Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Ngày 02/08/1776: Tuyên ngôn Độc lập Mỹ được ký


 

Vào ngày này năm 1776, các thành viên Quốc Hội Mỹ đã ký tên vào một bản sao được phóng to của Tuyên ngôn Độc lập.

Năm mươi sáu đại biểu Quốc Hội đã ký tên vào văn kiện này, bao gồm cả một số người không có mặt trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn bản tuyên ngôn. Các đại biểu đã ký tên theo thứ tự tiểu bang từ Bắc xuống Nam, bắt đầu với Josiah Bartlett của New Hampshire và kết thúc với George Walton của Georgia. John Dickinson của Pennsylvania, cùng với James Duane, Robert Livingston và John Jay của New York đã từ chối ký. Carter Braxton của Virginia; Robert Morris của Pennsylvania; George Reed của Delaware; và Edward Rutledge của Nam Carolina tuy phản đối văn kiện nhưng vẫn ký để tạo ấn tượng về một Quốc Hội thống nhất. Năm đại biểu đã vắng mặt là các tướng George Washington, John Sullivan, James Clinton, Christopher Gadsden, cùng Thống đốc bang Virginia, Patrick Henry.

Đúng một tháng trước khi ký văn kiện, Quốc Hội đã chấp nhận một nghị quyết do Richard Henry Lee đưa ra, trong đó viết “Quyết nghị: Rằng các bang thuộc địa này là, và phải là, các tiểu bang tự do và độc lập, rằng họ được miễn trừ khỏi mọi bổn phận phải trung thành với Vương quốc Anh, và rằng tất cả các mối liên hệ chính trị giữa họ và Nhà nước Anh Quốc được, và phải được, hủy bỏ hoàn toàn.”

Quốc Hội đã thông qua Tuyên ngôn Độc lập, được Thomas Jefferson soạn thảo, hai ngày sau đó, vào ngày 04/07. Chủ tịch Quốc Hội John Hancock và Thư ký, Charles Thompson, đã ngay lập tức ký bản thảo viết tay vốn đã được chuyển cho các nhà in gần đó. Ngày 19/07, Quốc Hội quyết định chuẩn bị thêm một bản sao viết tay với chữ ký của tất cả các đại biểu. Trợ lý của Thompson, Philadelphia Quaker và thương gia Timothy Matlack, đã chép tay bản sao này.

Tin tức về Tuyên ngôn Độc lập đã đến London tám ngày sau đó, ngày 10/08. Bản thảo có chữ ký của các đại biểu đã được in lần đầu tiên vào ngày 18/01 một năm sau đó, bởi thợ in Mary Katharine Goddard ở Baltimore.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét