Việt Nam gia tăng đàn áp giới bất đồng chính
kiến vì chính phủ Hoa Kỳ lơ là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam?-EPA
Việt Nam đang tiến hành một cuộc đàn áp lớn nhất đối với giới
bất đồng chính kiến trong nhiều năm qua và các nhà hoạt động cho rằng chính quyền
Việt Nam đã mạnh tay hơn do sự thiếu quan tâm về nhân quyền của chính quyền Mỹ
Donald Trump, theo bài ngày 2/8 của Matthew Tostevin, trưởng văn phòng Reuters
tại Việt Nam.
Quyết định từ bỏ Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái
Bình Dương (TPP) đã loại bỏ một yếu tố thúc đẩy Hà Nội cải thiện tình hình nhân
quyền, Reuters dẫn lời các nhà hoạt động.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói sẽ tiếp tục nhấn mạnh rằng
mối quan hệ song phương giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào tiến bộ của Hà Nội trong
vấn đề nhân quyền.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ngăn
chặn các blogger và giới phê bình có tiếng nói về những vấn đề như sự cố cá chết
vào năm ngoái.
Ít nhất 15 người đã bị bắt vào năm 2017 - nhiều hơn bất cứ
năm nào kể từ cuộc đàn áp các nhà hoạt động thanh niên vào năm 2011 - theo số
liệu của Reuters thu thập từ chính quyền địa phương và trung ương.
Bốn nhà hoạt động cùng bị bắt trong ngày 30/7
đều là thành viên Hội Anh Em Dân Chủ
Bốn nhà bất đồng chính kiến - một mục sư, một kỹ sư, một
nhà báo và một luật sư - đã bị bắt vào tuần trước.
Tự do ngôn luận
"Các hoạt động xã hội dân sự và phong trào dân chủ và
nhân quyền đã gia tăng trong vài năm gần đây và với mạng xã hội, tiếng nói của
họ ngày càng có tiếng vang hơn", Nhà hoạt động xã hội dân sự, Tiến sĩ Nguyễn
Quang A nói.
"Điều đó là một vấn đề cho nhà cầm quyền," ông A
nói thêm.
Trong 18 tháng qua, ông A nói rằng ông đã bị giam giữ đến 12
lần mà không hề bị buộc tội, trong khi không hề bị giam giữ đến một lần 18
tháng trước đó.
Chính quyền Việt Nam thì nói chỉ đang chống lại những cá
nhân vi phạm pháp luật, bằng những ràng buộc nghiêm ngặt về tự do ngôn luận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: "Mọi
hành vi vi phạm pháp luật đều được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật
Việt Nam", phản ứng lại chỉ trích của Liên Hiệp Quốc về việc bỏ tù một
blogger.
Thay đổi lãnh đạo
Theo các nhà hoạt động, nhà ngoại giao và các nhà phân tích,
cuộc đàn áp lớn này bắt đầu từ Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 1/2016, khi cán
cân chính trị nghiêng về những cá nhân bảo thủ ưu tiên an ninh nội bộ và kỷ luật.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho biết: "Mặc dù Việt
Nam chỉ có một đảng theo hiến pháp, nhưng nó thực sự có nhiều phe phái và các
nhóm lợi ích đằng sau hậu trường."
"Tình hình chính trị đang chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ
với các nhà hoạt động, mà còn trong Đảng Cộng sản."
Trong khi đó, các nhà hoạt động bắt đầu lên tiếng nhiều hơn
với các cuộc biểu tình đường phố liên tiếp bùng nổ vào năm ngoái sau thảm họa
cá chết do nhà máy thép Formosa của Đài Loan.
Trong số các blogger có hồ sơ cá nhân nổi lên trên các cuộc
biểu tình Formosa là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Mẹ Nấm, bị tuyên án 10 năm tù và Trần
Thị Nga, người bị phạt tù 9 năm vào tháng trước.
Nhân tố Trump
Washington không chỉ không quan tâm đến khu vực hay nhân quyền
mà Tổng thống Donald Trump cũng không cho Việt Nam thêm bất kỳ lí do nào để nỗ
lực hơn về vấn đề nhân quyền khi ông từ bỏ TPP.
"Việt Nam nhận ra họ chẳng gặp bất lợi gì cho việc đàn
áp như họ luôn mong muốn," Phil Robertson thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
nói.
"Trump và các chính sách của ông ta khiến cho tình trạng
[vi phạm nhân quyền] này tồi tệ hơn."
Nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sự gia tăng các vụ bắt
giữ nhà hoạt động Việt Nam kể từ đầu năm 2016 là "rất đáng lo ngại"
và kêu gọi thả tất cả tù nhân lương tâm.
"Tiến bộ về nhân quyền sẽ cho phép mối quan hệ đối tác
Hoa Kỳ - Việt Nam đạt được tiềm năng to lớn nhất", Justin Higgins, phát
ngôn viên của Văn phòng Vụ Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao, phát biểu.
Việt Nam chưa đưa ra phản ứng về bài báo của Reuters.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét