Mẹ Nấm bị áp giải sau phiên phúc thẩm hôm 30/11/2017. Courtesy of
Facebook Nguyen Nu Phuong Dung
Không nao núng
Thời gian gần đây nhiều nhà hoạt
động dân chủ nhân quyền cũng như các nhà quan sát đều nhận thấy rằng chính phủ
Hà Nội ngày càng gia tăng đàn áp đối với phong trào đấu tranh của họ.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án
của blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngày 30/11 đã giữ y án 10 năm tù
giam đối với cô. Các luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm cho biết họ được phép tranh tụng
tuy nhiên tòa tảng lờ những lý luận họ đưa ra. Phiên tòa diễn ra chỉ một ngày
trước buổi đối thoại nhân quyền hàng năm giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU.
Cũng trong cùng một tuần lễ, nhà
hoạt động Nguyễn Văn Hóa bị tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế tại một
phiên tòa diễn ra bất ngờ trước lịch được thông báo. Anh bị kết tội tuyên truyền
chống Nhà nước Việt Nam theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
Đây là hai sự kiện gần đây nhất
mà các nhà quan sát cho rằng đã đánh thêm một dấu mốc vào cuộc đàn áp mạnh tay
của chính quyền Hà Nội đối với giới đấu tranh dân chủ. Cuộc đàn áp này được nhận
xét đã kéo dài mấy tháng nay, và giai đoạn đỉnh điểm là 5 thành viên của Hội
Anh Em Dân Chủ bị bắt chỉ trong vòng vài tuần lễ. Nhiều nhà hoạt động khác bị
công an triệu tập, hoặc câu lưu.
Trước phiên tòa xử Mẹ Nấm chỉ 2
ngày, luật sư Võ An Đôn tỉnh Phú Yên đã bị xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật
sư tỉnh này vì những phát ngôn của ông trên Facebook và những bài phỏng vấn của
ông trên báo chí nước ngoài. Ông cho rằng cơ quan chức năng hành động như vậy để
ngăn cản ông tham gia vào phiên phúc thẩm của Mẹ Nấm.
RFA trao đổi với nhà hoạt động –
cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng vài tiếng đồng hồ sau khi phiên xử Mẹ Nấm
kết thúc. Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng cuộc đàn áp dữ dội từ phía chính
quyền gây ra những ảnh hưởng như thế nào tới tâm lý các nhà hoạt động, bà Bùi Hằng
khẳng định:
Mặc dù biết sự tàn khốc đó đã có
dấu hiệu và đã đang diễn ra, và thậm chí là tiếp tục diễn ra nhiều hơn nữa,
nhưng trong một bối cảnh người dân càng ngày càng nhận ra hiện tình xã hội và
những người đấu tranh như chúng tôi đã biết trước con đường mình đi, thì tôi
cho rằng sự khủng bố, đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền với những bản án dành
cho người đấu tranh sẽ không làm thui chột đi ý chí đấu tranh.
Một số nào đó trong thành phần
người dân trong xã hội thì có thể tỏ ra hoảng sợ. Nhưng với những người đã dấn
thân đấu tranh thì chúng tôi không có gì nao núng cả. Và tôi nghĩ rằng phải có
sự khốc liệt và tàn bạo hơn nữa thì mới đẩy sức bật và sự chịu đựng của người
dân vượt qua khỏi cái ngưỡng chịu đựng của họ. Lúc đó họ sẽ đứng lên đấu tranh.
Bà Hằng từng chịu án 3 năm tù
giam vì tội gây rối trật tự công cộng khi bà tham gia biểu tình chống Trung Quốc.
Bà mãn án tù hồi đầu năm nay. Sau khi được trả tự do, bà vẫn tích cực tham gia
phong trào đấu tranh đòi dân chủ, và quyền lợi chính đáng cho người dân. Bà
cũng thường xuyên lên tiếng về những sự việc bất công trong xã hội. Vài tuần lễ
trước, bà bị công an câu lưu đưa về đồn khi đang đi thăm hỏi người thân.
Một nhà hoạt động khác là anh
Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội cho rằng cuộc đàn áp của chính quyền sẽ vô hình chung
nuôi nấng sự phẫn nộ trong tâm can một bộ phận người dân:
Tất nhiên trước sự tấn công rất mạnh
mẽ này, cũng có những người đấu tranh rất mệt mỏi. Sức người thì có hạn mà sự tấn
công thì liên tục, diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực. Kể cả về mặt pháp lý cũng
như những trò mưu hèn kế bẩn đánh vào việc mưu sinh, hay chẳng hạn như ném mắm
tôm và sơn ném vào cửa nhà những ngườ dám lên tiếng.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng khi sự
đàn áp mạnh mẽ như vậy cũng sẽ tạo ra sự phẫn nộ ngấm ngầm trong quần chúng. Điều
này sẽ là ngòi nổ làm bùng lên những đợt đấu tranh trong tương lai.
Ông Nguyễn Lân Thắng cũng từng bị
an ninh câu lưu nhiều lần. Bản thân ông và gia đình, người thân thường xuyên bị
theo dõi, tấn công như một sự trả đũa nhằm dập tắt tiếng nói của ông.
Nhiều tổ chức về nhân quyền trong
và ngoài nước đã lên án tình trạng bắt bớ các nhà hoạt động ôn hòa ở Việt Nam.
Điển hình như Tổ chức Ân Xá Quốc tế đã lên án hành động bắt giữ một loạt các
thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Hay 17 tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế
đã viết thư yêu cầu các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC gây áp lực
để Việt Nam ngừng các cuộc đàn áp dân chủ.
Mới ngày 28/11 vừa qua, Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã thúc giục Liên minh châu Âu gây áp lực
trong buổi đối thoại nhân quyền sắp tới để Việt Nam phóng thích hơn 100 tù nhân
chính trị.
Trong buổi nói chuyện với RFA vào
ngày 29/11, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch ông Phil
Robertson đã gọi hệ thống pháp lý ở Việt Nam là một trò hề. Ông cũng nhấn mạnh
rằng toàn án Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản và các bản án cho
tù nhân chính trị đều do Đảng định sẵn.
"Điên cuồng"
Nói về những bản án cho tù nhân
chính trị nói chung và bản án cho Mẹ Nấm và anh Nguyễn Văn Hóa nói riêng, bà
Bùi Hằng mô tả đây là dấu hiệu của “sự điên cuồng” từ phía chính quyền:
Họ kết án mà hoàn toàn không có một
chính cứ pháp lý gì cho những người đấu tranh. Một điều rất trắng trợn rằng tại
sao phản đối Formosa lại là chống đối tổ quốc? Formosa không phải là tổ quốc và
nhân dân Việt Nam. Quyền lợi của nhân dân Việt Nam đang bị đe dọa bởi Formosa.
Nhưng những người lên tiếng chống Formosa lại bị kết án rất nặng nề.
Nhiều nhà hoạt động bị bắt bớ
liên quan đến thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa của Đài Loan gây ra tại
các tỉnh miền Trung vào năm ngoái. Bản thân Mẹ Nấm cũng là người tích cực lên
tiếng đòi khởi tố Formosa, trả lại môi trường trong sạch cho người dân. Anh
Nguyễn Văn Hóa cũng là người đầu tiên sử dụng flycam để ghi lại cảnh hơn chục
ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa hồi tháng 10 năm ngoái.
Ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng chiến
dịch đàn áp trở nên khốc liệt như hiện tại là do thế lực của Việt Nam đã bộc lộ
nhiều dấu hiệu của sự lung lay, đồng thời áp lực từ quốc tế không còn mạnh mẽ như
trước, đặc biệt là từ phía Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump:
Chế độ không còn quan tâm đến
nhân quyền nữa và họ có thể đàn áp một cách thẳng tay để giữ sự ổn định. Hơn nữa,
trong bối cảnh sự bùng phát của công cuộc đấu tranh diễn ra trong một chiều sâu
và chiều rộng rất lớn. Họ là những kẻ độc tài, đặt địa vị là tôi thì tôi cũng
phải đàn áp vì nếu không đàn áp ngày hôm nay thì ngày mai sẽ có chuyện. Cho nên
dù biết cái giá phải trả nhưng họ vẫn hành động để chế độ tồn tại càng lâu càng
tốt và may ra tìm được cửa thoát cho chế độ độc tài này.
Kết thúc buổi nói chuyện với
chúng tôi, ông Thắng hình dung lại cảnh tượng Mẹ Nấm đứng trước vành móng ngựa
giữa một lực lượng an ninh đông đúc. Phía sau người phụ nữ ấy là mẹ già và hai
đứa con nhỏ. Ông nói rằng tình cảnh này có thể xảy đến với cứ ai trong giới hoạt
động, nhưng hầu hết họ đều có sự chuẩn bị về tâm lý và sự dấn thân của họ sẽ là
một tấm gương cho thế hệ đấu tranh trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét