Ông Daniel Kritenbrink nói về chuyến đi của Tổng thống Obama
tới Việt Nam và Nhật Bản tại Trung tâm Báo chí nước ngoài Washington vào ngày
18 tháng 5 năm 2016. Screen capture of U.S. Department of State's video
Daniel Kritenbrink
Nguồn tin từ Nhà Trắng hôm 26 tháng Bảy xác nhận tổng thống
Donald Trump đã bổ nhiệm một tân đại sứ cho Việt Nam là nhà ngoại giao kỳ cựu
Daniel Kritenbrink.
Ông Daniel Kritenbrink được đánh giá là một nhà ngoại giao
chuyên nghiệp có bề dày kinh nghiệm về các vấn đề Á Châu, là cố vấn cao cấp
trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia trong chính sách đối với Bắc Hàn,Tốt nghiệp ngành Khoa Học Chính Trị từ đại học Nebraska,
thông thạo tiếng Hoa và tiếng Nhật, ông Daniel Kritenbrink bước vào lãnh vực
ngoại giao năm 1994, từng đảm nhiệm chức vụ phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh trước
đây.
Dưới thời tổng thống Barack Obama, ông Daniel Kritenbrink là
giám đốc chuyên trách các vấn đề Châu Á, cố vấn cấp cao về Châu Á thuộc Hội Đồng
An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ. Năm 2016, ông là một trong những nhân vật chủ chốt sắp
xếp chuyến công du Việt Nam cho tổng thống Barack Obama.
Nhận xét
Bổ nhiệm một nhà ngoại giao kinh nghiệm về Châu Á làm đại sứ
Mỹ tại Việt Nam là điều tốt nhưng xem ra có cái gì đó không đúng với phong cách
Donald Trump lắm, là nhận xét đầu tiên của ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung
tâm Hợp Tác Trí Tuệ Việt Nam, tác giả cuốn sách Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế
Nào:
“Bởi vì Donald Trump thích và muốn lựa chọn người theo kiểu
Donald Trump, có nghĩa là đối với một số vị trí quan trọng như ở Trung Quốc hay
vài nơi khác thì Donald Trump sẽ chọn những người gọi là những chính trị gia.
Tuy nhiên tôi có cảm tưởng như vì thời gian không cho phép và vì APEC sắp tới ở
Đà Nẵng chỉ còn vài tháng nữa, cũng như chưa tìm được người nào thích hợp theo
phong cách Donald Trump cho nên họ đã chọn một người có kinh nghiệm về ngoại
giao và thông thạo vùng này hơn là một người theo phong cách Donald Trump.”
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển Của
Việt Nam VIDS, trình bày suy nghĩ đầu tiên của ông về tân đại sứ Daniel
Kritenbrink:
“Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã đến Việt Nam mỗi người một vẻ
nhưng có mười phân vẹn mười hay không phải do phía Mỹ đánh giá, Việt Nam đánh
giá cũng chỉ mới được 50% thôi. Đối với trường hợp ông Kritenbrink này tôi có
trực giác ông là một nhà ngoại giao không chỉ kỳ cựu mà có lẽ còn thuộc vào hạng
số má nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam từ trước đến nay. Ta biết các đại sứ Hoa Kỳ từ
trước đến nay thường là phó đại sứ ở những nước mà cao nhất như ông Osius ở
Indonesia, nhưng riêng ông Kritenbrink này là phó đại sứ Trung Quốc, một chuyên
gia thượng thặng về Bắc Triều Tiên, lại giỏi tiếng Nhật và tiếng Tàu. Phó đại sứ
Mỹ tại Bắc Kinh thì rõ ràng không phải là một nhà ngoại giao tay mơ, chắc chắn
phải có chất lượng như thế nào đó mới được ông Trump chọn.”
Ông Daniel Kritenbrink được chỉ định đến Việt Nam ngay thời
điểm rất đáng chú ý, là nhận định tiếp theo của tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng:
“Rất đáng để ý, có thể nói là khúc quanh mới trong quan hệ
Việt - Mỹ, cũng là đợt sóng ngầm tương đối dữ dội trong địa chính trị khu vực.
Năm này và trong bối cảnh này là có nhiều chuyển động trong quan hệ Việt - Mỹ
mà trước đây một vài năm chúng ta không thể hình dung được. Ví dụ chuyện tập trận,
chuyện hạm đội Mỹ sẽ vào Cam Ranh... Hai lý do tôi vừa nói là những biến động,
những thay đổi có thể nói là về chất trong quan hệ Việt Mỹ. Trong bối cảnh đó
tôi thấy việc thay đại sứ là rất có ý nghĩa, còn sẽ như thế nào thì chúng ta phải
chờ, nói trước thì sớm quá.”
Kỳ vọng
Với câu hỏi là người ta có thể kỳ vọng điều gì nơi ông
Daniel Kritenbrink một khi ông được quốc hội Mỹ chuẩn thuận chức vụ đại sứ đặc
mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam trong thời gian tới, nhà quan sát Nguyễn Cảnh
Bình của Trung Tâm Hợp Tác Trí Tuệ Việt Nam nói rằng ông không chờ đợi gì nhiều
lắm, nghĩa là thời gian đầu sẽ không có gì thay đổi trong các chính sách của Mỹ
về Việt Nam.
"Ông ấy cũng sẽ giống những nhà ngoại giao chuyên nghiệp
trong những năm qua, sẽ duy trì, xây dựng và giúp những mối quan hệ với Việt
Nam tốt lên. Ông ta sẽ đảm bảo được lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực này. Là một
nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì ông ta sẽ thực hiện đúng những việc như vậy.
Ít nhất là từ nay cho đến cuối năm thì chúng ta cũng chỉ có
vài tháng để chuẩn bị cho APEC, thì chắc không có gì khác ngoài việc thu xếp những
nghi lễ, những hoạt động thông thường về quan hệ giữa 2 nước trong khu vực.
Về vấn đề Biển Đông tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn chính là
công việc của người Việt Nam. Những đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, nếu nhìn nhận vấn
đề Biển Đông thì đa phần nhìn nhận dưới góc độ lợi ích của Hoa Kỳ nhiều hơn là
nhìn dưới góc độ của người Việt Nam. Dù muốn hay không muốn thì họ cũng không
thể nào hiểu hết được những suy nghĩ những dự định của người Việt Nam. Cho nên
tôi nghĩ vấn đề Biển Đông sẽ là vấn đề của Việt Nam chứ vai trò của đại sứ Hoa
Kỳ trong vấn đề này không lớn.”
Cùng câu hỏi này, nguyên Đại sứ Hà Lan Đinh Hoàng Thắng nhận
định rằng với Việt Nam ông Kritenbrink sẽ có chỗ để thi thố tài năng:
“Tuy là đặc mệnh toàn quyền nhưng đại sứ Mỹ cũng thế, đại sứ
Việt Nam cũng thế, các đại sứ cũng là những người thừa hành đường lối của tổng
thống, thừa hành những chỉ thị của bộ trưởng ngoại giao. Ông Kritenbrink có gốc
gác về vấn đề an ninh quốc gia thì cái này là cái rất quan trọng. Hội Đồng An
Ninh Quốc Gia ở Mỹ có vai trò rất lớn trong hoạch định chính sách. Nếu đã có
background như thế, cộng với đã từng làm phó đại sứ ở Trung Quốc, tôi nghĩ ông
có hiểu biết rất sâu về mối tương tác quan hệ nhiều chiều. Không phải chỉ có giữa
Việt Nam với Hoa Kỳ mà giữa Việt Nam - Hoa Kỳ - Trung Quốc, thậm chí ông lại là
chuyên gia về Bắc Triều Tiên tức vấn đề Đông Á, Nhật, thì trong bối cảnh mới một
chuyên gia thượng thặng như thế nó rất cần thiết cho tình hình Việt Nam. Tôi
nghĩ ông Ktritenbrink sẽ có đất để thi thố tài năng. Còn thi thố thế nào bây giờ
nói trước thì sớm quá. Các đại sứ đến rồi đi nhưng mối quan hệ hai nước thì còn
đấy và nó cần được ở trong tay những chuyên gia rất giỏi."
Đánh giá
Theo đánh giá của trang mạng World Herald Bureau, ông Daniel
Kritenbrink là một nhà ngoại giao tận tụy với công việc. Tháng Năm năm 2016,
trước chuyến viếng thăm được coi là lịch sử của tổng thống Barack Obama đến Việt
Nam, trong tư cách cố vấn cao cấp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ tại DC ông
Daniel Kritenbrink từng tuyên bố rằng nhân quyền luôn là một nhân tố quan trọng,
nếu không muốn nói là trung tâm, trong việc đưa quan hệ song phương Mỹ Việt
thăng tiến hơn lên.
Dưới mắt ông Nguyễn Cảnh Bình, tân đại sứ Daniel Kritenbrink
sẽ không tạo thay đổi về nhân quyền cho Việt Nam vì nhân quyền chỉ là một trong
những vấn đề nhưng không quan trọng bậc nhất để có thể quyết định toàn bộ mối
bang giao Mỹ - Việt:
“Có lẽ cả hai nước vẫn tiếp tục những quan điểm khác biệt về
chủ đề này giống như trong những năm qua, dù tân đại sứ có thể nỗ lực về vấn đề
nhân quyền cho Việt Nam nhưng tôi cho rằng khác biệt vẫn tồn tại, không có gì gọi
là đột biến hay khác biệt gì lắm.”
Trong mắt cựu Đại sứ Hà Lan Đinh Hoàng Thắng, ông Daniel
Kritenbrink vốn xuất thân là cố vấn cao cấp trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ
nên khi làm đại sứ ở Việt Nam thì ông sẽ xử lý mọi vấn đề trong mức độ ngoại
giao nhuần nhuyễn và chuyên biệt hơn, đặc biệt là trong khi chính sách của hành
pháp Trump được giới phân tích cho là không rõ ràng và có tính cách bất chợt,
tùy hứng mà không ai có thể dự kiến được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét