Hình minh họa Tam quyền phân lập. Courtesy of blog Dandensg
Sự bế tắc?
Chính phủ Hà Nội mới ra quyết định
về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó có phần nêu rõ rằng nếu Đảng viên
nào đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự” sẽ bị kỷ luật
bằng hình thức khai trừ.
Quyết định kỷ luật Đảng viên do
ông Trần Quốc Vượng Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ
nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương ký ban hành. Theo văn bản này thì 3 khung kỷ
luật chính được đưa ra. Đó là kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức và
khai trừ khỏi Đảng.
Hình thức khiển trách là kỷ luật
nhẹ nhàng nhất, dành cho những người bị xúi giục phát tán tài liệu trái với
quan điểm của Đảng, hay có biểu hiện giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng,…
Hình thức cảnh cáo hoặc cách chức
áp dụng cho những Đảng viên nói hoặc làm trái với quy định của Đảng và pháp luật,
hoặc bị lôi kéo tham gia vào các tổ chức chính trị hoạt động trái phép,…
Hình thức khai trừ khỏi Đảng là
nghiêm trọng nhất, trong đó ngoài việc lên tiếng đòi xã hội dân sự hay tam quyền
phân lập, những Đảng viên phát ngôn xuyên tạc lịch sử hay phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng, hoặc đòi đa nguyên đa đảng, bôi nhọ lãnh tụ, móc nối với các thế
lực phản động,…đều bị khai trừ.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, từng là
giảng viên trường Đại học Xây dựng và đã tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt
Nam, cho rằng quyết định này thể hiện sự bế tắc của Đảng:
Tôi cho rằng quyết định này cho
thấy sự quá lúng túng của Đảng Cộng sản. Người ta muốn siết lại để Đảng viên
không được cù quậy gì cả. Cách làm như vậy chứng tỏ họ sắp sụp đổ đến nơi rồi.
Người ta đưa ra những biện pháp kỷ
luật sắt đá quá., siết ghê quá và quá hạn chế quyền tự do của các thành viên,
chứng tỏ tổ chức đó đang nguy hiểm.
Sẽ có một số người ta sẽ dè dặt,
sợ sệt hơn nhưng tư tưởng của người ta khó thay đổi. Một số sẽ mạnh mẽ hơn và
tuyên bố tôi sẽ ra khỏi Đảng.
Đảng nói phải nghe!
Trước khi quyết định này được ban
hành, đã có một số trường hợp bị khai trừ vì làm trái đường lối của Đảng. Điển
hình là luật sư Nguyễn Đăng Trừng, nguyên Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hồ
Chí Minh. Ông đã lên tiếng yêu cầu sự độc lập khỏi Đảng cho đoàn luật sư ở Sài
Gòn. Sau đó ông bị khai trừ với lý do xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối
với hoạt động của Đoàn luật sư.
Luật sư Lê Công Định nói với RFA
rằng trường hợp của luật sư Trừng trước kia và luật sư Võ An Đôn mới đây cho thấy
sự “trả đũa” đối với những người không phục tùng sự chỉ đạo của Đảng.
Luật sư Võ An Đôn, tỉnh Phú Yên
tuy không bị khai trừ khỏi Đảng nhưng bị xóa tên ra khỏi danh sách đoàn luật sư
của tỉnh này vì những phát ngôn của ông trên mạng xã hội và những cuộc phỏng vấn
với báo chí nước ngoài. Ông là người chuyên bào chữa cho những nhà hoạt động vì
dân chủ nhân quyền bị bỏ tù. Luật sư Lê Công Định nói:
Chúng ta thấy rằng những trường hợp
như luật sư Trừng, luật sư Đôn, tuy khác nhau về sự việc nhưng đều giống nhau ở
chổ là cả hai người đều bày tỏ sự không phục tùng sự chỉ đạo của đảng cầm quyền.
Ông Trừng thì không muốn có sự sắp đặt của đảng bộ ở Sài Gòn, muốn ông phải
thôi chức vụ, bởi vì theo ông luật sư phải độc lập, và cái tổ chức luật sư ở
Sài Gòn phải độc lập để bầu ra người lãnh đạo cho nó. Ông đã phản ứng lại việc
ép ông không ra ứng cử nữa.
Trường hợp luật sư Đôn cũng vậy,
ông không thể hiện sự phục tùng đảng cầm quyền. Họ luôn muốn ông là phải có những
phát ngôn không phương hại đến địa vị cầm quyền của họ. Ông làm mất đi điều mà
họ muốn bảo vệ trước mặt công chúng. Luật sư Đôn là người bộc trực, nói thẳng
ra những vấn đề mà đảng cầm quyền không vừa ý.
Một nhân vật khác cũng bị khai trừ
khỏi Đảng là nhà báo tự do Tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Ông là người có nhiều bài viết
về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam. Lý do ông bị khai trừ được nêu rõ là ông
truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng. Tuy nhiên quyết định này
được công bố sau khi ông nộp đơn xin ra khỏi Đảng. Ông Dũng đã không chấp nhận
quyết định này và phủ nhận các cáo buộc cơ quan chức năng đưa ra đối với ông.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lại cho rằng quyết định khai trừ Đảng viên đòi
xã hội dân sự và tam quyền phân lập là điều hết sức bình thường bởi vì bất cứ tổ
chức nào cũng có điều lệ riêng mà người tham gia phải tuân theo:
Công dân có quyền khác và người Đảng
viên có quyền khác. Họ bị ràng buộc bởi vì khi đã vào Đảng thì phải chấp nhận
những quy định, nghị quyết trong điều lệ
Đảng.
Nếu ai không tuân theo những quy
định đó thì họ kỷ luật, thậm chí là người đó không còn trong Đảng vì họ tự nguyện
xin ra. Đó cũng là chuyện bình thường.
Trong tổ chức nào cũng thể, Đảng
hay hội, đoàn thể đều có nội quy. Ai vi phạm nội quy đều có hình thức xử lý. Họ
có tôn chỉ, mục đích. Cho nên tôi cho rằng quyết định đó mang tính chất rất nội
bộ trong Đảng.
Luật sư Thuận khuyên những ai có
ý tưởng xã hội dân sự hoặc tam quyền phân lập có thể xin ra khỏi Đảng để thực
hiện ý định của mình, hoặc vẫn ở lại trong Đảng để đấu tranh.
Ở Việt Nam hiện nay có một số tổ
chức xã hội dân sự mà có thành viên là Đảng viên Đảng Cộng sản, chẳng hạn như
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Nhiều ý kiến
cho rằng quyết định này có thể khiến thành viên của các tổ chức này bị khai trừ
khỏi Đảng. Từ năm 2013 đến 2014, khoảng hơn hai chục tổ chức xã hội dân sự được
hình thành ở Việt Nam.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại
Trương Đình Tuyển trong buổi làm việc về cải cách thể chế tại Hạ Long đã từng
nói đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan
liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự.
Nhà hoạt động xã hội dân sự Giáo
sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng gọi đây là một quyết định cực đoan, kìm hãm sự phát
triển của đất nước:
Giống như khi chiếc xe chuyển động,
luôn có lực ma sát kìm hãm sự phát triển đó. Xã hội cũng luôn luôn như thế. Nếu
Đảng nào không rộng mở, bao giờ cũng có những phần tử cực đoan như vậy. Giữa những
người tiến bộ và những phần tử cực đoan, cái nào thắng thì sẽ đi theo cái đó.
Đảng quyết định như vậy, những
người không thích thì họ xin ra thôi. Nếu cảm thấy quy định của Đảng là hợp lý
thì ở lại.
Nhưng tôi nghĩ những người đã nói
như vậy thì họ sẽ tiếp tục nói chứ không bao giờ khác.
Theo quan điểm của Giáo sư Nguyễn
Thế Hùng, qua quyết định này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gián tiếp tuyên bố rằng
chừng nào còn Đảng thì đừng có mơ tưởng đến xã hội dân sự hay tam quyền phân lập.
Tam quyền phân lập có thể hiểu
đơn giản là 3 quyền của Nhà nước là hành pháp, lập pháp và tư pháp được chia
cho 3 cơ quan độc lập nắm giữ. Ở Việt Nam hiện nay ba quyền này đều do Nhà nước
quản lý.
Khái niệm xã hội dân sự thì phức
tạp hơn, nhưng có thể tóm tắt rằng nó được cấu thành từ các tổ chức xã hội và
dân sự tự nguyện tạo nên một xã hội tự vận hành, khác với cấu trúc quyền lực của
một Nhà nước. Đôi khi khái niệm này được sử dụng theo nghĩa tổng quát hơn, tức
là các yếu tố như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tôn giáo, biểu tình, tư pháp
độc lập,…để tạo nên một xã hội dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét