Ảnh ghép Bí thư thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị
Đinh La Thăng (trái) và cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải). AFP
Phiên họp bất thường của Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội khoá XIV diễn ra vào chiều tối ngày 8 tháng 12 với kết quả
ông Đinh La Thăng bị thôi chức Đại biểu Quốc hội.
Chỉ vài giờ sau đó, những lời đồn
đoán lẫn thắc mắc về số phận của ông Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế
trung ương, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt
Nam PVN trong suốt 1 thời gian dài đã được sáng tỏ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công
an chiều ngày 8 tháng 12 ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La
Thăng với Lý do để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về
quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Đinh La Thăng có phải là ngọn
lửa cao trào thổi bùng lò chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay
không?
Không ngạc nhiên
Tin tức được đưa ra theo hình thức
“nhỏ giọt” từng diễn biến một. Trước tiên là kết quả phiên họp bất thường của Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội. Tất cả ủy viên có mặt đồng thuận với nghị quyết cho
thôi chức đại biểu quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Vài giờ đồng hồ sau đó, báo chí
trong nước đồng loạt đăng tải ngay quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ
Công an về việc khởi tố lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng và có hiệu
lực ngay lập tức.
Những sự việc này, tuy diễn ra
cùng một lúc, mang tính chất rất đột ngột, nhưng với những người quan sát tình
hình chính trị Việt Nam, thì họ không có nhiều ngạc nhiên.
Đưa ra đánh giá đầu tiên về sự việc
này, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, từ Sài Gòn nói với chúng
tôi rằng “Đây là nguyên uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên của Việt Nam bị bắt.”
Nhận định thứ hai theo ông, tuy
đã từng có 1 luồng dư luận đề cập đến việc Đinh La Thăng bị bắt giam, nhưng
ngay chính cá nhân ông trước đây cũng chưa thể khẳng định về hình thức kỷ luật
mà Đinh La Thăng sẽ nhận lãnh. Do đó, “1 nửa ngạc nhiên, 1 nửa không” là trạng
thái ông đón nhận sự việc này.
“Tôi có phần ngạc nhiên. Đây là một
kịch bản lặp lại của sự việc tháng 4 năm 2017. Cuối tháng 4 trong bối cảnh lúc
đó có thông tin ông Thăng không bị hề hấn gì bởi cái vụ Tập đoàn dầu khí quốc
gia. Đột ngột sau đó Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố kết quả kiểm tra đối với
Đinh La Thăng về những sai phạm được coi là hết sức nghiêm trọng. Chỉ 2 tuần
sau đó tại Hội nghị Trung ương 5, Đinh La Thăng chính thức mất ghế Uỷ viên Bộ
Chính trị.
Kỳ này kịch bản lặp lại, cũng 2
tuần. Ngày 25 tháng 11 ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì 1 cuộc họp quan trọng của
Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, đưa ra 1 thông tin công khai, là
trong tháng Giêng và tháng Hai sẽ đưa ra xử 2 vụ, 1 là vụ Trịnh Xuân Thanh, 2
là vụ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Nhưng không đề cập đến ông Đinh La Thăng mà đề
cập trực tiếp đến ông Trịnh Xuân Thanh.
Cho nên lúc đó có dư luận cho là
Đinh La Thăng thoát.”
Cũng “không ngạc nhiên lắm” là phản
ứng của nhà báo tự do Nguyễn Vũ Bình. Theo phân tích của ông, nếu so sánh lại với
sự việc của Trịnh Xuân Thanh từng làm ồn ào báo chí thời gian qua thì sẽ thấy
ngay “việc gì đến sẽ đến”.
“Tôi không ngạc nhiên lắm. Chỉ có
chút thôi. Vì chuyện bắt ông Trịnh Xuân Thanh là nó rất là lớn, phải chịu hy
sinh lợi ích bang giao quốc tế. Cho nên khi đã bắt Trịnh Xuân Thanh thì phải
lôi đến tận gốc rễ của vấn đề. Mà khi đã lôi tận gốc rễ của vấn đề thì sẽ ra đến
việc của ông Đinh La Thăng.”
Ông Trịnh Xuân Thanh mà nhà báo
Vũ Bình vừa nhắc đến là nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp
dầu khí, trực thuộc Tập đoàn dầu khi quốc gia Việt Nam. Trong thời gian làm việc
tại đó từ 2011 đến 2013 ông bị cho là đã làm lỗ và thất thoát một số tiền lên đến
3200 tỉ đồng.
Sau đó ông lại được rút về Bộ
Công thương rồi lại được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu giang. Đó là chức vụ
cuối cùng của ông trước khi bỏ trốn sang Châu Âu và bị Chính phủ Việt Nam truy
nã quốc tế vào tháng 9 năm 2016.
Ngày 31 tháng 7 năm 2017, báo chí
trong nước đưa tin ông về nước đầu thú ở Bộ Công an Việt Nam, xuất hiện trên
đài truyền hình nhà nước Việt Nam nói rằng ông đã phạm sai lầm và quyết định về
nước đầu thú.
Tuy nhiên báo chí tiếng Việt và
tiếng Đức tại Đức cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã bị nhân viên an ninh Việt
Nam sang Đức bắt cóc đưa về nước qua đường Cộng hòa Czech. Nước Đức sau đó nói
rằng ông Thanh bị bắt cóc trên lãnh thổ Đức và yêu cầu trả lại ông Thanh cho
phía Đức. Yêu cầu này không được đáp ứng và Đức đã đình chỉ quan hệ đối tác chiến
lược với Việt Nam.
Cho đến nay Việt Nam vẫn không
lên tiếng xác nhận hay phủ nhận việc có bắt cóc ông Thanh trên đất Đức hay
không.
Cũng không khác với những nhận định
trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng sự việc này đối với ông là hoàn toàn nằm
trong “đường đi có thể suy đoán được”. Từ Hà Nội, ông nói với chúng tôi ông
không hề ngạc nhiên.
“Không có gì ngạc nhiên vì bản chất
của cuộc đấu đá phe phái, logic của nó phải là như vậy.”
Chưa phải là hồi kết
Lý do bắt giam và khởi tố ông
Đinh La Thăng được cho biết là vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương
(OceanBank) và mất trắng số tiền này.
Cả PVN và Oceanbank đều là những
cái tên “nặng ký” trong chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng đề xướng và làm “Tổng tư lệnh”.
Thế nhưng, Đinh La Thăng liệu có
phải là cội rễ cuối cùng của 1 trong những đại án tham nhũng hay không? Câu trả
lời của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là “chưa phải”. Và ông cũng cho rằng việc
bắt giam khởi tố Đinh La Thăng “chưa phải là cao trào của “Bản Giao hưởng Chống
Tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.”
Ông Phạm Chí Dũng nói tiếp.
“Vấn đề Đinh La Thăng chỉ là tiền
đề của 1 cuộc chiến sinh tử của ông Nguyễn Phú Trọng, của cá nhân ông Nguyễn
Phú Trọng, thể diện ông Nguyễn Phú Trọng và cũng là sự nghiệp chính trị của ông
Nguyễn Phú Trọng.”
Tương tự với quan nhận định này
là quan điểm của nhà báo Vũ Bình khi cho rằng Đinh La Thăng chưa phải là nhân tố
kết thúc câu chuyện chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.
“Theo tôi thì nó chưa kết thúc.
Và nếu như logic của vấn đề phát triển, thì suy nghĩ của tôi là sẽ động đến cấp
cao hơn ông Đinh La Thăng, chúng ta biết là người đã về hưu rồi. Đây là cuộc
chiến có lẽ không khoan nhượng chứ không đơn thuần là đánh từ vai đánh xuống.”
Thêm vào đó, nhà báo Vũ Bình
không cho rằng đây là cuộc chiến chống tham nhũng. Vì theo ông, gốc rễ của tham
nhũng là cơ chế, khi chưa thay đổi, giải quyết được cơ chế tất cả việc chống và
đánh tham nhũng chỉ là tranh giành phe phái.
Tuy rằng theo nhà báo độc lập Phạm
Chí Dũng, rất khó để đưa ra dự đoán về bước kế tiếp, nhưng theo quan điểm cá
nhân ông, rất có thể hồi kế tiếp của việc này là con đường dẫn đến cửa nhà của
“cấp cao hơn Đinh La Thăng và đã về hưu”
“Như vậy thì đường đi của ông Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng rất có khả năng sẽ dẫn thẳng đến cửa nhà của ông Nguyễn
Tấn Dũng, là cựu Thủ tướng.”
Thế nhưng, ông nhấn mạnh suy nghĩ
này “chỉ là 50/50”. Phân tích rõ hơn, nhà báo Phạm Chí Dũng nói rằng “Việt Nam
không phải là Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng không phải là Tập Cận Bình”
“Muốn làm việc lớn thì phải có
cái đầu lớn, lá gan lớn và những cánh tay mạnh mẽ. Trong suốt gần 2 năm vừa
qua, có thể nói thành tích chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được coi
là quá nhỏ bé, khiêm tốn so với Trung Quốc. Cho nên chuyện ông muốn làm 1 việc
gì đó lớn phải đòi hỏi bản lĩnh ghê gớm lắm. Riêng đối với cá nhân tôi là sự
nghi ngờ.”
Chính vì vậy, tuy nói rằng sau
Đinh La Thăng, con đường đi tiếp theo của ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ dẫn đến
trước cửa nhà của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ông Phạm Chí Dũng cũng nhấn mạnh
là sẽ không dễ dàng như dư luận đồn đoán.
Qua tất cả những quan sát và phân
tích của những người quan tâm đến tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, câu hỏi
“Sau Trịnh XuânThanh, sau Đinh La Thăng sẽ là ai?” vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét