TT Blog: Đào tạo giáo viên xong chuyển qua làm nghề khác, một "siêu giải pháp" chỉ có ở Việt Nam...Trích: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong buổi họp
mới đây với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói tới một giải pháp, sẽ chuyển đổi
giáo sinh đã tốt nghiệp sang một ngành khác. Nhưng, giá như mọi thứ cứ đơn
giản như thế.".
Được làm giáo viên là ước mơ của rất nhiều người (ảnh minh
hoạ)Đào Ngọc Thạch
Thúy Hằng
Thu là bạn thân của tôi từ thuở học vỡ lòng, hai đứa học
chung 12 năm, cho đến ngày nộp hồ sơ thi đại học thì mỗi người chọn mỗi con đường
riêng. Thu rủ tôi thi sư phạm để hai đứa tiếp tục hành trình, nhưng
đam mê báo chí trong tôi lớn hơn. Ngày tôi nhập học, mẹ tôi vẫn buồn bã: “Hay học sư phạm hả
con, sau này dễ xin việc, lại làm ở gần nhà”, tôi cười và xách ba lô, “nếu làm
nghề gì mình không đam mê, chẳng làm tốt được đâu mẹ ạ”.
Tôi và Thu cùng tốt nghiệp trong tháng 6 của một mùa hè, tôi
đi làm từ trước đó nên vẫn tiếp tục công việc thường nhật của một phóng viên: ở
ngoài đường nhiều hơn trong nhà, 11 giờ đêm có khi vẫn ba lô và xe máy ngoài quốc
lộ. Thu chưa xin được việc, dù cô tốt nghiệp Khoa sư phạm ngữ văn của Đại học
quốc gia Hà Nội với tấm bằng loại giỏi. Thu bảo tôi trong thời gian chờ xin việc
sẽ học tiếp lên cao học. Cô nhận tấm bằng thạc sĩ sau đó vài năm.
Trong quãng thời gian đó, cô vẫn tích cực xin việc ở khắp
nơi, Hà Nội, Thái Bình (quê ngoại) và Quảng Ninh - nơi cô sinh ra và lớn lên.
Song, có lần thi công chức không đậu (dù được đặc cách bỏ qua phần thi lý thuyết),
nhiều lần sau đó, các tỉnh thành cô đến đều nói đã đủ chỉ tiêu công chức, một
thời gian dài nữa họ sẽ không tuyển thêm giáo viên mới. Tôi nói Thu thử đi xin
ra ngoài huyện đảo, hay miền núi xem có dễ dàng hơn không, cô bảo, cũng đã thử
và không khả quan.
Cũng may, vì học khá môn toán, trong khi học cao học, Thu học
thêm trung cấp kế toán. Tốt nghiệp, cô xin vào làm ở một công ty tư nhân, thu
nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này giúp Thu nuôi sống bản thân nơi xứ
người và nuôi ước mơ, một ngày nào đó được làm cô giáo.
Thu học giỏi văn, cô viết chữ trên bảng rất đẹp, có những
mùa hè cô về quê nhà và dạy học miễn phí cho những đứa trẻ. Tôi thấy trong đôi
mắt Thu là cả một trời ước mơ. Được đứng trên bục giảng. Được nói về thơ Nguyễn
Du, được bình luận truyện ngắn của Nam Cao, Kim Lân, nhiều lắm...
Nhưng, đã 4
năm trôi qua, Thu lấy chồng, rồi sinh con, cô vẫn cần mẫn đi làm kế toán và chờ
đợi một cơ hội để được làm giáo viên. Nhưng, chưa biết phải chờ đến bao giờ.
Cuộc sống mỗi ngày đòi hỏi phải nhiều chi tiêu hơn, mới đây,
Thu làm thêm nghề bán cá online. Thu lấy hàng của người quen, cô rao bán tôm, mực,
cá trên cá nhân facebook của mình. Không lãi nhiều, song cũng giúp cô có thêm
tiền mua bỉm, sữa cho con.
Huyền, con của dì tôi, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hưng Yên
đã 5 năm. Vật vã, Huyền xin được làm cô giáo dạy tiếng Anh hợp đồng cho một trường
tiểu học trong huyện, tổng cộng các khoản tiền được gần 1,5 triệu đồng cho một
tháng làm kín 28 ngày. Huyền bị viêm họng liên miên, stress suốt ngày do áp lực
và nỗi lo sợ một ngày mất việc.
Để mưu cầu cuộc sống và nuôi giấc mơ làm cô giáo, nhiều người
thân quanh tôi đã làm đủ nghề hoặc chấp nhận lương tháng bèo bọt nhất, miễn rằng,
họ có niềm tin, rồi họ sẽ có một suất biên chế và những năm tháng được đào tạo
trong trường học không đổ xuống sông xuống biển.
Những ngày gần đây, báo chí mạnh mẽ lên tiếng về việc điểm
chuẩn sư phạm giảm sút, hơn 9 điểm cho 3 môn đã đủ đỗ sư phạm; nhu cầu giáo
viên các tỉnh thành ít trong khi số lượng giáo sinh tốt nghiệp mỗi năm rất cao,
chưa kể số sinh viên ra trường nhưng thất nghiệp nhiều năm trước vẫn ứ đọng lại...
Thu, Huyền và nhiều giáo sinh khác chỉ biết thở dài.
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm qua (17.8), Bộ
trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ siết chặt chất lượng đào tạo ngành sư
phạm và giải quyết căn cơ tình trạng dôi dư nguồn nhân lực của ngành.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong buổi họp
mới đây với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói tới một giải pháp, sẽ chuyển đổi
giáo sinh đã tốt nghiệp sang một ngành khác. Nhưng, giá như mọi thứ cứ đơn
giản như thế.
Đào tạo ngành nào cũng cần chuyên sâu và rất tốn kém để có
thể có chất lượng tốt nhất. Một thạc sĩ - cử nhân sư phạm ngữ văn cần học ít nhất
6 năm. Bao nhiêu tiền bạc, mồ hôi, nước mắt của gia đình, xã hội đã bỏ ra, sẽ
phải mất thêm bao nhiêu tiền - nước mắt nữa, để đào tạo thêm một chứng chỉ cho
giáo sinh chuyển nghề, dù chưa hay biết, giáo sinh có thể làm công việc mới
không.
Tôi nhớ đến bình luận của một bạn đọc Báo Thanh Niên: “Chuyển
sư phạm qua ngành nghề khác là ngành nào? Thầy thuốc hay là kỹ sư xây dựng? Có
lẽ chỉ qua công nhân may, da giày học 3 tháng là nhanh nhất”.
Trong thoáng chốc, tôi thấy Thu, cô bạn tôi có tầm nhìn xa
và cực kỳ may mắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét