Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

BOT Cai Lậy mở cửa lại giữa đêm sau cuộc 'biểu tình' tiền lẻ

Khánh An-VOA


                         Trạm thu phí Cai Lậy trong tình trạng hỗn loạn ngày 30/11/2017.


"Biểu tình" bằng tiền lẻ

Vào khoảng 23:30 tối ngày 1/12, trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang, mở cửa trở lại sau một ngày hỗn loạn vì cuộc "biểu tình" bằng tiền lẻ của các tài xế qua trạm.

Trạm thu phí Cai Lậy đã rơi vào tình trạng “thất thủ” nhiều lần hôm 30/11, ngày đầu tiên mở cửa trở lại sau hàng tháng ngừng hoạt động, vì các tài xế đồng loạt trả tiền lẻ và đòi thối lại tờ 100 đồng, vốn rất ít được sử dụng trong giao dịch hàng ngày. Họ nhất quyết “đóng đô” tại trạm cho tới khi nhận được tờ tiền “hiếm”, từ chối việc được đi miễn phí hoặc được thối lại nhiều hơn.

Sự việc đã khiến cho đoạn đường trên Quốc lộ 1 Tiền Giang bị ách tắc giao thông nhiều giờ liền khi nhân viên trạm không có đủ tiền 100 đồng để trả lại cho tài xế.

Lực lượng an ninh và cảnh sát giao thông đã phải tập hợp lại khu vực này để giải quyết tình trạng rối loạn ở khu vực khi hàng dài xe liên tục bóp còi gây áp lực.

Đến khoảng 1 giờ chiều, trạm thu phí Cai Lậy buộc phải ngừng hoạt động.

Một số tài xế đã bị lực lượng công an bắt giữ vì bị cho là có hành vi “gây rối”. Tuy nhiên, Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định với VOA rằng các tài xế trên “không có tội” và cho biết nhiều luật sư sẵn sàng trợ giúp miễn phí nếu họ bị phạt hành chính hay bị khởi tố.

Theo báo Tiền Phong, cảnh sát giao thông Tiền Giang đã tạm giữ 2 tài xế được cho là gây rối trật tự công cộng. Một tài xế cho biết anh bị lập biên bản về việc “đóng phí qua trạm nhưng không chịu đi”, “có lời lẽ xúc phạm đến ngành công an nhân dân” khi la lớn tiếng rằng “công an nhân dân là công an hành dân, công an đày dân”, và “ôm kính chắn gió của xe đặc chủng”. Tài xế này đã được thả về và sẽ phải đến cơ quan công an làm việc tiếp vào sáng ngày 2/12, vẫn theo Tiền Phong.

Luật sư sẵn sàng "vào cuộc"

Từ Sài Gòn, Luật sư Phạm Công Út, cho VOA biết các diễn biến ở BOT Cai Lậy đang được giới luật sư trong nước theo dõi rất kỹ. Bản thân ông cho rằng riêng việc bắt giữ hay xử lý hành chính các tài xế trên là không hợp lý. Ông nói:

“Nếu tôi và các luật sư đồng nghiệp bào chữa cho những người này thì họ không có tội. Về việc có gây ách tắc giao thông hay không thì người thứ nhất họ đóng tiền để qua trạm BOT, người kia thì đòi thối lại số tiền thừa của họ và họ không xin ai hết. Như vậy đây là yêu cầu chính đáng trong một giao dịch dân sự. Còn người thứ nhất, họ tự nguyện thực hiện một giao dịch dân sự mà tại sao anh không thu, rồi anh đòi cẩu xe người ta, người ta không đồng ý vì người ta không có lỗi, không lỗi hành chính và cũng chẳng có lỗi theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Do đó nhiều luật sư có nói chuyện với nhau rằng nếu cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang khởi tố hay phạt hành chính họ, thì sẽ có rất nhiều luật sư nhảy vào trợ giúp miễn phí cho họ”.

Trạm thu phí Cai Lậy là một dự án dạng BOT. Theo đó, Nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư để xây dựng công trình, nhà đầu tư sẽ kinh doanh công trình trong một thời gian nhất định và sau đó chuyển giao công trình cho Nhà nước.

Trong lúc loại hình kinh doanh này đang phát triển chóng mặt tại Việt Nam, nhiều dự án bị chỉ trích là chỗ cho tiêu cực, tham nhũng phát sinh.

Riêng trong dự án thu phí Cai Lậy, người dân cho rằng họ đã đóng tiền thuế để xây dựng nên việc nhà đầu tư tiếp tục thu phí hàng ngày là điều phi lý.

Ngày 14/8, trạm thu phí Cai Lậy đã phải ngừng hoạt động chỉ sau 2 tuần khai trương vì các tài xế đồng loạt dùng tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng hoặc tiền mệnh giá cao như 500.000 đồng để trả cho các mức phí từ 35.000 đồng – 180.000 đồng, khiến nhân viên thu phí mất rất nhiều thời gian để thu tiền, gây kẹt xe hàng giờ liền, buộc chủ đầu tư phải xả trạm, miễn thu phí.

Bộ Giao thông Vận tải ngay sau đó đó phải ra quyết định giảm mức phí qua trạm xuống còn 25.000 đồng – 160.000 đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp ngày 1/12 đã phải yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp để trình Chính phủ đánh giá toàn diện lại dự án này.

Trong chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang cho biết đã phải xin lệnh chuyển tiền 100 đồng từ trung ương về để tiếp ứng khi có nhu cầu.

Tuy nhiên theo LS. Phạm Công Út, đây là một giải pháp mang tính tạm bợ, không giải quyết vấn đề cốt lõi, chưa kể còn mang tính “lợi ích cục bộ”.

Ông phân tích: “Tôi cho đây là lợi ích cục bộ giữa người vay và người cho vay để không biến khách hàng của mình trở thành nợ xấu. Tôi không biết ngân hàng này có phải là đối tác của dự án BOT Cai Lậy hay không nên khoan nói tới điều này, thì cũng vẫn có những lợi ích cục bộ khác như dịch vụ đổi tiền. Một số địa phương dùng mệnh giá tiền lớn như 500.000 đồng để đối lấy tiền 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, thì họ phải chịu khoản phí hoán đổi”.


Trong cuộc họp báo chiều 1/12, Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Nguyễn Nhật khẳng định dự án BOT Cai Lậy không sai pháp luật. Viên chức này nói vụ việc xảy ra ở trạm Cai Lậy hôm 30/11 là do “có đối tượng quá khích, lợi dụng gây rối” và những trường hợp này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét