận định của bà Leslie Vinjamuri, chuyên gia về Hoa Kỳ thuộc cơ quan tư vấn Chatham House của Anh Quốc: « Hoa Kỳ có thể làm suy yếu vai trò hòa giải ở Trung Đông ». Báo Le Figaro cho biết: « Từ Teheran tới Ryad, Matxcơva và cả Liên Hiệp Châu Âu, cả thế giới phản đối quyết định của nước Mỹ ». Trong khi đó, báo Libération coi hành động « thổi bùng ngọn lửa » của Donald Trump chẳng qua chỉ là để đánh lạc hướng dư luận về vụ cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông nói dối FBI.

Còn thông tín viên Piotr Smolar củabáo Le Monde tại Jérusalem cho biết « Israel hài lòng (về quyết định của tổng thống Mỹ), nhưng lo sợ về bạo lực từ phía người Palestine ». Thị trưởng thành phố Jerusalem, ông Nir Barkat, đã cảm ơn chính quyền Donald Trump về quyết định mà ông coi là « một bước đi lịch sử ». Ông Ron Dermer, đại sứ Israel tại Mỹ, đánh giá quyết định của ông Donald Trump là để sửa chữa « một sai lầm kinh khủng » tồn tại trong suốt 70 năm qua. Tuy nhiên, thủ tướng Israel Netanyahou hiện đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: đảm bảo an ninh trước nguy cơ bạo lực từ người Palestine và đáp ứng các đề xuất trong tương lai của Hoa Kỳ nhằm phục hồi một tiến trình hòa bình mà thực ra không hề tồn tại.

Mỹ: Số vụ bắt giữ di dân sống bất hợp pháp tăng, số vụ nhập cảnh trái phép giảm.

Liên quan tới thời sự nước Mỹ, báo công giáo La Croix cho biết: « Tại Mỹ, các vụ bắt giữ di dân sống bất hợp pháp tăng, còn số vụ nhập cảnh trái phép lại thấp kỷ lục ».

Theo báo cáo thường niên cho năm tài khóa 2017 (từ tháng 10/2016 đến tháng 09/2017) của ICE, cơ quan phụ trách đấu tranh chống di dân và nhập cư trái phép bên trong lãnh thổ Hoa Kỳ, số các vụ bắt giữ trên lãnh thổ Mỹ tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016, và tăng 42% so với ngày 20/01/2017, ngày ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống. Trong khi đó, tại cửa khẩu Mỹ, số vụ bắt giữ người nhập cư trái phép thấp kỷ lục: giảm 25% so với năm 2016.

Theo Nhà Trắng, xu hướng giảm nói trên có được là nhờ thông điệp cứng rắn của tổng thống Donald Trumps nhắm vào người châu Mỹ và những người nước ngoài có ý đồ vượt biên giới Mỹ trái phép hoặc sống bất hợp pháp tại Mỹ. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, xu hướng giảm đã bắt đầu từ cách nay 15 năm, chủ yếu nhờ kinh tế châu Mỹ phát triển hơn và tỉ lệ thanh niên ở châu lục này giảm, đặc biệt là ở Mêhicô.

Bất chấp khủng hoảng, các ngân hàng lớn nhất hành tinh vẫn phát triển

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos có bài « 10 năm sau khủng hoảng, các ngân hàng lớn nhất hành tinh vẫn tiếp tục lớn mạnh ». Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức S&P Global Market Intelligence, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu, một số ngân hàng vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong giai đoạn 2006-2017, từ Mỹ tới châu Âu và đặc biệt là tại Trung Quốc, sau khi quốc gia này gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới, thậm chí một số ngân hàng mở rộng quy mô gấp 4 lần trong 11 năm qua. Les Echos gọi đó là « những người thắng cuộc trong cuộc khủng hoảng ».

Pháp: Hơn 10 triệu người sống trong cảm giác bất an

Chuyển sang lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro cho biết « Hơn 10 triệu người Pháp sống với tâm lý bất an ». Theo kết quả điều tra thường niên của Đài quan sát tội phạm, 21% số người Pháp, nhất là phụ nữ và những người sống tại các thành phố lớn cảm thấy lo ngại, bất an, thậm chí là sợ hãi về tình hình an ninh trong khu phố mình sống. 32% số người được hỏi cho biết trong vòng 12 tháng qua đã từng chứng kiến một hành vi phạm tội : sử dụng và buôn bán ma túy, mại dâm, buôn lậu, thanh toán băng đảng… Con số này đặc biệt cao ở Paris và vùng phụ cận (48%), 17% tại các ngôi lành xa xôi, hẻo lánh.

16% số người được hỏi cảm thấy bất an ngay chính trong nhà, do lo sợ trộm đột nhập. Các gia đình ở thành phố có nguy cơ bị trộm đột nhập nhiều hơn so với nông thôn, nhất là vào ba tháng hè. Tuy nhiên, tỉ lệ trộm đột nhập vào tư gia đang có xu hướng giảm. Ngược lại, tỉ lệ ăn cắp nhắm vào tài khoản ngân hàng lại có xu hướng bùng nổ, tăng 142% so với năm 2010.

Nhưng mối lo ngại lớn nhất của người Pháp hiện là khủng bố, vốn không hề hiện diện trước trước vụ tấn công đẫm máu vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 01/2015 và vụ khủng bố tại nhà hát Bataclan hồi tháng 11/2015. 32% số người được hỏi lo sợ Hồi Giáo cực đoan. Tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với số người bận tâm về nạn thất nghiệp, công việc bấp bênh, sức khỏe, môi trường, an toàn giao thông, kỳ thị và phân biệt đối xử…

Trang nhất các báo Pháp

Huyền thoại nhạc Pháp Johnny Hallyday qua đời ngày 06/12/2017. Báo Le Monde ra sạp sớm từ chiều hôm qua chạy tít « Johnny Hallyday, một thần tượng Pháp ». Cũng giống như Le Monde, báo Libération dành trọn trang nhất cho hình ảnh ca sĩ Johnny Hallyday với hàng tít ngắn « Chào các bạn » và dành bài xã luận cũng như gần 20 trang bài bên trong cho « ngọn lửa Johnny ». Le Figaro chào « Vĩnh biệt Johnny » và dành bài xã luận cho « kho báu quốc gia » mang tên Hallyday. Các báo đều dành nhiều trang bài bên trong cho cuộc đời, sự nghiệp, những người phụ nữ, những kỷ lục, những khúc quanh trong cuộc đời Johnny Hallyday.


Báo La Croix chú ý đến việc tổng thống Mỹ thừa nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô Israel và chơi chữ coi đó là hành động « thổi bùng ngọn lửa đang âm ỉ cháy ». Còn Les Echos dành sự quan tâm cho ngành đường sắt Pháp qua hàng tựa « Tàu cao tốc TGV giành lại được cảm tình của người Pháp ». Từ đầu năm tới nay, tàu TGV đã phục vụ 8 triệu lượt khách. Và chỉ trong vòng 1 năm, tỉ lệ các chuyến tàu kín chỗ đã tăng từ 10% lên thành 20%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét